Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Tấm lòng Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu với Quảng Bình

  • 08:32 | Thứ Sáu, 14/08/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Ấn tượng sâu sắc nhất trong tôi về Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu là tác phong giản dị, cởi mở và giàu tình cảm. Thời gian đồng chí đảm nhậm chức vụ Thường trực Ban Bí thư và Tổng Bí thư đã có 3 lần thăm và làm việc tại tỉnh ta. Tôi có may mắn được tháp tùng cả 3 chuyến công tác này của đồng chí.
 
Năm 1995, với cương vị ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, đồng chí Lê Khả Phiêu dẫn đầu đoàn công tác của Ban Bí thư vào giải quyết và xử lý một việc đoàn kết nội bộ của tỉnh. Lịch làm việc được bố trí kín mít, họp và làm việc suốt cả ngày lẫn đêm, nhưng đồng chí vẫn tranh thủ về thăm những gia đình nơi từng đóng quân thời chiến tranh chống Mỹ.
 Đồng chí Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu thăm Nhà máy phân vi sinh Sông Gianh.
Đồng chí Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu thăm Nhà máy phân vi sinh Sông Gianh.
Đồng chí Lê Khả Phiêu tâm sự rằng, sau hơn 30 năm ông mới có dịp trở lại nơi này. Nghe tin đồng chí về thăm, nhiều người ở xã Liên Thủy chạy ra đầu ngõ để đón. Tôi nhận thấy đồng chí thuộc từng con đường, ngõ xóm nơi này. Trong ký ức của người dân địa phương, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu là một vị cán bộ quân đội giản dị, cởi mở, dễ gần. Khi chuyện trò với những gia đình từng đóng quân, đồng chí nhớ, gọi tên từng người và hỏi han cặn kẽ tình hình đời sống của các gia đình trong xóm.
 
Thăm gia đình có thời gian đóng quân lâu nhất, đồng chí hỏi chuyện và được biết đời sống của vợ chồng họ còn khó khăn. Ngày trước, thời đồng chí đóng quân, ông chủ nhà làm nghề sơn tràng (khai thác gỗ) và chài lưới, họ có 4 người con. Nay nghề sơn tràng không còn nữa và nghề chài lưới cùng làm ruộng thu nhập cũng không được nhiều. Nguyện vọng gia đình làm sao cho người con trai đã học xong phổ thông có việc làm. Nét mặt Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu trở nên trầm tư. Khi lên xe trở về, đồng chí đã trao đổi với đồng chí Lê Công Minh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, bằng cách nào đó giúp cho cháu có công ăn việc làm ổn định.
 
Không lâu sau đó, đồng chí Lê Công Minh đã đặt vấn đề này với ông Nguyễn Hồng Lam, Giám đốc Công ty Sông Gianh. Rất may mắn cháu được Công ty Sông Gianh nhận vào làm công nhân và bố trí làm việc tại Chi nhánh Đông Anh Hà Nội. Ở Hà Nội biết được tin này Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu tỏ ra rất vui, thỉnh thoảng, đồng chí gọi điện mời cháu đến nhà ăn cơm, xem như người thân trong nhà.
 
Năm 1998, trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí Lê Khả Phiêu đã vào thăm tỉnh đúng lúc hạn hán khốc liệt diễn ra trên diện rộng. Đồng chí về thăm một số xã ở Lệ Thủy và Quảng Ninh. Dưới cái nắng mùa hè như đổ lửa, đồng chí đã xắn quần đi thẳng ra cánh đồng xã Vạn Ninh, Quảng Ninh để thị sát tình hình. Khi về làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đồng chí trăn trở và đặt vấn đề cấp bách giải quyết nước tưới, nước sinh hoạt cho bà con vùng Lệ Thủy, Quảng Ninh nói riêng và cả tỉnh nói chung.
 
Đồng chí cũng gợi ý thêm với các đồng chí lãnh đạo tỉnh, cần quan tâm đầu tư phát triển kinh tế gò đồi. Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu bảo, trước đây, đồng chí đóng quân ở vùng gò đồi các xã Mỹ Thủy, Thái Thủy, Phú Thủy đất đai khá tốt phù hợp để phát triển cây công nghiệp. Nghe tỉnh báo cáo đang có phong trào trồng rừng theo Chương trình 327, đồng chí cho rằng cần đẩy mạnh hơn nữa, lưu ý đưa những cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Đồng chí biểu dương Lệ Thủy sáng tạo khi đưa cây cao su vào trồng ở vùng gò đồi theo Chương trình 327...
 
Ngay sau chuyến công tác này, Bộ Thủy lợi đã cử đồng chí Trần Nhơn, Thứ trưởng dẫn đầu đoàn công tác vào nghiên cứu giúp Quảng Bình xây dựng hồ Rào Đá ở Quảng Ninh và một số hồ chứa thủy lợi trên địa bàn. Sau này, mỗi khi nghe tin Quảng Bình bị thiên tai, lũ lụt, đồng chí đều gọi điện vào hỏi thăm, động viên cán bộ, nhân dân trong tỉnh khắc phục vượt qua khó khăn...
 
Đồng chí đặc biệt quan tâm đến đời sống người dân vùng bị chiến tranh đánh phá ác liệt. Đồng chí đề nghị tỉnh chăm lo tốt cho đối tượng chính sách, bà con dân tộc thiểu số, vùng bị chiến tranh tàn phá nặng nề... Nhận thấy đời sống của người dân Quảng Bình còn rất khó khăn, cơ sở hạ tầng giao thông các vùng nông thôn của tỉnh còn quá lạc hậu, Tổng Bí thư đã đề nghị các đồng chí cán bộ Trung ương đi trong đoàn cần có kế hoạch nghiên cứu sớm hỗ trợ cho tỉnh về giao thông, thủy lợi, cây công nghiệp...
 
Khi đến thăm Nhà máy phân vi sinh Sông Gianh, đồng chí tỏ ra rất vui với mô hình sản xuất phân bón vi sinh được đầu tư chiều sâu công nghệ. Đồng chí cho rằng việc đầu tư phát triển lĩnh vực phân bón vi sinh theo hướng công nghệ tiên tiến là một việc làm sáng tạo, có tính đột phá. Sau này, tôi được nghe ông Nguyễn Hồng Lam, Giám đốc Công ty Sông Gianh nói lại rằng, khi về Hà Nội, đích thân Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã gọi điện yêu cầu một số nhà khoa học trên lĩnh vực nông nghiệp vào Quảng Bình hỗ trợ công nghệ, kỹ thuật cho Công ty Sông Gianh phát triển sản phẩm phân bón và trồng rau thủy canh, nuôi tôm công nghiệp...
 
Ông Nguyễn Hồng Lam còn kể lại với tôi rằng, thi thoảng, đồng chí Tổng Bí thư có gọi điện cho ông hỏi thăm tình hình sản xuất, kinh doanh của đơn vị và không quên hỏi xem công ty có vướng mắc gì cần tháo gỡ... Đến hôm nay, Công ty Sông Gianh đã trở thành một tổng công ty lớn mạnh, với nhiều nhà máy được xây dựng ở cả 3 miền đất nước, sản phẩm phân vi sinh Sông Gianh thực sự thân thuộc không chỉ với người nông dân trong nước mà cả nước bạn Lào, Campuchia.
 
Hôm nay, nghe tin đồng chí Lê Khả Phiêu đã ra đi về cõi vĩnh hằng, trong lòng chúng tôi bồi hồi thương nhớ, hình ảnh một vị tướng quân đội năng nổ, một Tổng Bí thư giản dị, gần gũi thân thương còn in đậm trong ký ức người dân Quảng Bình.
 
Trọng Thái