Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục
Kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh và 70 năm ngày Quảng Bình quật khởi:

Chiến dịch "VT5" xã Cảnh Dương: Chiến công mãi mãi tự hào

  • 08:45 | Thứ Năm, 03/10/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Sau cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân năm 1968, Mỹ-ngụy dồn sức phản kích quyết liệt. Bộ đội ta thiếu vũ khí trầm trọng. Mặt trận B5 đã yêu cầu Quảng Bình kịp thời chi viện vũ khí. Nhiệm vụ được tỉnh tin tưởng giao cho Đảng bộ và nhân dân xã Cảnh Dương. Với tinh thần “Tất cả vì miền Nam thân yêu, vì Trị - Thiên ruột thịt”, địa phương này một lần nữa đã chứng tỏ tinh thần dũng cảm, kiên cường của mình, tổ chức một đoàn thuyền để chở vũ khí vào Nam.
 
Trong gần một tháng, xã chuẩn bị 12 con thuyền, 12 vàng lưới, neo-chèo-buồm-cột… tất cả phải giống như thuyền ngư dân vùng Quảng Trị, Thừa Thiên. 72 xã viên ngư nghiệp dạn dày sóng nước, được lựa chọn đi làm nhiệm vụ đặc biệt. Toàn đơn vị tổ chức thành một đại đội.
 
Ông Đậu Thanh Long người Cảnh Dương, Tham mưu trưởng Tiểu đoàn 45 được Tỉnh đội Quảng Bình cử làm Đoàn trưởng. Ông Nguyễn Ngọc Liên, Thường vụ Đảng ủy, Bí thư Chi bộ Ngư nghiệp làm Chính trị viên kiêm Đoàn phó. Ông Nguyễn Văn Nhượng, Ủy viên BCH Đoàn xã làm Bí thư Chi đoàn.
 
Lợi dụng gió mùa đông bắc và sương mù dày đặc, chiều 26-2-1968 tại bãi biển xóm Đông Hải (nay là thôn Yên Hải) xã Cảnh Dương, địa phương tổ chức lễ xuất phát và “truy điệu sống” những người con cảm tử vì Tổ quốc.
 
Gần sáng hôm sau, đoàn đến bờ biển Quang Phú, cách Đồng Hới 4 cây số về phía Bắc. Theo lệnh trên, anh em kéo thuyền lên bờ, giấu kín trong rừng phi lao. Tỉnh đội tổ chức gặp mặt động viên đoàn sau chặng đường đầu tiên.
 
Đồng chí Trần Sự, Tỉnh đội trưởng đến thăm hỏi và quán triệt nhiệm vụ: “Ðồng bào, chiến sỹ Trị - Thiên đang mong chờ các đồng chí. Cấp trên và bà con quê ta tin tưởng và tự hào về các đồng chí. Hãy xứng đáng là những người con ưu tú của quê hương Quảng Bình”. Hàng loạt cánh tay vung lên, thề sẽ hiến dâng đến giọt máu cuối cùng.
 
Đoàn thuyền nhận 24 tấn vũ khí, gồm đạn B40, B41, cối 82, thuốc nổ TNT, súng AK, CKC và lương thực, thuốc men… cho vào các khoang, phủ lên những vàng lưới, ngụy trang làm thuyền đánh cá.
 
Đúng 18 giờ 30 phút ngày 1-3-1968, từng con thuyền “khẳm hàng” được kéo xuống nước. Ðoàn trưởng Ðậu Thanh Long phát tín hiệu bằng đèn pin, các thuyền giương buồm nhằm hướng Nam thẳng tiến. 
Bốn trong bảy người bị địch bắt tù đày hiện còn sinh sống tại xã Cảnh Dương. Từ trái qua phải: Ông Phạm Nhoái, ông Phạm Liễu, ông Nguyễn Sinh và ông Phạm Hướng
Bốn trong bảy người bị địch bắt tù đày hiện còn sinh sống tại xã Cảnh Dương. Từ trái qua phải: Ông Phạm Nhoái, ông Phạm Liễu, ông Nguyễn Sinh và ông Phạm Hướng.
Sau một đêm vất vả, sáng hôm sau đoàn thuyền đã đến Vũng Si (khu vực Vĩnh Linh). Trong khi dừng chân chờ trời tối để lên đường, các thuyền được ngụy trang cẩn thận nhưng gần trưa địch đã phát hiện. Chúng cho máy bay ném bom và tàu chiến dồn dập nã pháo vào mũi Si. Một thuyền bị chìm phần lái nhưng khoang vũ khí vẫn an toàn, ba thuyền bị hỏng. Bất chấp hiểm nguy, mọi người băng ra đưa cả 4 thuyền vào bờ để cứu hàng…
 
Chi bộ họp khẩn cấp, hạ quyết tâm dồn số vũ khí của 4 thuyền bị hỏng vào 8 thuyền còn lại, chọn 48 người khỏe mạnh để đi tiếp. Đoàn trưởng quyết định các đồng chí đảng viên và đoàn viên thanh niên lên đường, những người khác ở lại, cùng địa phương sửa chữa thuyền để trở về an toàn.
 
Tối 1-3-1968, những “cảm tử quân” tiếp tục được quân dân Vĩnh Linh làm lễ “truy điệu sống”. 8 con thuyền đã tăng thêm tải trọng, kéo buồm hình thành hai hướng lần lượt rời vũng Si. Do đã đánh hơi thấy đoàn thuyền lạ, địch tăng cường lùng sục. Anh em men theo sóng, đi sát bờ để tránh chạm địch.
 
Vừa qua được cửa Tùng, đến hải phận Cát Sơn, đoàn thuyền bị phát hiện. Chúng cho tàu chiến pha đèn, máy bay nhào lộn thả pháo sáng, xả súng uy hiếp và bắc loa gọi hàng. Đoán biết ý đồ của địch, vừa dọa dẫm vừa khép chặt vòng vây, để bắt sống đoàn thuyền ta, anh em thực hiện phương án đối phó, tất cả hạ buồm, dùng chèo tay.
 
Hướng thứ nhất gồm 4 thuyền do các ông Nguyễn Ngọc Liên, Trần Em, Hồ Khắc Nông, Phạm Đờn chỉ huy, vòng ra khơi để phân tán đội hình. Hướng thứ hai do các ông Đậu Thanh Long, Phạm Minh, Lê Lộc, Nguyễn Tương chỉ huy tiến sát gần bờ, lợi dụng bóng tối, men theo sóng để vượt lên.
 
 Ở hướng ra khơi, thuyền ông Phạm Đờn đi đầu bị địch phát hiện, cho một tàu tuần tiểu đuổi theo, quét đèn pha vào thuyền, bắn uy hiếp và kêu gọi đầu hàng. Lính địch đang nhí nhố chuẩn bị áp mạn thuyền ta. Biết tình thế không qua khỏi, ông Phạm Đờn ra lệnh đánh đắm thuyền, chấp nhận để chúng bắt người, quyết không để vũ khí rơi vào tay giặc.
 
Lúc này ba thuyền phía sau bị nhiều tàu địch kéo đến vây ép, biết không thể vượt lên, anh em phân tán đội hình và lao thẳng vào bãi cát huyện Gio Linh, thuyền viên Trần Bặc bị thương. Tại đây, bộ đội và du kích địa phương đã kịp thời bốc chuyển vũ khí vào các hầm bí mật. Anh em được đón về nghỉ ngơi và hướng dẫn chọn thời cơ vượt qua cửa Tùng, ra Bắc an toàn.
 
Địch tập trung ngoài khơi, 4 thuyền ven bờ đã vượt qua cuộc truy đuổi. Rạng ngày 2-3-1968, cả 4 thuyền đã cập vào bờ biển xã Triệu Lăng, giáp phía nam xã Triệu Vân, huyện Triệu Phong (Quảng Trị).
 
Sau khi chuyển gấp hơn 10 tấn vũ khí lên rừng phi lao, đào hầm cất giấu, đánh đắm 4 con thuyền để phi tang và liên lạc với đơn vị bộ đội K8, K14 để bàn giao, anh em được bố trí phân tán về các thôn, cùng ăn ở, sản xuất và chiến đấu tại địa phương.
 
Không may, trong trận chống càn ngày 26-3-1968, anh Phạm Hướng bị địch phát hiện, bắt giam tại nhà lao Phú Quốc. Tháng 6-1968, đơn vị được lệnh chuyển lên Trạm giao liên 205 Trường Sơn, tiếp tục tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu. Một tháng sau, họ được hướng dẫn băng rừng qua đất Lào, rồi về Cha Lo, Bãi Dinh, Cổng Trời, đèo Mụ Dạ… những tọa độ lửa trong chiến tranh chống Mỹ, đến tháng 9 năm đó mới về đến quê nhà.
 
Đối với những người bị địch bắt sau khi tự đánh đắm thuyền, phi tang vũ khí trên biển, gồm các ông Phạm Đờn, Phạm Cược, Phạm Liễu, Phạm Nhoái, Nguyễn Xinh, Phạm Văn Cược và anh Phạm Hướng bị bắt trong khi chống càn. Từ nhà lao Đà Nẵng đến đảo Phú Quốc, dù bị tra tấn dã man, nhưng những người con của quê hương Cảnh Dương anh hùng đã thề cảm tử không một lời khai báo.
 
Năm 1973, theo Hiệp định Pa-ri họ được trao trả tại bờ nam sông Thạch Hãn. Như vậy, so với các đồng chí khác, 7 chiến sỹ bị địch bắt tù đày phải trải qua giam cầm, chịu đựng tra tấn trong suốt 5 năm mới được trở về đoàn tụ cùng gia đình. Ngày trở về xúc động dâng trào khôn tả. Nhưng điều đáng vui mừng hơn là các chiến sỹ của chúng ta đã kiên cường trước cực hình của địch, tất cả đều giữ vững khí tiết của người con Quảng Bình quật khởi, người con làng biển Cảnh Dương anh hùng.
 
Chiến dịch vận tải VT5 tuy có những tổn thất nhất định, nhưng không thiệt hại về người. Ta phải hủy một thuyền cùng vũ khí nhưng số còn lại gồm 7 thuyền đều được chuyển đến chi viện cho quân dân hai huyện Triệu Phong và Gio Linh (Quảng Trị). Quá trình bám trụ lại địa bàn, anh em vừa tham gia hoạt động và làm tốt công tác dân vận, đoàn kết gắn bó với từng gia đình và địa phương.
 
Qua đó đã tác động tốt đến tâm tư, tình cảm của bà con, làm cho họ thấy được và yêu mến chế độ XHCN ở miền Bắc, càng quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược để mau chóng thống nhất nước nhà. Công tác lãnh đạo chuẩn bị và tổ chức chuyến đi đã thể hiện ý chí, quyết tâm của Đảng bộ, nhân dân Cảnh Dương, tiêu biểu là 72 người con dũng cảm ra đi từ bãi biển quê nhà.
 
Đặc biệt là 48 thành viên xuất phát lần thứ 2 tại Vĩnh Linh, trong đó có 7 thành viên bị địch bắt tù đày. Chiến công ấy của họ vẫn mãi mãi là niềm tự hào cho các thế hệ con em, trường tồn cùng lịch sử quê hương, đất nước và dân tộc.
 
Hơn 50 năm sau chuyến đi lịch sử ấy, ông Phạm Hướng 70 tuổi, trú tại thôn Đông Cảng, xã Cảnh Dương-một thành viên của đoàn thuyền vận tải chia sẻ: “Ngày đó tôi đã có lệnh nhập ngũ nhưng vẫn xung phong lên đường. Biết là nguy hiểm nhưng tôi cứ nghĩ: “Hoàn thành nhiệm vụ, về đi bộ đội vẫn còn kịp”.
 
Ông Nguyễn Văn Biểu, “cậu bé” 16-17 tuổi ngày đó, giờ là Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã tâm sự: “Lúc ra đi đã gian nan, nguy hiểm, khi trở về lại càng vất vả, khó khăn hơn”. Ông Nguyễn Văn Nhượng, nguyên Đại biểu Quốc hội nghỉ hưu tại thành phố Đồng Hới cho biết: “Lúc ra đi, ai trong chúng tôi cũng nghĩ: “Được lên đường trong Chiến dịch VT5 là một vinh dự đặc biệt của bản thân”…
 
Nguyễn Tiến Nên