Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Di tích mộ Tuần phủ Đặng Đại Độ

  • 09:00 | Thứ Bảy, 06/06/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Di tích mộ Tuần phủ Đặng Đại Độ nằm giữa cánh đồng thuộc thôn Lệ Bình, xã Mai Thủy, huyện Lệ Thủy (còn có tên gọi khác là mộ Lãnh Đức hầu Đặng Đại Độ), được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh theo Quyết định số 5061/QĐ-UBND ngày 27-12-2019. Đây là nơi tưởng niệm về một bậc công thần dưới thời chúa Nguyễn Phúc Khoát.
 
Tuần phủ Đặng Đại Độ (1728-1765) quê ở làng Cư Triền, huyện Phong Đăng, phủ Quảng Bình (nay là thôn Xuân Giang, thị trấn Kiến Giang, huyện Lệ Thủy). Ông là hậu duệ đời thứ 5 của dòng họ Đặng Đại - một dòng họ có truyền thống đỗ đạt, nhiều đời làm quan và có công khai khẩn làng Quảng Cư (huyện Lệ Thủy). Theo gia phả họ Đặng Đại ở Quảng Cư, thủy tổ họ Đặng Đại là Đặng Quý Công, giữ chức Chưởng phủ thị vệ quân lãnh, tước Liễu Đại hầu dưới triều Lê. Liễu Đại hầu đã chọn vùng đất Quảng Cư, nơi mà vua Lê Thánh Tông cho dựng chùa Phật ngồi trên đường tiến quân về phương Nam năm 1470 để lập làng định cư.
 
Thân phụ Đặng Đại Độ là Đặng Đại Lược (1690-1764), hậu duệ đời thứ 4 của dòng họ Đặng Đại, một vị quan có tài và nổi tiếng thanh liêm. Đặng Đại Lược có 8 người con trai đều đỗ đạt khoa cử, trong đó có 7 người làm quan dưới thời chúa Nguyễn với các chức từ tri huyện trở lên.
  Mộ Tuần phủ Đặng Đại Độ (1728-1765).
Mộ Tuần phủ Đặng Đại Độ (1728-1765).
Sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống học hành đỗ đạt, Đặng Đại Độ sớm nổi tiếng không chỉ thông minh, học giỏi, văn võ song toàn mà còn là người cương trực, dũng khí và mẫu mực về đức thanh liêm. Ông thi đỗ khoa Hương tiến (cử nhân), học vị cao nhất xứ Đàng Trong thời bấy giờ và được chúa Nguyễn Phúc Khoát bổ làm quan. Sách "Đại Nam nhất thống chí" tập 2 có đoạn chép: “ ... Đại Độ nổi tiếng về học hạnh, đỗ thi Hương, bổ văn chức, ra làm Ký lục dinh Bình Khang, làm quan thanh liêm, đời khen là giá trong”. Năm 1748, Đặng Đại Độ được bổ làm Ký lục dinh Bình Khang khi vừa tròn 20 tuổi.
 
Quốc sử quán triều Nguyễn "Đại Nam liệt truyện tiền biên" có chép:“Đại Độ cũng nhờ học giỏi, đỗ khoa thi Hương, được bổ văn chức, cùng cha làm quan một triều”. Năm 1761, người Man (còn gọi là Man Thạch Bích, tộc người Đá Vách) ở vùng núi phía tây Quảng Ngãi nổi dậy tấn công phá tan đồn lũy canh phòng, chống lại triều đình. Chúa Nguyễn phong cho Đại Độ làm Ký lục Quảng Nam cầm quân đi đánh dẹp.
 
Người Man dựa vào thế núi hiểm trở, tập hợp thành đội quân hùng mạnh, có tổ chức, thiện chiến với lối đánh thoắt ẩn, thoắt hiện làm cho quan quân địa phương nhiều phen khiếp sợ. Sau khi xem xét cẩn thận, nhận thấy nguyên nhân người Man nổi dậy chống lại triều đình là do chính sách thuế má hà khắc, nạn tham ô, nhũng nhiễu của quan lại địa phương nên Đặng Đại Độ đã lệnh cho quân sỹ không được lạm sát mà phải thu phục họ bằng kế sách phủ dụ, đồng thời tiến hành chấn chỉnh quan lại ở địa phương.
 
Đối với ông, động binh không phải là điều hay, chỉ vì người Man quấy rối nên phải dùng đến quân lính nhưng phải tùy cơ chiêu dụ để nhân dân được yên, đó mới là thượng sách dẹp giặc.Với kế sách này, chẳng bao lâu, quân Man kéo nhau ra hàng, vùng biên cảnh được giữ yên. Do lập được nhiều công lớn trên đất Quảng Nam, Đặng Đại Độ được chúa Nguyễn khen ngợi, bổ làm Ký lục dinh Trấn Biên (vùng đất Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Lâm Đồng ngày nay), một vùng đất còn nhiều khó khăn, loạn lạc lúc bấy giờ.
 
Tuần phủ Đặng Đại Độ là tấm gương sáng về đức nghiêm cẩn, thanh liêm, luôn giữ cho nhân cách được vẹn toàn. Nhiều câu chuyện về ông được nhân dân ngưỡng mộ lưu truyền và được ghi vào sử sách. Trong thời gian làm Ký lục dinh Trấn Biên, Đặng Đại Độ không nương tay trừng trị quan lại nhũng nhiễu dân, đem lại niềm tin cho dân chúng. Dũng khí của ông được người dân Nam Bộ ngưỡng mộ, lưu truyền như một tấm gương sáng an dân.
 
Niềm tin của chúa Nguyễn đối với ông là rất lớn nên đã thăng ông giữ chức Tuần phủ Gia Định, đồng thời ông được quyền đi tuần hành ngũ phủ (Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Phú Yên, Bình Khang, Bình Thuận), được quyền bãi chức hay thăng chức cho các quan lại ở các phủ này. Chỉ tiếc rằng, Đặng Đại Độ luôn hết lòng tận tâm, tận lực với công việc mà quên chú ý đến bản thân. Năm 1765, khi giữ chức Tuần phủ Gia Định chưa được bao lâu thì ông qua đời, hưởng linh 37 tuổi. Chúa Nguyễn tiếc thương, ban thụy Trung Cần và cho dựng bia ca ngợi công đức.
 
Đặng Đại Độ là vị đại thần tài năng, đức độ, thanh liêm, chính trực, một lòng vì nước vì dân nên được chúa Nguyễn tin yêu, nhân dân hết lòng tôn kính. Nói về danh thần Đặng Đại Độ, giáo sư, Nhà giáo nhân dân, Anh hùng Lao động Trần Văn Giàu đã từng đánh giá: “Một trường hợp quan lại chính trực hiếm hoi của những năm thuộc nửa sau thế kỷ XVIII”. Giáo sư Nguyễn Khắc Thuần trong “Lần giở trước đèn” viết rằng: “Vì mục đích an dân, Đặng Đại Độ sẵn sàng nghiêm trị bất cứ một ai dám nhũng nhiễu dân... Cuộc đời của ông đã vĩnh viễn khép lại từ lâu, nhưng khí khái của ông thì vĩnh tồn với đất Biên Hòa-Gia Định, với tất cả những ai khao khát quốc thái dân an”.
 
Trong “Dũng khí Đặng Đại Độ”, nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn đã so sánh: “Hình tượng Đặng Đại Độ gần với hình tượng Bao Công” và khẳng định ông là con người “trung trực hiếm thấy trên đời, soi sáng muôn đời”. Sân khấu nghệ thuật truyền thống dân tộc ghi nhớ công lao Đặng Đại Độ bằng vở kịch nổi tiếng “Dũng khí Đặng Đại Độ”. Đặc biệt, vở kịch này đã được trình diễn trong lễ kỷ niệm 300 năm Sài Gòn-thành phố Hồ Chí Minh (1698-1998). Hiện nay, ở thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai và một số tỉnh, thành khác ở phía Nam đều có đường mang tên Đặng Đại Độ.
 
Toàn bộ khuôn viên mộ Tuần phủ Đặng Đại Độ có diện tích 53,5m2. Phần mộ được đắp bằng xi măng. Phần móng tường rào bao quanh xây bằng vữa, gạch và đá tổ ong. Hàng năm, cứ đến ngày giỗ ông, con cháu trong dòng họ tập trung tại di tích để làm lễ, dâng hương cúng bái, tưởng nhớ công đức của ông. Việc thờ cúng và tổ chức những nghi lễ tại di tích mộ Tuần phủ Đặng Đại Độ thể hiện nét đẹp truyền thống với đạo lý “uống nước nhớ nguồn” và tấm lòng thành kính biết ơn của con cháu hậu duệ đối với vị công thần luôn hết lòng vì nước, vì dân.
 
Di tích mộ Tuần phủ Đặng Đại Độ là một nguồn tư liệu quan trọng để chúng ta tìm hiểu về thân thế và sự nghiệp của ông, cũng như hiểu được phần nào về truyền thống hiếu học, đỗ đạt và công lao khai khẩn làng Quảng Cư của dòng họ Đặng Đại ở huyện Lệ Thủy. Di tích còn có giá trị trong việc giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống hiếu học, tinh thần tự lực, tự cường để vươn lên trong cuộc sống.
 
Bảo tồn di tích mộ Tuần phủ Đặng Đại Độ là việc làm hết sức cần thiết, nhằm tri ân và ghi nhớ công lao đối với bậc tiền nhân, bậc công thần, góp phần dựng nên một “tấm gương sáng” để hậu thế noi theo, từ đó khơi dậy lòng tự hào dân tộc và bồi đắp thành sức mạnh tổng hợp phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương trong thời kỳ mới.
 
                                                                                                Minh Đức-Phan Ánh