Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục
Người Quảng Bình xa quê:

Nếp làng giữa phố-Bài cuối: Giữ nếp làng

  • 13:24 | Thứ Bảy, 28/09/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Giữa mảnh đất phương Nam đầy nắng, lắng nghe câu chuyện của những người Quảng Bình xa xứ, tôi mới hiểu vì sao giữa họ có một sự gắn kết bền chặt đến vậy. Đó là quê hương, là xứ sở, là cùng chung một nguồn cội văn hóa và chung cả ước mong được giữ lấy nếp làng giữa sự chảy trôi, xuôi ngược của cuộc mưu sinh.
 
Hình bóng làng giữa phố
 
Theo thạc sỹ Lê Trọng Đại, giảng viên Trường đại học Quảng Bình, cùng với cây đa, bến nước, mái đình, với người Quảng Bình, chùa làng là hình ảnh không tách rời ký ức của những người con mỗi khi xa quê. Đó vừa là nơi sưởi ấm tinh thần, vừa là điểm tựa nuôi dưỡng tâm hồn.
 Chùa Cao Lao của Hội đồng hương Cao Lao Hạ tọa lạc tại đường Bình Chiểu, quận Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh.
Chùa Cao Lao của Hội đồng hương Cao Lao Hạ tọa lạc tại đường Bình Chiểu, quận Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh.
Có lẽ thế nên trong những năm tháng tha hương, người Quảng Bình vẫn cố công xây dựng một ngôi chùa, dù là rất nhỏ để làm nơi chốn tâm linh. Nên cũng thật dễ hiểu khi dẫu Sài Gòn đông đúc và náo nhiệt nhưng giữa biết bao chộn rộn ấy vẫn có những góc nhỏ yên bình để mỗi người tĩnh tâm sau những hanh hao cuộc đời.
 
Những ngôi chùa gắn với các hội đồng hương (HĐH), hội ái hữu Quảng Bình thường khá nhỏ nhưng cổ kính và trầm mặc, nằm yên bình trên những con hẻm nhỏ của các quận ngoại ô.
 
 
Khi xưa, hội ái hữu, HĐH các làng, xã xây dựng những ngôi chùa nhỏ này làm địa chỉ tâm linh, tới lui hương khói những dịp đặc biệt, trong đó phải kể đến chùa Quảng Bình nằm trong khuôn viên khu nghĩa trang chùa Quảng Bình (quận Thủ Đức), chùa Cao Lao, chùa Thuận Bài...
 
Chùa Cao La được HĐH Cao Lao Hạ xây dựng gần nửa thế kỷ trước, nay tọa lạc tại đường Bình Chiểu, quận Thủ Đức. Đó là một không gian khá rộng và mang dáng dấp như một tổ đình.
 
Nơi đây thờ Phật, thờ các bậc tiên hiền, đồng thời cũng là nơi chốn gặp gỡ của bà con đồng hương trong mỗi dịp Tết đến, hay ngày rằm, đại lễ Phật đản... Dưới bóng cây ngô đồng cổ thụ, ngôi chùa nhỏ yên bình, trầm mặc với thời gian trở thành điểm tựa tinh thần cho những người con Cao Lao Hạ trở về sau những bận bịu mưu sinh. Các hoạt động cúng bái, tế lễ ở tổ đình hay tại các chùa đều được HĐH các làng thực hiện theo nghi lễ tương tự như ở quê nhà. Mỗi làng đều có một ngày giỗ tổ riêng.
 
Nếu như người Thuận Bài chọn ngày 10 tháng chạp hàng năm làm ngày giỗ tổ thì người làng Thọ Đơn chọn ngày 16 tháng chạp để tổ chức lễ cúng. Các nghi thức cúng được HĐH làng Thọ Đơn tổ chức tại tổ đường nằm trên đường Lê Văn Sỹ (quận 3). Vào ngày này, bà con người Thọ Đơn ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận sẽ tập trung lại để dâng hương, làm lễ cúng 7 vị liệt tổ có công khai khẩn làng Thọ Đơn xưa. 
 
Theo ông Lê Mùi, trưởng làng Thọ Đơn, cả năm làm lụng vất vả ai cũng mong đến ngày này để được gặp nhau, dâng hương lên tiên tổ, báo cáo cho các vị liệt tổ những điều đạt được suốt một năm qua và cầu mong cho một năm sắp tới thuận buồm xuôi gió.
 
Đây còn là dịp để người Thọ Đơn ở khắp nơi cùng tề tựu gặp gỡ, chuyện trò, sẻ chia những khó khăn trong cuộc sống. Dù cách xa hàng nghìn cây số, nhưng hình bóng của làng vẫn hiển hiện trong đời sống tinh thần của nhiều thế hệ con cháu Thọ Đơn. Tình làng, nghĩa xóm vì thế mà thêm đong đầy.
 
“Sống có cộng đồng, chết gối chung thửa đất”
 
Trong một lần tìm hiểu về vị nhạc sỹ tài hoa Trịnh Công Sơn, tôi biết được rằng, ông hiện đang yên nghỉ tại nghĩa trang chùa Quảng Bình-khu nghĩa trang do Hội ái hữu Quảng Bình xây dựng nên từ hàng chục năm trước.
 
Nguyên cớ tốt đẹp ấy thôi thúc tôi tìm về khu nghĩa địa đặc biệt này. Đó là khuôn viên rộng gần 13.000m2 ở quận Thủ Đức với hàng nghìn ngôi mộ lớn nhỏ. Năm 1968, Hội ái hữu Quảng Bình ra đời nhằm tập hợp bà con đồng hương, cùng nhau đoàn kết, gắn bó, giúp nhau vượt qua khó khăn.
 
Ngay từ thời điểm ấy, họ đã nghĩ đến việc xây dựng một nghĩa trang để những người con Quảng Bình được yên nghỉ bên nhau. Sau ngày thống nhất đất nước, Hội ái hữu Quảng Bình đã cho tu sửa và mở rộng khu nghĩa trang. Mỗi khi Tết đến, xuân về, người Quảng Bình ở khắp nơi lại tìm đến đây viếng mộ người thân.
 
Dù đi đâu, làm gì nhưng mong muốn được yên nghỉ nơi quê cha, đất tổ là văn hóa truyền thống ngàn đời của người Việt. Với tâm niệm “sống có cộng đồng, chết gối chung thửa đất”, ngoài nghĩa trang chùa Quảng Bình, tại TP. Hồ Chí Minh hiện nay còn có một số nghĩa trang do các HĐH, hội tương tế của các làng, xã người Quảng Bình di cư vào lập nên, như: nghĩa trang Cao Lao Hạ của HĐH Cao Lao Hạ (xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch) tại quận Thủ Đức, nghĩa trang Thuận Bài của người Thuận Bài (xã Quảng Thuận, TX.Ba Đồn) ở quận 12, nghĩa trang Thọ Đơn của người làng Thọ Đơn (xã Quảng Thọ, TX. Ba Đồn) tại Dĩ An (tỉnh Bình Dương)…
 
Điều đặc biệt ở những nghĩa trang của các hội ái hữu là bên trong khuôn viên đều có các khu thờ tự của người theo đạo Thiên chúa, đạo Phật. Ngoài những người có gốc gác Quảng Bình, gia đình nào có nhu cầu vẫn có thể được an táng tại đây.
Ngày giỗ tổ làng hàng năm, Hội đồng hương làng Thọ Đơn đều thực hiện các nghi lễ cúng bái truyền thống.
Ngày giỗ tổ làng hàng năm, Hội đồng hương làng Thọ Đơn đều thực hiện các nghi lễ cúng bái truyền thống.
Nghĩa trang Thọ Đơn của HĐH làng Thọ Đơn tọa lạc trên một con ngõ nhỏ, tách biệt hẳn với những ồn ã, xô bồ của phố thị. Hàng trăm ngôi mộ chí nằm ngay ngắn bên nhau. Theo ông Lê Mùi, Trưởng làng Thọ Đơn tại TP. Hồ Chí Minh, những người con quê hương nơi đất khách ai cũng có tâm nguyện khi xa cõi tạm sẽ được đến yên nghỉ tại khu nghĩa địa của những người đồng hương này.
 
Vậy nên, kể từ khi được xây dựng, nghĩa trang Thọ Đơn thường xuyên được tu sửa, mở rộng thêm khang trang và sạch đẹp, đáp ứng mong mỏi của những người con xa xứ.
 
Nằm ở một khu đất rộng hơn 12.000m2 tại quận 12, nghĩa trang Thuận Bài của Hội Thuận Bài tương tế (xã Quảng Thuận, TX. Ba Đồn) được chia thành 6 khu: khu danh dự đặc biệt, khu danh dự A, khu danh dự B, khu hội viên, khu tứ thân phụ mẫu và khu ái nghĩa.
 
Theo ông Trần Tấn Hùng, Hội trưởng Hội Thuận Bài tương tế, việc chôn cất trong các khu nghĩa trang được tổ chức theo kế hoạch hợp lý, mỹ quan, thực hiện theo các điều kiện và thể thức chôn cất cụ thể để bảo đảm sử dụng đất đai lâu dài.
 
Trong những năm tháng đặt chân đến mảnh đất này, người Quảng Bình xa quê đã bắt đầu nghĩ đến việc xây dựng một cộng đồng bền chặt lấy văn hóa làng làm nền tảng. Sự hiện hữu của những nghĩa trang các HĐH trên mảnh đất phương Nam này thể hiện tính cố kết cộng đồng trong văn hóa làng xã Quảng Bình.
 
Khi sống được chia sẻ, giúp đỡ nhau, đến lúc chết cũng "gối chung thửa đất" là mong mỏi đáng được trân trọng của những tấm lòng tha hương. Và hẳn nhiên, đó cũng là nguyên cớ đẹp đẽ để nếp làng, hồn quê vẫn bền chặt giữa những xô bồ thời cuộc.
 
Diệu Hương