.

Tháng giêng về hội làng Văn

.
22:30, Thứ Bảy, 23/02/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Hội làng hàng năm là dịp mỗi một người con quê hương dù ở nơi đâu cũng đều hướng về để cùng sẻ chia, cùng tự hào và gìn giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp. Với riêng làng Văn La (xã Lương Ninh, huyện Quảng Ninh), rằm tháng giêng với hội làng truyền thống chính là nét đẹp văn hóa độc đáo mà bao đời nay người dân địa phương đã gìn giữ bằng cả niềm tự hào…
 
Dấu ấn Văn La
 
Theo Đại Việt Sử ký toàn thư, thời Chúa Nguyễn Phúc Tần (1648-1687), làng có tên Cẩm La; đến đầu nhà Nguyễn có tên Văn La. Là một trong bát danh hương Quảng Bình “Sơn-Hà-Cảnh-Thổ-Văn-Võ-Cổ-Kim”, làng Văn La ở vào thế đất thượng sơn hạ thủy; phía đông từ biên giới làng đi ra bờ biển, phía tây từ địa giới làng vào đến chân núi Đầu Mâu, U Bò, Trường Sơn, không bị một làng nào án ngự. Làng ở cái thế rồng chầu hổ phục với những dãy đồi trập trùng như thân con rồng uốn lượn mà cái đuôi xòe ra ở đỉnh Đầu Mâu.
Lễ hội rằm tháng giêng là dịp để những người con làng Văn La tìm về nguồn cội, thắp hương trên bàn thờ Thành hoàng làng với tất cả lòng thành kính.
Lễ hội rằm tháng giêng là dịp để những người con làng Văn La tìm về nguồn cội, thắp hương trên bàn thờ Thành hoàng làng với tất cả lòng thành kính.
Phía trước mặt đông, một con rồng lớn (Long Đại) trườn theo nước sông Nhật Lệ, đến cuối làng Văn La, rồng nhập vào trong đất mà các cụ đồ cho rằng “Long đáo địa”, cái bụng rồng còn phơi lộ trên Bàu Rồng.
 
Những vòi rồng chìm vào trong đất rồi bật lên thành vũng nước giữa đồi cao được đặt tên Mũi Rồng (Phôốc Rồng). Những vòi rồng ấy lại chìm trong đất để sau đó với tài trí của các thầy địa lý điểm trúng huyệt, đào 7 cái giếng có tên giếng Hang.
 
Thuở ban đầu, dân làng quy tụ ven lộ thiên lý. Thời Trịnh-Nguyễn phân tranh, Văn La trở thành tiền đồn trong tuyến phòng thủ của chúa Nguyễn Đàng Trong. Sách Ô Châu cận lục trong phần tổng luận đã đánh giá: “Văn La sẵn tay văn sĩ’ nói lên một làng quê có học hành khoa bảng, có hội tư văn tập hợp các nhà nho đàm đạo chuyện văn, chuyện đời. Ngay từ đầu thời nhà Nguyễn, Văn La có Thượng thư Hoàng Kim Xán là người học rộng, tài cao, làm quan có chính sách tốt, được dân quý mến. C
 
on trai út của Thượng thư Hoàng Kim Xán là Hoàng Kế Viêm, phò mã, lấy con gái vua Minh Mạng, làm quan đến chức Thống đốc Trấn bắc Đại tướng quân; có Thượng thư, Hiệp biện Đại học sĩ Hoàng Trọng Vĩ là cháu nội của Thượng thư Hoàng Kim Xán…
 
Thời kỳ Văn La thuộc tổng Long Đại, phủ Quảng Ninh, làng đã xây dựng được một bản hương ước với 16 điều khoản, trong đó có nhiều điều khoản rất phù hợp với việc xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa hiện nay.
 
Bản hương ước của làng, qui ước của dòng họ giúp cho mỗi người dân làng, mỗi thành viên họ tộc giữ gìn và phát huy thuần phong mỹ tục, đạo lý làm người cũng như những nét đẹp văn hóa, nếp sống văn minh của một làng quê có học hành, khoa bảng, chức sắc. Sống trong cộng đồng, các dòng tộc đã đem cái đạo lý, nền nếp gia phong mà răn dạy, giáo dục con cháu lấy đạo hiếu làm trọng.
 
Từ năm 1990, một bộ phận dân cư của làng Văn La được điều chỉnh cùng với các làng khác thành lập thị trấn Quán Hàu, còn đại đa số vẫn thuộc xã Lương Ninh. Dẫu thế, người dân Văn La vẫn mãi có ý thức cộng đồng, đoàn kết đi lên trong công cuộc đổi mới.
 
Độc đáo lễ hội rằm tháng giêng
 
Đã thành thông lệ, cứ vào đầu mỗi mùa xuân, khi người người nhà nhà vẫn còn “dư vị” của Tết Nguyên đán, người dân Văn La lại tổ chức lễ hội rằm tháng giêng.  Làng Văn La chọn ngày rằm tháng giêng tổ chức lễ hội bởi đầu xuân, ánh trăng rằm sáng tỏ làng quê, soi rọi cây đa, bến nước, sân đình, là dịp tốt để làng hoài niệm vẻ đẹp văn hóa truyền thống của một vùng đất Văn La “long đáo địa”.
 
Lễ hội làng Văn La được tổ chức chính là tấm lòng thành kính của bà con dân làng hướng về bậc tiền bối khai khẩn, khai canh lập làng; hướng về vong linh những người hy sinh vì quê hương, xứ sở; đồng thời, chính là sự cầu mong mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an…
 
Lễ hội rằm tháng giêng được tổ chức tại đình làng, nơi tôn thờ những vị thần linh, thành hoàng làng, những bậc tiền nhân có công khai khẩn lập làng, nhằm giáo dục con cháu luôn hướng về cội nguồn, ghi nhớ công ơn tổ tiên, ông bà để nỗ lực, phấn đấu góp công, góp sức xây dựng quê hương, đất nước, bảo vệ Tổ quốc.
 
Theo ông Nguyễn Xuân Hồng, Trưởng thôn Văn La thì để bảo đảm cho lễ hội thành công, ngay từ trước Tết, thôn đã tổ chức các hội nghị cốt cán nhằm thông báo với các dòng họ, quán triệt đến từng chi bộ xóm kế hoạch triển khai lễ hội sao cho vừa bảo đảm tính trang nghiêm trong phần lễ và tính an toàn, đoàn kết trong phần hội.
Phần hội với các trò chơi dân gian đậm chất thượng võ.
Phần hội với các trò chơi dân gian đậm chất thượng võ.
Lễ hội đã đi sâu vào tiềm thức mỗi người dân làng Văn La dù họ đang ở phương xa hay đã ở vào một đơn vị hành chính khác; để những người con Văn La hướng về, tìm về chung vui với hội làng, thắp nén hương trên bàn thờ vị Thành hoàng làng với tất cả lòng thành kính.
 
Lễ hội rằm tháng giêng diễn ra trong 2 ngày 14 và 15 âm lịch. Phần lễ được bắt đầu bằng đám rước được tổ chức đơn giản bằng cách thắp hương tại nghĩa trang liệt sỹ, nghĩa địa làng và rước hương. Phần tế được tổ chức trang nghiêm, đúng bài bản. Trưởng làng là chủ tế, 2 vị có uy tín trong Hội Người cao tuổi là bồi tế, còn có những người chấp sự lo việc hương đèn, trà. Sau phần tế, đại diện các dòng họ, các xóm, các đại biểu cũng như dân làng dâng hương.
 
Sau phần lễ tế, phần hội sẽ được diễn ra sôi nổi với các trò chơi dân gian truyền thống mang nét đặc sắc của làng Văn La xưa như thi điền chữ bỏ trống vào một bài thơ, hội thi sinh vật cảnh, cờ tướng, kéo co. Về sau này, lễ hội có thêm nhiều trò chơi mới như bóng chuyền, kéo co, đấu võ…, vốn là những trò chơi mang tính thượng võ, rèn luyện sức khỏe cho người dân Văn La.
 
"Lễ hội rằm tháng giêng chính là nét đẹp truyền thống của làng nhằm nhắc nhở con cháu hướng về nguồn cội, nhắc con em nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn, để trách nhiệm với cuộc sống và hiểu thêm về đạo lý của con người Việt Nam. Lễ hội cũng là dịp để động viên sức mạnh của tất cả cộng đồng làng xóm cho việc xây dựng và phát triển quê hương bền vững.
 
Đặc biệt, trong công cuộc xây dựng nông thôn mới hiện nay, lễ hội rằm tháng giêng chính là tổng hợp sức mạnh của người dân thôn Văn La, hướng sức mạnh vào dòng chảy vì sự phát triển của làng quê, góp phần tích cực cho xã Lương Ninh về đích NTM đầu tiên trong toàn huyện”, ông Lê Trọng Duận, Trưởng ban liên lạc các dòng họ làng Văn La cho biết thêm.
 
Thanh Hải
 
 
,