Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Những cánh chim Mơ Leng không mỏi

  • 09:15 | Chủ Nhật, 20/09/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Mơ Leng theo cách gọi của người Mã Liềng thuộc dân tộc Chứt định cư ở các bản làng tại hai xã vùng cao Lâm Hóa, Thanh Hóa (huyện Tuyên Hóa) là chim đại bàng. Gặp nhau, quý nhau, đồng bào tự hào giới thiệu: “Tôi người Mã Liềng!”-cánh chim đại bàng hào sảng trên rặng núi Giăng Màn hùng vỹ. Năm 1920, người Pháp tìm thấy đồng bào dọc biên giới Việt- Lào. Đúng tròn 100 năm, người Mã Liềng nhiều lần thực hiện các cuộc “trường chinh” về phía mặt trời, đi theo tiếng gọi của Đảng và Bác Hồ. Những thế hệ kế thừa nhau, tựa như cánh chim Mơ Leng không bao giờ biết mỏi.
 
Bài 1: Hành trình đến ấm no
 
Theo lịch sử Đảng bộ xã Thanh Hóa và Lâm Hóa giai đoạn 1930-2015 thì người Mã Liềng cùng các nhóm A Rem, Sách, Mày, Rục được xác định là một dân tộc trong đại gia đình 54 dân tộc anh em với tộc danh là Chứt vào năm 1974 trong bản thống kê “Dân số chia theo dân tộc toàn miền Bắc”. Chiến tranh, loạn lạc cùng với phong tục, tập quán khiến bà con tiến sâu vào rừng, sống trong hang đá hay làm nhà trên những triền núi cao. Để có cuộc sống định canh, định cư (ĐCĐC) ổn định như ngày hôm nay, người Mã Liềng phải mất thêm một hành trình dài.
 
Theo câu chuyện của thế hệ những đảng viên đầu tiên trong xã Lâm Hóa như ông bà Cao Sỹ Nhung, Đinh Thị Khai (cùng SN 1949) thì sau Cách mạng tháng Tám thành công, đến năm 1948, xã Thanh Hóa hình thành trên cơ sở 9 thôn: Tân Đức, Thanh Lạng, Thanh Thạch, Đồng Hóa, Hợp Hóa, Lâm Hóa, Tân Ấp, Phú Yên, Thiểu Số với dân số khoảng 2.952 người. Năm 1955, Ủy ban hành chính tỉnh Quảng Bình quyết định chia tách 9 xã lớn thuộc huyện Tuyên Hóa thành 31 xã nhỏ. Xã Thanh Hóa chia làm ba là xã Hương Hóa, Thanh Hóa và Lâm Hóa.
Hệ thống trường học tại trung tâm bản Kè được đầu tư xây dựng khang trang
Hệ thống trường học tại trung tâm bản Kè được đầu tư xây dựng khang trang
Một thời gian dài kháng chiến chống Pháp rồi đến chống Mỹ xâm lược, đồng bào Mã Liềng tứ tán, ẩn sâu vào núi rừng, sống tách biệt trong những hang đá. Đói nghèo, bệnh tật làm họ suy kiệt dần, đứng trước nguy cơ giảm sút về dân số. Đói nghèo là thế, nhưng đồng bào Mã Liềng vẫn một lòng trung trinh với Đảng, với cách mạng, họ giúp đỡ bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến bằng tất cả của cải vật chất, tinh thần mà mình có.
 
Bà Đinh Thị Khai, kết nạp Đảng năm 1968 cho biết: “Trong kháng chiến chống Mỹ, đảng viên người Mã Liềng đếm trên đầu ngón tay, tôi nhớ chỉ kết nạp được ông Cao Khao ở bản Kè và ông Phạm Bá Nghĩa tại bản Cáo. Hiệp định Pari ký kết, miền Bắc không còn cảnh bom đạn, lúc này chính quyền hai xã Lâm Hóa, Thanh Hóa mới có điều kiện chăm lo đời sống đồng bào Mã Liềng hơn. Chúng tôi cắt rừng đi tìm ông Cao Khao, Phạm Bá Nghĩa và những người già uy tín trong cộng đồng Mã Liềng tại các bản Kè, Cáo, Chuối thuộc xã Lâm Hóa; Cà Xen, Bạch Tài, Ma Đao, Quạt, Rưng Rưng, Cà Dàn của xã Thanh Hóa vận động bà con hạ sơn, chuẩn bị cơ sở cho chương trình ĐCĐC về sau này”.
 
“Mốc thời gian bắt đầu cho hành trình hạ sơn của người Mã Liềng xã Lâm Hóa là năm 1991 khi 14 hộ đồng bào về định cư tại bản Chuối”-Bí thư Đảng ủy xã Lâm Hóa Trương Tư Thoan nhớ lại-“Sau đó, tiếp tục vận động các hộ từ bản Cáo cũ ra bản Cáo mới. Năm 1996, ổn định cuộc sống cho người dân tại bản Kè. Từ năm 1993, các chương trình, dự án của Nhà nước triển khai đồng loạt xây dựng cơ sở hạ tầng tại các bản ĐCĐC, như: làm nhà ở cho bà con, kiên cố hóa đường, trường, trạm, nhà sinh hoạt cộng đồng…”
 
Năm 1993, hàng loạt ngôi nhà mọc lên tại các bản ĐCĐC Cà Xen, Bạch Tài, Kè, Cáo, Chuối. Đồng bào chưa trọn niềm vui lại đối mặt với những thử thách mới. Vốn tộc người sở hữu bề dày về văn hóa, tâm linh, ngôi nhà truyền thống của người Mã Liềng hội đủ những yếu tố truyền thống duy trì từ bao đời nay là nhà phải có hai cầu thang, có buồng thiêng nơi thờ Ma nộ, thờ ma tổ tiên và có cột Cái (cột chính trong ngôi nhà sàn-PV)… Nhà dự án xây dựng chỉ một kiểu rập khuôn, không có các yếu tố trên, vậy là đồng bào lần lượt bỏ vào hang đá, trở lại rừng sâu.
 
Kiên quyết không để cộng đồng người Mã Liềng tiếp tục sống cuộc sống hoang dã, du canh, du cư, tỉnh, huyện, xã thành lập đoàn công tác, cắt rừng, đến tận từng hang đá vận động, đón đồng bào về. Vẫn câu chuyện ân tình của Bí thư Đảng ủy xã Lâm Hóa Trương Tư Thoan nhớ lại những ngày bám rừng, bám dân ấy: “Cán bộ hứa với dân, Nhà nước cho tiền, nhà bà con ở thì bà con làm, đúng kiểu nhà truyền thống của đồng bào, ưng cái bụng không?”. Người Mã Liềng nghe xuôi xuôi. Cán bộ lại hỏi: “Đồng bào có tin vào Đảng, vào Bác Hồ không?” Người Mã Liềng đáp “Tin chơ!”. “Rứa tin thì theo Đảng mà về!”.
 
Thực hiện đúng như lời cam kết, Nhà nước chỉ hỗ trợ tiền, nhà bà con tự tay làm lấy. Người ra trước làm nhà xong, đúng như ngôi nhà mơ ước của mình, rỉ tai cho người có cái bụng đang còn phân vân trên rừng… Dần dần đồng bào rủ nhau ra ĐCĐC ở bản mới”. Cho đến cuối năm 1999, những bản mới của đồng bào Mã Liềng dần đi vào nền nếp, “an cư, lạc nghiệp”.
Đồng bào Mã Liềng hiện tại đã quen dần với tập quán canh tác mới
Đồng bào Mã Liềng hiện tại đã quen dần với tập quán canh tác mới
Nếu lấy năm 1991 làm mốc thời gian khởi đầu cho hành trình hạ sơn hướng đến ấm no của đồng bào Mã Liềng huyện Tuyên Hóa thì đến hiện tại, hành trình ấy gần tròn 20 năm.
 
Chủ tịch UBND xã Lâm Hóa Cao Trung Kiên, cho biết: “Sau gần 20 năm sống ĐCĐC, dân số tại các bản Cáo, Kè, Chuối dần ổn định và phát triển được 138 hộ, 570 khẩu. Trong 117 đảng viên toàn Đảng bộ có 18 đảng viên người Mã Liềng. Đảng viên người dân tộc thiểu số chính là những “hạt giống đỏ” cắm bản, chuyển tải chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật Nhà nước đến với người dân, giúp củng cố vững chắc lòng tin giữa đồng bào với Đảng, chính quyền các cấp.”
 
“Hiện tại, ngoài nỗ lực của đồng bào, hàng năm, bà con được hỗ trợ 100% giống cây con các loại và phân bón phục vụ sản xuất. Nguồn vốn từ dự án SRDP. ICCO, chương trình 135, chương trình xây dựng nông thôn mới, nguồn vốn theo Quyết định 2086/QĐ-TTg… giúp đồng bào phát triển nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt thiết thực, phù hợp với tập quán canh tác, tạo hiệu quả rất thiết thực. Nhiều hộ đồng bào đời sống khá dần lên, xóa bỏ các tập tục lạc hậu. Người dân ba bản còn nhận khoán bảo vệ, khoanh nuôi rừng cộng đồng, tham gia trồng rừng kinh tế, vận động con em đến trường, thực hiện ăn chín uống sôi, xây dựng môi trường bản hợp vệ sinh, ốm đau đều đến cơ sở y tế điều trị. Tổng số học sinh mầm non, TH và THCS là con em đồng bào Mã Liềng hiện tại tăng lên được 215 em”-Chủ tịch UBND xã Lâm Hóa chia sẻ thêm.
 
Những người Mã Liềng tiên phong hạ sơn xây dựng cuộc sống mới ổn định, như: Cao Dụng (bản Kè), Hồ Lô (bản Chuối), Phạm Bá Nghĩa (bản Cáo), Cao Châu, Cao Viên (bản Cà Xen)… có quyền tự hào khi hiện tại một thế hệ trẻ con cháu mình đang kế thừa, tiếp nối truyền thống, như cánh chim Mơ Leng không bao giờ mỏi trên hành trình hướng đến ấm no, bình đẳng, phát triển ngang bằng với những người anh em khác trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.
 
Nhóm PV Phòng Bạn đọc
 
Bài 2: Dang rộng đôi cánh đại bàng