Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

"Khi ông mặt trời đi ngủ" ở bản Chân Trôộng

  • 08:26 | Chủ Nhật, 15/12/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Gần ba năm nay, cứ vào khoảng 18 giờ 30 phút hàng ngày, sau bữa cơm tối cùng gia đình, chị Hồ Thị Hoa lại đứng trước bậc sàn ngôi nhà của mình, dùng hai tay làm loa để gọi “Ơi Cải, ơi Pa Rít, ơi Nhi, ơi Lan..... đi đến lớp học thôi, thầy giáo chờ mình rồi”. Sau tiếng gọi ấy, thấp thoáng những ánh đèn pin và bóng những người phụ nữ bước xuống bậc cầu thang nhà mình để cùng nhau đến lớp học xóa mù do cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Làng Mô, BĐBP tỉnh phối hợp cùng Hội LHPN xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninhmở tại bản Chân Trôộng.

Chúng tôi có mặt ở bản Chân Trôộng khi mặt trời đang từ từ khuất sau dãy Trường Sơn, tiết trời đầu Đông nên khoảnh khắc ráng chiều tan khá nhanh. Tuy mới chỉ hơn 18 giờ, thế nhưng nhiều gia đình trong bản nhỏ đã í ới gọi con trẻ về ăn cơm.

Thấy sự khác lạ so với nhiều bản làng vùng cao của người dân tộc Bru-Vân Kiều, nên tôi hỏi Đại úy Hồ Manh, Đội trưởng đội vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Làng Mô và được anh giải thích: “Người dân ở đây ăn cơm sớm để đến lớp học xóa mù đó anh!”.

Bản Chân Trôộng với 59 hộ/232 nhân khẩu nằm dọc theo đường Hồ Chí Minh nhánh Tây. Trước đây, nhiều gia đình trong bản làm nhà ở rải rác theo những sườn núi cao tít tận trong rừng sâu, khi đường Hồ Chí Minh hoàn thành, các gia đình được gom về đây để thuận tiện cho người dân học tập, lao động sản xuất.

Tuy nhiên, cuộc sống của đồng bào nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn. Một phần do địa hình phức tạp, đất sản xuất ít, hệ thống giao thương khó khăn nhưng điều cốt lõi chính là tỷ lệ người bị mù chữ, tái mù chữ rất cao, nhất là chị em phụ nữ, vì thế họ thiếu quá nhiều kiến thức, kinh nghiệm sản xuất, tính toán trong việc chi tiêu kinh tế cho gia đình. Xuất phát từ những lý do đó, những năm qua, việc thoát nghèo của người dân bản Chân Trôộng là vô cùng nan giải.

Để giúp học viên nắm chắc bài học, các “thầy giáo biên phòng” đến từng bàn để kèm cặp, giúp đỡ.
Để giúp học viên nắm chắc bài học, các “thầy giáo biên phòng” đến từng bàn để kèm cặp, giúp đỡ.

Hiểu được tâm tư nguyện vọng của người dân, hè năm 2016, Đồn Biên phòng Làng Mô đã đặt vấn đề phối hợp cùng Hội LHPN xã Trường Sơn để mở lớp học xóa mù cho chị em và người dân bản Chân trôộng. Được sự nhất trí của lãnh đạo các cấp, sự ủng hộ nhiệt tình của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và sự đồng thuận cao của bà con dân bản, lớp học xóa mù của bản sau một thời gian chuẩn bị đã đi vào hoạt động với 18 học viên (gồm 4 nam và 14 nữ) với độ tuổi từ 30 đến 45.

Nói về việc tổ chức lớp học xóa mù cho người dân ở bản Chân Trôộng, Thượng tá Lê Đình Huân, Đồn trưởng cho biết “Việc mở và dạy xóa mù cho bà conở bản Chân Trôộng được xem như là trao cho bà con một chiếc "chìa khóa" mở cánh cửa tri thức để phục vụ cho chính bản thân mình. Bà con được tiếp cận và hiểu về các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và những nội dung tuyên truyền vận động của BĐBP cũng như cấp ủy, chính quyền địa phương, qua đó, sẽ thực hiện đúng và cùng với BĐBP bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốcgia”.

Kiên trì và nhẫn nại, các “thầy giáo Biên phòng”, “cô giáo phụ nữ xã” đã luôn sát cánh cùng học viên để uốn nắn từng con chữ, dạy tỉ mỉ từng phép tính cộng, trừ, nhân, chia. Chị Hồ Thị Hoa, học viên của lớp khoe: “Giờ mình đã biết đọc, biết viết, biết tính toán để phát triển kinh tế gia đình, hiểu lời cán bộ nói...Bây giờ, mỗi khi có việc ra huyện, về tỉnh, mình không còn xấu hổ nữa vì mình đã đọc được các bảng hướng dẫn rồi”.

Được Đảng ủy, Ban Chỉ huy đồn giao nhiệm vụ trực tiếp đứng lớp, các cán bộ, nhân viên đội vận động quần chúng đã luôn “thường trực” tại bản để quán xuyến và duy trì sĩ số lớp học. Những buổi học đầu tiên, thấy đọc, viết và nhớ cái chữ khó quá nên một số học viên có ý định bỏ học.

Thấy vậy, các anh đã đề xuất Ban Chỉ huy đồn tăng cường thêm quân số để thay đổi phương pháp lên lớp. Hàng đêm, một người đứng trên bục giảng hướng dẫn, phía dưới lớp học có từ 3 đến 4 người kèm cặp thêm cho bà con mau nhớ nhưng lại lâu quên bài. Đối với những học viên lớn tuổi, tiếp thu bài hạn chế thì buổi trưa, các anh lại thay phiên nhau đến từng nhà hướng dẫn thêm. Nhờ đó, sỹ số của lớp được duy trì đến tận hôm nay.

Sau gần 3 năm học, từ chỗ không biết đọc, biết viết, biết tính toán, nay toàn bộ 18 học viên đã khá thành thạo trong việc đọc sách, báo, làm các phép tính cộng, trừ, nhân, chia...Và cũng từ lớp xóa mù này, nhận thức của người dân ngày càng được nâng lên, nhiều hủ tục lạc hậu, như: tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, cúng bái..., dần bị loại bỏ trong cộng đồng.

Thêm một ngày trôi qua, khi ông mặt trời đi ngủ, bản Chân Trôộng lại râm ran tiếng gọi nhau, lại thấp thoáng ánh đèn pin của người dân rủ nhau đến lớp học xóa mù.

Nguyễn Thành Phú