Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục
Người Quảng Bình xa quê

Nếp làng giữa phố-Bài 2: Xóm Nhà Đèn

  • 08:32 | Thứ Sáu, 27/09/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Hơn 100 năm trước, những người đầu tiên của làng Thuận Bài (xã Quảng Thuận, TX. Ba Đồn) đã đặt chân đến đất Sài Gòn. Những ngày xưa cũ, nơi xóm Nhà Đèn giữa phố, bao thế hệ cháu con họ đã nương tựa vào nhau, vượt qua bao khó khăn mà trụ vững nơi đất khách. Đến Sài Gòn hôm nay, câu chuyện cũ về xóm Nhà Đèn xưa như gợi nhắc đến những người con làng Thuận Bài ngày ấy với nghề thợ điện nổi danh một thời.  
 
Thuận Bài tương tế
 
Trong cuốn Địa chí Thuận Bài của cụ Nguyễn Tú có viết: Những năm cuối thế kỷ 19, đời sống của nhân dân khắp Quảng Bình gặp muôn vàn khó khăn khi phải chịu sưu cao, thuế nặng. Những năm tháng đen tối ấy thôi thúc người làng Thuận Bài ra đi tìm lối sinh kế mới. Năm 1897, hai anh em ông Trần Văn Mâu khăn gói lên đường. Hành trình hướng vào Nam của người làng Thuận Bài bắt đầu từ đó.
 
Chưa có tàu hỏa, hai ông phải đi bộ, lặn lội ngót 3 tháng trời mới đặt chân đến Sài Gòn. Cuộc sống tha hương khi ấy dẫu vất vả nhưng vẫn là động lực của nhiều người làng Thuận Bài nuôi một niềm đau đáu hướng vào Nam. Khi cuộc sống bắt đầu ổn định, ông Mâu viết thư gửi về cho bà con ngoài Bắc, khuyên họ vào Nam lập nghiệp.
Hội Thuận Bài tương tế những ngày mới thành lập.
Hội Thuận Bài tương tế những ngày mới thành lập.
Thời gian sau đó, người Thuận Bài lũ lượt rủ nhau vào Nam theo từng đợt di cư nhỏ. Họ sống tập trung thành một xóm để tiện cho công việc và hỗ trợ nhau khi trái gió, trở trời. Xóm ấy gọi là xóm Lách, sau gọi là xóm Nhà Đèn, hay là xóm Thuận Bài Tân Định. Chính những bữa ăn tập thể với sự co cụm dân cư ngày ấy đã đặt nền móng cho một hội làng Thuận Bài to lớn trên đất Sài Gòn.
 
Ông Nguyễn Văn Tư (90 tuổi), một người Thuận Bài gốc hiện đang sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh kể lại rằng, để có điều kiện giúp đỡ lẫn nhau và tổ chức các hoạt động hướng về cố hương, năm 1936, người Thuận Bài đã thống nhất thành lập Hội Thuận Bài tương tế, do ông Trần Văn Tấu làm hội trưởng.
 
Trải qua gần một thế kỷ với biết bao sự đổi thay của chiến tranh, thời cuộc, Hội Thuận Bài tương tế cũng có những năm tháng ngừng hoạt động, rồi vươn lên phát triển cho đến ngày nay.
 
Trong chuyến công tác vào Nam, tôi đã được ông Trần Tấn Hùng, Hội trưởng Hội Thuận Bài tương tế dẫn đi thăm hội quán, nơi mà ông vẫn gọi là "trái tim" của người Thuận Bài trên đất Sài Gòn.
 
Đó là khu đất khá rộng rợp bóng cây xanh ngay giữa trung tâm quận Bình Thạnh. Phía trên của hội quán có kiến trúc như một ngôi đình làng, vốn là chốn thờ tự các vị thủy tổ hai họ Trần, Ma và những người đặt nền móng đầu tiên cho Hội Thuận Bài tương tế.
 
Phía dưới là phòng họp-nơi thường xuyên diễn ra những hoạt động hội họp, gặp gỡ mỗi dịp Tết đến, xuân về. Cứ mỗi dịp ngày 10 tháng chạp hàng năm, người Thuận Bài lại tụ họp về đây tổ chức lễ giỗ tổ, hướng về cội nguồn. Giữa đất Sài thành với chộn rộn nỗi lo cơm áo, người gốc Thuận Bài vẫn giữ lấy nếp làng với những phong tục tập quán vốn ăn sâu vào đời sống tinh thần của người dân nơi quê nhà.
 
 
Gần một thế kỷ trôi qua, Hội Thuận Bài tương tế đã trở thành chỗ dựa tinh thần cho những người con Thuận Bài xa quê. Theo ông Hùng, có thời điểm, hội có hơn 1.100 hội viên. Không chỉ giúp nhau nơi đất khách, hội còn có nhiều hoạt động hướng về quê hương, nhất là sau những khi thiên tai, lụt bão. Chính truyền thống “cây có cội, nước có nguồn”, lấy tình làng nghĩa xóm làm gốc mà Hội Thuận bài tương tế phát triển vững vàng cho đến hôm nay.
 
Làng thợ điện
 
Trên hành trình xuôi vào Nam lập nghiệp vào năm 1897, ông Trần Văn Mâu để ý đến những ánh đèn điện tỏa ra từ những nhà hàng sang trọng hay trên các con phố Sài Gòn. Sẵn đầu óc yêu chuộng cái mới, ông mày mò học hỏi rồi trở thành công nhân chính thức cho nhà đèn Chợ Quán. Cũng chính người đàn ông này đã đặt những viên gạch đầu tiên cho nghề làm thợ điện truyền thống của người Thuận Bài giữa đất Sài Gòn.
 
Những người Thuận Bài ở Quảng Bình lũ lượt kéo nhau vào Nam đều được ông Mâu xin vào làm ở nhà đèn Chợ Quán. Người đi trước dẫn dắt người đi sau, cha truyền con nối, nghề thợ điện trở thành kế sinh nhai của nhiều thế hệ con cháu làng Thuận Bài nơi này.
 
Theo ông Nguyễn Văn Tư, sở dĩ nơi chốn sinh sống tập trung ở người Thuận Bài nơi đất khách được người Sài Gòn gọi là xóm Nhà Đèn cũng vì lẽ đó. Nhiều người trong số họ vừa làm công nhân, vừa bán hàng điện và sửa chữa tư nhân.
 
Theo cuốn Địa chí Thuận Bài, những tiệm điện tư nhân của người Thuận Bài đều có chữ Quảng như một lời nhắn nhủ: dù đi đâu, làm gì, họ vẫn một lòng đau đáu hướng về quê hương Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.
 
Mỗi cửa tiệm đều mở riêng một lớp đào tạo nghề cho con em Thuận Bài vào Nam kiếm sống. Từ những lớp học nghĩa tình này, nhiều thợ điện lành nghề trưởng thành, rồi đi khắp miền lục tỉnh và các tỉnh Nam Trung bộ.
Anh Trần Minh Việt (đứng)-là một trong những người trẻ nối nghiệp thợ điện của cha ông.
Anh Trần Minh Việt (đứng)-là một trong những người trẻ nối nghiệp thợ điện của cha ông.
Trước cách mạng tháng 8-1945, người Thuận Bài đã nắm giữ các chức vụ quan trọng của nhà đèn Công ty điện nước Đông Dương. Đi đến đâu, thợ điện Thuận Bài nổi danh đến đó. Họ sống vững vàng ngay trên đất khách bởi cái nghề được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
 
Sau năm 1945, thực dân Pháp đàn áp và đốt trụi xóm thợ điện Thuận Bài khiến cuộc sống của họ bị đảo lộn. Người theo kháng chiến, người trở về quê hương nương náu, chỉ một số ít còn theo nghề điện cho đến hôm nay.
 
Đến giờ, xóm thợ điện Thuận Bài ngày ấy chỉ còn vỏn vẹn 10 gia đình là người làng sinh sống. Ông Ma Thảo, thư ký của Hội Thuận Bài tương tế tự hào khoe rằng, gia đình ông là một trong số ít những hộ gia đình Thuận Bài giữa đất Sài Gòn còn giữ được nghề. Hai đời theo nghề thợ điện, cuộc sống gia đình vẫn vững vàng giữa những xô bồ của mảnh đất phương Nam.
 
Đến hôm nay, một số người trẻ làng Thuận Bài vẫn nối nghề thợ điện của cha ông ngày trước. Thành công nhất phải kể đến anh Trần Minh Việt, Phó giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại và xây dựng Thiên Minh (quận 12, TP. Hồ Chí Minh). Thiên Minh là một trong những đơn vị nổi tiếng trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh thiết bị điện và chiếu sáng, chuyên cung cấp các loại đèn cao áp, đèn chiếu sáng công cộng...
 
Anh Việt bảo, cũng như tất cả người Thuận Bài sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh, anh có niềm tự hào đặc biệt với nghề điện truyền thống của cha ông. Cái nghề ấy cũng “vận” vào anh như duyên nợ. Tạo thương hiệu và chỗ đứng cho Thiên Minh cũng là cách để những người con của làng như anh nhớ về cha ông họ-những người thợ điện nổi danh một thời trên mảnh đất Sài thành.
 
Diệu Hương
 
Bài cuối: Giữ nếp làng