Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Kỳ vọng... Châu Hóa

  • 08:37 | Thứ Tư, 26/02/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Châu Hóa, mảnh đất phía hữu ngạn sông Gianh, một thời “cách sông trở đò” với những ký ức đói nghèo, giờ đã lùi xa vào quá khứ. Hành trình để “bồi đắp” nên một Châu Hóa như ngày hôm nay là cả một chặng đường dài.
 
Trong ký ức của người thương binh già Phan Văn Nguộc (80 tuổi), nguyên Bí thư Chi bộ Kinh Châu (giai đoạn 1982-1992), năm nay 53 năm tuổi Đảng, Châu Hóa của những năm xa ấy là “thời kỳ cơ cực, vất vả khó mà kể xiết. Ăn đói, mặc rét. Nhưng khổ nhất là lũ lụt triền miên. Châu Hóa, dải đất ven sông này, vốn là cái rốn lũ. Sau mỗi trận lũ miên man ấy, cứ bước chân ra khỏi đường là ngập trong bùn lầy, thôn phải huy động người dân gánh cát lấp đường mà đi. Song, có lẽ vì đói, vì khổ quá, mà người Châu Hóa rất hiếu học. Từ thuở đó, nhiều người học hành thành tài và trở thành niềm tự hào của mảnh đất Châu Hóa này”.
 Bộ mặt nông thôn mới xã Châu Hóa ngày nay.
Bộ mặt nông thôn mới xã Châu Hóa ngày nay.
Câu chuyện của ông già tuổi bát thập xen lẫn trong những cơn lũ và sự đói nghèo, thiếu thốn. Đang kể, ông bỗng chuyển giọng: “Mà thôi, đó là Châu Hóa của những thập niên trước. Từ khi có cầu Châu Hóa (đưa vào sử dụng năm 2011), thế cách sông trở đò của mảnh đất bên hữu ngạn sông Gianh này đã khác trước rất nhiều. Khi đường sá thông suốt, đi lại dễ dàng hơn, người dân cũng dễ làm ăn, buôn bán hơn. Sự đổi thay trong gần 10 năm qua ở Châu Hóa là minh chứng cho những quyết sách, chủ trương đúng đắn của Nhà nước, cũng như địa phương”.
 
Vâng, nghèo đói và những khó khăn ấy, giờ đây chỉ còn lại đọng lại trong ký ức của những người già như ông Nguộc. Ngày nay, loanh quanh bước đi trên những đường ngang, lối dọc tăm tắp, phẳng phiu giữa những khu dân cư được sắp xếp theo ô bàn cờ vuông vắn, đã thấy một Châu Hóa thay da, đổi thịt. Bí thư Đảng ủy xã Châu Hóa Trương Thanh Lam chia sẻ: “Những thay đổi đó bắt đầu từ khi xã bắt tay thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM). Châu Hóa là xã đất không rộng, người không đông, xuất phát điểm về kinh tế tương đối thấp so với các địa phương khác trên địa bàn huyện, nguồn thu ngân sách rất ít, từ khi bắt tay vào xây dựng NTM, lãnh đạo xã rất trăn trở và lo lắng. 
 
Tuy nhiên, nhờ sự chủ động bám sát đường lối, chủ trương của cấp trên, biết tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ từ Nhà nước, các cấp, các ngành, áp dụng vào tình hình thực tế tại phương, nên những khó khăn dần dần được tháo gỡ. Bộ mặt nông thôn trên địa bàn có nhiều thay đổi. Đó chính là tiền đề và cũng là động lực để Châu Hóa tiếp tục đạt được những kết quả như ngày nay. Sau 5 năm XDNTM, Châu Hóa tự hào là xã đầu tiên cán đích NTM (năm 2015) của huyện Tuyên Hóa. 
 
Ngay sau khi đạt chuẩn NTM, xã liền bắt tay ngay vào xây dựng NTM nâng cao và tiến hành chọn thôn XDNTM kiểu mẫu. Năm 2018, Ban Chấp hành Đảng bộ xã ban hành nghị quyết chuyên đề về việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM nâng cao, thành lập Ban chỉ đạo xây dựng khu dân cư kiểu mẫu ở các thôn. Trước mắt, xã xây dựng điểm 2 khu dân cư kiểu mẫu tại thôn Lâm Lang và Uyên Phong để triển khai nhân rộng”.  
 
Có được bộ mặt cơ sở hạ tầng cơ bản, thế nhưng mục tiêu phải đạt đến trong XDNTM là nâng cao đời sống và thu nhập cho nhân dân. Nói về động lực để địa phương thực hiện mục tiêu này, Bí thư Đảng ủy xã cho rằng: “Mặc dù đời sống của nhân dân đã được nâng lên so với trước đó, song vẫn còn nhiều vấn đề đang đặt ra và giải quyết, đặc biệt là sinh kế, việc làm cho người dân. Vì vậy, thời gian tới, chúng tôi xác định sẽ quan tâm tạo điều kiện cho các ngành nghề nông thôn phát triển nhằm tạo thêm việc làm cho lao động; tạo môi trường thuận lợi cho các HTX dịch vụ-thương mại hoạt động kinh doanh có hiệu quả; khuyến khích tích tụ ruộng đất sau dồn điền đổi thửa; tổ chức các mô hình tổ hợp tác, liên doanh sản xuất, xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp đặc trưng”. 
 
Nhưng, từ chủ trương, quyết sách đưa ra đến triển khai và áp dụng trong thực tế, thường có khoảng cách. Ông Lam trả lời: “Chúng tôi hiểu điều đó, nhưng không phải vì khó mà không thực hiện. Sự xuất hiện của một số mô hình kinh tế HTX mới trên địa bàn thời gian qua đã cho thấy hiệu quả bước đầu. Đó là những tiền đề cơ bản để địa phương xác định được hướng đi trong thời gian tới”.
Một mô hình nuôi cá lồng trên sông Gianh của HTX nuôi trồng và khai thác thủy sản Bình Minh.
Một mô hình nuôi cá lồng trên sông Gianh của HTX nuôi trồng và khai thác thủy sản Bình Minh.
Ông Hoàng Văn Minh, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) nuôi trồng và khai thác thủy sản Bình Minh cho biết, ở thôn Kinh Châu, ngoài nghề làm ruộng, người dân nơi đây vốn có nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản trên sông Gianh. Trước đây, người dân mạnh ai nấy làm, ai muốn nuôi gì thì nuôi, lời ăn lỗ chịu, được mất đều nhờ trời. Thấy được tiềm năng nuôi trồng thủy sản, từ năm 2018, xã đứng ra vận động bà con thành lập HTX (23 hộ gia đình), với mục đích để liên kết sản xuất. Từ khi HTX được thành lập, người dân mới được tập huấn về các kỹ thuật, cách chăm sóc, phòng trị bệnh cho cá.
 
“Đặc biệt, đầu năm 2019, các hộ dân trong HTX được Dự án Giảm nghèo bền vững về tập huấn chuyển giao kỹ thuật và hỗ trợ giống cá lăng chấm đưa vào nuôi thử nghiệm. Dù đây là lần đầu tiên, người dân đưa một giống cá mới vào nuôi, nhưng kết quả cho thấy rất khả quan. Nguồn thu nhập của người dân tăng lên đáng kể. Tính trung bình mỗi năm, mỗi lồng cá cho thu nhập 15 triệu đồng. Chúng tôi hy vọng, sắp tới, không chỉ cá lăng chấm, mà sẽ có nhiều giống cá mới được đưa về, giúp người dân trong HTX có nhiều sự lựa chọn hơn, góp phần nâng cao đời sống cho bà con.”, ông Giám đốc HTX kỳ vọng.
 
Nói như Bí thư Đảng ủy Trương Thanh Lam, nếu xã Châu Hóa đã nhận diện được tồn tại, hạn chế và quan trọng hơn, xác định được hướng đi, thì đó chính là tiền đề vững chắc cho việc thực hiện những quyết sách trong thời gian tới. Bởi, khi nội lực được khơi dậy, tiềm năng, lợi thế được đánh thức, thì nền tảng phát triển mới thực sự chắc chắn và bền vững.
 
Đồng chí Trần Hữu Chức, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tuyên Hóa đánh giá: “Xã Châu Hóa có được những kết quả như ngày nay là nhờ tập thể lãnh đạo xã luôn đoàn kết, đồng thuận, nhất trí và có quyết tâm chính trị cao; biết tranh thủ tối đa sự hỗ trợ của các nguồn lực; hầu hết các chủ trương, quyết sách của địa phương luôn bảo đảm dân chủ, công khai nên tạo được niềm tin lớn trong nhân dân. Đó chính là những nền tảng quan trọng cho sự phát triển. Tuy nhiên, thời gian tới, lãnh đạo xã Châu Hóa cần làm sao đưa ra những giải pháp mạnh mẽ hơn nữa trong việc phát triển các ngành nghề nông thôn, ngành nghề mới; mở mang dịch vụ-thương mại, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống cho nhân dân. Bên cạnh đó, xã cần chủ động giữ vững và kiểm soát được tình hình an ninh trật tự tại địa phương”.
 
Dương Công Hợp