Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Thăng trầm làng bánh ven sông Gianh…

  • 09:23 | Chủ Nhật, 20/10/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Làng Tân An, xã Quảng Thanh, huyện Quảng Trạch đã tồn tại hơn 100 năm nay. Nghề làm bánh truyền thống của làng đã nuôi sống biết bao thế hệ người dân ven dòng sông Gianh. Thương hiệu bánh Tân An đã được các thế hệ cha ông truyền lại, để hôm nay, những “hậu duệ” của làng vẫn ngày ngày miệt mài giữ lửa cho nghề truyền thống. Nhưng trong xu thế phát triển làng nghề hiện nay, Tân An cũng đang phải đối mặt với không ít thách thức…

Miệt mài giữ lửa làng nghề…

Nằm sâu trong con ngõ nhỏ chạy dọc theo sông Gianh là ngôi nhà của ông Mai Xuân Dũng (73 tuổi). Theo ông Dũng, nghề làm bánh của gia đình được thế hệ cha ông truyền lại, nhưng hiện tại thu nhập từ nghề không cao.Trước đây, gia đình ông chủ yếu làm bánh bằng phương pháp thủ công nên mất khá nhiều thời gian và công sức.

Do vậy, năm 2010, sau bao năm tích góp, chạy vạy khắp nơi, ông lặn lội ra tỉnh Thái Bình mua một cái máy làm bánh mè xát với giá hơn 40 triệu đồng để tiếp tục giữ nghề và tạo thu nhập cho gia đình.

Nghề làm bánh truyền thống của Tân An đã nuôi dưỡng biết bao thế hệ, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn.
Nghề làm bánh truyền thống của Tân An đã nuôi dưỡng biết bao thế hệ, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn.

“Hiện tại, gia đình có 3 nhân khẩu làm bánh với các sản phẩm chủ yếu là bánh tráng mè đen, bánh đa nem, bánh mè xát. Hàng ngày, khi thời tiết thuận lợi, gia đình tôi làm hơn 1 tạ gạo với khoảng từ 8.000-10.000 sản phẩm (tùy thuộc vào sản phẩm làm).

Mỗi ngày, thu nhập khoảng 200 nghìn đồng/người. Mặc dù mặt hàng bánh Tân An được nhiều thực khách ưa chuộng, sản phẩm làm ra không đủ bán, tuy nhiên, thị trường tiêu thụ sản phẩm thiếu ổn định, thu nhập vì thế cũng bấp bênh”, ông Dũng chia sẻ.

Gia đình chị Ngô Thị Tư (45 tuổi) cũng đã có thâm niên làm bún, bánh ướt khá lâu của làng Tân An. Thời gian đầu, gia đình chị cũng chỉ làm thủ công, nay đã dần chuyển sang làm bằng máy, nhưng một số kỹ thuật về làm bánh vẫn dựa vào kinh nghiệm truyền thống của ông cha truyền lại.

Theo chia sẻ của chị Tư, mỗi ngày, gia đình chị sử dụng hết khoảng 400kg gạo, làm được khoảng gần 1 tấn sản phẩm bún, bánh ướt, sử dụng khoảng 6-7 lao động địa phương, bình quân mỗi lao động có thu nhập khoảng 200-250 nghìn đồng/ngày. Thị trường tiêu thụ bún, bánh ướt của gia đình chị chủ yếu là ở tỉnh Hà Tĩnh và các huyện, xã trong tỉnh…

“Từ khi làm nghề truyền thống bún, bánh ướt cho đến nay, gia đình đầu tư hơn 300 triệu đồng để mua máy móc, trang thiết bị phục vụ cho sản xuất. Mỗi ngày, từ làm bánh, sau khi trừ chi phí, gia đình cũng thu lãi hơn 1 triệu đồng.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của việc duy trì nghề làm bánh của gia đình là nguồn nước sạch để phục vụ cho việc làm bánh. Hàng ngày, gia đình phải mua từ 6-8 khối nước với giá khoảng 400 nghìn để phục vụ cho việc làm bánh, do chi phí phát sinh lớn, nên thu nhập của gia đình cũng không được bao nhiêu…”, chị Tư cho biết thêm.

Còn đó những thăng trầm…

Chị Phan Thị Cẩm Tú, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX bánh mè xát Tân An, bộc bạch rằng, làng Tân An được “mệnh danh” là nơi tiêu thụ gạo của một số xã thuộc huyện Quảng Trạch và TX. Ba Đồn. Nhiều khi gạo ở những vùng này thậm chí không đáp ứng đủ cho sản xuất bánh của làng nghề Tân An, nên người người dân trong làng phải vươn xa lấy gạo ở các huyện khác.

Làng hiện có 260 hộ làm bánh, trước đây, cả làng đều làm bánh thủ công và đều trông chờ vào thời tiết. Sản lượng bánh làm ra nhỏ lẻ và thường bị thương lái ép giá, người làm bánh phải chạy khắp nơi để tìm đầu ra cho sản phẩm. Nay, người dân Tân An đã nắm bắt được thị trường, từng bước đưa máy móc vào để sản xuất nhằm nâng cao năng suất và tính thẩm mỹ của sản phẩm…

Cũng theo chị Tú, vài năm trở lại đây, làng nghề gặp rất nhiều khó khăn do cạnh tranh gay gắt với nghề làm bánh của các địa phương khác trên địa bàn. Hơn nữa, đây là nghề phụ thuộc vào thời tiết nên thu nhập cũng rất bấp bênh.

“Khó khăn hiện nay của làng nghề là việc tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi dành cho các thành viên trong HTX để mở rộng sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương chưa cấp đất để HTX xây dựng nhà xưởng, văn phòng làm việc, sân phơi để sản xuất tập trung, quản lý khâu vệ sinh an toàn thực phẩm.

Những sản phẩm của làng nghề truyền thống Tân An.
Những sản phẩm của làng nghề truyền thống Tân An.

Mặt khác, là nghề phụ thuộc vào thời tiết, nên HTX rất cần hỗ trợ kinh phí để mua máy sấy bánh, đồng thời, có các chính sách tìm đầu ra cho thị trường tiêu thụ sản phẩm…”, chị Tú cho biết thêm.

Định hướng về phát triển làng nghề trong thời gian tới, ông Ngô Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Quảng Thanh cho biết, nghề làm bánh ở làng nghề truyền thống Tân An có từ lâu đời. Nhờ vào nghề này, nhiều người dân địa phương thoát nghèo, phát triển kinh tế, xây dựng được nhà, ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, nghề làm bánh ở làng Tân An còn giải quyết việc làm cho hơn 1.000 lao động tại các địa phương khác trong địa bàn huyện, nhất là với chị em phụ nữ…

Tuy nhiên, trong xu thế phát triển làng nghề như hiện nay, chính quyền địa phương cũng đã phải đối mặt với những thách thức từ làng nghề, đó là ô nhiễm môi trường, thị trường đầu ra cho sản phẩm...

Cũng theo ông Bình, hiện "bài toán" mà làng nghề Tân An cần phải "giải" ngay lập tức chính là nguồn kinh phí để xây dựng một hệ thống xử lý nước thải bảo đảm theo quy định, vì hiện nay, nguồn nước thảitừ các hộ gia đình tại làng nghề đều thải ra môi trường chưa qua xử lý, chưa bảo đảm yêu cầu. Bên cạnh đó, người dân làng Tân An rất muốn có nguồn nước sạch để phục vụ cho sản xuất làng nghề và sinh hoạt của người dân.

Ngọc Hải