.

Sông Loan, núi Phượng một vùng văn hóa dân gian

.
14:38, Thứ Hai, 18/03/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Sông Loan, núi Phượng, một vùng dân cư có nền văn hóa lâu đời, vùng văn hóa dân gian của các làng xã xứ Roòn: Cảnh Dương, Quảng Phú, Quảng Tùng…, là nguồn cảm hứng của bao thi nhân mặc khách.
 
Từ trong lao động, những người dân nơi đây đã sáng tác và truyền cho nhau những câu hò, điệu hát, tục ngữ, ca dao, những truyện cổ dân gian phản ánh tâm tư, tình cảm của người dân vùng sông Loan, núi Phượng với phong cách mộc mạc, chân tình. Đặc biệt, thể loại hò hụi nơi đây độc đáo không nơi nào có.
Thượng nguồn sông Loan. (Ảnh: Xuân Phú)
Thượng nguồn sông Loan. Ảnh: Xuân Phú
Hò hụi ở làng Cảnh Dương là một loại hình văn nghệ dân gian ra đời trong quá trình lao động của người dân đi biển. Hò hụi có tiết tấu dồn dập, mạnh mẽ. Điệu hò mang nhịp thở của người kéo lưới, chèo thuyền.
 
Tham gia diễn xướng làn điệu này có một người hò cái và nhiều người xô con. Hò hụi được sử dụng trong các buổi lễ chèo cạn. Thú vị hơn, điệu hò ru em ở Cảnh Dương không ngân dài nhịp điệu như hò ru em ở các làng quê khác của Quảng Bình.
 
Đây là nét văn hóa độc đáo của làng biển vùng sông Loan, núi Phượng. Nhịp điệu hò hụi tuy cũng đều đặn nhưng nhanh hơn, bồng bềnh hơn, tựa như nhịp đưa của cánh võng buổi trưa hè. Nó được sử dụng các cụm từ “hò he… hò he”,  “bồng bông, bồng bồng…” làm tiếng đệm mở đầu và kết thúc một câu hò.
 
Ví như về Cảnh Dương ta sẽ nghe:  “Hò hè, hò he, hò hè, hò hè/ Bống bống, bồng bồng/Ai ơi , ai ởi , ai ời/Ai lên bóng liễu, ai ngồi ghế mây/ Hò he, hò hè/ Bống bông, bồng bồng…”.
 
Cuộc sống của người dân lao động vùng sông Loan, núi Phượng, nơi đầu sóng ngọn gió gắn liền với biển khơi. Trong quá trình lao động, trong ứng xử với thiên nhiên, thời tiết, họ quan sát hiện tượng tự nhiên của trời đất để từ đó đúc rút thành những câu tục ngữ, kinh nghiệm lưu truyền cho các thế hệ như:“Chớp cửa Roòn ôm con mà chạy/Sấm Hòn La cả nhà dọn gác/Tháng tám Hòn La, tháng ba Hòn Lổ". 
 
Thật thú vị khi ta được tiếp xúc, giao cảm với những câu ca dao của người dân lao động vùng sông Loan, núi Phượng, của xứ Roòn-Di Luân. Họ đã sáng tạo nhiều câu ca dao ngợi ca cảnh đẹp quê hương, đất nước, ngợi ca những tấm lòng chung thủy son sắt, những lời nhắn nhủ: “Chim trời dại lắm không khôn/Núi Hoành sơn không đậu mà đậu cồn cỏ may”. "Trèo đèo hai mái phân vân/Nửa muốn qua Hà Tĩnh nửa ái ân Quảng Bình”. “Sông Loan-núi Phượng hữu tình/Bảng vàng ấn ngọc anh linh chầu về”…
 
Hoặc những khi chồng ra biển đánh cá thì ở nhà, vợ mong ngóng từng ngày, từng giờ: “Ngó hoài ra tận biển Đông/Thấy trời thấy nước mà không thấy chàng”. Trước khi ra biển đánh cá, chồng dặn vợ một cách yêu thương và đầy tế nhị: "Ra đi anh dặn nàng hay/Đói thì đành chịu đừng vay mắc lời”.
 
Dù đi làm ăn xa, hay đi đâu, về đâu nhưng người sông Loan-núi Phượng vẫn nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn: “Ăn trầu nhớ miếng cau khô/Đi vô xứ Huế nhớ cô xứ Roòn”. “Giếng cây đa vừa trong vừa mát/Đường Cảnh Dương lắm cát khó đi”…
Cư dân sông Loan cần cù, chất phác. (Ảnh: Xuân Phú)
Cư dân sông Loan cần cù, chất phác. Ảnh: Xuân Phú
Sông Loan, núi Phượng, non nước hữu tình. Những con người nơi đây cần cù chất phác, nhưng có đời sống tinh thần hết sức phong phú, yêu đời, yêu người. Họ để lại cho kho tàng văn học dân gian vốn di sản văn hóa phi vật thể vô cùng quý giá được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác.
 
Đây là di sản văn hóa độc đáo cần được sưu tầm, bảo tồn, khai thác và phát huy nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương. Nó như những hòn ngọc quý, lấp lánh trong đời sống lao động, đời sống tinh thần của những con người vùng sông Loan, núi Phượng, góp phần làm phong phú thêm sự đa dạng của văn học dân gian Quảng Bình.
 
Tạ Đình Hà  
,