.

Đại tướng yêu rừng

.
08:32, Thứ Tư, 06/02/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Lúc sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một người yêu rừng và rất ý thức trong việc bảo vệ rừng. Qua những câu chuyện kể của ông Võ Đại Hàm, người cháu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, mới biết Đại tướng đã dành cho rừng một tình yêu thật sâu đậm và tư tưởng giữ rừng của ông đã có từ rất lâu nhưng đến nay vẫn nguyên giá trị.
 
Đổi từ gỗ lim qua gỗ mít khi xây dựng nhà thờ họ
 
Phía trước ngôi nhà lưu niệm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở làng An Xá, huyện Lệ Thủy, có một ngôi nhà từ đường cổ kính, khang trang, đó chính là ngôi nhà thờ của phái 2 dòng họ Võ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
 
Ông Võ Đại Hàm, cháu gọi Đại tướng Võ Nguyên Giáp bằng ông thúc bá, người được coi như “pho sách sống” về ngôi nhà lưu niệm, cũng như những kỷ niệm của Đại tướng trong những lần ông về thăm quê, cho biết, nội thất bên trong ngôi nhà thờ này được làm bằng gỗ nhưng toàn là gỗ mít, không có một thanh gỗ rừng nào.
 
Ông Hàm kể, năm 2003, phái 2 dòng họ Võ bàn chuyện xây dựng nhà thờ họ. Lúc đầu, các cụ cao niên trưởng thượng trong phái đã thống nhất mua gỗ lim để làm và đã được Công ty Lâm công nghiệp Long Đại đồng ý bán gỗ lim cho với giá ưu đãi. Tuy nhiên, khi mọi người hỏi ý kiến Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông đã không đồng ý việc dùng gỗ rừng để làm nhà thờ.
Ngôi nhà thờ phái 2, dòng họ Võ ở làng An Xá (Lệ Thủy) được làm hoàn toàn bằng gỗ mít.
Ngôi nhà thờ phái 2, dòng họ Võ ở làng An Xá (Lệ Thủy) được làm hoàn toàn bằng gỗ mít.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói: “Nếu dùng gỗ lim để làm nhà thờ họ thì chắc chắn đó, nhưng cả nước này có hàng nghìn, hàng vạn dòng họ cần làm nhà thờ, ai cũng như mình mua gỗ rừng để làm thì rừng đâu còn gỗ mà lấy..!”.
 
Không đồng ý để dòng họ Võ của mình làm nhà thờ bằng gỗ lim, đích thân Đại tướng Võ Nguyên Giáp và gia đình đã nhờ người ra tận Hương Sơn (Hà Tĩnh) tìm mua gỗ mít về dựng nhà thờ thay cho gỗ lim như ý định ban đầu của các cụ cao niên trong họ.
 
Theo lời ông Hàm, năm 2004, ngôi nhà thờ được khánh thành. Nhân chuyến về thăm quê, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ghé thăm và ông rất vui khi thấy ngôi nhà thờ được làm bằng gỗ mít cũng rất đẹp và chắc chắn. Nhân chuyện phải thay gỗ lim thành gỗ mít để xây dựng nhà thờ, Đại tướng đã nói chuyện với bà con trong họ về tầm quan trọng của rừng.
 
Ông nói: “Rừng có vai trò cực kỳ quan trọng đối với môi trường sống của tất cả chúng ta. Chính rừng đã điều hòa nguồn nước, khí hậu giúp chúng ta tránh khỏi thiên tai, bão lụt. Tránh nhiệm bảo vệ rừng cũng không phải của riêng lực lượng chức năng mà của tất cả mọi người dân. Vì vậy vừa rồi chúng ta đã đổi gỗ lim thành gỗ mít để làm nhà thờ, mục đích là để tránh được một phần ảnh hưởng xấu đến rừng, là một việc rất nên làm!”
 
“…Tôi rất muốn được làm một người trồng rừng chắn cát!”
 
Tình yêu rừng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ thể hiện qua những “việc riêng” mà ông cho là làm ảnh hưởng xấu đến rừng như trên. Theo ông Võ Đại Hàm, lúc sinh thời, mỗi lần về thăm quê, Đại tướng đều hỏi lãnh đạo tỉnh, huyện về những người trồng rừng giỏi, có ý thức bảo vệ rừng và chủ động đến thăm họ.
 
Đại tướng đã nhiều lần đến thăm mẹ Phạm Thị Nghèng ở xã Quang Phú (Đồng Hới), người được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động vì thành tích trồng rừng chắn cát. Mẹ Nghèng không biên chế, không hưởng lương, nhưng có đến 40 năm trồng rừng chắn cát. Cả một rừng cây phi lao ven biển Đồng Hới bây giờ đều do mẹ và đội trồng rừng của mẹ tạo nên.

Hơn thế, mẹ Nghèng là người đầu tiên có sáng kiến dùng đọt phi lao để ươm cây giống (trước đó người ta chỉ biết ươm từ hạt). Lần nào đến thăm mẹ Nghèng, Đại tướng cũng rất xúc động. Ông bảo: “Quảng Bình cát trắng, gió Tây Nam (gió Lào), nếu ai cũng làm được như mẹ Nghèng thì tốt biết mấy!.”

Ông Võ Đại Hàm kể với phóng viên những câu chuyện về tình yêu rừng của vị tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp.
Ông Võ Đại Hàm kể với phóng viên những câu chuyện về tình yêu rừng của vị tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp.

Một lần ra thăm mẹ Nghèng, Đại tướng đã làm hầu hết mọi người trong đoàn ngạc nhiên khi ông nói rằng: “Nếu không có những cuộc chiến tranh và không trở thành một vị tướng cầm quân, tôi rất muốn được làm một người trồng rừng chống cát cho quê hương như mẹ Nghèng!”.

Năm 1992, trong một lần về thăm quê,  nghe tin ở vùng đồi Cồn Chay, xã Cự Nẫm (Bố Trạch) có người nông dân Ngô Văn Lý trồng rừng giỏi, Đại tướng đã yêu cầu lãnh đạo tỉnh đến thăm.
 
Đại tướng rất vui mừng khi biết được, trong lúc đề tài nghiên cứu nhân giống cây huỵnh (tiếng địa phương là huệng- một loại gỗ quý) được các nhà khoa học nghiên cứu nhiều năm mà chưa có kết quả, thì ông Lý đã nhân giống để trồng cả một cánh rừng hàng chục ha. Ông Lý còn “chuyển giao công nghệ" cho lâm trường Nhà nước miễn phí.
 
Lần đó, trong lúc ông Lý luống cuống vì không ngờ được rằng trong đời mình lại may mắn được đón vị Tổng Tư lệnh Quân đội mà ông kính phục ngay tại nhà mình, thì Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ôn tồn nói: “Trong lúc Quảng Bình băn khoăn với việc “trồng cây gì, nuôi con gì” thì anh đã chứng minh bằng việc làm của mình. Anh xứng đáng là một chiến sĩ Quân đội nhân dân, một cựu chiến binh, một tiến sĩ thực hành như người dân đã phong cho"…
 
Một đời cống hiến vì nước, vì dân, vị tướng huyền thoại dù đã đi vào cõi vĩnh hằng nhưng di sản to lớn của ông để lại cho hậu thế sẽ trường tồn với thời gian, trong đó tình yêu rừng và quan điểm giữ rừng của ông đến nay vẫn còn nguyên giá trị…

“Tình yêu sâu đậm đối với rừng có thể xuất phát từ những năm tháng Đại tướng cầm quân đánh giặc ở Chiến khu Việt Bắc. Khi ấy “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù” đã giúp ông đánh thắng giặc Pháp mạnh hơn rất nhiều so với lực lượng còn non trẻ của ta.

Rồi những năm kháng chiến chống Mỹ, những cánh rừng Trường Sơn tầng tầng, lớp lớp đã ngụy trang, che chở cho quân ta tránh khỏi bom đạn của quân thù. Sau ngày đất nước không còn chiến tranh, mỗi lần về thăm quê hương, trong câu chuyện với con cháu chúng tôi, ông vẫn thường kể về những cánh rừng trong chiến tranh bằng tình yêu và lòng biết ơn sâu săc nhất…”, ông Võ Đại Hàm.

Phan Phương
 

 

 

 
,