Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Về vùng đất cách mạng xưa...

  • 15:56 | Chủ Nhật, 01/09/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Nằm cách Quốc lộ 12A chừng vài trăm mét, chùa Ngọa Cương tọa lạc trên một ngọn đồi cao thuộc thôn Ngọa Cương, nổi bật với hai bên là hai con rồng được phủ lớp sơn vàng. Chùa là nơi ghi dấu sự ra đời chi bộ Đảng đầu tiên của xã Cảnh Hóa. Đây được xem là dấu mốc quan trọng cho sự hình thành và phát triển Đảng bộ xã Cảnh Hóa, Quảng Trạch ngày nay.

Bà Nguyễn Thị Thiệp, nguyên Bí thư Đảng bộ xã Cảnh Hóa cho biết, làng Ngọa Cương trước đây thuộc xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa. Từ năm 1954 đến nay, làng sáp nhập về xã Cảnh Hóa, huyện Quảng Trạch.

Di tích lịch sử chùa Ngọa Cương.
Di tích lịch sử chùa Ngọa Cương.

Làng xưa phát triển nghề gốm nên đời sống nhân dân tương đối khá giả. Làng có hệ thống đình, chùa Ngọa Cương-là nơi sinh hoạt tâm linh của người dân. Do chùa nằm ở vị trí thuận lợi nên Mặt Trận Việt Minh đã chọn nơi đây làm cơ sở hoạt động cách mạng.

Tháng 2-1943, tại hang Thâu, làng Thanh Thủy (xã Tiến Hóa,Tuyên Hóa), chi bộ ghép Ngọa Cương-Thanh Thủy ra đời với 3 đảng viên. Chùa Ngọa Cương và hang Thâu trở thành nơi gặp gỡ, sinh hoạt của các đảng viên và cũng là nơi nuôi giấu cán bộ Việt Minh mỗi khi về hoạt động ở Ngọa Cương, Thanh Thủy.

Chi bộ ghép Ngọa Cương-Thanh Thủy ra đời có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Từ đây, các đồng chí cán bộ đầu tiên trong vùng đã bí mật nhen nhóm phong trào cách mạng phát triển lan rộng, mạnh dần và hòa chung với làn sóng cách mạng của tỉnh làm nên cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền mùa thu năm 1945.

Sau khi tổ chức Đảng được xây dựng, chi bộ đã có chủ trương đưa các đồng chí đảng viên về các thôn, xóm phụ trách xây dựng các tổ chức cách mạng; hướng dẫn các hội, đoàn phương pháp đấu tranh như vận động quần chúng nhân dân đấu tranh với hương lý, cường hào để đòi chia lại ruộng đất, đứng lên đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược. Năm 1944, do bị khủng bố, truy lùng ráo riết, chi bộ Thanh Thủy được thành lập thay thế chi bộ Ngọa Cương-Thanh Thủy.

Dưới sự lãnh đạo của chi bộ Thanh Thủy, thực hiện phong trào ủng hộ kháng chiến, làng Ngọa Cương đã ủng hộ gần 1,5 tấn gạo, 2 nghìn đồng tiền Đông Dương. Nhiều người dân trong làng đã tình nguyện tham gia hoạt động cách mạng, tiêu biểu như ông Trần Kính, là Hương bộ của làng đã hăng hái tham gia nhận nuôi Ủy ban kháng chiến hành chính huyện Tuyên Hóa 3 tháng và ông cũng thuê thợ rèn 10 cây đại đao, 20 cây mác để ủng hộ du kích kháng chiến; ông Nguyễn Ca, thường gọi là Lý Ca và bà Nguyễn Thị Vịnh là chủ lò gốm đã ủng hộ mỗi người 1 lò gốm cho Ủy ban kháng chiến hành chính.

Năm 1947, Pháp mở những đợt tấn công từ Thanh Khê theo hướng sông Gianh và đường tỉnh lộ 1 lên hướng Tây. Sau những trận càn của giặc, mặc dù tài sản, nhà cửa bị hủy hoại và cháy sạch nhưng nhân dân Ngọa Cương không chút nao núng. Mọi người đã giúp đỡ, chia sẻ với nhau từng bát gạo và giúp nhau sửa chữa lại nhà cửa, lò, xưởng để tiếp tục sản xuất, phục vụ chiến đấu.

Cũng từ đây, phong trào du kích ở Ngọa Cương phát triển mạnh mẽ hơn. Nhân dân trong làng đã đào hầm, đặt chông khắp các bờ tre, đường vào thôn xóm và lập chòi canh ở đồi Rú Vắp, cắt cử dân quân trực 24/24 giờ. Mỗi lần giặc càn vào thôn, xóm, ngoài súng, lựu đạn, chúng phải mang thêm gậy để dò đường.

Từ năm 1947-1953, quân và dân Ngọa Cương đã yêu thương, nuôi dưỡng các chiến sĩ chu đáo, tiêu biểu, như: mẹ Vịm, mẹ Đắc... Cùng với tinh thần cách mạng, rào làng chiến đấu của quân và dân làng Ngọa Cương, làng Kinh Nhuận, Cấp Sơn, Vịnh Thọ, Thượng Thọ cũng hăng hái tham gia kháng chiến.

Về Cảnh Hóa hôm nay, chứng tích của một  thời kỳ lịch sử chùa Ngọa Cương vẫn còn đó. Năm 2005, chùa được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh. Đến nay, dù trải qua thời gian, chiến tranh tàn phá, nhưng chùa vẫn được chính quyền và người dân bảo tồn và trùng tu kiên cố, vững chắc.

Đồng chí Nguyễn Thị Tỉnh, Bí thư Đảng bộ xã Cảnh Hóa cho biết, trải qua 75 năm, từ một chi bộ ghép chỉ có 3 đảng viên, đến nay, Đảng bộ xã Cảnh Hóa đã có 11 chi bộ, với hơn 203 đảng viên. Mặc dù là xã miền núi, điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, Đảng bộ và nhân dân Cảnh Hóa đã và đang ra sức xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Đồng chí Hoàng Anh Dũng, Chủ tịch UBND xã Cảnh Hóa cho biết, Cảnh Hóa là xã miền núi đặc biệt khó khăn, nằm trong diện 135. Do địa hình đồi núi nên diện tích đất sản xuất của người dân rất thấp, chỉ 154ha.

Người dân Cảnh Hóa phát triển các mô hình kinh tế gia trại mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Người dân Cảnh Hóa phát triển các mô hình kinh tế gia trại mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Xác định phát triển kinh tế xã hội là nhiệm vụ quan trọng, những năm qua, Ban Thường vụ Đảng ủy xã đã lãnh đạo chỉ đạo các chi ủy, chi bộ tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội nhằm nâng cao đời sống cho nhân dân. Để thực hiện thành công các mục tiêu nghị quyết của Đảng, đối với những lĩnh vực kinh tế, Cảnh Hóa đã thực hiện công tác dồn điền đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hiệu quả.    

Bên cạnh đó, Đảng bộ và chính quyền xã cũng đã tập trung vào công tác đào tạo nghề cho người dân. Hàng năm, xã đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức đào tạo nghề cho lao động địa phương, như: sửa chữa xe máy, điện dân dụng; chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người dân áp dụng vào sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt.

Đặc biệt, hàng năm, hơn 10 lao động của địa phương được đào tạo đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài. Nhờ vậy, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên của địa phương ngày càng tăng lên, góp phần nâng thu nhập ổn định cho người dân.

Năm 2016 thu nhập bình quân đầu người của người dân nơi đây là 13 triệu đồng/người/năm, đến năm 2018 tăng lên 18,7  triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo hằng năm cũng giảm mạnh. Tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2018 là 8,9%, giảm 3,6% so với năm 2017. Hộ cận nghèo 14,9%, giảm 5,68% so với năm 2017.

Tin tưởng rằng, với tình yêu quê hương và truyền thống cách mạng của quê hương, nhân dân Cảnh Hóa sẽ đồng sức đồng lòng, xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Đ.N