Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Giấc mơ "rừng trong thành phố"

  • 07:24 | Thứ Bảy, 02/01/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - “Em đi, phố nhỏ động cành dừa…”, “Là thành phố hoa hồng thanh khiết…”, Đồng Hới trong thơ của nhà thơ Xuân Hoàng và Văn Lợi xanh mát màu dừa và thanh khiết sắc hoa. Qua bao thăng trầm, phố mới hôm nay đã nhiều đổi thay, nhưng giấc mơ “rừng trong thành phố” rợp bóng cây xanh và líu lo tiếng chim vẫn luôn trong tim người Đồng Hới. Và giấc mơ ấy đang thành hiện thực bởi những quyết sách đúng đắn vì sự phát triển của thành phố và cho thế hệ tương lai!
 
Chuyện cũ nhớ lại
 
Những năm 90 của thế kỷ trước, khi Quảng Bình trở về địa giới cũ, có câu vè khá nổi tiếng “Muốn xem làm ăn thì vô Đông Hà. Muốn xem làm nhà thì ra Đồng Hới” để chỉ tốc độ xây dựng chóng mặt của thị xã Đồng Hới lúc bấy giờ. Đồng Hới những năm đó vẫn thưa thớt bóng người xe và hoa hồng không phổ biến như bây giờ.
 
Trên một số tuyến đường, nhiều cây cổ thụ biến mất vì quá trình mở rộng đường, quy hoạch lại thành phố. Ở nhiều phường, câu hát “ngõ nhỏ, phố nhỏ, nhà tôi ở đó” như là viết về Đồng Hới bởi những con đường chỉ đủ chỗ cho hai xe con tránh nhau với điều kiện người điều khiển xe phải là “tay lái lụa”. Cây xanh cũng vì vậy mà ít dần đi trong không gian như đại công trường của thị xã sau tách tỉnh. 
Rừng phòng hộ hồ Bàu Tró đang được bảo vệ và phát triển hiệu quả.
Rừng phòng hộ hồ Bàu Tró đang được bảo vệ và phát triển hiệu quả.
Từ sau những năm 2000, Đồng Hới bắt đầu xanh hơn nhờ những công viên dọc bờ sông Nhật Lệ. Đặc biệt, năm 2004, khi Đồng Hới trở thành thành phố đã có nhiều đổi thay về diện mạo. Cây xanh xuất hiện nhiều hơn trên các tuyến phố, đồng thời cũng xuất hiện nhiều ý kiến tranh luận về việc nên trồng cây gì, trồng ở đâu thay vì cách vài mét là một cây hoa sữa mà khi hoa nở rộ đã trở thành nỗi ám ảnh với nhiều người.
 
Cho mãi tới những năm gần đây, khi hoa sữa đã được tỉa thưa và dọc tuyến đường ven sông Nhật Lệ xuất hiện Sò đo cam với hình ảnh đường hoa rực rỡ, những ý kiến tranh luận về cây xanh Đồng Hới vẫn chưa dừng lại. Thành phố Đồng Hới với những đổi thay mạnh mẽ, là điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư và du khách, nhưng không gian xanh đô thị vẫn là điều đáng bàn. Những công viên nhỏ, quy hoạch manh mún, thiếu đồng bộ, tỷ lệ bê tông lấn át cây xanh, hay công viên hồ Đồng Sơn rất lý tưởng bị bỏ hoang nhiều năm bởi những vướng mắc chưa tháo gỡ được… là những băn khoăn trăn trở của rất nhiều cư dân thành phố.
 
Những khó khăn
 
Tốc độ đô thị hóa tỷ lệ thuận với những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan. “Xây dựng những đô thị xanh là xu hướng phát triển thích hợp nhằm cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống và thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong những tiêu chí của đô thị xanh, không gian xanh với mật độ cây xanh, công viên, mặt nước là những yếu tố quan trọng. Ở thời điểm hiện tại, do phần lớn quy hoạch được lập trước đây chưa có sự nghiên cứu, lồng ghép các tiêu chí để hình thành đô thị xanh nên để xây dựng đô thị xanh, xa hơn là biến giấc mơ “rừng trong thành phố” thành hiện thực đang gặp phải nhiều khó khăn!”, ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết.
 
Chia sẻ về mô hình “rừng trong thành phố”, ông Nguyễn Khắc Thức, phường Đồng Hải đồng tình song đồng thời cũng nhận định: Với đặc thù của đô thị Việt Nam, trong đó có Đồng Hới, mặt tiền các đường phố lớn thường được sử dụng để kinh doanh nên việc trồng cây xanh ở những tuyến đường này sẽ bị hạn chế. Bên cạnh đó, việc quy hoạch các công viên nhỏ ở nhiều khu đô thị thiếu sự đầu tư đồng bộ, đã không phát huy được công năng vốn có của công viên, đặc biệt là cây xanh. Ý thức của một bộ phận dân cư về vấn đề này cũng đáng bàn khi ở một số tuyến phố kinh doanh, khi cây xanh ảnh hưởng đến mặt tiền hay hệ thống biển hiệu, người dân đã cố tình làm chết cây để giải tỏa mặt bằng phục vụ kinh doanh… 
 
Để giấc mơ thành hiện thực
 
Trao đổi về những giải pháp cần thực hiện để biến giấc mơ “rừng trong thành phố” thành hiện thực, ông Nguyễn Khắc Thức cho rằng cơ quan chức năng nên có các quy định cụ thể về việc trồng cây đối với mỗi hộ gia đình. Ví dụ trong quá trình cấp phép xây dựng nhà ở, cần bổ sung quy định mỗi hộ gia đình có trách nhiệm trồng, chăm sóc và bảo vệ số lượng cây xanh nhất định. Về công viên, cần thiết phải quy hoạch lại để có những công viên bảo đảm điều kiện, tiêu chuẩn, nhất là về cây xanh, thay vì quy hoạch công viên theo kiểu “cho có” như hiện nay vừa lãng phí quỹ đất vừa không mang lại tác dụng.
Công viên hồ Đồng Sơn bị bỏ hoang nhiều năm bởi những vướng mắc chưa được tháo gỡ.
Công viên hồ Đồng Sơn bị bỏ hoang nhiều năm bởi những vướng mắc chưa được tháo gỡ.
Và trong quá trình đầu tư công viên cây xanh, đối với việc huy động nguồn vốn xã hội hóa, cần có quy định bắt buộc nhà đầu tư hoàn thành các hạng mục phục vụ cộng đồng, bao gồm trồng cây xanh, mới được triển khai các hạng mục dịch vụ khác, thực hiện sai quy định sẽ bị thu hồi.
 
“Tôi vẫn cho rằng “rừng trong thành phố” là một mô hình khó, nhưng nếu có sự quyết tâm, phối hợp đồng bộ, quy định chặt chẽ và có sự học hỏi, áp dụng kinh nghiệm từ các quốc gia đã thực hiện rất tốt như Singapore, Nhật Bản... đồng thời có sự linh hoạt để phù hợp với thực tế của địa phương thì chúng ta hoàn toàn có thể hoàn thành mục tiêu này!”, ông Thức chia sẻ thêm.
 
Giám đốc Sở Xây dựng Lê Anh Tuấn cũng nhấn mạnh: ''Để phát triển đô thị xanh, điều kiện tiên quyết chính là cần có sự thống nhất và định hướng rõ ngay trong công tác quy hoạch, bao gồm quy định quỹ đất cây xanh. Bên cạnh đó cần tuyên truyền, khuyến khích, vận động người dân tham gia phát triển đô thị xanh cũng như có chính sách thu hút các nhà tài trợ, các tổ chức phát triển, nhà đầu tư tham gia xây dựng và phát triển công trình xanh, đô thị xanh!”.
 
Phát biểu trước Quốc hội ngày 10-11-2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề xuất sáng kiến trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới, trong đó có trồng cây ở các khu đô thị. Tại Quảng Bình, trong chuyến kiểm tra thực địa các khu đô thị trên địa bàn TP. Đồng Hới, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng đã gợi mở về định hướng phát triển các khu đô thị gắn với việc xây dựng các công viên theo mô hình “rừng trong thành phố” nhằm bảo đảm không gian xanh của đô thị, đồng thời thiết thực hưởng ứng sáng kiến của Thủ tướng Chính phủ.
 
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng: “Trồng cây từ bây giờ, vài chục năm sau, cũng có thể dài hơn thế nữa, chúng ta sẽ có những khu rừng ngay trong lòng thành phố, góp phần mang lại không xanh cho thế hệ tương lai, đồng thời bảo tồn và phát triển các giống cây trồng bản địa!”

Theo đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, trong bối cảnh biến đổi khí hậu trên toàn cầu, trong đó Việt Nam đã và đang chịu nhiều ảnh hưởng, quy hoạch và phát triển đô thị theo mô hình “rừng trong thành phố” là xu hướng mà nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện hiệu quả. Vì vậy, hưởng ứng sáng kiến trồng 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ, cùng với việc đẩy mạnh trồng và phát triển rừng, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, Quảng Bình, mà trước tiên là các khu đô thị, cần quy hoạch lại các công viên, giảm tỷ lệ xây dựng, tăng tỷ lệ cây xanh gồm các loại cây bản địa.

Với quyết tâm trở thành tỉnh đi đầu trong hưởng ứng sáng kiến trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới của Thủ tướng Chính phủ, đối với TP. Đồng Hới, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã có các ý kiến chỉ đạo cụ thể đối với UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương tiếp tục có các giải pháp duy trì và trồng mới diện tích rừng phòng hộ hồ Bàu Tró, xử lý những tồn tại, vướng mắc của công viên hồ Đồng Sơn để tiến hành trồng các loại cây bản địa, đặt nền móng cho những khu rừng trong thành phố cho thế hệ tương lai!  
 
Bằng tình yêu thiên nhiên, trách nhiệm với thế hệ tương lai cùng những quyết sách đúng đắn, tin rằng giấc mơ “rừng trong thành phố” sẽ thành hiện thực. Để tiếp nối nhà thơ Xuân Hoàng, Văn Lợi, TP. Đồng Hới trong những bài thơ mới sẽ thanh khiết hương hoa và xanh mát bóng cây!
 
Diệp Đồng