Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Xã Cảnh Dương trong chiến dịch Đảo La năm 1972

  • 14:21 | Thứ Năm, 21/11/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trước sức mạnh tiến công của quân và dân ta, Mỹ ngụy ngày càng lâm vào tình thế thất bại thảm hại. Song do bản chất hiếu chiến, đầu năm 1972, chúng cho máy bay, tàu chiến trở lại oanh tạc, đánh phá miền Bắc. Đặc biệt, từ đầu tháng 4-1972, chúng kết hợp máy bay ném bom, pháo kích từ tàu chiến, mở rộng và tăng cường các đợt đánh phá hủy diệt, phong tỏa các hải cảng chính, ngăn chặn các hoạt động chi viện vào miền Nam của ta. Lúc này, không riêng tàu thuyền trong nước mà các tàu nước bạn chở hàng cho ta cũng gặp khó khăn, do không thể vào cảng hay cập bến để bốc dỡ hàng.
 
Đảo Hòn La cách bờ biển xã Quảng Đông (Quảng Trạch) 2,5km, cách Cảnh Dương (Quảng Trạch) gần 10km, được tỉnh và Trung ương chọn làm nơi thả neo cho tàu nước ngoài khi chở hàng đến Quảng Bình. Ngày 29-5-1972, con tàu “Hồng Kỳ 150” chở hơn 6.000 tấn gạo đến Hòn La. Tỉnh ủy, Ủy ban Hành chính tỉnh quyết định, bằng mọi giá phải kịp thời vận chuyển số gạo trên vào bờ an toàn để chi viện cho miền Nam đánh Mỹ.
 
Và “Chiến dịch vận tải Hòn La” mang mật danh “KHR1” ra đời. Theo đó, phương án chủ yếu là dùng tàu và các thuyền nhỏ, vừa chở gạo về cửa Gianh, vừa tăng-bo vào bờ. Đồng thời, giao cho các xã vùng biển sử dụng thuyền đánh cá, tranh thủ mọi thời cơ để vận chuyển gạo. Sau khi được quán triệt, hầu hết cán bộ, đảng viên, dân quân du kích và nhân dân xã Cảnh Dương đều sẵn sàng nhận nhiệm vụ đặc biệt này.
 
Lợi dụng yếu tố bất ngờ, đêm 30 và 31-5-1972, các tàu của Ty Giao thông, Ty Thủy sản Quảng Bình đã khẩn trương tiếp nhận và chuyển gần 600 tấn gạo vào cảng Gianh an toàn. Ngày 1-6-1972 địch phát hiện, cho máy bay tập trung đánh phá vùng biển, làng mạc xã Quảng Đông, thả hàng trăm quả bom từ trường và thủy lôi, phong tỏa toàn bộ các cửa sông, vùng ven biển từ đèo Ngang đến cửa Gianh và quanh nơi tàu Hồng Kỳ neo đậu.
 
Cách đảo Hòn La chừng 10km, 3 tàu chiến địch liên tục pháo kích vào bờ. Các tàu, thuyền của ta vừa tách ra khỏi tàu bạn đã bị đánh chìm, đánh hỏng. Hơn lúc nào hết, Ban chỉ huy chiến dịch quyết định giao cho xã Cảnh Dương tìm phương án đưa hàng vào bờ, để tỉnh rút kinh nghiệm chỉ đạo chung.
  Một góc Cảnh Dương hôm nay.
Một góc Cảnh Dương hôm nay.
Bằng quyết tâm mở đường để thực hiện nhiệm vụ trên giao, Đảng ủy xã đã giao cho Chi bộ Ngư nghiệp và Đoàn Thanh niên họp phổ biến và cử người đi mở đường. Phần lớn cán bộ, đảng viên, đoàn viên, dân quân, xã viên Hợp tác xã Ngư nghiệp tình nguyện ra đi đợt đầu.
 
Tổ “cảm tử” được thành lập, đồng chí Nguyễn Ngọc Liên-Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy được cử làm tổ trưởng, đảng viên Đậu Xuân Yên và đoàn viên Nguyễn Trường Thanh-đối tượng Đảng là thuyền viên.
 
Đúng 19 giờ ngày 2-6-1972, tổ “cảm tử” xuất phát trên con thuyền nan, trong sự lo lắng, chờ đợi của mọi người. Sau 9 giờ vượt biển, giữa màn đêm và các làn pháo địch, 3 đồng chí của ta đã cập mạn tàu bạn, nhận 200kg gạo trở về lúc 4 giờ sáng ngày 3-6-1972.
 
Sau thắng lợi chuyến xung kích mở đường của tổ “cảm tử” xã Cảnh Dương, Ban chỉ huy chiến dịch quyết định huy động toàn bộ thuyền nan của ngư dân Quảng Trạch, Bố Trạch, lấy lực lượng đảng viên, đoàn viên, dân quân 11 xã vùng biển của 2 huyện, thành lập các đội hỏa tuyến thực hiện “Phương án thuyền nan” để giải phóng tàu.
 
Đại đội hỏa tuyến Quảng Trạch, trong đó, xã Cảnh Dương có 20 đồng chí phục vụ trên tàu và trên biển; 40 nam, nữ thanh niên phục vụ bốc dỡ tại bến. Sau hai tháng vật lộn với sóng nước, đọ sức với bom đạn của kẻ thù, cán bộ, chiến sỹ xã Cảnh Dương đã hoàn thành nhiệm vụ đợt I, cùng lực lượng hỏa tuyến hai huyện Quảng Trạch, Bố Trạch chuyển hơn 5.000 tấn gạo vào bờ, trong đó, khối thuyền nan chuyển 2.000 tấn.
 
Cuối tháng 7-1972, bạn điều thêm tàu 152 có tải trọng tương đương. Lúc này, địch cho trực thăng giám sát trên không, máy bay ném bom sẵn sàng đánh vào những vị trí nghi có gạo và tàu thuyền của ta. Ban đêm, chúng thả pháo sáng rõ như ban ngày, bên ngoài tàu Hải quân Mỹ thường trực sẵn sàng pháo kích vào bờ. Ta chuyển sang chiến thuật “lao ngang”, bãi biển thôn Thọ Sơn, xã Quảng Đông được chọn tập kết trung chuyển gạo. Phát huy tinh thần “lấy thuyền nan thắng thủy lôi giặc Mỹ”, một số anh em được phân công trực tiếp bốc gạo từ tàu Hồng Kỳ xuống thuyền nan.
 
Lực lượng tiếp nhận trên bờ cũng hoạt động suốt đêm dưới tầm bom pháo của địch. Họ bất chấp gian khổ để bốc dỡ, chuyển gạo lên các phương tiện khác, rời bến kịp thời. Địch đánh thì lấy gạo che người, địch ngừng bắn phá thì người cõng gạo chạy. Lúc này, ta sáng tạo thêm cách vận chuyển mới. Chọn những gốc phi lao cổ thụ trên bãi biển làm trụ, thiết kế một hệ thống ròng rọc để tời gạo vào bờ. Trong hơn một tháng sử dụng phương án mới, ta đã tời hàng nghìn tấn gạo cập bờ an toàn. Tuy vậy, địch phát hiện chiến thuật của ta và tập trung đánh phá, làm cáp tời thường xuyên bị đứt. Anh em buộc dây phao vào lưng, lặn xuống biển để nối những chỗ bị đứt. Nếu chẳng may hy sinh, đồng đội tìm chiếc phao kéo thi thể lên…
 
Hơn 45 năm qua, nhiều chiến sỹ còn nhớ như in, những lúc gạo bị địch bắn cháy, dây tời bị đứt, những hành động quả cảm của đơn vị hỏa tuyến xã Cảnh Dương dưới bom đạn của kẻ thù, luôn tình nguyện sẵn sàng giải quyết các sự cố, bảo đảm an toàn cho hàng hóa và hệ thống hoạt động đạt năng suất cao...
 
Việc làm của các đồng chí ở đơn vị Cảnh Dương, dù là ở vị trí nào đều chiếm được lòng khâm phục, tin yêu của lãnh đạo và các đơn vị bạn trong chiến dịch, khơi dậy tinh thần thi đua giữa các địa phương, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ trên giao.
 
Cùng với đơn vị của xã, con em Cảnh Dương hoạt động trong các ngành Giao thông vận tải, Thủy Sản, Hải quân, Huyện đội… cũng luôn dũng cảm đi đầu trong khó khăn. Kết thúc chiến dịch, xã Cảnh Dương có hai đồng chí hy sinh: liệt sỹ Nguyễn Đình Hiến, đơn vị hỏa tuyến của xã và liệt sỹ Hồ Văn Lay ở Xí nghiệp đánh cá Nhật Lệ cùng nhiều đồng chí bị thương trong khi làm nhiệm vụ...
 
Tổng kết chiến dịch Hòn La, cấp trên đã đánh giá: “Không chỉ mở ra phương án vận tải mới, đội thuyền cảm tử và đơn vị hỏa tuyến xã Cảnh Dương còn giữ vai trò nòng cốt, cùng các lực lượng của hai huyện Quảng Trạch và Bố Trạch trong việc vận chuyển gần 24.000 tấn gạo vào bờ, kết thúc thắng lợi Chiến dịch KHR1”.
 
                                                                                                       Nguyễn Tiến Nên