Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Nơi các anh ngã xuống...

  • 07:58 | Chủ Nhật, 19/07/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Hoan hô chiến thắng Xuân Bồ… như còn vang vọng trên dòng sông, ruộng lúa, làng quê… Cùng với chiến công oanh liệt, nhiều chiến sỹ đã ngã xuống trên cánh đồng thôn Xuân Bồ (xã Xuân Thủy, huyện Lệ Thủy). 70 năm qua, bao mùa lúa chín trên vùng quê thân thương, nhưng bóng hình những anh bộ đội Trung đoàn 18 quả cảm đã xả thân mình để giữ bình yên làng quê vẫn còn in đậm trong ký ức bao thế hệ trên đất naỳ…
 
Tháng 7-1977, lực lượng dân quân xã Xuân Thủy được lệnh thực hiện một nhiệm vụ đặc biệt. Đó là di dời mộ liệt sỹ tại Nghĩa trang Xuân Bồ (ở thôn Xuân Bồ, xã Xuân Thủy, Lệ Thủy) lên Nghĩa trang liệt sỹ của huyện ở xã Mai Thủy. Lúc này tôi đã rời quân ngũ, vừa thi vào đại học và chờ kết quả, được biên chế vào lực lượng dân quân thôn, tham gia công việc này.
Bia tưởng niệm nơi Anh hùng Lâm Úy hy sinh.
Bia tưởng niệm nơi Anh hùng Lâm Úy hy sinh.
Đây là nghĩa trang duy nhất trong xã tôi, cách nhà tôi hơn 6 km. Hồi học cuối cấp 1 tôi đã đến đây trong một chương trình giáo dục của nhà trường lúc đó. Dù đã lâu lắm rồi nhưng hình ảnh một nghĩa trang thâm nghiêm, trầm buồn in đậm trong tôi. Ở đó còn có một tháp làm bằng gỗ, khá đẹp mắt, rất cao…Lúc ấy chúng tôi chỉ biết sơ sơ về trận đánh năm xưa, về Anh hùng Lâm Úy. Khi tham gia đoàn cất bốc hài cốt ở nghĩa trang này, tôi mới hiểu sâu sắc thêm về trận đánh nơi chúng tôi đang làm nhiệm vụ, về những người đã nằm lại đất naỳ…
 
Đấy là trận chống càn bảo vệ mùa màng của Trung đoàn 18, thuộc Sư đoàn 325 tại cánh đồng thôn Xuân Bồ xã Xuân Thủy, huyện Lệ Thủy ngày 20-5-1950. Trận đánh không cân sức, khi quân địch đông hơn và hỏa lực mạnh gấp bội. Nhưng với sự quả cảm, các chiến sỹ Trung đoàn 18 đã lập nên chiến công hiển hách.
 
Lịch sử Đảng bộ huyện Lệ Thủy (tập 2) đã khái quát về trận chống càn lịch sử này: “Hoan hô chiến thắng Xuân Bồ/ Năm trăm giặc Pháp không mồ vùi thây là hai câu thơ viết lên bằng máu của các chiến sỹ Trung đoàn 18 cùng với dân quân, du kích địa phương”. Biểu tượng của sự hy sinh quả cảm là hình ảnh Lâm Úy tả đột hữu xung giữa vòng vây quân dịch, sau khi đã sử dụng hết tất cả những thứ vũ khí trong tay, anh lao vào xiết cổ tên sỹ quan Pháp cao to dìm xuống sông và anh dũng hy sinh…
 
Cùng với chiến công hiển hách, hàng chục chiến sỹ quả cảm của Trung đoàn 18 đã nằm lại trên mảnh đất này trong sự tiếc thương của đồng đội, nhân dân. Sau hòa bình lập lại, nơi đây được xây dựng thành nghĩa trang liệt sỹ. Dù trong điều kiện khó khăn lúc đó nhưng nghĩa trang được xây dựng trang nghiêm, các nấm mồ được xây xi măng, có đài tưởng niệm với dòng chữ “Tổ quốc ghi công” đặt giữa trung tâm nghĩa trang…
 
Trở lại năm 1977, xác định đây là việc hệ trọng nên chúng tôi được quán triệt chu đáo và triển khai công việc từ mấy ngày trước đó. Đơn vị được chia thành từng tổ, mỗi tổ 4 người, làm một cái kiệu theo mẫu thiết kế chung để đưa hài cốt các anh từ Xuân Bồ lên Mai Thủy. Sáng đó từ rất sớm chúng tôi đã có mặt tại nghĩa trang. Sau nghi lễ trang nghiêm, nghi ngút hương trầm, chúng tôi lần lượt cất bốc các phần mộ đã nhuốm màu thời gian và chuyển các anh vào những cái tiểu đã chuẩn bị sẵn, rước lên kiệu.
 
Bốn người khiêng một kiệu, chậm rãi đi theo đội hình trên chặng đường 10km đến nghĩa trang của huyện. Tại đây, các anh được an táng trong khu vực trung tâm của nghĩa trang. Nghĩa trang Mai Thủy lúc này mới xây dựng nên cũng sơ khai nhưng thoáng rộng…Ở đây có thể bao quát cả một vùng rộng lớn cánh đồng lúa cùng những làng quê của huyện Lệ Thủy.
Kiến Giang mùa lễ hội. Ảnh: Tiến Hành
Kiến Giang mùa lễ hội. Ảnh: Tiến Hành
Lâu lắm rồi tôi mới trở lại Xuân Bồ. Nơi chiến trận năm xưa đã được Bộ Văn hóa- Thông tin công nhận là di tích lịch sử- văn hóa cấp quốc gia năm 1992. Năm 2010, Đài tưởng niệm về trận đánh năm xưa được xây dựng lại trang trọng, uy nghi trên nền nghĩa trang cũ. Trước Đài tưởng niệm là tuyến đường từ An Thủy chạy suốt lên Mai Thủy được xây dựng kiên cố rộng rãi thay cho con đường đất năm nào. Phía trước là cánh đồng rộng lớn, nơi diễn ra trận đánh, sau mùa gặt người dân đang cày ải cho vụ hè-thu.
 
Rời Đài tưởng niệm chúng tôi tìm về nơi Anh hùng Lâm Úy hy sinh. Ông Lê Hòa, người làng Xuân Bồ, cho biết nơi đây hàng năm những ngày lễ trọng, dân làng đều đến thắp hương. Rồi ông chỉ tay ra phía trước cho hay đó là thượng tiêu, nơi trở đò bơi… Một chút bỡ ngỡ vì cây cối, nhà cửa xây mới nhiều quá, tôi cũng đã định hình được. Bia tưởng niệm Anh hùng Lâm Úy nằm sát dòng Kiến Giang xanh trong.
 
Dòng sông đến đây đã tạo nên một bãi bồi giữa dòng mà người dân ở đây gọi là cồn Soi. Có một sự ngẫu nhiên, cồn Soi này là điểm quay đầu của đò bơi trong giải đua thuyền truyền thống trên dòng Kiến Giang hàng năm. Chỉ vài tháng nữa thôi đoạn sông này sẽ trở thành điểm đến với hàng nghìn du khách. Ông Hòa cho biết, người coi bơi thường đến đây từ rất sớm, trong khi chờ đợi, họ đã đến viếng, thắp hương bên bia tưởng niệm…  
 
Đã 70 năm, từ chiến trường khói lửa nay là một vùng quê trù phú. Nhưng trên mảnh đất này tôi vẫn cảm nhận hình bóng những chiến sỹ quả cảm như ẩn hiện đâu đây và càng thấm thía hơn điều mà từ ngày cắp sách đến trường đã được biết đến “Mỗi tấc đất quê hương đều thấm máu cha ông”.
 
                                                          Văn Hoàng