Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Cây đờn ống của người Mã Liềng

  • 08:29 | Thứ Hai, 27/01/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Cây đàn ống (người bản địa gọi là đờn ống) là một loại nhạc cụ chế tạo từ tre nứa được người Mã Liềng, xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa sáng tạo và truyền đời. Qua nhiều thế hệ, cây đờn ống mang đậm nét độc đáo trong văn hóa truyền thống của người Mã Liềng...
 
Chiếc đờn ống dài khoảng 70cm, được làm từ ống cây nứa già. Một đầu được để rỗng, đầu còn lại là mắt ống được đục lỗ nhỏ hơn. Thân ống nứa được vuốt nhẵn một phía để kéo hai sợi dây. Cách làm tưởng như đơn giản nhưng để chế tác ra được cây đờn ống đạt chuẩn là cả một sự kỳ công, đòi hỏi sự khéo léo mà không phải ai cũng làm được.
 
Chỉ truyền cho phụ nữ
 
Trong căn nhà của bà Phạm Thị Lưu, bản Cáo, xã Lâm Hóa thi thoảng lại ngân lên tiếng đờn hát. Tiếng ca, tiếng đờn lúc thì âm vang cả núi rừng, có khi lại da diết, rủ rỉ, buồn đến não nề. Người dân trong bản bảo, chỉ cần nghe tiếng đờn là biết bà Lưu đang vui hay buồn.
Bà Phạm Thị Lưu, bản Cáo, xã Lâm Hóa kể với phóng viên về cách chơi đờn ống.
Bà Phạm Thị Lưu, bản Cáo, xã Lâm Hóa kể với phóng viên về cách chơi đờn ống.
Trong mấy bản người Mã Liềng sinh sống ở Lâm Hóa, bà Lưu là một trong số ít những người còn biết chơi và chế tạo được cây đờn ống. Hôm chúng tôi vào bản, đúng lúc bà vừa đi hái măng về. Bên cây đờn ống, bà Lưu vừa đánh đờn vừa kể chuyện cho chúng tôi nghe.
 
Bà Lưu chẳng nhớ đã sống qua bao nhiêu mùa rẫy nhưng cách làm và chơi đờn ống được mẹ dạy cho từ thời con gái thì vẫn nhớ đến nay. Cách chế tác và chơi đờn ống khá đơn giản, hầu như ai nhìn qua một lần đều có thể làm được nhưng để chơi đúng điệu, bảo đảm âm vần thì rất khó.
 
Theo bà Lưu, cây chọn để làm đờn phải là cây nứa già, đốt phải dài, to và mỏng dẹt, có khi cả khoảnh rừng nứa mới chọn được một cây. Khi chọn được cây thì chặt về, lấy đốt dưới cùng sau đó treo ở gác bếp cho đến khi ống khô. Đầu để rỗng dùng dao nhọn chẻ ra nhiều phần bằng nhau làm sao vẫn bảo đảm đầu ống không bị hư hại. Một đầu còn lại được đục một lỗ nhỏ. Ngày nay, dây đờn được làm bằng dây cước nhỏ.
 
Nhưng thế hệ các bà, các mẹ của bà Lưu thì phải vào sâu trong rừng tìm đúng loại cây dây leo sống gần bờ suối, vỏ cây này được tách nhỏ, xoắn lại và hong qua lửa nhiều lần để làm dây đờn. Để tiếng đờn được ngân vang, trong trẻo, ngoài việc chọn được cây nứa tốt, quan trọng nhất là việc kéo dây. Hai sợi dây một kéo căng, một kéo chùng. Mỗi lần chế tác đờn, bà Lưu phải ngồi cả buổi mới cân được dây đờn theo đúng ý mình. Chơi đờn ống có hai cách, có thể dùng tay để gảy hoặc dùng thanh nứa để kéo. Thanh nứa này cũng được vót từ ống nứa già, mỏng như chiếc lá.
 
Bà Lưu cho hay, việc chế tác và chơi đờn ống chủ yếu là phụ nữ người Mã Liềng. Nhiều đàn ông trong bản cũng học cách chế tác và chơi đờn ống nhưng không bao giờ hay bằng phụ nữ, bởi kỹ thuật chỉ truyền từ mẹ sang cho con gái.
 
Chiếc đờn giao duyên
 
Những năm 90 thế kỷ trước, khi người Mã Liềng đang còn sống len lỏi khắp núi rừng, cuộc sống bấp bênh, nay đây mai đó nhưng không biết từ lúc nào, chiếc đờn ống đã trở thành vật "bất ly thân" của người Mã Liềng. Đó không chỉ là nhạc cụ mà còn là nơi gửi gắm tình cảm, nỗi niềm chân thành mộc mạc và thể hiện đời sống tâm linh của người Mã Liềng.
 
Đờn ống được người Mã Liềng chơi trong các dịp lễ cưới xin, ma chay, lễ cúng thần rừng... Tùy thuộc vào mỗi hoàn cảnh khác nhau, họ sẽ đánh đờn theo nhịp điệu khác nhau. Đặc biệt, với người phụ nữ Mã Liềng, tiếng đờn là âm thanh của giao duyên, của tình yêu đôi lứa.
Bà Hồ Thị Chúc, bản Cáo, xã Lâm Hóa, một trong ít người Mã Liềng còn biết cách chế tác và chơi đờn ống.
Bà Hồ Thị Chúc, bản Cáo, xã Lâm Hóa, một trong ít người Mã Liềng còn biết cách chế tác và chơi đờn ống.
Từ thuở mới lớn, người con gái Mã Liềng đã được dạy cách làm và chơi đờn ống. Những lúc vui buồn, họ đều dùng tiếng đờn để trút bầu tâm sự. Khi đến tuổi cập kê, tiếng đờn thể hiện tiếng lòng của người con gái Mã Liềng. Khi thích một chàng trai nào đó, họ sẽ đánh đờn cho người đó nghe. Hoặc khi người yêu đi săn bắn ở xa, họ mượn tiếng đờn gửi gắm nỗi nhớ nhung... Thường thì người con trai Mã Liềng sẽ cảm nhận được tiếng đờn của người con gái và khi đồng cảm sẽ ngồi thâu đêm để nghe đờn.
 
Bà Hồ Thị Chúc, ở bản Cáo, cũng là một trong số ít những người Mã Liềng còn biết cách chế tác và chơi đờn ống chia sẻ, thời còn con gái, bà cũng nhờ tiếng đờn mà tỏ tình được với người chồng sau này. Khi chơi đờn, các giai điệu sẽ thể hiện nhiều cung bậc cảm xúc của tình yêu đôi lứa, như: lúc ở bên nhau, lúc hai người hò hẹn, niềm vui khi hai người gặp lại nhau, cùng nhau đi rẫy, cùng nhau làm việc.
 
Tiếng đờn thể hiện tình yêu chỉ được người phụ nữ Mã Liềng chơi cho người con trai mình thích nghe. Sau này, nếu thành duyên vợ chồng họ sẽ không bao giờ cho người đàn ông nào khác nghe nữa để chứng minh lòng thủy chung của mình.
 
Trải qua thăng trầm của thời gian, cuộc sống của người Mã Liềng đang đổi thay từng ngày, họ đã dần bắt nhịp được với cuộc sống hiện đại. Tuy nhiên, cũng vì thế, vào các bản của người Mã Liềng ngày nay, tiếng đờn ống đã thưa thớt dần. Trong cộng đồng người Mã Liềng ở Lâm Hóa, người còn biết chơi đờn chỉ đếm trên đầu ngón tay, chủ yếu là thế hệ trước đã lớn tuổi, như: bà Lưu, bà Chúc. Các trào lưu văn hóa hiện đại đang du nhập vào từng ngõ ngách của bản, người trẻ Mã Liềng không còn mặn mà với chiếc đờn ống đã truyền qua nhiều thế hệ và đang có nguy cơ mai một từng ngày...
 
Vì thế, các ngành chức năng và chính quyền địa phương cần có những định hướng, giải pháp cụ thể để bảo tồn, gìn giữ nét văn hóa truyền thống độc đáo này của người Mã Liềng trong dòng chảy cuộc sống hiện đại.
 
X.Phú