.

Dòng họ được vinh danh khoa bảng

.
14:40, Thứ Tư, 09/01/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Lịch sử khoa cử Việt Nam trong thời kỳ nhà Nguyễn, kể từ lúc khởi thi khoa thi Hương năm Quý Dậu (1813) đến khoa thi Hội năm Canh Tuất (1910), có 295 vị đỗ đạt.

Trong 39 vị đỗ đại khoa, dòng họ Nguyễn Duy ở làng Lý Hòa (xã Hải Trạch, huyện Bố Trạch) có đến 5 vị. Đó là: ông Nguyễn Duy Cẩn (SN 1817), tiến sĩ khoa Nhâm Dần 1842; Nguyễn Duy Thắng (SN 1872), Phó bảng khoa Mậu Tuất 1898; Nguyễn Duy Tích (SN 1879), tiến sĩ khoa Tân Sửu 1901; Nguyễn Duy Phiên (SN 1885), tiến sĩ Đình Nguyên Hoàng Giáp, khoa Đinh Mùi 1907 và ông Nguyễn Duy Thiệu (SN 1889), Phó bảng khoa Canh Tuất 1910.

Đây là trường hợp hiếm trong lịch sử khoa cử Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám 1945. Tên tuổi các vị đại khoa đã được ghi trong Đăng lục triều Nguyễn, được nhân dân lưu truyền, tôn kính, được UNESCO công nhận Nhà khoa bảng Việt Nam (được cấp mã số). Năm vị đại khoa của dòng họ Nguyễn Duy làng Lý Hoà thời nhà Nguyễn không chỉ làm rạng danh cho dòng họ mà còn là niềm tự hào của nhân dân làng Lý Hòa nói riêng, Quảng Bình nói chung.

Thời nhà Nguyễn lấy Nho giáo làm nền tảng tư tưởng quân chủ nên rất chú trọng phát triển giáo dục, khuyến khích việc học hành và tiến thân bằng con đường khoa bảng. Do đó, việc học hành, thi cử, đỗ đạt của dòng họ Nguyễn Duy đã được các vị vua triều Nguyễn ghi nhận, được dân gian tôn kính gọi là: “Giáo ngũ tứ danh câu xương” (Một gia đình giáo dục được 5 con cháu chắt đều đạt khoa bảng là rất hiếm). Nhờ đó, cùng với làng An Xá (Lệ Thủy), làng Lý Hòa được công nhận là một trong hai làng văn hiến của tỉnh.

Theo gia phả dòng họ Nguyễn Duy ở làng Lý Hòa, vị thủy tổ của dòng họ là ông Nguyễn Văn Nại và người con trai là Nguyễn Văn Duyệt (tức là Nguyễn Quý Công) đã có công khai cơ lập làng Lý Hoà và được vua Khải Định năm thứ 9 ban sắc phong. Đến đời ông Nguyễn Văn Thuyên, đời thứ 5 của dòng họ thì chuyện học hành, thi cử và phát khoa, khai khoa phát triển, đạt thành tựu.

Ông Nguyễn Văn Thuyên và bà Hoàng Thị Vịnh sinh được hai người con trai là Nguyễn Duy Đức và Nguyễn Duy Cần, hai người con trai được học hành tử tế, trong đó, người con thứ là Nguyễn Duy Cần đã mở đầu cho việc thi cử, đỗ đạt của dòng họ Nguyễn Duy. Ông là người đạt tiến sĩ đầu tiên của dòng họ, là cha của nhiều cử nhân, là ông của 4 vị đại khoa.

Ông Nguyễn Duy Cần (sau đổi tên là Nguyễn Duy Huân) sinh năm Đinh Sửu 1817 thi hương đậu cử nhân Ân khoa Tân Sửu niên hiệu Thiệu Trị thứ nhất (1841). Năm 1842, ông tiếp tục thi hội và đậu Đệ Tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân Ân khoa Nhâm Dần niên hiệu Thiệu Trị thứ 2.

Ông là người Lý Hòa đầu tiên đỗ tiến sĩ, nên vua Thiệu Trị đã đổi cho ông từ Cần sang Huân và cũng từ đó, dòng họ Nguyễn Văn được đổi thành họ Nguyễn Duy cho đến nay. Ông Nguyễn Duy Cần làm quan cho đến Thị Giảng học sĩ, sung chức Giáo tập học đường ở phủ Tôn Nhân, sau được tặng Thái Thượng Tự Khanh. Thời đó, ông được dân làng lập miếu thờ cạnh Điện Văn Thánh của làng Lý Hòa.

Ông Nguyễn Duy Miễn (SN 1844), con trai thứ 2 của ông Nguyễn Duy Cần, năm 1878 thi hương đậu cử nhân, niên hiệu Tự Đức thứ 31. Ông làm quan đến chức Thái Thượng Tự Khanh, lĩnh Tế tửu của Quốc tử giám rồi về Trí sỹ, thụ Tham tri Bộ Học.

Ông Nguyễn Duy Miễn sinh được 6 người con trai. Người con trai cả là Nguyễn Duy Thắng (SN 1872), năm 27 tuổi thi hội đậu Phó bảng, khoa Mậu Tuất, niên hiệu Thành Thái thứ 10 (1898), sau được giữ chức Thừa chỉ đốc học, Trưởng lãnh đô sát viện chưởng ấn, thăng Hồng lô Tự Khanh, truy thọ Thái bộc Tự Khanh.

Người con trai thứ hai là Nguyễn Duy Đồng (SN 1875), đậu cử nhân khoa Đinh Dậu niên hiệu Thành Thái thứ 9 (1897). Ông là người khí khái, trung thực, liêm chính, có tài, có đức được giao giữ chức Hàn lâm viện điền tích, hậu bổ tỉnh Hà Tĩnh. Tuy nhiên sau này ông từ quan về quê lo phụng dưỡng cha mẹ.

Người con trai thứ 3 là Nguyễn Duy Tích (SN 1879), năm 22 tuổi thi hương đậu cử nhân khoa Canh Tý, niên hiệu Thành Thái thứ 12 (1900). Năm 23 tuổi, Nguyễn Duy Tích thi hội đậu đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Tân Sửu, niên hiệu thành Thái thứ 13 (1901), được bổ làm quan giữ các chức Tham tri Bộ Binh. Ông là vị quan nổi tiếng thanh liêm và có lòng thương dân, nhất là người nghèo khổ, khi chết được truy tặng Thượng thư Bộ Lễ.

Người con trai thứ 4 là Nguyễn Duy Phiên (SN 1885), năm 19 tuổi, thi hương đậu cử nhân khoa Quý Mão, niên hiệu Thành Thái thứ 15 (1903).  Ông Nguyễn Duy Phiên được bổ làm quan và giao giữ các chức tri phủ, nội các thị độc, Tham tri Bộ Lại, truy thọ Thượng thư Bộ Lễ.

Người con trai út của ông Nguyễn Duy Miễn là Nguyễn Duy Thiệu (SN 1889), năm 25 tuổi, thi hội đậu Phó bảng, khoa Canh Tuất niên hiệu Duy Tân 4 (1910), làm quan đến chức tri huyện chủ sử Viên ngoại. Từ đời ông, cha rồi đến các cháu của dòng họ Nguyễn Duy đều phát huy truyền thống hiếu học, đỗ đạt, mang hiển vinh về cho dòng tộc làng Lý Hòa huyện Bố Trạch.

Trải qua nhiều đời cha truyền con nối, các thế hệ cháu chắt, hậu duệ của dòng họ Nguyễn Duy đã kế tục, giữ gìn và phát huy truyền thống hiếu học của cha ông, ghi tên vào bảng vàng khoa cử, không ngừng ra sức học tập, rèn luyện, làm rạng danh cho dòng họ, quê hương.

Tiêu biểu có anh Nguyễn Duy Du tốt nghiệp đại học y khoa khóa 1945, làm bác sỹ quân y tham gia quân đội suốt hai cuộc kháng chiến của dân tộc; anh Nguyễn Duy Cự nhiều nhiệm kỳ làm cán bộ lãnh đạo của địa phương; anh Nguyễn Duy Trân theo học ngành nghiên cứu hạt nhân nguyên tử, năm 1987 làm Viện trưởng Viện nghiên cứu hạt nhân nguyên tử tại Pháp…

Hiện nay, dòng họ Nguyễn Duy đã lập Quỹ Khuyến học và bổ sung kinh phí thường xuyên để động viên cho các thế hệ con cháu hăng say học tập. Sau mỗi năm học, dòng họ Nguyễn Duy tổ chức vinh danh và trao thưởng cho các học sinh có thành tích xuất sắc tại nhà thờ dòng họ.

Vinh dự cho dòng họ Nguyễn Duy làng Lý Hòa, ngày 15-10-2018, UBND tỉnh Quảng Bình đã có Quyết định số 4303/QĐ UBND về việc xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh đối với nhà thờ dòng họ Nguyễn Duy.

Cảnh Giang
(Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh Quảng Bình)
 

,