.

Bát danh hương Quảng Bình xưa và nay - Bài 4: Thổ Ngọa nếp đất, hương quê

.
12:37, Thứ Bảy, 03/02/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Thổ Ngoạ - vùng đất cổ có bề dày về truyền thống văn hoá lịch sử của phủ Quảng Trạch xưa. Trải qua thời gian với nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, Thổ Ngoạ ngày nay vẫn là một làng quê trù phú và là nơi còn lưu giữ nhiều giá trị văn hoá truyền thống của vùng đất bát danh hương một thuở...

>> Bài 3: "Quê tôi đứng nơi đầu sóng gió..."

>> Bài 2: La Hà-Làng văn hóa khoa bảng

>> Bài 1: Lệ Sơn-Làng theo đạo học!

Theo một số tư liệu tộc phả thì làng Thổ Ngoạ ra đời từ năm 1471 và người có công khai khẩn lập làng là ông Nguyễn Khống, tự Khắc Nhượng, một võ tướng thời nhà Lê, quê ở xã Thổ Vượng, huyện Can Lộc, phủ Đức Quang, xứ Nghệ An (nay là huyện Can Lộc, Hà Tĩnh). Cái tên Thổ Ngoạ là do ông Nguyễn Khống ghép từ chữ đầu của hai vùng quê: Thổ Vượng (quê ông) và Ngoạ Kiều (quê vợ ông cũng thuộc huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) mà nên.

Làng Thổ Ngoạ không có đồi núi, nhưng nhìn xa xa về phía tây là những ngọn núi của dãy Trường Sơn như một vòng cung ôm gọn lấy làng. Dòng sông Gianh chảy qua làng chừng 3km, là nơi cung cấp cho làng quê nhiều loại hải sản. Và cũng từ nhánh sông này tạo cơ hội cho người dân trong làng giao lưu, buôn bán sản vật với làng quê khác bằng các phương tiện thuyền bè.

Ra đời khá sớm nên các xóm (nay là tổ dân phố) trong làng mang những cái tên rất dân dã và “lạ” như xóm Chợ, xóm Hội (các xóm này thuộc khu vực gần chợ), xóm Dinh (theo truyền thuyết trước đây có dinh quan võ họ Trương đóng ở đây), xóm Me (nơi đây từng có cây me cổ thụ), xóm Bến (bến thuyền bè tập kết giao lưu hàng hoá theo đường sông), xóm Chùa (nơi có chùa làng)...

Một trong những xóm có nhiều nét đặc trưng nhất của làng là xóm Cồn Két (nay là tổ dân phố Cồn Két), nằm nổi giữa dòng Gianh. Trước đây, vì giao thông cách trở nên vùng đất này gần như hoang hoá, xung quanh um tùm những cây nơm, cây bần, cây đước và là xứ sở của nhiều loại chim. Ngày nay, Cồn Két là nơi sinh sống của hàng chục hộ dân chuyên về nghề chài lưới và là địa chỉ nuôi trồng thuỷ sản nổi tiếng của phường Quảng Thuận.

Người dân làng Thổ Ngọa nô nức tham dự lễ hội mồng mười tháng ba-lễ hội truyền thống lớn nhất của làng.
Người dân làng Thổ Ngọa nô nức tham dự lễ hội mồng mười tháng ba-lễ hội truyền thống lớn nhất của làng.

Nói đến văn hóa làng Thổ Ngọa không thể không nhắc đến chợ Họa (có thể do người xưa đọc chệch chữ Ngọa sang chữ Họa). Chợ nằm bên một nhánh của dòng sông Gianh, bày bán đủ các mặt hàng, đặc biệt là các sản phẩm mang thương hiệu của chính quê mình và các địa phương lân cận, như nón lá, mắm ruốc (Thổ Ngoạ), thúng, mủng, nong, nia, rổ, rá... (Thọ Đơn), bánh đa (Lộc Điền)... Chợ được hình thành từ năm nào là vấn đề mà các bậc cao niên - những người tâm huyết với văn hóa làng đang tìm tòi nghiên cứu để làm rõ.

Chỉ biết rằng, chợ đã có mặt từ rất lâu đời, bởi trong Đại Nam nhất thống chí có ghi “chợ Thổ Ngõa ở huyện Bình Chính, họp hai buổi, phần nhiều bán tôm, cá, hàng quán đông đúc”. Ấn tượng nhất ở chợ Họa là chợ nón và chợ hải sản.

Chợ nón là nơi tập kết mặt hàng nón lá và các sản phẩm liên quan đến nghề nón của người dân bản địa, như lá nón, vành nón... luôn tấp nập người mua, kẻ bán. Đông vui nhất vẫn là bến thuyền nơi người dân quê quen gọi là chợ cá, với phần lớn hải sản được đánh bắt từ sông quê.

Chợ Họa còn bày bán đủ các loại bánh, cháo được xem là “đặc sản” của làng, như bánh chì, bánh xèo, bánh cuốn, bánh ít, bánh gai, bánh mật, bánh trôi, cháo canh, cá chuối... luôn thu hút rất đông thực khách trong các buổi chợ.

Thổ Ngọa xưa là vùng đất có nhiều di tích văn hoá vật thể, như đình làng, đền Quan Tả, đền Văn Thánh, đền Võ Thánh, miếu Tam Toà, chùa Cảnh Tiên... được xây dựng theo lối kiến trúc cổ độc đáo, trong đó nổi bật nhất là đình làng. Trải qua thời gian và do chiến tranh tàn phá, các di tích lịch sử văn hoá trong làng đã bị huỷ hoại. Ngày nay, những người tâm huyết với văn hóa làng và chính quyền đang tích cực tìm kiếm các tài liệu cổ để lưu truyền cho thế hệ sau.

Làng Thổ Ngọa nay có khoảng 1.300 hộ dân, trong đó có gần 40% số hộ dân tham gia vào nghề truyền thống của làng, đó là nghề nón. Theo ông Trần Đình Lập, Trưởng làng Thổ Ngoạ thì nón lá của làng từ xưa đến nay vẫn giữ nguyên thương hiệu “nón làng Ngọa” vốn nổi tiếng một thời trong và ngoài tỉnh. Nghề nón gắn bó với người dân từ thuở khai sinh lập làng, được người dân gìn giữ, lưu truyền theo thời gian. Những bậc cao niên trong làng kể lại rằng: Nghề nón của làng ra đời vào khoảng cuối thế kỷ XIX và ông tổ của làng nghề là một người họ Trần.

Vì cảm thương dân làng không có nghề nghiệp, đời sống phụ thuộc vào mảnh ruộng chật hẹp, ông đã rời làng vào Huế quyết tâm học nghề làm nón lá rồi truyền lại cho dân làng... Nghề này đã đi vào dân ca, hò vè của người dân bản địa. Người làng nón thường cất lên các câu hò khoan theo điệu hò vùng “hai huyện”, rằng: Nón Thổ Ngoạ đưa ra Hà Nội/Nón bài thơ tốt lắm anh ơi/Anh về mua một vài đôi/Chiếc tặng bạn gái, chiếc thời mẹ cha...

Nghề nón xưa gắn với hình thức sinh hoạt phường hội của người dân và ít nhiều vẫn còn lưu giữ cho đến ngày nay. Dẫu không còn cảnh làm chùm theo ngày (8 người tập trung làm cho một nhà và chủ nhà có trách nhiệm nấu cơm thết đãi bạn bè), hay làm chùm theo phiên chợ, nhưng người dân vẫn giữ thói quen tập hợp nhau lại để cùng làm, cùng trò chuyện, cùng hát hò, rồi chia sẻ với nhau những niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống. Và chính nghề nón với đặc trưng sinh hoạt vốn có đã góp phần quan trọng trong việc thắt chặt tình làng, nghĩa xóm, tình đoàn kết giữa các cộng đồng dân cư.

Làm nón được xem là nghề phụ, thành phần lao động chủ yếu là người già, phụ nữ và cả trẻ em, nhưng mang lại cho người dân nguồn thu nhập khá ổn định. Ngoài ra, Thổ Ngoạ còn có nhiều nghề khác nhau, như nghề nuôi trồng thuỷ sản, kinh doanh dịch vụ, sản xuất nông nghiệp...

Các nghề này đã làm cho Thổ Ngoạ trở thành một làng quê sầm uất, đường làng, ngõ xóm bê tông rộng rãi sạch đẹp, nhà ở của người dân đa số được xây dựng kiên cố, khang trang. Số hộ đạt mức sống từ khá trở lên chiếm phần lớn trong làng. Làng còn xây dựng được nhà văn hoá truyền thống với số tiền trên 1 tỷ đồng, chủ yếu huy động từ sự đóng góp của con em đang sinh sống trên mọi miền đất nước.

Công trình này được xây dựng trên khuôn viên của chùa Cảnh Tiên xưa, với lối kiến trúc cổ, là nơi diễn ra các lễ hội truyền thống của quê hương. Hằng năm, làng Thổ Ngọa luôn tổ chức tốt các hoạt động của lễ hội mồng mười tháng ba với nhiều nghi lễ trang trọng cùng các loại hình văn hóa gian gian phong phú, thu hút đông đảo người dân tham gia.

Thổ Ngọa cũng là xứ sở của các làn điệu dân ca, các trò chơi dân gian phong phú. Ngoài sử dụng lối hát đối đáp theo điệu hò khoan truyền thống của hai huyện Quảng Ninh, Lệ Thuỷ, làng Thổ Ngoạ còn nổi tiếng với điệu hát phường nón có nét tương đồng với điệu hát phường vải Nghệ Tĩnh, chủ yếu là lối hát giao duyên nam nữ với những câu, như: Nữ: “Anh về thưa với mẹ cha / Cho anh đi lại để xa hóa gần”, Nam: “Mẹ cha anh đã thưa rồi / Giờ còn em nữa ông trời chưa se”... Điệu hát này thường được sử dụng trong những đêm làm nón chùm, trai gái thường tổ chức hò đối đáp. Cuộc hát thường kéo dài tới khuya và những mối lương duyên cũng đơm nụ, nở hoa từ đó.

Thổ Ngọa là một trong những làng có truyền thống khoa bảng với rất nhiều con em đỗ đạt qua các kỳ thi và được giữ các chức vụ quan trọng trong triều Nguyễn. Phát huy truyền thống đó, người dân nơi đây rất chăm lo việc học, công tác khuyến học khuyến tài luôn được chú trọng hàng đầu. Ngoài việc xây dựng quỹ khuyến học của làng, các dòng họ ở Thổ Ngoạ còn thành lập nguồn quỹ riêng, trong đó nổi bật nhất là dòng họ Trần Phúc với số tiền khuyến học 130 triệu đồng. Nhờ quan tâm đến việc học của con em, nên Thổ Ngoạ luôn duy trì tỷ lệ gần 90% hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình tú tài, gia đình cử nhân, số con em thi đỗ đại học hàng năm luôn chiếm tỷ lệ lớn nhất trong xã.

Trên 500 năm hình thành và phát triển, dẫu đã có nhiều đổi thay cho phù hợp với thời đại mới, song Thổ Ngoạ vẫn còn giữ được nếp đất, hương quê. Truyền thống văn hoá luôn là niềm tự hào, là điểm tựa để mỗi người con của làng trên mọi miền đất nước luôn hướng về quê hương, nguồn cội với lòng biết ơn đối các thế hệ cha, ông - những người đã tạo nên một danh hương Thổ Ngoạ sống mãi với thời gian.

Nhật Văn

Bài 5: Văn La, đậm đà bản sắc làng Việt
 




 

,