Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục
Đình làng Tượng Sơn:

Nơi lưu giữ nhiều dấu mốc lịch sử và văn hóa

  • 08:32 | Thứ Tư, 29/07/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Cùng với cây đa, giếng nước, hình ảnh mái ngói, sân đình làng Tượng Sơn (phường Quảng Long, thị xã Ba Đồn từ lâu đã in sâu vào tâm hồn người dân nơi đây những kỷ niệm không thể nào quên. Ngày nay, đây không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa, tâm linh mà còn là nơi lưu giữ nhiều dấu ấn lịch sử và văn hóa của địa phương.
 
Đình làng Tượng Sơn là một trong những ngôi đình lớn trên đất Quảng Bình, được xây dựng vào năm Canh Ngọ 1750, dùng để thờ cúng thành hoàng làng và những người có công với quê hương, đất nước. Đình được xây dựng và bài trí khá công phu, gồm có sân đình, tiền đình và hậu đình. Trước sân đình trồng 2 cây đa và phượng, là nơi diễn ra các lễ hội, vui chơi, múa hát, đấu võ...
 Đình làng Tượng Sơn được xây dựng, trùng tu, tôn tạo lại trên nền đất cũ, theo kiến trúc đình làng cổ Việt Nam, nhưng đồ sộ, hoành tráng hơn so với trước.
Đình làng Tượng Sơn được xây dựng, trùng tu, tôn tạo lại trên nền đất cũ, theo kiến trúc đình làng cổ Việt Nam, nhưng đồ sộ, hoành tráng hơn so với trước.
Phần tiền đình được bài trí các dãy bàn, bục ngay ngắn, gọn gàng, cắm các cờ xí, giáo gươm, áo mũ, đai nẹp..., đây còn là nơi để hội họp, gặp mặt, lễ tế, an thọ khi tuổi già, khi có việc làng theo định kỳ hàng năm. Hậu đình là nơi hương khói thờ cúng vong linh của các vị thần có công khai cơ, lập nghiệp nên làng, trong đó có 4 cụ tổ của 4 dòng họ Trần, Ngô, Nguyễn, Phạm. Ngày nay, nhân dân còn thờ các vị vua, danh tướng như vua Hùng, vua Quang Trung, danh tướng Nguyễn Dụng.
 
Sau khi phong trào Cần Vương thất bại, đình làng Tượng Sơn bị thực dân Pháp đốt cháy hoàn toàn. Năm 1912, với sự góp của, góp công của cộng đồng làng, đình làng Tượng Sơn được khởi công xây dựng lại trên nền đình cũ theo kiến trúc của triều Nguyễn và đến năm 1913 thì hoàn thành. Đình tọa lạc trên núi Tượng linh thiêng, phía trước là con sông Mai, đằng sau là giếng Ngọc Sao tinh khiết.
 
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, để bảo đảm cho việc chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến miền Nam, đình Tượng Sơn trở thành nơi tập kết, dừng chân của các đơn vị bộ đội, là trung tâm tiếp nhận hàng hóa, vũ khí. Năm 1965, đế quốc Mỹ đã tập trung đánh phá ác liệt vùng đất Quảng Long, lúc này đình đã bị đánh sập.
 
Trước tình hình đó, Đảng bộ và nhân dân Quảng Long đã dùng số gỗ còn lại để làm hầm phòng không, hầm cứu thương và phần lớn đưa ra làm cầu Kênh Kịa cho xe qua. Sau chiến tranh, các cột, kèo và phần gỗ của đình đều bị hư hại nên không thể khôi phục lại đình làng. Năm 1994, được sự hỗ trợ của Nhà nước và sự đóng góp của người dân, đình làng được khôi phục lại lần nữa trên nền đất cũ. Năm 2003, đình Tượng Sơn được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.
 
Đến năm 2017, UBND phường Quảng Long kêu gọi các tổ chức, đoàn thể, cá nhân, các nhà hảo tâm là con em địa phương đang sống và làm việc trên mọi miền đất nước ủng hộ kinh phí để trùng tu, tôn tạo lại đình làng. Về cơ bản, đình được xây dựng, trùng tu, tôn tạo lại trên nền đất cũ, theo kiến trúc đình làng cổ Việt Nam, nhưng đồ sộ, hoành tráng hơn so với trước. Ngày nay, đình làng Tượng Sơn là nơi hội họp, diễn ra các hoạt động văn hóa-văn nghệ, lưu giữ nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp và còn là hiện thân của tình đoàn kết cộng đồng nơi đây. Trong đó, phải kể đến 2 lễ hội là Khai hạ và Lục nguyệt cầu phúc.
   Tiền đình được bài trí các dãy bàn, bục ngay ngắn, gọn gàng, cắm các cờ xí, giáo gươm… là nơi để hội họp, gặp mặt, lễ tế của các lễ hội.
Tiền đình được bài trí các dãy bàn, bục ngay ngắn, gọn gàng, cắm các cờ xí, giáo gươm… là nơi để hội họp, gặp mặt, lễ tế của các lễ hội.
Ông Ngô Quốc Dũng, Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường Quảng Long, Phó ban lễ hội phường cho biết: Lễ hội Khai hạ được tổ chức vào ngày mồng 7 tháng giêng (âm lịch) hàng năm tại đình làng Tượng Sơn nhằm cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, người dân trong làng được mạnh khỏe, làm ăn phát đạt; đồng thời, tạo không khí vui vẻ trong những ngày đầu xuân. Lễ Khai hạ được chính quyền địa phương và người dân chuẩn bị khá chu đáo, trang nghiêm với những nghi thức cúng tế, khai trống, khai đao, khai kiếm...
 
Ngoài ra, người dân còn được xem những màn múa quyền, múa roi, múa đao, kiếm do các cụ cao tuổi trong làng biểu diễn. Đây là nét văn hóa truyền thống thể hiện tinh thần thượng võ của người dân Quảng Long, thu hút nhiều người dân địa phương đến xem, tạo không khí linh thiêng và độc đáo. Sau phần nghi lễ tại đình, phần hội được tổ chức buổi chiều với hội cướp cù và hội vật cũng thu hút bà con các làng, xã, huyện lân cận tham gia.
 
Bên cạnh lễ Khai hạ thì có lễ Lục nguyệt cầu phúc được diễn ra vào ngày 17 và 18-6 âm lịch hàng năm nhằm cầu cho “quốc thái dân an”, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, kinh doanh buôn bán thuận lợi. Bên cạnh việc thực hiện các nghi lễ thờ cúng, tại đây còn diễn ra các hoạt động vui chơi, giải trí như đua thuyền trên sông Mai thu hút đông đảo người dân tham gia.
 
Đây là một hoạt động tập thể, đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần, tâm linh của người dân, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Ngoài ra, một số lễ nhỏ như lễ Vu Lan, lễ tảo mộ cố, lễ tất niên…cũng được diễn ra tại đình làng.
 
Ông Trần Xuân Toản, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy phường Quảng Long cho biết: Đình làng Tượng Sơn được trùng tu đã đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, nơi người dân gửi gắm tư tưởng, tình cảm với lòng biết ơn những bậc tiền bối.
 
Bên cạnh đó, đình làng còn đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình, vun đắp nên giá trị tốt đẹp của văn hóa làng, xã, là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ người dân Quảng Long, là chứng tích cho những người con xa xứ khi nhớ về quê hương.
 
Thanh Hoa