Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Vị tướng nặng lòng với Trường Sơn…

  • 14:45 | Chủ Nhật, 11/08/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Đó là cố Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, nguyên Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn. Suốt chặng đường mấy mươi năm trời từ khi còn trong quân ngũ đến những ngày tháng cuối đời, ông luôn có một sự gắn bó vô cùng đặc biệt với núi rừng Trường Sơn. 
 
Duyên nợ với Trường Sơn
Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên chụp trước tượng đài chính Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn trong một lần ghé thăm các đồng đội.
Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên chụp trước tượng đài chính Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn trong một lần ghé thăm các đồng đội.

Không cần giở lại lịch sử thì nhiều người cũng đã biết tên tuổi tướng Đồng Sỹ Nguyên có ý nghĩa ra sao với cung đường Trường Sơn huyền thoại.

Cuộc đời binh nghiệp của ông gắn với những năm tháng chiến đấu cùng Binh đoàn Trường Sơn 559 trên tuyến đường này. Để đáp ứng yêu cầu tác chiến của các chiến trường, chiến dịch, tướng Đồng Sỹ Nguyên cùng với hàng vạn chiến sỹ của mình trong hàng chục năm ròng rã đã dầm mình trong mưa nắng giữa mưa bom bão đạn, giữa máu và nước mắt để giữ tuyến đường huyết mạch Trường Sơn.

Chính ông đã chứng kiến hơn hai vạn đồng đội của mình ngã xuống để bảo vệ tuyến đường này.

Hầu hết trong số đó vẫn đang nằm lại rải rác trên những tuyến đường, bên những con suối hay những ngọn đồi. Đến năm 1974, khi đất nước còn chưa thống nhất, chính Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là người đề nghị với Tổng bí thư Lê Duẩn về việc xây dựng Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn để làm nơi yên nghỉ những đồng đội của mình ở Trường Sơn.

Ông Hồ Tất Ái, Phó ban quản lý Nghĩa trang liệt sỹ  quốc gia Trường Sơn nói Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên như là người khai sinh ra nghĩa trang này.

Sau khi được Bộ Chính trị cho phép, ông đưa ra ba lựa chọn về vị trí để xây dựng nghĩa trang. Một là gần Cổng Trời, trên tuyến đường 12, thuộc huyện Minh Hóa (Quảng Bình); hai là gần cầu Bến Tắt, thuộc huyện Vĩnh Linh cũ; ba là gần cầu Đầu Mầu, nằm trên tuyến quốc lộ 9, thuộc huyện Cam Lộ. Cả ba vị trí này đều là những vị trí huyết mạch trên tuyến đường Trường Sơn.

Và cuối cùng, vị trí gần cầu Bến Tắt được ông chọn. Lý do bởi đây là nơi có địa thế đẹp, lại nằm ngay thượng nguồn sông Bến Hải, nơi ranh giới chia cắt hai miền Nam-Bắc.

Sau đó, cũng chính ông chỉ huy việc xây dựng nghĩa trang và quy tập hơn một vạn liệt sỹ Trường Sơn về đây. Phải đến khi nghĩa trang hoàn thành, ông mới tạm thanh thản.

Duyên nợ với Trường Sơn của ông còn kéo dài đến tận khi ông nghỉ hưu. Hơn 74 tuổi, vị tướng già vẫn được Nhà nước cử làm Đặc phái viên của Chính phủ trong việc tìm hướng xây dựng xa lộ Trường Sơn, tức tuyến đường Hồ Chí Minh ngày nay vì ông là người hiểu rõ tuyến đường huyết mạch này.
 
Đến sau này, ông Trường Sơn, lái xe của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên thời điểm đó vẫn nhớ như in những ngày tháng đó.
 
Gần như tháng nào ông cũng vào kiểm tra tiến độ xây dựng tuyến đường. Khái niệm tuổi già với ông gần như không tồn tại.
 
Đường Trường Sơn thời điểm đó cũng còn hoang sơ, nhưng vị tướng già vẫn hăng hái như thời trai trẻ vượt núi, băng rừng cõng hàng vào chiến trường.
 
Ông Hồ Tất Ái vẫn nhớ mỗi lần đi như thế, ông đều không quên ghé vào Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn, thắp hương từng phần mộ rồi đứng lặng rất lâu trước những tấm bia ghi danh đồng đội.
 
Nặng lòng hai tiếng Trường Sơn
 Bức thư do chính Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên viết gửi ban quản trang Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn bày tỏ mong muốn được về yên nghỉ tại đây.
Bức thư do chính Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên viết gửi ban quản trang Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn bày tỏ mong muốn được về yên nghỉ tại đây.

Đến khi tuyến đường Hồ Chí Minh hoàn thành, ông nghỉ hưu hẳn, hai tiếng Trường Sơn vẫn luôn vang vọng trong tâm khảm.

Ông Hồ Tất Ái kể, gần như năm nào cũng vài lần ông trở về Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn thăm đồng đội.

Đến những năm gần đây khi sức khỏe đã quá yếu, ông vẫn không quên một năm vài lần gọi điện vào cho ban quản trang hỏi thăm tình hình các phần mộ đồng đội.

Thậm chí, ông Ái có hôm đã ứa nước mắt xúc động khi ông nằm một chỗ trên giường, hơi thở không đủ để nói tròn câu vẫn muốn gọi điện vào cập nhật tình hình nghĩa trang. Đến mức người nhà ông phải “nhắc khéo” ông Ái nói ngắn gọn câu chuyện để ông giữ sức khỏe.

“Có lẽ, ông coi như đó chính là nhà của mình và hơn một vạn liệt sỹ Trường Sơn nằm đây như là người thân nên mới có những cảm xúc như thế”, ông Ái tâm sự.

Ông Hồ Tất Ái là người được gặp và trò chuyện nhiều với Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên. Nên ông là người hiểu khá rõ tâm tình của vị tướng già.
 
Ông Ái kể rất nhiều lần từ những lần ghé nghĩa trang vào năm 2007-2008, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên còn mở lời bày tỏ tâm nguyện muốn về an nghỉ tại nghĩa trang này sau khi qua đời.
 
Sau đó, tâm nguyện này còn được vị tướng già thể hiện thêm hai lần khác qua những bức thư do chính ông viết với nội dung muốn về yên nghỉ trong nghĩa trang này để được nằm cạnh những đồng đội đã cùng ông chiến đấu hàng chục năm trời trên tuyến đường Trường Sơn.
 
Thậm chí, sau khi được chính quyền tỉnh Quảng Trị đồng ý, ông còn vào thêm một lần nữa để tự chọn cho mình nơi sẽ nằm lại khi qua đời. Vị trí ông chọn nằm giữa khu vườn tượng chếch về phía tây của tượng đài chính khoảng 100 mét và xung quanh là những phần mộ của hàng ngàn liệt sỹ Trường Sơn.
 
Đến hiện tại, ông Ái vẫn còn giữ hai bức thư này như một kỷ vật thiêng liêng về tình nghĩa của vị tướng già đối với tuyến đường Trường Sơn nói chung và với những đồng đội ở Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn nói riêng.
 
“Thật không thể nói hết nghĩa tình của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên với những liệt sỹ Trường Sơn đang nằm lại nghĩa trang này. Từ việc ông là linh hồn của cung đường Trường Sơn huyền thoại đến việc ông xin được xây dựng nghĩa trang để quy tập hơn một vạn đồng đội về an nghỉ và cho đến việc ông có nguyện vọng được về nằm cùng đồng đội trong nghĩa trang sau khi qua đời đã thể hiện vị tướng này nặng tình với Trường Sơn như thế nào.
 
Cho dù hiện tại thực tế Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên không về yên nghỉ với Trường Sơn thì hai tiếng Trường Sơn cũng đã thấm vào máu thịt ông rồi.”, ông Ái nói.
 
Quốc Nam