Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Trung Thôn ngày ấy, bây giờ

  • 11:35 | Thứ Ba, 13/08/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trung Thôn tự hào là nơi có bề dày truyền thống cách mạng, lịch sử, là một trong những chi bộ Đảng đầu tiên được thành lập ở huyện Quảng Trạch (nay thuộc TX. Ba Đồn), cũng là “cái nôi” hình thành Đảng bộ xã Quảng Trung sau này. Viết tiếp truyền thống cách mạng vẻ vang của thế hệ cha anh, ngày nay, làng Trung Thôn nói riêng và xã Quảng Trung nói chung đang đồng sức, đồng lòng xây dựng quê hương ngày càng khởi sắc.
 
Mốc son lịch sử
 
Quảng Trung có vị trí địa lý thuận lợi về giao thông, đường thủy, có chợ Sãi hình thành từ lâu đời, giao thương nhộn nhịp, là địa bàn thuận lợi cho hoạt động cách mạng. 
 
Người giác ngộ cách mạng đầu tiên trong xã là đồng chí Vũ Huệ (tức bác Cả). Năm 1933, bác Cả được đồng chí Chi ở làng Tân An (xã Quảng Thanh, huyện Quảng Trạch) giác ngộ.
 
Đến năm 1935, được đồng chí Nguyễn Văn Huyên (bí danh Tế), thành viên Chi bộ Lũ Phong kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.
 
Sau khi được giác ngộ và kết nạp vào Đảng, bác Cả đã tích cực hoạt động, khéo léo vạch rõ tội ác của thực dân Pháp và bè lũ tay sai, bí mật truyền bá tinh thần yêu nước cho nhân dân; tổ chức các phong trào tương thân, tương ái, giúp đỡ, đùm bọc lẫn nhau khi gặp khó khăn, hoạn nạn, tạo được niềm tin trong nhân dân.
 
Năm 1935, đồng chí đã tổ chức được một nhóm thanh niên yêu nước gồm bốn người: Lê Khả, Lê Châm, Nguyễn Thiều và Nguyễn Hữu Huyến.
 
Tổ chức này đã tích cực tuyên truyền cho nhân dân về đường lối cách mạng, nhưng sau khi hoạt động được một thời gian thì bị bọn thực dân, phong kiến tìm mọi cách để đàn áp. 
 
Phong trào cách mạng lúc này gặp muôn vàn khó khăn. Một số đảng viên phải bí mật sang Lào, Thái Lan hoạt động rồi tìm cách móc nối với các cơ sở Đảng trong và ngoài tỉnh, một số khác vẫn âm thầm “giữ lửa”, “gom lửa”, chờ phong trào cách mạng bùng phát vào các năm tiếp theo.
Mô hình may gia công của Công ty may Minh Anh (xã Quảng Trung, TX. Ba Đồn) đang phát triển hiệu quả, giải quyết việc làm cho nhiều lao động.
Mô hình may gia công của Công ty may Minh Anh (xã Quảng Trung, TX. Ba Đồn) đang phát triển hiệu quả, giải quyết việc làm cho nhiều lao động.
Lúc này, tại làng Trung Thôn, nhiều thanh, thiếu niên có tư tưởng tiến bộ đã tiếp thu phong cách, lối sống của đồng chí Vũ Huệ nên đã sớm giác ngộ cách mạng. Trung Thôn cũng có vị trí địa lý khá thuận lợi nên dễ bề đối phó kẻ địch, là địa điểm lý tưởng cho hoạt động cách mạng lâu dài.      
 
Tháng 6-1937, đồng chí Nguyễn Văn Huyên về ở Trung Thôn trong một ngôi nhà nhỏ, dưới gốc cây đa chợ Sãi.
 
Đồng chí đã bàn bạc với đồng chí Vũ Huệ lựa chọn một số thanh, thiếu niên ưu tú để giác ngộ cách mạng làm nòng cốt tạo nguồn để kết nạp vào Đảng nhằm xây dựng, củng cố chi bộ, xây dựng phong trào cách mạng sau này.
 
Trong số đó, có đồng chí Nguyễn Hữu Vũ (tức cố Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên) đã được chọn làm liên lạc.
 
Với sự phát triển của phong trào cách mạng, tháng 7-1939, đồng chí Nguyễn Văn Huyên đã quyết định thành lập Chi bộ Trung Thôn với bí danh là “Chi bộ Bình” do đồng chí Vũ Huệ làm Bí thư.
 
Sau khi thành lập được một thời gian ngắn, chi bộ kết nạp đồng chí Nguyễn Hữu Vũ vào Đảng và tiếp đó là các đồng chí Nguyễn Biều, Nguyễn Hữu Lương, Vũ Ngạn và Lê Văn Lộc.
 
Từ việc gây dựng cơ sở cách mạng ở làng Trung Thôn, từ năm 1941 đến cuối 1943, Chi bộ Trung Thôn đã xây dựng được những cơ sở cách mạng mới ở các làng xung quanh các xã Quảng Trung, Quảng Sơn, Quảng Hòa, Quảng Lộc…
 
Đặc biệt, khi được Phủ ủy lâm thời chỉ đạo chi bộ bố trí các đồng chí vào huyện Bố Trạch mở các lớp gia đình học hiệu, đã xây dựng thêm được cơ sở mới ở các xã Tây Trạch, Hưng Trạch, Cự Nẫm, Hải Trạch…
 
Sự ra đời của Chi bộ Trung Thôn đã đánh dấu một mốc son mới, thể hiện bước phát triển quan trọng của phong trào cách mạng ở Quảng Trung, đồng thời là cơ sở vững chắc thúc đẩy sự phát triển của tổ chức Đảng.
 
Phát huy truyền thống quê hương cách mạng
Bia di tích nơi thành lập Chi bộ Trung Thôn, xã Quảng Trung (TX. Ba Đồn).
Bia di tích nơi thành lập Chi bộ Trung Thôn, xã Quảng Trung (TX. Ba Đồn).
Để ghi dấu những ngày đầu thành lập Chi bộ Trung Thôn, năm 2007, Đảng bộ và nhân dân Quảng Trung đã khánh thành 3 bia di tích lịch sử ghi tên đại biểu có nhiều cống hiến cho phong trào cách mạng của địa phương gồm: bia di tích chợ Sãi, nơi hoạt động cách mạng của đồng chí Tế; bia di tích đồng chí Cả, người thứ hai nhen nhóm hoạt động bí mật cách mạng và đặc biệt là bia di tích nơi thành lập Chi bộ Trung Thôn, cũng là nơi cố Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên sinh ra.
 
80 năm qua, Chi bộ Trung Thôn, nay là Đảng bộ xã Quảng Trung đã lãnh đạo nhân dân vượt qua mọi khó khăn, thách thức và đạt nhiều thành tựu trên các lĩnh vực.
 
Trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, Quảng Trung có 35 cán bộ lão thành cách mạng, 31 đồng chí cán bộ tiền khởi, 177 liệt sỹ và 14 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 1 Anh hùng lực lượng vũ trang, 1 Anh hùng Lao động.
 
Từ buổi đầu thành lập chỉ có 3 đảng viên (năm 1939), giờ đây, Đảng bộ xã Quảng Trung đã phát triển vững mạnh với 12 chi bộ trực thuộc, 2 đảng bộ bộ phận, 336 đảng viên.
 
Với những thành tích xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng bộ và nhân dân xã Quảng Trung được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
 
Nhiều người con của Quảng Trung đã có những thành tích, đóng góp lớn cho quê hương, đất nước, như: Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, Anh hùng lực lượng vũ trang Hồ Bá Thọ, Anh hùng Lao động Võ Xuân Khuể...
 
Ông Phạm Nguyên Tố, Bí thư Đảng bộ xã Quảng Trung cho biết: “Thực hiện công cuộc đổi mới, Ban Chấp hành Đảng bộ xã luôn tăng cường lãnh đạo, giáo dục cán bộ, đảng viên về tư tưởng chính trị, tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng Đảng vững mạnh, bảo đảm sự thống nhất về ý chí và hành động.
 
Bên cạnh đó, Đảng bộ xã cũng thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng công tác phát triển Đảng; công tác kiểm tra, giám sát… nhằm xây dựng Đảng bộ ngày càng trong sạch, vững mạnh, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh trong giai đoạn cách mạng mới…”.
 
Từ một xã nghèo, chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh, Quảng Trung đã vươn lên phát triển kinh tế khá nhanh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa với nhiều thành phần kinh tế mới.
 
Cuối năm 2018, thu nhập bình quân của xã đạt 30 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 3,66%; xã về đích nông thôn mới năm 2017.
 
Hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố, tăng cường; chính trị-xã hội ổn định, tạo thế và lực mới cho xã tiếp tục đi lên với nhiều triển vọng.
 
Lê Mai