Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Nghề xưa, nghiệp cũ

  • 09:03 | Chủ Nhật, 08/12/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Đồng Hới-phố nhỏ bên sông-từng là vùng đất của những nghề xưa, nghiệp cũ vốn nổi danh một thời. Trong sự rộn rã, vươn mình của dáng phố hôm nay, vẫn còn đó câu chuyện về những nghề xưa cũ từng gắn bó với bao đời người dân nơi này. Trong đó, nghề chạm gỗ ở giáo xứ Tam Tòa xưa vẫn còn là câu chuyện hoài nhớ đọng lại trong ký ức những “người muôn năm cũ”.
 
Theo cuốn Địa chí Đồng Hới của cụ Nguyễn Tú, trước Cách mạng Tháng Tám 1945, phường Đồng Mỹ vốn là làng Lệ Mỹ và họ giáo Tam Tòa. Cư dân họ giáo Tam Tòa sống quần tụ ven sông.
 
Trong suốt chiều dài hình thành từ giữa thế kỷ 17 đến trước khi di cư vào Nam vào năm 1954, họ giáo Tam Tòa đã có nhiều đóng góp trong sự phát triển của mảnh đất tỉnh lỵ Quảng Bình.
 
Chỉ nói riêng nghề chạm gỗ mỹ nghệ, họ giáo Tam Tòa đã truyền dạy cho rất nhiều thế hệ học trò, đến giờ, con cháu họ ở các làng quê ở Đức Ninh (Đồng Hới), Trúc Ly (Võ Ninh, Quảng Ninh) vẫn miệt mài nối nghề cha ông.
 Những tác phẩm chạm khắc gỗ của Tam Tòa xưa đạt đến độ tinh xảo. (Ảnh: Tư liệu)
Những tác phẩm chạm khắc gỗ của Tam Tòa xưa đạt đến độ tinh xảo. (Ảnh: Tư liệu)

Ngày ấy, nghệ nhân nghề chạm ở Tam Tòa nổi tiếng là cụ Huyện Tư, tên thật là Nguyễn Văn Tư. Cụ không xuất thân là tri huyện nhưng tay nghề của cụ đã đóng góp cho rất nhiều công trình chạm trổ của cung đình, lăng tẩm nhiều triều vua, nên được tặng thưởng chức hàm tri huyện để ghi công.

Xưởng của cụ Huyện Tư khi đó đóng chân ở ngay giáo xứ Tam Tòa, nay là phường Đồng Mỹ. Xưởng nổi tiếng bởi các sản phẩm chạm khắc độc đáo, đạt đến độ tinh xảo và tính nghệ thuật. Nhờ vậy, những sản phẩm làm ra vang danh khắp chốn.

Dưới sự hướng dẫn của cụ, nhiều thợ giỏi đã thành danh và được biết đến ở khắp trong Nam, ngoài Bắc. Đồ chạm Tam Tòa xuất đi khắp nơi trong nước và cả nước ngoài. Tài hoa của người thợ Tam Tòa xưa thể hiện ở lối chạm nổi, nghĩa là mọi hình ảnh trong bức chạm đều nổi lên trên bề mặt của mặt phẳng, nhìn sống động như vật thể thật.

Trong cuốn “Những bài học về địa lý Quảng Bình” của tác giả Lương Duy Tâm xuất bản năm 1937 có viết: “Về gỗ để chạm, chúng tôi chỉ dùng ba thứ: gõ, dạ hương và huê mộc. Nhưng khách hàng sành sỏi thích gõ hơn hai loại kia...

Ngày xưa, chúng tôi chỉ có một ít “mô típ” cổ truyền gọi là cổ đồ và bát bửu, nhưng ngày nay, thị hiếu đã thay đổi. Chúng tôi làm theo chủ yếu những mô típ do khách hàng đặt. Thường thường, các mô típ này đều rút ra từ những câu chuyện cổ tích như Tam Quốc, Tây Du và những truyện khác”.

Ông Nguyễn Lương Phán, Phó Tổng Biên tập Báo Dân trí, một người gốc Đồng Hới kể lại rằng, cha ông-cụ Nguyễn Lương Cần, người làng Thuận Lý, từng là thợ cả của xưởng chạm khắc gỗ nghệ thuật của cụ Huyện Tư.
 
Trong những năm tháng hưng thịnh nhất của nghề chạm gỗ Đồng Hới, những nghệ nhân như cụ Cần đã chế tác nên những tác phẩm đi khắp cả nước, rồi ra nước ngoài. Lính Pháp lúc bấy giờ có sở thích chạm tượng vợ hay bạn gái trên các bức gỗ.
 
Người thợ chạm chỉ cần nhìn hình ảnh qua các bức ảnh đen trắng rồi cứ thế chạm chân dung lên gỗ. Người này mách nước người kia, lính Pháp kéo đến thuê thợ chạm ngày một đông đúc. Xưởng chạm của cụ Huyện Tư thời ấy đông khách hơn cả.
 
“Lớn lên, tôi được cha kể lại về những năm tháng ông là thợ cả ở xưởng chạm khắc gỗ nghệ thuật do cụ Huyện Tư làm chủ. Năm 1942, ông là một trong số ít thợ thủ công người Việt được mang sản phẩm tham dự hội chợ ở Mác-xây, nước Pháp.
 
Sau đó, chính thành tích này mà ông cụ được triều đình nhà Nguyễn ban thưởng. Trong những năm tháng làm thợ cả cho cụ Huyện Tư, tay nghề của ông đã đạt đến độ tinh xảo. Đến năm 1954, khi họ giáo Tam Tòa di cư vào Nam, xưởng chạm giải tán. Những người thợ lành nghề vốn là người làng Thuận Lý, Lộc Đại, Trúc Ly, Diêm Điền trở về nhà, có người bỏ nghề, có người vẫn níu nghề để truyền lại cho con cháu đời sau.
 
Không làm ở xưởng nhưng mãi đến năm chiến tranh hay khi hòa bình lập lại, ông vẫn say mê với nghiệp chạm khắc nghệ thuật ấy của mình”, ông Phán nhớ lại.
 
Trải qua những đổi thay của lịch sử, sự tàn phá của thời gian, nhiều sản phẩm chạm gỗ Tam Tòa xưa đã không còn tồn tại. Chỉ còn lại một số ít hiện vật đang được lưu giữ tại Bảo tàng tổng hợp Quảng Bình, số khác lưu lạc trong dân gian. Những sản phẩm chạm khắc gỗ được làm nên bởi đôi bàn tay của những người thợ lành nghề ngày ấy nay đã trở thành các hiện vật quý giá bởi giá trị lịch sử, nghệ thuật.
 
Theo cụ Nguyễn Tú, tinh xảo nhất phải kể đến bàn thờ hiện đang đặt ở nhà thờ Tam Tòa, TP. Đà Nẵng. Đó là kết tinh của những tinh hoa từ đôi bàn tay và tâm huyết của người thợ chạm ngày ấy. Dưới lớp bụi thời gian, những hoa văn chạm khắc hàng chục năm tuổi vẫn sắc nét, bền đẹp.
 
Tại gia đình cụ Lại Kim Lân (xã Bảo Ninh, TP. Đồng Hới) vẫn còn giữ lại hộp đựng trầu được chạm khắc tinh xảo, được coi là sản phẩm của xưởng chạm khắc nghệ thuật vùng Tam Tòa ngày trước.
 
Đến giờ, cụ Lân đã mất, những người con của cụ vẫn gìn giữ chiếc hộp gỗ như thể nâng niu một phần ký ức của thời gian gắn bó cùng bao kỷ niệm của gia đình.
 Những người thợ chạm khắc gỗ của Đồng Hới xưa. (Ảnh: Tư liệu)
Những người thợ chạm khắc gỗ của Đồng Hới xưa. (Ảnh: Tư liệu)
Hơn nửa thế kỷ trôi qua, nghề chạm khắc Tam Tòa chỉ còn trong hồi ức và những câu chuyện kể đượm màu hoài niệm của những mái đầu đã bạc. Nhưng thế hệ con cháu của nhiều người thợ ngày ấy vẫn nối nghề cha ông.
 
Có lẽ thế nên dẫu phố có đổi thay qua thời gian thì đâu đó trong những nếp nhà vẫn giữ lấy một sợi dây văn hóa truyền thống bền chặt qua nhiều thế hệ. Đó là những câu chuyện về nghề xưa, nghiệp cũ, là cái khát khao được giữ lấy những nghề truyền thống của tổ tiên, ông cha để lại.
 
Đến hôm nay, nghề chạm khắc gỗ ở Đồng Hới vẫn còn được lưu giữ ở một số làng quê, chốn phố. Làng Diêm Điền, nay là phường Đức Ninh Đông cũng là một trong những làng quê nổi danh bởi nghề chạm khắc gỗ nghệ thuật. Và biết bao người thợ khác vẫn ngày ngày cần mẫn với ngón nghề đặc biệt này.
 
Theo dòng xoáy của cuộc mưu sinh, cũng như bao nghề truyền thống khác, nghề chạm khắc gỗ cũng trải qua bao phen thịnh suy, chìm nổi. Nhưng dẫu vậy, trong câu chuyện của những người thợ hôm nay vẫn còn đó niềm tự hào về một thế hệ cha ông suốt cuộc đời sống trọn vẹn cùng nghề.
 
Diệu Hương