Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Người đàn ông mê hò khoan vùng biển

  • 08:40 | Thứ Sáu, 11/10/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - “Mỗi lần cất lên các làn điệu hò khoan Lệ Thủy, tôi lại thấy tự hào và yêu quê hương, xứ sở của mình hơn…”. Đó là tâm sự của nghệ nhân dân gian Việt Nam Nguyễn Thanh Thiếu (sinh năm 1953) ở thôn Liêm Bắc, xã Ngư Thủy Nam, huyện Lệ Thủy.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống về văn nghệ dân gian, ông bà, bố mẹ đều mê hò khoan Lệ Thủy, nhất là những làn điệu đặc trưng của cư dân vùng biển, nên từ nhỏ, ông Nguyễn Thanh Thiếu đã biết hò khoan.

Lớn lên, như bao thanh niên trai tráng trong làng, Nguyễn Thanh Thiếu gắn bó với nghề biển và cũng từ nghề này ông “kết duyên” với các làn điệu hò khoan xứ Lệ, nhất là hò khơi, hò nậu xăm. Đây là hai điệu hò đặc trưng của người dân vùng biển huyện Lệ Thủy.

Ông kể, không biết rõ hò khơi, họ nậu xăm ra đời từ khi nào, chỉ biết rằng, người Ngư Thủy Nam quê ông thường sử dụng các làn điệu hò này khi ra khơi đánh bắt hải sản, khi đẩy thuyền, chèo thuyền và khi thuyền cập bến nhằm cổ vũ, động viên nhau hăng say lao động, xua tan bao mệt mỏi của một ngày làm nghề vất vả.

Nghệ nhân Nguyễn Thanh Thiếu diễn xướng hò khơi trên sân khấu.
Nghệ nhân Nguyễn Thanh Thiếu diễn xướng hò khơi trên sân khấu.

Những câu hò thường nói lên tình yêu quê hương, yêu biển, yêu lao động, ca ngợi sự đổi mới của quê hương, đất nước. Khi diễn xướng hò khơi, hò nậu xăm trên sân khấu, người hò thường mặc trang phục của ngư dân vùng biển và thể hiện các động tác chèo thuyền, đẩy thuyền theo nhịp điệu của từng câu hò.

Là người nặng lòng với văn hóa dân gian nên ông đã cùng những người có năng khiếu văn nghệ, yêu những làn điệu hò khoan Lệ Thủy thành lập nên câu lạc bộ hò khơi của xã. Câu lạc bộ có 15 thành viên, sinh hoạt định kỳ 2 lần/tháng.

Những lúc xã cần có chương trình văn nghệ để tham gia các hội thi, hội diễn do huyện tổ chức hay phục vụ các sự kiện trọng đại của xã, huyện, câu lạc bộ luôn tổ chức tập luyện thường xuyên để đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa, văn nghệ của người dân trong, ngoài xã.

Với vai trò chủ nhiệm câu lạc bộ, nghệ nhân Nguyễn Thanh Thiếu luôn tích cực sưu tầm các làn điệu cổ để bảo tồn, gìn giữ, vừa nghiên cứu cái hay, cái độc đáo của dân ca quê mình nhằm lưu truyền, gìn giữ cho mai sau.

Không chỉ giữ vai trò “đầu tàu” của câu lạc bộ, nghệ nhân Nguyễn Thanh Thiếu còn tích cực tham gia truyền dạy hò khơi, hò nậu xăm cho học sinh ở các trường học trên địa bàn xã. Mỗi buổi truyền dạy, nghệ nhân luôn là người truyền cảm hứng cho các bạn trẻ, khơi dậy tình yêu quê hương, niềm tự hào dân tộc trong mỗi học sinh qua các khúc hát dân ca.

Ông tâm sự: "Danh hiệu nghệ nhân dân gian Việt Nam là niềm tự hào và cũng là trách nhiệm lớn lao của mỗi chúng tôi. Tôi phải cố gắng nhiều hơn nữa trong việc bảo tồn, gìn giữ, lưu truyền các giá trị văn hóa truyền thống của quê hương để những tinh hoa văn hóa quê mình không bị mai một, khuất lấp theo thời gian. Còn sức, tôi còn hát, còn truyền dạy vì đó là niềm đam mê, là một phần trong cuộc sống của tôi".

Nói về nghệ nhân dân gian Việt Nam Nguyễn Thanh Thiếu, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Đặng Thị Kim Liên, Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian Quảng Bình cho rằng, nghệ nhân Nguyễn Thanh Thiếu là một trong những gương mặt điển hình trong các hoạt động biểu diễn, truyền dạy dân ca của tỉnh.

Không chỉ sở hữu giọng hát rất đặc trưng, ngọt nhưng khỏe, đậm chất của cư dân vùng biển, Nguyễn Thanh Thiếu còn có tài sáng tác, biên đạo các chương trình, là “cánh chim đầu đàn” trong phong trào văn hóa, văn nghệ của xã Ngư Thủy Nam nói riêng, huyện Lệ Thủy nói chung. Ông cũng là một trong những nghệ nhân được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tặng kỷ niệm chương vì sự nghiệp văn nghệ dân gian năm 2019.

Nh.V