Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Điểm sáng Quảng Thuận

  • 09:02 | Thứ Hai, 02/09/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Trải bao thăng trầm của lịch sử, người dân phường Quảng Thuận (TX. Ba Đồn) vẫn một lòng theo Đảng, có nhiều đóng góp với cách mạng. Phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương, Quảng Thuận hôm nay đang vươn mình đi lên, trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế, xây dựng đời sống mới…

Âm vang truyền thống cách mạng

Sau cao trào Xô viết Nghệ-Tĩnh, đồng chí Trần Đỉnh (quê ở Hà Tĩnh) vào Quảng Bình mở lò rèn ở Phan Long, đến năm 1932, về mở lò rèn ở Thổ Ngọa (Quảng Thuận). Biết đồng chí là người tham gia cách mạng ở Hà Tĩnh, đồng chí Nguyễn Văn Huyên và đồng chí Vũ Huệ ở Trung Thôn (xã Quảng Trung) đến thăm dò, tìm hiểu và bắt liên lạc với nhóm thanh niên yêu nước ở Thổ Ngọa để hoạt động.

Bia di tích lịch sử, ghi dấu nơi thành lập Chi bộ Thổ Ngọa.
Bia di tích lịch sử, ghi dấu nơi thành lập Chi bộ Thổ Ngọa.

Sau nhiều lần thăm dò, tìm hiểu, năm 1935, đồng chí Huyên đã giáo dục và kết nạp đồng chí Trần Đỉnh vào Đảng tại Chi bộ Lũ Phong, giao nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục quần chúng để tiến tới xây dựng cơ sở đảng ở Thổ Ngọa.

Nhờ việc tuyên truyền, vận động, các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh niên đã đoàn kết đấu tranh đòi chia lại ruộng đất và đứng vào hàng ngũ của Đảng để chiến đấu cho lý tưởng…

Với những kết quả tích cực đó, ngày 23-11-1937, đồng chí Huyên đã triệu tập các đồng chí: Trần Đỉnh, Nguyễn Duy Hàn, Nguyễn Công Lệ họp tại lò rèn của đồng chí Đỉnh ở bãi Hội (tổ dân phố Hội, phường Quảng Thuận ngày nay) để thành lập Chi bộ Thổ Ngọa (tiền thân của Đảng bộ phường Quảng Thuận). Đồng chí Đỉnh được cử làm Bí thư Chi bộ và đồng chí Hàn làm liên lạc, tuyên truyền.

Chi bộ Thổ Ngọa ra đời đánh dấu bước phát triển mới của phong trào cách mạng nơi đây, lần đầu tiên có tổ chức Đảng lãnh đạo, có mục tiêu chính trị rõ ràng. Sau khi ra đời, Chi bộ Thổ Ngọa đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh đòi chia lại ruộng đất, đòi quyền dân sinh; lập hội truyền bá Quốc ngữ…

Nhờ định hướng đúng, hành động phù hợp với thực tế của địa phương, Chi bộ Thổ Ngọa đã đưa phong trào cách mạng tiến kịp với các địa phương khác trong phủ Quảng Trạch. Ngày 14-8-1945, phát xít Đức đầu hàng đồng minh, quân Nhật ở Đông Dương hoang mang, lo sợ. Nắm bắt thời cơ nghìn năm có một, Trung ương ra Chỉ thị Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta.

Ngày 20-8-1945, Ủy ban Khởi nghĩa phủ Quảng Trạch họp tại nhà ông Trần Con ở xóm Bến (Quảng Thuận) quyết định trụ sở Ủy ban Khởi nghĩa đóng tại làng Thổ Ngọa. Các hội viên trong Mặt trận Việt Minh của hai làng Thổ Ngọa-Thuận Bài được lệnh tập trung chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa.

Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Trần Đỉnh, đoàn quân khởi nghĩa mang theo cờ, gươm, giáo mác… ào ào tiến vào phủ đường, vừa đi vừa hô khẩu hiệu ủng hộ Việt Minh, đã đảo chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim.

Trước khí thế và sức mạnh của lực lượng khởi nghĩa, tri phủ Hồ Đắc Liêm và bọn nha lại xin đầu hàng. Cờ đỏ sao vàng bay trên nóc nhà trụ sở phủ Quảng Trạch. 8 giờ sáng ngày 23-8-1945, tại sân vận động Ba Đồn, đồng chí Nguyễn Văn Huyên, Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa trịnh trọng tuyên bố: “Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở phủ Quảng Trạch thắng lợi”.

Cách mạng Tháng Tám thành công ở làng Thổ Ngọa-Thuận Bài đã mở ra bước ngoặt mới, làm rạng rỡ thêm truyền thống yêu nước, tinh thần đấu tranh bất khuất, anh dũng của nhân dân ta nói chung và người dân Quảng Thuận nói riêng.

Quảng Thuận ngày mới

Thực hiện Nghị quyết số 125/NQ-CP ngày 20-12-2013 của Chính phủ, TX. Ba Đồn được thành lập với 16 xã, phường chia tách ra từ huyện Quảng Trạch. Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, Quảng Thuận trở thành 1 trong 6 phường trung tâm, tạo nên luồng sinh khí, sức mạnh, động lực trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của thị xã.

Đường về phường Quảng Thuận hôm nay.
Đường về phường Quảng Thuận hôm nay.

Với những tiềm năng, thế mạnh của địa phương, Quảng Thuận đang từng bước đưa nền kinh tế-xã hội phát triển theo hướng đổi mới, toàn diện. Trong cơ cấu kinh tế, phường đang chuyển dịch dần theo hướng tăng giá trị sản xuất dịch vụ-thương mại; duy trì phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề truyền thống và sản xuất nông, ngư nghiệp. Các ngành, nghề được tập trung duy trì và đẩy mạnh, như: sản xuất vật liệu xây dựng, nón lá truyền thống, mộc, nề, nuôi tôm…

Để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống nhân dân, ngoài sự quan tâm đầu tư của cấp trên, phường đã chủ động phát huy mọi nguồn lực sẵn có của địa phương, đặc biệt từ sự đóng góp, ủng hộ của con em thành đạt xa quê. Nhờ đó, từ năm 2010 đến nay, phường đã kêu gọi trên 10 tỷ đồng để đầu tư các công trình, như: xây dựng trường học, bê tông hóa các trục đường giao thông, xây dựng hệ thống trạm bơm, kênh mương…

Với những nỗ lực của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân, đời sống kinh tế-xã hội của phường Quảng Thuận đang ngày càng phát triển. Thu nhập bình quân đầu người của phường đạt khoảng 4 triệu đồng/người/tháng; công tác xóa đói giảm nghèo được chú trọng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,45%. Phường được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế; 2 trường học đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.

Ông Nguyễn Tiến Phúc, Bí thư Đảng ủy phường Quảng Thuận cho biết: “Phát huy truyền thống quê hương, các cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân trong phường luôn kiên định với lý tưởng cách mạng của Đảng, chung tay xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Để phát huy hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế-xã hội, Đảng ủy, chính quyền phường luôn bám sát thực tiễn để chỉ đạo, định hướng triển khai phù hợp, đúng đắn. Bên cạnh đó, phường cũng thường xuyên quan tâm, hỗ trợ các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo; đẩy mạnh công tác nhân đạo, từ thiện; khuyến học, khuyến tài..."

Lê Mai