Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Rừng xanh trên những hố bom

  • 19:42 | Thứ Tư, 28/10/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trên hầu hết những quả đồi trọc chằng chịt hố bom ở huyện Minh Hóa năm xưa giờ đây đã được khoác lên "chiếc áo" mang sắc xanh của rừng, của sức sống bền vững. Thành quả đó là sự chung sức, đồng lòng của cả Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Minh Hóa trong hành trình dài tìm lại màu xanh cho rừng, cho cuộc sống ấm no của người dân…
 
Phủ xanh đất trống, đồi núi trọc
 
Đi qua chiến tranh, huyện miền núi Minh Hóa trở thành vùng đất trắng, chằng chịt hố bom. Những cánh rừng bạt ngàn từng che chở cho bộ đội, cho nhân dân đã trở thành những quả đồi trọc lóc vì mưa bom, bão đạn tàn phá. Chưa hết, cuộc sống mưu sinh đầy nhọc nhằn, dựa vào việc khai thác lâm sản của đại đa số người dân đã làm cho rừng Minh Hóa thêm một lần nữa bị “chảy máu”...
 
Rừng bị tàn phá nên hầu như năm nào trên địa bàn huyện cũng xảy ra mất mùa do hạn hán và lũ lụt gây nên. Cuộc sống của người dân vốn đã khó khăn lại càng trở nên khốn khó…Cùng với những chính sách quyết liệt trong công tác bảo vệ và phát triển rừng của Đảng và Nhà nước, người dân Minh Hóa cũng dần nhận ra rằng, muốn có cuộc sống ấm no thì không thể cứ mãi vào rừng khai thác tài nguyên đem bán mà phải bảo tồn và phát triển tốt vốn rừng. Và, một hành trình tìm lại màu xanh cho rừng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Minh Hóa được bắt đầu…
 
Các xã biên giới Thượng Hóa, Hóa Sơn, Dân Hóa, Trọng Hóa là nơi có đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống. Trước đây, đồng bào có tập quán di canh, di cư, đốt rừng làm nương rẫy nên rừng thường xuyên bị phá, còn cuộc sống của bà con cứ nằm trong vòng luẩn quẩn đói nghèo. Những năm gần đây, nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước, đồng bào DTTS nơi đây đã định canh, định cư, phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống, trong đó nhiều hộ đã vươn lên có cuộc sống sung túc nhờ trồng rừng kinh tế…
Màu xanh ngút ngàn ở Minh Hóa.
Màu xanh ngút ngàn ở Minh Hóa.
Anh Hồ Lâm ở bản Hưng, xã Trọng Hóa có hơn 7ha rừng tràm cho biết, trước đây cuộc sống gia đình luôn bị đói, nghèo đeo bám. Ðời sống sinh hoạt của gia đình phụ thuộc vào việc trồng lúa rẫy, năm được mùa thì ăn được 6 tháng, còn mất mùa thì phải chạy đói cả năm. Từ trong nghèo khó, anh đã nghĩ ra cách làm mới, học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước, vẫn bám vào rừng nhưng không theo phương pháp truyền thống, như: săn bắt thú, khai thác gỗ mà phải trồng rừng để thoát nghèo. Mỗi năm, gia đình anh thu nhập hàng trăm triệu đồng từ khai thác rừng trồng và chăn nuôi lợn, bò. Kinh tế gia đình ngày càng phát triển, anh có điều kiện chăm lo cho các con ăn học và mua sắm các vật dụng phục vụ sinh hoạt trong gia đình. Mô hình kinh tế của gia đình anh Lâm là một điển hình trong việc thay đổi tập quán khai thác rừng, đang được nhân rộng trên địa bàn xã biên giới Trọng Hóa...
 
Ðến xã Tân Hóa hỏi về chuyện bảo vệ rừng, ai cũng nhắc đến ông Trương Quốc Đô. Gần 30 năm qua, trên một quả đồi trọc rộng hơn 17ha, những cây lim còn sót lại ở vùng đất Cồn Lim nhờ bàn tay chăm sóc, giữ gìn của gia đình ông Đô đã lớn lên thành rừng và ngày càng phát triển tốt tươi. Đây là khu rừng lim lớn nhất huyện Minh Hóa, có giá trị hàng tỷ đồng thuộc sở hữu của một cá nhân. Những năm gần đây, những tấm gương về trồng và bảo vệ rừng như anh Lâm, ông Đô xuất hiện ngày càng nhiều ở Minh Hóa…
 
Hành trình không ngơi nghỉ
 
Là địa phương sở hữu diện tích đất rừng lớn (123.000ha), Minh Hóa xác định công tác bảo vệ và phát triển rừng là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Minh Hóa nhiệm kỳ 2015-2020 khẳng định phát triển lâm nghiệp, trồng rừng là ngành kinh tế trọng điểm của huyện. Đây cũng là một trong 3 chương trình hành động trọng tâm của Đảng bộ huyện Minh Hóa trong nhiệm kỳ vừa qua.
 
Từ những quyết sách phù hợp của Đảng bộ và chính quyền địa phương, cùng với sự đồng thuận tham gia tích cực của người dân trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, những cánh rừng ở Minh Hóa một thời bị tàn phá tan hoang đã dần được phục hồi.
 
Thế nhưng, “ông trời” như thử thách lòng người. Cơn bão số 10 năm 2017 đã làm 4.500ha rừng trồng và một số diện tích rừng tự nhiên của huyện bị gãy đổ, gây thiệt hại nặng nề. Nhiều người nông dân ở Minh Hóa chỉ hôm trước là " triệu phú" khi sở hữu những cánh rừng trồng hàng chục ha, nhưng chỉ một đêm sau cơn bão dữ đã trắng tay...
 
Ngay sau cơn bão, không để người nông dân trồng rừng “bơ vơ”, nản chí, Ban Thường vụ Huyện ủy Minh Hóa đã kịp thời chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các xã, thị trấn hướng dẫn và hỗ trợ nhân dân khẩn trương tập trung khắc phục hậu quả, thiệt hại về rừng. Đồng thời, huyện có chủ trương ưu tiên, khuyến khích người dân chuyển từ trồng rừng với cây keo giâm hom thông thường sang trồng rừng với cây bản địa, cây keo lai nuôi cấy mô, cây có chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, có khả năng chống chọi tốt với bão, đem lại hiệu quả kinh tế cao. 
Nhiều mô hình trồng rừng bằng cây bản địa của người dân Minh Hóa phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Nhiều mô hình trồng rừng bằng cây bản địa của người dân Minh Hóa phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Thực hiện chủ trương trên, UBND huyện Minh Hóa đã lồng ghép, trích các nguồn kinh phí để hỗ trợ mua giống cây keo lai nuôi cấy mô cho nhân dân trồng lại rừng với định mức 2.100 đồng/cây. Đặc biệt, huyện khuyến khích và hỗ trợ các mô hình trồng cây hỗn loài với các giống cây bản địa có giá trị kinh tế cao, như: dỗi, lim, huê, keo lai nuôi cấy mô, triển khai thí điểm tại một số địa phương trong huyện.
 
Tính đến thời điểm này, toàn huyện có 11.628 ha rừng trồng, trong đó có 985ha rừng trồng theo mô hình cây gỗ lớn. Các mô hình trồng cây hỗn loài bằng nhiều giống có giá trị kinh tế cao bước đầu mang lại kết quả tích cực. Công tác bảo vệ, phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng được chỉ đạo thực hiện quyết liệt, hiệu quả.
 
Đồng chí Bùi Anh Tuấn, Bí thư Huyện ủy Minh Hóa cho biết, xác định lợi ích to lớn của rừng trong phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Minh Hóa nhiệm kỳ 2020-2025 khẳng định tiếp tục thực hiện tốt chương trình trồng rừng kinh tế, gắn với trồng cây dược liệu; nhân rộng các mô hình trồng rừng hỗn loài với các loại cây bản địa có hiệu quả kinh tế cao… Minh Hóa đặt mục tiêu mỗi năm trồng mới 1.200ha rừng tập trung…Cùng với đó, công tác bảo vệ rừng cũng tiếp tục được huyện quan tâm thực hiện. Huyện chú trọng công tác tuyên truyền đến từng người dân, chủ rừng về Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Nhờ đó, người dân Minh Hóa đã hiểu hơn về những lợi ích to lớn của rừng; không ngừng nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ, phát triển rừng.
 
Phan Phương