Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Ngược dòng Long Đại nhớ bến Tiêm

  • 08:33 | Thứ Hai, 03/02/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trong cuộc kháng chiến thực dân Pháp, vùng đất Bến Tiêm, xã biên giới Trường Sơn (Quảng Ninh) trở thành chiến khu của huyện và tỉnh Quảng Bình. Bến Tiêm đi vào lịch sử quê hương “Hai giỏi” khi được chọn làm nơi tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ III (năm 1951).
 
ATK bên dòng sông huyền thoại
 
Nếu đi đò ngược từ chân cầu Long Đại hay đón đò xuôi từ trung tâm xã Trường Sơn về, thời gian mất chừng một đến hai tiếng đồng hồ tùy vào phương tiện, chúng ta sẽ chạm đến địa danh Bến Tiêm, xác định từ khe Con Chăn qua vùng Đá Chôồng tới Thác Chỏi. Ngày nay, Bến Tiêm là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Vân Kiều ở ba bản: Hôi, Rấy, Nước Đắng thuộc xã biên giới Trường Sơn.
 
Sở dĩ trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Bến Tiêm trở thành chiến khu của huyện Quảng Ninh và tỉnh Quảng Bình bởi sự hợp thành các yếu tố “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Năm 1947, khi thực dân Pháp quay trở lại đánh chiếm Quảng Bình, nhận thấy Quảng Ninh là địa bàn chiến lược quan trọng, chúng quyết tâm bằng mọi giá phải chiếm bằng được Quảng Ninh, xây dựng tuyến phòng thủ vững chắc sau lưng Đồng Hới, cắt đứt sự chi viện, liên lạc giữa hai đầu Bắc-Nam của tỉnh. Trước thế giặc quá mạnh, quân và dân Quảng Ninh rút dần lên vùng rừng núi phía Tây huyện, tổ chức xây dựng căn cứ kháng chiến lâu dài.
 Vùng đất chiến khu Bến Tiêm bên dòng Long Đại ngày nay
Vùng đất chiến khu Bến Tiêm bên dòng Long Đại ngày nay
Để đến được Bến Tiêm, duy nhất chỉ có tuyến đường thủy theo dòng sông Long Đại. Mặc dù biết được sự hiện diện và phát triển mạnh mẽ của chiến khu Bến Tiêm, nhưng thực dân Pháp không thể làm gì được. Tấn công vào chiến khu là tự đưa đầu vào cửa tử. Bến Tiêm trở thành ATK công, thủ toàn diện của quân và dân Quảng Bình.
 
Lựa chọn Bến Tiêm xây dựng chiến khu cũng bởi đồng bào Vân Kiều Trường Sơn một lòng tin tưởng tuyệt đối vào Đảng, Bác Hồ. Trong những tháng năm gian khổ kháng chiến chống thực dân Pháp, ATK Bến Tiêm luôn nhận được sự bao bọc, chở che, giúp đỡ của đồng bào.
 
Cùng với việc xây dựng, củng cố chiến khu, Huyện ủy Quảng Ninh, Tỉnh ủy Quảng Bình quyết định mở rộng các tuyến đường giao thông bảo đảm chi viện sức người, sức củakịp thời giữa các vùng trong tỉnh, đặc biệt là tiếp tế cho chiến trường. Về sau này, từ Bến Tiêm, hàng vạn tấn hàng hóa đi vào mặt trận Bình Trị Thiên, Liên khu V. Khởi phát ở Bến Tiêm, trục đường giao thông trên bộ qua Ba Rền, U Bò, Bồng Lai, Cổ Giang, Troóc rồi ra Cao Mại (Tuyên Hóa). Trục đường thủy dọc sông Long Đại đi theo hướng Xuân Dục, Phong Nha, Minh Cầm, Đò Vàng…
 
Nơi diễn ra Đại hội đại biểu tỉnh Đảng bộ lần thứ III
 
Sau chiến thắng của phong trào “Quảng Bình quật khởi”, đặc biệt là chiến thắng Xuân Bồ (Lệ Thủy) năm 1950, nhằm củng cố và đẩy mạnh phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp lên một tầm cao mới, Quảng Bình quyết định triệu tập Đại hội đại biểu tỉnh Đảng bộ lần thứ III tại chiến khu Bến Tiêm. Đại hội diễn ra từ ngày 11 đến ngày 13-8-1951 với sự có mặt của gần 200 đại biểu. Đại hội bầu Ban chấp hành gồm 23 đồng chí (trong đó có 4 đồng chí dự khuyết). Đồng chí Trương Văn Địch được bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy.
 
Đại hội đại biểu tỉnh Đảng bộ lần thứ III khai mạc và thành công tốt đẹp, trở thành một sự kiện có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với quân và dân tỉnh ta. Đại hội vạch ra phương hướng khắc phục khó khăn về các mặt, nhất là lĩnh vực kinh tế, cổ vũ, động viên toàn dân đẩy mạnh công cuộc kháng chiến. Đại hội nhấn mạnh các biện pháp xây dựng thực lực tại chỗ, đáp ứng yêu cầu bức thiết của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Những định hướng do Đại hội đề ra đã “vạch đường, chỉ lối” cho toàn quân, toàn dân Quảng Bình, tạo ra thế và lực mới tiếp tục hoàn thành sứ mệnh công cuộc kháng chiến.
 
Những mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ Đại hội đại biểu tỉnh Đảng bộ lần thứ III đặt ra cho đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị, nhất là trong vấn đề xây dựng, chính đốn Đảng.
 
Tìm lại dấu tích xưa…
 
Tính từ thời điểm diễn ra Đại hội đại biểu tỉnh Đảng bộ lần thứ III đến hôm nay, thời gian trôi qua 61 năm. Người dân Trường Sơn tự hào khi chiến khu Bến Tiêm được UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2016. Trong câu chuyện bên bếp lửa cháy đượm giữa ngôi nhà sàn, những già làng Vân Kiều ở bản Hôi, Rấy, Nước Đắng vẫn kể cho con cháu hậu thế biết nơi mình sinh sống ẩn chứa trong lòng là cả một bề dày truyển thống cách mạng. Nhưng tuyệt nhiên, địa danh cụ thể gắn liền Đại hội III vẫn không mấy ai còn biết, còn nhớ nổi.
 
Với quyết tâm tìm lại dấu tích xưa, vào những ngày đầu năm mới 2020, chúng tôi đón đò dọc từ trung tâm xã Trường Sơn, vượt qua mười mấy con thác lớn nhỏ, thăm lại vùng đất Bến Tiêm.
 
Hỏi dò người già Vân Kiều bản địa, ai ai cũng lắc đầu. Mãi đến trưa trật, tình cờ gặp già Hồ Văn Râng, sinh năm 1950, ở bản Nước Đắng. Già Râng nguyên Trung đội trưởng dân quân thời kỳ năm 1972. Trong trí nhớ mù mờ của già Râng còn đọng lại dấu tích một ngôi miếu cổ nằm cạnh ngôi đình đổ nát sâu trong rừng già.
 
Biết ý định của chúng tôi, già Râng tình nguyện làm người dẫn đường. Đứng nơi doi đất thoai thoải nhô ra sát bờ Long Đại, được dòng sông uốn lượn bao bọc lấy ba bên, già Râng định vị hướng đi rồi cầm lấy con dao rựa “vạch lối, rạch đường”. Chúng tôi đi như thế giữa mịt mờ cây dại khoảng gần cây số thì người dẫn đường ra dấu dừng lại, ánh mắt già Râng đậu nơi những dáng cây quen thuộc là mấy ngọn mãng cầu, mít dại… Tiếng già reo lên mừng rỡ: “Tìm thấy rồi!”.
Ngôi miếu cổ, địa điểm gắn liền với nơi diễn ra Đại hội đại biểu tỉnh Đảng bộ Quảng Bình lần thứ III.
Ngôi miếu cổ, địa điểm gắn liền với nơi diễn ra Đại hội đại biểu tỉnh Đảng bộ Quảng Bình lần thứ III.
Đi tiếp thêm khoảng chục mét, chúng tôi thấy phía trước mặt hiện ra dáng một ngôi miếu cổ, dù hoang phế những vẫn giữ nguyên vẹn dáng hình. Xa hơn chút nữa, bên hông miếu là dấu vết ngôi đình xưa, nay chỉ còn lại vài đoạn chân tường chất bằng đá. Miếu cổ trở mặt về hướng Tây, ngôi đình ở phía Bắc miếu. Phía trước hai bên mặt miếu có hai dòng chữ Hán không còn tường nét chữ. Phía trong, hai bên thành chạm vẽ đôi hạc đứng trên lưng rùa cùng chầu vào nơi thờ tự. Nơi thờ tự chạm khắc hình tượng một con rồng chầu. Tất cả đều còn sắc nét, rõ nguyên màu sắc, cực kỳ tinh xảo.
 
Già Hồ Văn Râng… bằng ngôn ngữ tâm linh, chọn lấy hai viên đá gieo xuống đất đến năm lần. Cuối cùng già khẳng định như đinh đóng cột: “Đúng chỗ này rồi đó. Thần núi, thần sông mách bảo chính địa điểm này là nơi diễn ra đại hội. Một cái đại hội rất to, rất đông người”.
 
Chiến khu Bến Tiêm, nơi ghi dấu những sự kiện lịch sử trọng đại của quân và dân Quảng Bình trong hai cuộc kháng chiến cứu nước ngày nay trở thành một địa điểm du lịch kỳ thú trên dòng Long Đại. Việc xác định đúng địa điểm gắn liền với nơi diễn ra Đại hội đại biểu tỉnh Đảng bộ Quảng Bình lần thứ III góp phần tăng thêm giá trị lịch sử của vùng đất này.
 
Ngô Thanh Long