.

Dấu ấn hai kỳ tích của hai vị tướng người Quảng Bình

.
08:39, Thứ Hai, 06/05/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược trong thế kỷ 20, có 2 mặt trận được xem là kỳ tích có một không hai của binh pháp, trận mạc. Điều thú vị là, cả 2 kỳ tích này đều do hai vị tướng tài ba người Quảng Bình chỉ huy. Đó là Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm nên kỳ tích trận Điện Biên “lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu” và Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, làm nên kỳ tích với trận đồ bát quái “Đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại”.
 
Điện Biên Phủ là một trong những trận quyết chiến chiến lược trong lịch sử Việt Nam, là đòn tiến công tiêu diệt lớn nhất của quân đội ta, quyết định “số phận” quân đội viễn chinh Pháp trong cuộc chiến tranh Đông Dương.
 
Đó là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta, mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới, tạo ra bước ngoặt lịch sử làm thay đổi hẳn cục diện chiến tranh, kết thúc 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954); buộc thực dân Pháp phải ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Đây cũng là sự kiện quan trọng ghi dấu sự trưởng thành, lớn mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên trong lần về Quảng Bình dự lễ an táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên trong lần về Quảng Bình dự lễ an táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
 
Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ khẳng định sự trưởng thành vượt bậc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Khi mới thành lập, quân đội ta mới có 34 chiến sỹ với vũ khí thô sơ, tầm vông, giáo mác.
 
Dưới sự lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện của Đảng và Bác Hồ, quân đội ta đã không ngừng lớn mạnh, càng đánh càng mạnh, trưởng thành về mọi mặt, góp phần làm nên một Điện Biên Phủ lẫy lừng. Đây là cơ sở quan trọng để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta vững tin dám đánh, quyết đánh và đánh thắng Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
 
Đường Trường Sơn, mà sau này, chính đối phương định danh đường mòn Hồ Chí Minh, là con đường của tinh thần sáng tạo, đột khởi, bất ngờ và biến hóa không ngừng. Từ một nhóm nhỏ cán bộ xoi đường, đến tiểu đoàn giao liên đầu tiên dẫn quân, đã hình thành một binh đoàn mang tên Binh đoàn Trường Sơn-Đoàn 559.
 
Từ lối mòn men theo dãy Trường Sơn đã hình thành hệ thống đường trục dọc, trục ngang, với đường bộ, đường sông, đường ống, dài gần 2 vạn km. Trên hệ thống giao thông này, hơn một triệu tấn hàng hóa, vũ khí được đưa vào các chiến trường; hơn 2 triệu lượt người, 10 lượt sư đoàn, 3 quân đoàn, 90 đơn vị binh chủng kỹ thuật vào Nam ra Bắc. 
 
Hơn 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học đã đổ xuống; nhiều đời tổng thống đối phương huy động nhiều bộ não siêu phàm để đối phó, ngăn chặn, nhưng đường Hồ Chí Minh vẫn như gọng kìm siết chặt sào huyệt kẻ thù, chạy thẳng cả vào giấc ngủ, bữa ăn mỗi ngày của đối phương…
 
Chiều sâu kỳ tích và chất huyền thoại của con đường được xây đắp bằng trí tuệ, mồ hôi, xương máu của hàng nghìn, hàng vạn nhân dân, cán bộ, chiến sỹ. Tính từ ngày mở đường đến ngày thống nhất đất nước, con đường tồn tại gần 60.000 ngày đêm. Hơn 2 vạn bộ đội, thanh niên xung phong, công nhân giao thông đã hy sinh; hơn 3 vạn người bị thương…
 
Đường Trường Sơn -Hồ Chí Minh đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, góp phần to lớn kết thúc thắng lợi vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ, thu non sông về một mối.
 
Trọng Thái
,