Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Chuyện kênh nước tự đào đi qua mùa đại hạn

  • 09:14 | Chủ Nhật, 04/08/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Mùa hè năm nay, trong khi nhiều cánh đồng lúa ở huyện miền núi Minh Hóa bị cháy khô giữa cơn đại hạn khốc liệt nhất từ trước đến nay thì gần 10 ha lúa và hồ cá ở xóm Rôốc (xã Xuân Hóa) vẫn xanh tươi, nước mát tràn bờ. Có được điều “thần kỳ” đó là nhờ kênh mương dẫn nước mà cách đây 15 năm, ông Đinh Xuân Hưng (SN1958), người đàn ông bị mất một cánh tay đã kiên trì, nhẫn nại khai phá…

Bán bò làm công trình thủy lợi

Chúng tôi đến xóm Rôốc, xã Xuân Hóa, huyện Minh Hóa vào một ngày giữa tháng 7, thời điểm mà huyện miền núi Minh Hóa đang phải hứng trọn cơn đại hạn khốc liệt nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Khác với những hình ảnh khô khốc, cháy vàng trên những cánh đồng mà chúng tôi vừa đi qua, cánh đồng lúa gần 10 ha ở xóm Rôốc vẫn xanh tươi rì rào đón gió.

Giữa mùa đại hạn khốc liệt, những ao cá của ông Đinh Xuân Hưng vẫn đầy ắp nước.
Giữa mùa đại hạn khốc liệt, những ao cá của ông Đinh Xuân Hưng vẫn đầy ắp nước.

Đồng nghiệp của chúng tôi ở Đài Truyền thanh-Truyền hình huyện Minh Hóa cho biết, 15 năm qua, cánh đồng lúa và người dân xóm Rôốc đã “đi qua” những mùa hạn hán, đặc biệt là cơn đại hạn khốc liệt như năm nay, là nhờ kênh mương dẫn nước của ông “Hưng cụt” đã đào từ năm 2004.

Ông “Hưng cụt” tên thật là Đinh Xuân Hưng ở thôn Minh Xuân, xã Xuân Hóa, Minh Hóa. Bà con làng xóm gọi ông là Hưng “cụt” vì năm lên 9 tuổi, giặc Mỹ ném bom trúng cả nhà khiến bố mẹ bị thương nặng, em gái gãy chân, ông thì đứt lìa cả cánh tay.

Nhưng không vì thế mà ông chịu khuất phục số phận. Hàng chục năm qua, cái tên Hưng “cụt” đã thành “thương hiệu” luôn được người dân nơi đây kính trọng bởi đức tính cần cù, chịu thương, chịu khó, dám nghĩ dám làm, vượt qua khiếm khuyết bản thân để vươn lên trong cuộc sống.

Năm 1983, ông Hưng lập gia đình với bà Đinh Thị Việt và lần lượt có với nhau 6 mặt con. Theo lời ông Hưng, gia cảnh đông con với cuộc sống thiếu ăn, thiếu mặc quanh năm đã thúc đẩy ông rời bỏ thôn Minh Xuân, dắt díu vợ con lên vùng Rôốc với mong ước có thêm đất trồng cây kiếm cái ăn cho đàn con.

Vậy mà, lên vùng Rôốc rồi, nhưng cái nghèo vẫn đeo bám gia đình ông. Bởi lẽ, ở vùng Rôốc tuy đất rộng nhưng vẫn thiếu nước để tưới tiêu; quanh năm cũng chỉ trồng được cây sắn và được 1 vụ lúa bấp bênh phụ thuộc vào trời.

Nhờ những thành tích trong sản xuất, kinh doanh giỏi thời kỳ đổi mới, ông Đinh Xuân Hưng đã vinh dự được nhận nhiều bằng khen, giấy khen của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội Người khuyết tật Việt Nam,  UBND tỉnh Quảng Bình và huyện Minh Hóa...

Sau nhiều đêm thức trắng, cùng với những ngày âm thầm đi khảo sát thực địa, ông Hưng về nhà bàn với vợ bán đôi bò để có kinh phí đào mương dẫn nước. Nhưng bà Việt nhất quyết không chịu, bởi đôi bò là tài sản quý giá nhất của gia đình, còn phải để dành phòng thân lúc ốm đau, hoạn nạn.

Không thuyết phục được vợ bán bò, ông Hưng im lặng khiến bà Việt tưởng ông đã từ bỏ cái ý định “điên rồ” đó rồi. Bẵng đi một thời gian khoảng 2 tháng, ông Hưng từ xã về đưa cho vợ một tờ giấy với những nét vẽ ngắn dài như một tấm bản đồ, có dấu đỏ chót ở góc rồi nói với giọng chắc nịch: “Đó, mạ (mẹ) bây coi đi, đây là “hồ sơ” trình làm thủy lợi của tui, ủy ban xã đồng ý rồi. Vì vậy, mạ bây không đồng ý bán bò thì không được!”.

“Lừa” được vợ để bán đôi bò, ông Hưng mời 13 hộ trong xóm lại nhà bàn bạc để cùng “làm thủy lợi”. Nghe chuyện phải bỏ tiền, bỏ công đào kênh mương qua những quả đồi cao, dẫn nước từ núi về, ai cũng ái ngại. Thế nên, khi bắt tay vào làm, vấp phải những ngọn đồi toàn đá, người dân xóm Rôốc bỏ hết, chỉ còn 5 hộ trong đó có ông Hưng.

Suốt 10 tháng trời bất chấp nắng mưa, ông Hưng và những hộ dân còn lại của xóm Rôốc quăng quật với đất đá, cuối cùng một kênh mương dẫn nước từ núi về cũng đã thành hình hài. Kênh mương dài 2.000m, rộng từ 0,6 đến 1m, có chiều sâu trung bình chỉ 1m, nhưng có chỗ sâu gần 5m; trong đó có 4 đoạn phải đào vòng vắt qua bốn triền đồi.

“Tính ra, bầy tui (chúng tôi) phải mất gần 2.000 ngày công để làm công trình ni. Để dẫn được nước từ khe vào mương, tui còn phải làm một rọ đá cao gần 3 mét để chắn ngang dòng suối. Hai đoạn băng qua hai con suối khác phải làm ống dẫn đi ngầm.

Ngày đầu “thông tuyến” dẫn nước vào mương, tui chỉ dám núp trong bụi cây nhìn ra, vì sợ con nước sẽ không theo con mương về với ruộng vườn, thì không biết mần răng mà ăn nói với bà con, với cặp bò trót “lừa” vợ bán đi”, ông Hưng thật thà kể lại.

Và dòng nước mát lành từ khe núi đó đã không phụ công những người như ông Hưng, nó đã theo con mương chạy vòng qua những quả đồi, xuyên qua từng kẽ đá để tràn xuống tưới mát cho cánh đồng xóm Rôốc. Đã 15 năm trôi qua, công trình thủy lợi tự đào của ông Hưng và bà con xóm Rôốc vẫn phát huy tác dụng, giúp người dân nơi đây nhẹ nhàng đi qua những mùa nắng hạn, kể cả một mùa nắng hạn khốc liệt như năm nay.

Vựa rau của Minh Hóa

Từ khi có công trình thủy lợi tự đào này, cuộc sống của gia đình ông Hưng và người dân xóm Rôốc đã đổi thay từng ngày. Từ chỗ thiếu ăn do không có nước tưới, giờ đây, mỗi năm, gia đình ông Hưng thu gần 7 tấn lúa. Ngoài trồng lúa, ông Hưng còn đào ao thả cá, vay vốn chăn nuôi lợn, nuôi ong lấy mật…

Đặc biệt, những năm gần đây, nhờ có nguồn nước tưới quanh năm, gia đình ông Hưng và các hộ xóm Rôốc đã đầu tư trồng rau sạch để phục vụ cho thị trường huyện Minh Hóa.

Ông Đinh Minh Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Hóa cho biết, thời gian qua, gia đình ông Hưng và người dân xóm Rôốc được xem là vựa rau xanh của huyện Minh Hóa khi cung cấp phần lớn rau xanh cho chợ Quy Đạt. Đặc biệt, phần lớn mướp đắng cung cấp cho thị trường huyện Minh Hóa đều được trồng từ gia đình ông Hưng và bà con xóm Rôốc.

Không những phục vụ sản xuất, dòng nước mát lành của mương thủy lợi tự đào còn cung cấp nước sinh hoạt cho các hộ dân trong xóm.
Không những phục vụ sản xuất, dòng nước mát lành của mương thủy lợi tự đào còn cung cấp nước sinh hoạt cho các hộ dân trong xóm.

“Sản xuất với quy trình sạch nên mướp đắng của gia đình ông Hưng rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Tiểu thương ở thị trấn Quy Đạt vào mua tận gốc với giá khá cao nên ông Hưng hoàn toàn không lo đầu ra. Mướp đắng và rau xanh đã đem về cho gia đình ông Hưng và bà con xóm Rôốc hàng trăm triệu đồng mỗi năm.”, ông Tâm chia sẻ.

Hàng chục năm bám vùng đất xóm Rôốc để mưu sinh, nhờ nguồn nước ngọt lành từ công trình thủy lợi tự đào, vợ chồng ông Hưng đã nuôi 6 người con khôn lớn thành người. Mặc dù đã làm "chủ" một trang trại “ăn nên làm ra” nhưng ông “Hưng cụt” vẫn chân chất, mộc mạc như ngày nào, luôn cởi mở chia sẻ kinh nghiệm làm kinh tế trang trại với bà con lối xóm và nhiều nông dân từ nơi khác đến thăm.

Bây giờ, ngôi nhà của ông Hưng ở xóm Rôốc, ngoài những người nông dân trong vùng đến học tập, chia sẻ kinh nghiệm làm kinh tế trang trại, vào những dịp cuối tuần có rất nhiều vị khách từ TP. Đồng Hới, thị trấn Quy Đạt cũng tìm đến đây câu cá giải trí.Cá câu được, ông Hưng chỉ tính theo giá thị trường ở chợ và giúp họ chế biến thành những món ăn ngon.

Ông Hưng bảo, “phục vụ” như vậy tuy không có lời lãi bao nhiêu, nhưng bù lại đã giúp vợ chồng ông có được niềm vui lúc tuổi già và trau dồi kinh nghiệm để cùng con trai mở dịch vụ câu cá giải trí và ẩm thực khi có điều kiện. Đó là một ý tưởng rất mới mẻ mà ông Hưng đang ấp ủ thực hiện.

Phan Phương