Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Về Kinh Châu thưởng thức ca trù

  • 08:49 | Thứ Năm, 24/09/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Gọi “về’ là bởi ám ảnh theo lời trong ca khúc “Ngược chiều sơn cước” của nhạc sỹ Dương Viết Chiến, phổ thơ Mai Khoa: "Anh đến Minh Cầm Trang/Anh sang Minh Cầm Nội/Thổn thức niềm mong đợi/Theo đò về Kinh Châu". Còn thực ra, từ thành phố Đồng Hới, phải chạy xe ra Bắc, gặp sông Gianh thì ngược thuyền lên, hay xuyên qua Ba Đồn theo quốc lộ 12A xuyên Á chừng hai chục ki lô mét đến chợ Cuồi, như trước đây thì phải qua đò đến Kinh Châu. Làng Kinh Châu thuộc xã Châu Hóa, huyện Tuyên Hóa.
 
Theo tư liệu của cụ Đặng Phàn, cố Hiệu trưởng Trường cấp ba Tuyên Hóa, một nhà giáo đáng kính, từ đầu thế kỷ hai mươi, ca trù đã khá thịnh hành trong diễn xướng văn nghệ dân gian ở các địa phương vùng Bắc sông Gianh như: Kinh Châu, Uyên Phong, Thanh Thủy, Lệ Sơn (Tuyên Hóa), Minh Lệ, Chợ Sãi (thị xã Ba Đồn), Tô Xá (Quảng Trạch)...
 
Năm 1917, cụ Đặng Khuôn ở làng Kinh Châu tự đóng một chiếc đàn đáy cùng với người em gái là Đặng Thị Thước, anh đàn em hát bắt đầu tạo dựng được danh tiếng. Nhiều nơi, khi có lễ trọng đều mời hai anh em đến phục vụ. Sau, do sinh kế, cả gia đình phải tha phương sang Lào.
 
Tiếp bước cha anh, cụ Nguyễn Đình Bổng, một tài danh hay chữ của Kinh Châu cùng với các cụ Nguyễn Khôi, Nguyễn Dục đã giữ được mạch văn hóa mới manh nha và phát huy, đào tạo nên được một lớp ca công và ca nương khá đông đảo, đến nay, đã truyền qua bốn thế hệ. Có thể kể đến các ca nương từ thế hệ thứ nhất, thứ hai đã qua đời đến nay là thế hệ thứ tư: Nguyễn Thị Lộc, Hoàng Thị Tuế, Nguyễn Thị Tuyết, Nguyễn Thị Nguyệt, Nguyễn Thị Hưng, Đặng Thị Dụy, Đặng Thị Tiềm, Đặng Thị Liệu...
 
Cũng theo tư liệu khảo cứu của cố nhà giáo Đặng Phàn, ca trù Bắc sông Gianh nói chung, Kinh Châu nói riêng giống ngoài Bắc ở nhiều điểm: ngân điệu dài, rõ lời. Làn điệu hát gồm nhiều thức: Hát bắc, hát nam, hát thơ, hát phú, hát múa, hát dâng hương, dâng rượu, ca sa mạc... Đàn ca trù theo cung bậc ngũ cung: cung, thương, giốc, trủy, vũ. Bát âm: bàn, thổ, cách, thạch, mộc, kim, ty, trúc. Thanh âm, nhịp điệu khoan nhặt cao thấp xen lẫn tiếng phách gõ nhịp và trống chầu phải đạt độ "xuyên tâm lạc nhãn" (thanh âm đi vào trái tim, trang sức hình múa mãn nhãn-đẹp mắt)...
 
Về Kinh Châu, chúng tôi được người ở đây truyền tụng, ngợi ca về cặp ca nương đã quá cố là hai chị em ruột Nguyễn Thị Hội, Nguyễn Thị Hưng. Hai bà là đệ tử của nghệ nhân tài danh một thời Nguyễn Đình Bổng. Để có được tiếng hát mê đắm lòng người, hai chị em đã trải qua những năm tháng dày công khổ luyện. Cũng giống như hát quan họ phải đạt độ vang-rền-nền-nảy, hát ca trù cũng phải luyện tới độ giữ hơi trong buông hơi ngoài trong nghệ thuật ém-nhấn-nhả sao cho đạt tới hiệu quả truyền cảm cao nhất. 
Cầu Châu Hóa (Tuyên Hóa) nối đôi bờ sông Gianh.
Cầu Châu Hóa (Tuyên Hóa) nối đôi bờ sông Gianh.
Không chỉ là những ca nương nổi danh phục vụ bà con trong những dịp lễ trọng của cộng đồng, tham gia các hội diễn văn nghệ của địa phương, hai bà còn đem khả năng và lòng đam mê truyền dạy cho giới trẻ tiếp nối được di sản quý giá của vùng quê. Thế hệ học trò của hai bà hiện nay cũng đã vào độ bát tuần và cũng đang chuyển giao sang thế hệ tiếp nối. Năm 2014, kỷ niệm 410 năm danh xưng Quảng Bình, hai chị em ca nương Nguyễn Thị Hội, Nguyễn Thị Hưng đã được vinh danh Nghệ nhân dân gian.
                                                
Cũng một thời gian ngắn trước đó, khi đoàn khảo cứu của nhà nghiên cứu Đặng Huỳnh Loan từ Hà Nội vào, tôi được mời đến dự tọa đàm và lần đầu tiên biết được Quảng Bình là một trong 16 tỉnh, thành trên cả nước có sự hiện diện của ca trù. Ca trù ở Kinh Châu còn được mang tên khác là “hát nhà trò”. Cũng qua tìm hiểu mà dần dần ngộ ra vì sao ca trù vào đến sông Gianh thì dừng lại, cũng như hò khoan Lệ Thủy chỉ có từ lưu vực sông Nhật Lệ trở vào. Cuộc phân tranh Trịnh-Nguyễn kéo dài gần 200 năm tạo thành vết đứt gãy văn hóa âu cũng cần một thời gian dài hơn thế để hàn gắn.
 
Chừng đã hai thập niên, năm 2000, lần theo nhà báo Hồng Hiếu đến Kinh Châu, tôi thực sự ngỡ ngàng trước hai người phụ nữ tuổi độ lục tuần, quần ống xăn ống xổ mới được mời từ ruộng khoai về, thoắt biến vào buồng trong, chừng năm phút sau trở ra với trang phục mới trong tay cầm chiếc quạt, và một vùng văn hóa vừa dân gian vừa bác học hiện lên. Trên khoảng sân nhỏ loáng thoáng rêu mới kịp trải một chiếc chiếu, không kịp điều đàn đáy và sanh phách, hai bà vừa hát để tạo nhịp vừa đi những bước vũ đạo vô cùng thuần thục.
 
Phóng viên quay phim Bùi Dũng bấm máy cũng sững sờ, thỉnh thoảng phải rời ống kính phi-dơ để tận mắt chiêm ngắm. Rồi đó, nhạc công được điều tới. Ông mang theo một cây đàn đáy “độc nhất vô nhị” khiến chúng tôi vừa sững sờ vừa cảm động. Thay vì hộp đàn đáy hình chữ nhật thì hộp đàn của ông hình tròn làm bằng hộp bánh còn rõ chữ “Bicos”. Cần đàn cũng dài đúng khẩu độ nhưng dây đàn là dây phanh xe đạp.
 
May thay, tiếng đàn cất lên cũng trong trẻo, tay đàn cũng điệu nghệ, không những kích hoạt đam mê của ca nương mà cả chúng tôi cũng chìm vào không gian văn hóa truyền thống... Và điều tình cờ mà rất đáng mừng vui là một trong hai ca nương, bà Đặng Thị Phong, chính là con gái của ca nương nổi danh Đặng Thị Hội được nhắc tới trên đây.
 
Bẵng đi một thời gian dài, mùa hè năm nay, 2020, tôi lại được nhà báo Bùi Thu Huyền mời đi làm phim ca trù Phong Châu. Có cái tên Phong Châu, vì, ca trù ở Châu Hóa không chỉ “sống tốt” ở Kinh Châu mà còn ở Uyên Phong là làng kế cận cùng chung mạch đất. Và cái nguồn mạch phong thủy nuôi nguồn văn hóa đã kết hợp ca nương hai làng thành câu lạc bộ ca trù lấy tên chung Phong Châu.
 
Kinh Châu! 20 năm qua dường như cũng có chuyển động đổi sắc thay da. 0Đời sống kinh tế có phần khởi sắc cho phép người dân chú ý hơn đến việc phát huy giá trị văn hóa trong cộng đồng. Cũng vẫn cơ bản là lòng đam mê của các ca nương được tổ chức lại dưới hình thức câu lạc bộ có sự quan tâm hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền và sự vào cuộc của con em quê hương thành đạt khắp mọi miền.
 
20 năm, may mắn gặp lại ca nương để chỉ sau mươi phút hóa thân thành nghệ nhân ngay trên sân nhà đầy rêu năm ấy. Bà Đặng Thị Phong đã chạm tuổi bát tuần, sức khỏe đã giảm, không còn đi những bước vũ đạo uyển chuyển như ngày trước. May thay, giọng ca bà vẫn thanh cao vẫn “giữ hơi trong” “buông hơi ngoài” trong nghệ thuật ém-nhấn-nhả điêu luyện.
 
Cựu chiến binh, thượng tá Đặng Thái Sơn, một người con của Kinh Châu tha thiết với ca trù đã lên tiếng kêu gọi lập quỹ bảo tồn và phát huy vốn văn hóa quý báu này. Chỉ trong một thời gian không dài đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt của con em dâu rể đang sinh sống trong cả nước. Hy vọng sẽ tạo một nguồn mạch sống bền vững cho ca trù Kinh Châu.
 
Ông còn làm được một điều tưởng đơn giản mà không hề dễ-thuyết phục được cậu con trai, đang là giám đốc một đơn vị, dành nhiều thời gian theo thầy học đàn đáy. Trong tương lai, sẽ không chỉ có hình ảnh những bậc trưởng thượng “cầm chầu” mà trong các cuộc hát nhà trò còn có những người trẻ chơi đàn đáy. Cậu con trai “dễ bảo” này cũng chính là cháu nội của ca nương tài danh đã quá cố: Nghệ nhân Đặng Thị Hưng.
 
Ngày nay, đến Châu Hóa, ít nghe nhắc đến bến Chợ Cuồi, bến Cây Sung là những địa danh gắn liền với đời sống dân cư kể từ ngày khai canh lập ấp. Hòn Lèn Bảng đang dần “hóa thân” cho Nhà máy xi măng sông Gianh. Đổi lại là một không khí sinh hoạt văn hóa vừa dân gian vừa hiện đại hồi sinh mạnh mẽ. Hát Kiều ở Lâm Lang, diễn xướng ca trù Phong Châu luôn hiện hữu như một niềm tự hào, như một thông điệp gửi đến tương lai về một nền văn hóa vùng miền “tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”.
 
                                   Nguyễn Thế Tường