Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Chuyến đi sinh tử

  • 09:27 | Thứ Ba, 05/11/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Đã gần nửa thế kỷ trôi qua, trong ký ức ông Nguyễn Văn Nhượng (phường Đồng Mỹ, TP. Đồng Hới), kỷ niệm về những ngày tham gia chiến dịch Hòn La vẫn sống động như mới hôm qua. Để tìm ra phương án chuyển gạo từ tàu Hồng Kỳ cập bờ an toàn, ông và đồng đội đã sống 4 ngày đêm trên đảo Hòn La dưới sự quần thảo của trực thăng Mỹ, đối mặt với sự hy sinh trong gang tấc.

Ông Nguyễn Văn Nhượng ôn lại kỷ niệm trong chuyến đi sinh tử.
Ông Nguyễn Văn Nhượng ôn lại kỷ niệm trong chuyến đi sinh tử.

Năm 1972, tàu Hồng Kỳ (Trung Quốc) cập cảng Hòn La. Bạn giúp ta lương thực phục vụ chiến trường miền Nam chống Mỹ. Nhưng tàu chỉ neo đậu được ở Hòn La, không vào sâu hơn nữa. Nhiệm vụ của Đảng bộ, quân và dân tỉnh Quảng Bình là bằng mọi cách phải chuyển gạo từ tàu Hồng Kỳ vào đất liền.

Dân quân xã Cảnh Dương là một trong những lực lượng quan trọng tham gia chiến dịch vận tải gạo từ đảo Hòn La vào bờ. Gạo từ Hòn La sẽ được "tăng bo" lên bờ, bốc lên xe tải vượt các trọng điểm phà Roòn, phà Gianh, phà Long Đại, để lên đường Hồ Chí Minh vào Nam.

Ông Nguyễn Văn Nhượng bồi hồi nhớ lại chuyến ra đảo của ông và dân quân xã Cảnh Dương. Đó là cuối tháng 11-1972, Đảng ủy xã Cảnh Dương họp và phổ biến tình hình vận chuyển gạo từ tàu Hồng Kỳ vào bờ, đồng thời tìm phương án phù hợp để bảo đảm an toàn cho người và gạo.

Trước đó, gạo được vận chuyển từ tàu Hồng Kỳ vào cảng Gianh. Tuy nhiên, do quãng đường khá xa, khi tàu thuyền của ta vừa rời khỏi tàu Hồng Kỳ liền bị máy bay Mỹ đánh phá ác liệt khiến nhiều tàu bị chìm và các thủy thủ hy sinh.

Nhằm giảm thiểu thương vong, ta đã sử dụng các phương án như dùng tời để chuyển gạo vào bờ biển xã Quảng Đông và cho gạo vào 4 lớp túi nilon, kết nối các bao gạo với nhau và nhờ sức gió, sóng biển đưa vào bờ. Tuy nhiên, các phương án này đều không hiệu quả, thủy thủ và hàng hóa vẫn bị thương vong, thiệt hại do máy bay trực thăng của địch thường xuyên quần thảo, bắn phá.

Trước tình hình này, ông Võ Nuôi, Phó Bí thư Đảng ủy xã Cảnh Dương đã thông báo kế hoạch của cấp trên là cử một tổ trinh sát ra đảo Hòn La để tìm phương án vận chuyển gạo an toàn. Đảng ủy quyết định giao nhiệm vụ này cho Đoàn Thanh niên và cử ông Nguyễn Văn Nhượng, Đảng ủy viên làm tổ trưởng. Nhận nhiệm vụ cấp trên giao, ông Nhượng cùng ba thành viên là các dân quân: Nguyễn Văn Biểu, Phạm Anh Thanh, Trương Văn Tiến chuẩn bị hành trang ra khảo sát đảo Hòn La.

Tổ khảo sát dùng một chiếc thuyền nan để ra đảo. Vũ khí và vật dụng mang theo gồm 1 khẩu B40, 1 khẩu AK và một nồi nấu cơm. Nửa đêm, tổ xuất phát, thẳng hướng Hòn La. Họ ẩn náu tạm thời tại tàu Hồng Kỳ đợi hừng đông sẽ vào đảo.

Lúc này là mùa đông, gió thổi mạnh nên thuyền nan bị chìm. Nhờ sự hỗ trợ của cán bộ ta ở trên tàu Hồng Kỳ, sau khi trục vớt được thuyền, cả tổ khẩn trương vào đảo. Thuyền nan được nguỵ trang kỹ đề phòng máy bay địch phát hiện. Lên đến đảo, cả tổ chia ra khảo sát tình hình. Nhìn những bao gạo bị bom đạn bắn cháy sém và sóng đánh vỡ nằm rải rác trên đảo và bờ biển, ai cũng xót xa.

Đang mải mê khảo sát và tìm phương án thì họ nghe thấy tiếng trực thăng. Nhớ lại kinh nghiệm từ những trận càn của trực thăng Mỹ tại các làng chài ven biển Quảng Trị năm 1968, ông Nhượng chỉ đạo các thành viên nhanh chóng tản ra và tìm các hốc đá để ẩn nấp. Khi mọi người vừa ẩn nấp xong thì hai máy bay Mỹ xuất hiện trút hàng loạt đạn 20 ly và rốc két dọc bãi biển.

Lúc này, ngoài đảo chỉ có tổ khảo sát và vũ khí chỉ gồm hai khẩu súng nên việc chống trả địch là không thể. Suốt buổi sáng, hai chiếc máy bay thay nhau quần thảo hòn đảo. Hết đạn, chúng quay về tàu và một lúc sau trở lại, tiếp tục nã đạn xuống đảo.

Lợi dụng khoảng thời gian chúng trở về căn cứ, tổ dân quân di chuyển đến những điểm ẩn nấp an toàn hơn. Phải đến chiều tối, lúc mưa rơi nặng hạt, hai chiếc trực thăng mới kết thúc đợt bắn phá. Lúc này mưa to gió lớn, sóng biển trắng xóa, họ chỉ có thể tìm được một hốc đá nhỏ để cùng trú ẩn qua đêm.

Trải qua một đêm lạnh giá chỉ và bữa ăn chỉ gồm vài ngụm gạo sống, sáng sớm, cả tổ tiếp tục hành trình khảo sát và tìm nơi trú ẩn mới. Mau mắn ở phía tây bắc đảo có một chiếc hầm cũ của bộ đội. Hầm nhỏ được phủ bạt, xung quanh chất đầy các bao gạo. Tuy nhiên, trong hầm bốc lên mùi hôi của gạo bị ngâm nước nhiều ngày. Họ phải cật lực dọn dẹp mới có thể có được chỗ trú ẩn khả dĩ.

Đã tạm có chỗ trú, cả tổ xuống bãi biển để tìm thuyền. Thế nhưng, con thuyền đã bị địch bắn hỏng hoàn toàn, may mắn sót lại chiếc nồi nấu cơm. Bốn ngày đêm ở trên đảo, họ phân công nhau canh gác, đề phòng trường hợp biệt kích tấn công lên đảo.

Việc nấu cơm cũng phải hết sức cẩn thận kẻo sợ địch phát hiện. Thời điểm này, trời liên tục gió mùa, con đường vào bờ trở nên vô vọng khi lớp lớp sóng biển gầm rú và phương tiện duy nhất là con thuyền nan đã bị bắn hỏng.

Chạng vạng tối ngày thứ tư trên đảo, họ bỗng nghe tiếng súng nổ và xuất hiện một con thuyền nhỏ tiến vào đảo. Cả tổ vội vàng mang theo vũ khí ra các vị trí cảnh giới. Lúc này, ai cũng đoán là thuyền cao su của biệt kích Mỹ vào đất liền bị dân quân phát hiện nên phải lánh ra đảo. Tất cả đều căng mình sẵn sàng chiến đấu.

Cảng Hòn La hiện đại bây giờ.
Cảng Hòn La hiện đại bây giờ.

Thế rồi khi thuyền vào sát đảo, cả tổ vui mừng nhận ra những người đồng đội. Ông Trần Đình Trí và ông Nguyễn Thái Sơn, dân quân xã Cảnh Dương điều khiển con thuyền trong đêm tối đưa 4 người vào bờ.

Trở vào bờ trong đêm tối mịt mù, họ phải dùng tiếng súng để định vị. Khi cách bờ khoảng 1km, thuyền bị sóng đánh chìm, mọi người nhanh chóng mang theo vũ khí để bơi vào bờ. “Vớ được khẩu B40, tôi chỉ có thể dùng một tay để bơi vào bờ. Khi gần kiệt sức thì may mắn chân chạm đất, thoát chết trong gang tấc. Lúc này, chúng tôi nhặt được vài chiếc bi đông trên bờ biển, tưởng bi đông nước nên mở ra uống, nhưng hóa ra là rượu.

Trong khoảnh khắc, ai cũng cảm thấy người ấm lên nhanh chóng mà không kịp thắc mắc vì sao lại xuất hiện những bi đông rượu. Khi đã vào bờ an toàn, chúng tôi mới vỡ lẽ câu chuyện. Đó là sau mấy ngày không thấy tổ khảo sát quay về, lãnh đạo xã đoán chúng tôi đã hy sinh nên cử một khẩu đội 12 ly7 và tổ thuyền ra đảo mang thi hài về.

Đoán chừng từng đó thời gian, xác đã bị phân hủy nên họ chuẩn bị sẵn rượu và bao nilon để mang thi hài. Trong đất liền, các gia đình đã chuẩn bị sẵn bốn chiếc quan tài để đón họ! Đó là một chuyến đi sinh tử mà mỗi chúng tôi đều không thể quên!”, ông Nhượng bồi hồi chia sẻ.

Ngọc Mai