Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

"Mùa quả ngọt" trên quê hương "hạt giống đỏ"

  • 08:36 | Thứ Hai, 03/02/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Ngày 22-4-1930, tại ga Kẻ Rấy (TT. Hoàn Lão, Bố Trạch), Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở tỉnh Quảng Bình được thành lập. Từ mốc son chói lọi đó, với truyền thống của quê hương gieo mầm “Hạt giống đỏ”, Bố Trạch hôm nay đang bừng lên sức sống mới.

“Hạt giống đỏ”

Ngày 22-4-1930, tại ga Kẻ Rấy, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở tỉnh Quảng Bình được thành lập trên cơ sở Ban vận động Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Chi bộ gồm 3 đồng chí: Điện, Ga (tức đồng chí Nguyễn Trọng Di làm xếp ga tại ga Kẻ Rấy) và Duyệt (tức đồng chí Dương Đình Dư, thầy giáo dạy học). Đồng chí Điện làm Bí thư phụ trách chung và trọng tâm là phong trào công nhân xe lửa đoạn Phúc Tự đến ga Thọ Lộc. Đồng chí Dương Đình Dư phụ trách vận động nông dân và thanh niên ở vùng tổng Hoàn Lão. Sau khi thành lập, Chi bộ kết nạp thêm một số đồng chí, như: đồng chí Quách Tuân làm nhiệm vụ liên lạc với các tổ chức Đảng ở Huế, Đông Hà và nhận tài liệu, cờ Đảng phục vụ việc tuyên truyền tổ chức nhân dân đấu tranh; đồng chí Quách Vịnh phụ trách thanh niên.

Bên cạnh các hoạt động rải truyền đơn, treo cờ Đảng và phong trào đấu tranh của công nhân, nông dân ở Hòa Duyệt, tỉnh lộ 2 và làng Hoàn Phúc, Chi bộ còn vận động nông dân trong nhiều làng đấu tranh đòi giảm sưu, thuế, chia lại công điền, công thổ. Tiêu biểu có cuộc đấu tranh ngày 1-6-1930 tại xóm Nậy, thôn Võ Thuận; tháng 7-1930, vận động hơn 500 dân phu của các làng Hoàn Lão, Hoàn Phúc, Vạn Lộc đang làm tỉnh lộ 2 bãi công… Cuối tháng 8-1930, Chi bộ đã xây dựng được tổ chức Nông hội đỏ ở làng Lý Hòa; phát triển Đảng trong công nhân đường sắt ở ga Ngân Sơn và ga Sa Lung.

Phong trào cách mạng của quần chúng dưới sự lãnh đạo của Chi bộ ngày càng phát triển làm cho bộ máy chính quyền bảo hộ và bọn tay sai ở Quảng Bình vô cùng hoang mang, lo sợ. Bằng các thủ đoạn khủng bố, mua chuộc hết sức thâm độc, bọn chúng tìm mọi cách dập tắt phong trào cách mạng. Đến tháng 5-1931, các đảng viên ở Chi bộ ga Kẻ Rấy lần lượt sa vào tay giặc…

Cô và trò các trường học trên địa bàn huyện Bố Trạch thường xuyên đến dâng hương, tìm hiểu truyền thống cách mạng tại Di tích lịch sử ga Kẻ Rấy.
Cô và trò các trường học trên địa bàn huyện Bố Trạch thường xuyên đến dâng hương, tìm hiểu truyền thống cách mạng tại Di tích lịch sử ga Kẻ Rấy.

Ngược dòng thời gian, lật giở từng trang sử, đồng chí Trần Tiến Sỹ, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Bố Trạch kể với niềm tự hào: “Tuy Chi bộ ga Kẻ Rấy ra đời, tồn tại và hoạt động chỉ trong vòng 1 năm. Nhưng với khoảng thời gian ngắn ngủi đó, Chi bộ ga Kẻ Rấy đã trở thành chỗ dựa, niềm tin cho phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Quảng Bình nói chung và Bố Trạch nói riêng”.

Khi tiếng súng của thực dân Pháp vừa nổ trên đất Quảng Bình, nhân dân Bố Trạch già trẻ, gái trai đã anh dũng bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp. Là một địa bàn chiến lược giành giật giữa ta và Pháp, cán bộ, lực lượng du kích và nhân dân Bố Trạch một lòng kiên trinh bám đất, bám làng chiến đấu. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, kế thừa truyền thống của làng quê cách mạng gieo mầm “Hạt giống đỏ”, khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Xe chưa qua nhà không tiếc”… đã trở thành lẽ sống của cán bộ, dân và quân Bố Trạch.

Bố Trạch-sức sống mới hôm nay

Kế thừa truyền thống quê hương, những năm qua, Đảng bộ và nhân dân Bố Trạch đã chung sức chung lòng, phát huy nội lực, tiếp tục viết nên trang sử hào hùng của quê hương... Đến nay, Bố Trạch không những nổi tiếng là quê hương miền di sản Phong Nha-Kẻ Bàng, với dòng Son thơ mộng trên bến dưới thuyền và nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng thu hút hàng vạn du khách, mà còn có bờ biển dài với những khoang thuyền chở về đầy tôm cá, những cánh đồng màu mỡ, những gò đồi tiềm năng cho bao mùa quả ngọt.

Đồng chí Trần Quang Vũ, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch điểm lại những con số: Với 28 xã, 2 thị trấn, toàn huyện có 195.760 người dân chủ yếu sống dựa vào sản xuất nông nghiệp. Đảng bộ vững mạnh hiện có 64 tổ chức cơ sở đảng với 11.114 đảng viên. Bằng những chủ trương đúng đắn, phù hợp của cấp ủy, chính quyền địa phương trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đặc biệt là chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với địa hình, đất đai, thích ứng với biến đổi khí hậu, Bố Trạch đã phát huy tiềm năng đất đai, từng bước phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao đời sống của người dân.

Bố Trạch đổi mới hôm nay.
Bố Trạch đổi mới hôm nay.

Tính đến đầu năm 2020, huyện có thêm hai xã Hòa Trạch và Nam Trạch về đích nông thôn mới, nâng số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn huyện lên 14 xã; thu nhập bình quân đầu người tăng hàng năm, đến nay đạt 43,6 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm hiện còn 4%. Mới đây, Bố Trạch hoàn thành xây dựng đề án và đã được UBND tỉnh công nhận xã Sơn Trạch đạt tiêu chí đô thị loại V; triển khai thực hiện điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị Hoàn Lão đến năm 2035, điều chỉnh quy hoạch phân khu đô thị Phong Nha, quy hoạch phân khu đô thị xã Trung Trạch, Thanh Trạch. Hiện, huyện đã hoàn thành các thủ tục trình Quốc hội thông qua, tiến tới thành lập thị trấn Phong Nha. Trong tương lai không xa, Bố Trạch sẽ có 3 thị trấn. Huyện cũng tiếp tục khẳng định, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, đột phá chiến lược trong thời gian tới. Với lượng khách du lịch năm 2019 đạt 937 nghìn lượt người, tăng 12,2% so cùng kỳ, doanh thu từ du lịch đạt 272 tỷ đồng.

Phát triển kinh tế, Bố Trạch cũng chú trọng công tác giáo dục và đạt được kết quả khích lệ. Trong năm 2019 vừa qua, toàn huyện có thêm 3 trường học đạt chuẩn quốc gia, nâng tổng số trường đạt chuẩn quốc gia lên 71 trường.

“Và Bố Trạch không chỉ dừng lại ở đó bởi tiềm năng, thế mạnh trên địa bàn đang được cấp ủy, chính quyền và người dân cùng chung sức đồng lòng để khai thác có hiệu quả, tiếp tục xây dựng quê hương “Hạt giống đỏ” ngày càng giàu mạnh”-Chủ tịch UBND huyện Trần Quang Vũ khẳng định.

Hương Trà