Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Hình ảnh quê hương Quảng Bình trong thơ Xuân Hoàng

  • 08:30 | Chủ Nhật, 05/01/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhà thơ Xuân Hoàng (SN 1925 tại TP. Đồng Hới) làm thơ từ năm 1947 và trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 1952. Đánh giá về đời thơ, đường thơ của Xuân Hoàng, nhà thơ Chế Lan Viên nói rằng: “Xuân Hoàng là nhà thơ của Quảng Bình”. Trong gia tài thi ca đồ sộ với 16 tập thơ và trường ca đã xuất bản của ông có một dòng tác phẩm xuyên suốt viết về quê hương Quảng Bình. Rất nhiều trong số đó đã trở thành tác phẩm gối đầu giường của các thế hệ độc giả.
 
Đọc tác phẩm của nhà thơ Xuân Hoàng, chúng ta sẽ gặp lại hình ảnh của quê hương Quảng Bình trong từng thời kỳ lịch sử nhất định. Những địa danh, sự kiện và những con người có tên, không tên được ông đưa vào thơ chân thực mà nhẹ nhàng, xúc cảm. Nói rằng, nhà thơ Xuân Hoàng là người chép sử cho dải đất Quảng Bình bằng thơ quả không sai. 
Trang bìa
Trang bìa "Tuyển tập Xuân Hoàng".

Mỗi bài thơ của ông là một câu chuyện lịch sử oai hùng. “Ai đi qua Quảng Bình/Hẳn từng quen huyện Bố/Huyện khắc khổ: Dân nghèo, đất đỏ/Dưới chân Ba Rền/Thăm thẳm một màu xanh/Chợ Bố Trạch sắn nhiều gạo ít/Nâu Ba Rền củ tốt hơn khoai/Sông Dinh nước cạn bãi bồi/Đồng khô đồng cạn, mùa vơi mùa cằn” (Qua Bố Trạch).

Đó là hình ảnh của huyện Bố Trạch năm 1950. Đất nghèo nhưng lòng người kiên trung “Giặc chiếm đóng!/Cười gằn thách thức!/Người dân nghèo Bố Trạch đứng lên: Củ khoai, luống đất đang hiền/Bỗng trỗi dậy, Ba Rền hoen ráng đỏ”.

Cũng trong thời kỳ này, nhà thơ Xuân Hoàng có bài “Tiếng hát sông Gianh” ghi lại cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân đôi bờ dòng sông lịch sử: “Một buổi sáng giặc về Phù Trịch/Canô, phà, đò, nôốc kéo theo nhau/Pháp, da đen, khố đỏ, đủ da màu?/Từ Hòa Luật, Mỹ Trung, Đồng Hới, Lý Hòa, Thanh Khê ồ ạt đến”. Trong bối cảnh ấy, vẫn hiện lên vẻ đẹp bình dị mà kiên cường của những làng quê bên sông “Bên kia sông hàng tre chờ lặng lẽ/Nắng ngập bờ không một bóng dân quân/Làng hiền từ...mà bí mật lạnh lùng...”, nhưng rồi:“Từng loạt một, súng bắt đầu lên tiếng/Đò chồng chềnh, tên lái ngã quay lơ/Đạn trên đồi vãi xuống như mưa/Đò cứ đắm lính trên đò cứ chết...”. Đất Quảng Bình là vậy. Người Quảng Bình là vậy. Hiền lành mà quyết liệt. Lặng lẽ mà sục sôi.
 
Nếu những bài thơ sáng tác từ trước năm1954 mang âm hưởng hào hùng và bi tráng của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thì trong năm đầu tiên hòa bình lập lại trên toàn miền Bắc (năm 1955), hình ảnh quê hương mang dáng vẻ thanh bình trở lại đúng như bối cảnh lịch sử đương thời: “Sáng trăng, sáng lạch Ba Đồn/Gió từ cửa biển, gió nồm thổi lên/Ngày mai xuống ăn chợ phiên/Tiếng hò sông lặng nghe quen quá chừng...”. Khung cảnh trữ tình của đêm trước chợ phiên Ba Đồn đã ăn sâu vào tiềm thức của biết bao thế hệ người dân vùng đất nam đèo Ngang Quảng Trạch-Ba Đồn. Nhà thơ Xuân Hoàng không chỉ ghi lại lịch sử mà còn lưu giữ truyền thống văn hóa bằng thơ.
 
Xuân Hoàng là nhà thơ của hiện thực. Ông không sáng tác mà không có thực tế. Những gì đã đi vào thơ Xuân Hoàng đều rất gần gũi với đời thực. Không ví von sáo rỗng, không ngợi ca màu mè, Quảng Bình với những gì vốn có, gần gũi hiện lên trong thơ ông là cả một trời thương mến: “Không biết tự đời nào/Những cửa sông vui như mùa trĩu trái/Bồi lở cắt cát dài thành trăm dải/Mở rộng chân trời bao nỗi khát khao/Những động cát quê tôi/Nuôi tôi lớn trong lời ru của sóng/Dương liễu mơn man, dừa xao nước động/Đã bao đời thầm thỉ sức sinh sôi...”.
 
Đời thơ Xuân Hoàng là mải miết những chuyến đi. Và thơ ông là bức tranh toàn cảnh của Quảng Bình. Từ năm 1960, ông đã nhắc đến Phong Nha với vẻ đẹp hữu tình sông núi: “Dòng sông Son vẫn đẹp màu áo lính/Lèn Phong Nha biêng biếc chập chùng quen...”. Khung cảnh những vùng đồi bát ngát nơi miền tây Quảng Bình làm say lòng thi sỹ cũng được ông nhắc đến: “Mùa chắt chiu, đồi ngã sắc hoa lim/Sang mùa gió, bạc đầu lau trắng xóa/Những đồi hoang trên quê hương ta đó/Những đồi hoang rất đỗi bình yên.../Đồi chỉ mang màu, đồi không mang tên/Vào xuân: sắc ngà, sang hè: chuyển đỏ/Tím mùa thu, hoa mua thường dạn gió/Và bạc đầu, lau thắp suốt mùa đông...”. 
 
Trong mạch nguồn xúc cảm với quê hương, năm 1964 nhà thơ viết tác phẩm “Gởi quê hương chiến đấu”. Một bài thơ không dài nhưng gói gọn biết bao ân tình với rất nhiều tên đất, tên làng và những con đường nhỏ xinh của Đồng Hới: “Tôi thuộc hết tên đường trong thị xã/Những con đường mang những tiếng thân yêu/Đường Lê Trực sớm chiều thường rộn rã/Lê Thành Đồng xưởng mộc, biển sơn treo/Lối Cô Tám rẽ ngang về bến chợ/Đào Duy Từ kè vững mở tầm khơi/Lâm Úy vẫn cười kia trên nẻo phố/Quách Xuân Kỳ cũng hẹn xuống đường vui..”
 
Trong nhiều tác phẩm khác, những tên đất, tên làng đã đi vào lịch sử như: đường 12A, Khe Ve, La Trọng, Bãi Dinh, đèo Mụ Giạ, Phu La Nhích...và những con người gắn liền với mỗi thời kỳ chiến đấu của quê hương: Quách Xuân Kỳ, mẹ Suốt...cũng được nhà thơ tinh tế đưa vào tác phẩm. Hình dáng của quê hương Quảng Bình mỏng manh bên bờ sóng mà can trường và kiêu hãnh, bình dị mà lộng lẫy cứ thế tự nhiên được nhà thơ vẽ nên trên nhiều góc độ khác nhau: “Quê tôi đấy đất Quảng Bình xinh đẹp/Con người hiền và sông núi xanh trong/Ôm lịch sử mấy nghìn năm đậm nét...”. Đọc thơ Xuân Hoàng, người Quảng Bình sẽ tự hào hơn về đất mẹ. Và lữ khách sẽ thấy yêu hơn đất, người nơi đây.
 
Nhà thơ Xuân Hoàng sinh ra và lớn lên ở Đồng Hới. Suốt một đời thơ ông gắn bó với mảnh đất nhỏ xinh như một đóa hồng bên cửa biển này. Bởi vậy mà Đồng Hới luôn để lại trong trái tim ông nguồn cảm xúc thi ca mãnh liệt. Men theo đường thơ Xuân Hoàng, chúng ta luôn luôn gặp Đồng Hới. Có khi duyên dáng một mình. Có khi hòa chung vào cả quê hương Quảng Bình yêu dấu.
 
Nhưng ở vị trí nào, thời khắc nào, Đồng Hới  cũng mang vẻ đẹp riêng có của vùng đất nơi cuối sông đầu biển. Phải yêu thương quá đỗi nhà thơ mới thốt lên rằng: “Cái thị xã nhỏ, xinh như đường ngân nét nhạc/Đã bao lần phải hứng bom rơi”, “Chúng tôi đi, mang Đồng Hới đi bao nơi/Trong giấc ngủ tiếng căm thù vẫn thức/Đâu có lửa, đó là vùng có chớp/Tiếng gọi cháy lòng Đồng Hới của ta ơi”...
 
Có một điều đặc biệt, tác phẩm của nhà thơ Xuân Hoàng không chỉ phản ánh hiện thực sinh động mà còn mang tính dự báo. Tháng 10-1966, giữa những loạt bom hủy diệt Đồng Hới của đế quốc Mỹ, ông sáng tác bài thơ “Đồng Hới”:  “Ta biết hôm nay Đồng Hới hủy mình/Để có ngày mai Đồng Hới đẹp/Thành phố ta xây bên bờ biển biếc/Biển miền Trung xanh ngắt một màu xanh...”. Hơn 50 năm sau, niềm hy vọng của nhà thơ đã trở thành hiện thực: “Cái thị xã nhỏ, xinh như đường ngân nét nhạc” của nhà thơ Xuân Hoàng năm xưa ấy đã trở thành thành phố “đẹp vạn lần hơn” như nhà thơ ước vọng.
 
Gần trọn đời thơ, đường thơ gắn bó với quê hương Quảng Bình, nhà thơ Xuân Hoàng đã để lại cho đất và người Quảng Bình nhiều tác phẩm có sức lay động, lan tỏa mạnh mẽ. Dù rất nhiều thập kỷ đã trôi qua nhưng đó là những dòng thơ tươi xanh, những dòng thơ lửa cháy, đúng như lời nhà thơ Xuân Diệu nhận xét: “Nhờ sống ở vùng đất lửa nên thơ Xuân Hoàng mới có lửa như thế”.
Trương Thu Hiền