.

Săn rượu Đoác

Thứ Bảy, 04/03/2017, 08:59 [GMT+7]

(QBĐT) - Bí thư Đảng ủy xã Tân Trạch Nguyễn Chí Sỹ điện thoại bảo: “Tháng ba, người A Rem nhớ đến hương vị rừng rồi đó, họ vào rừng săn mật ong, săn rượu đoác... Nhà báo rảnh, lên đồng hành cùng đồng bào cho biết”.

Đinh Xứng bên gốc đoác được chọn để làm rượu.
Đinh Xứng bên gốc đoác được chọn để làm rượu.

Với người A Rem xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch, tôi không còn xa lạ gì với họ, thậm chí nhiều già làng còn trìu mến tặng tôi cái họ Đinh đặc trưng nơi miền biên viễn đã theo họ từ thời hoang khai cho đến tận bây giờ.

Nhắc đến rượu đoác, tôi lại nhớ những tháng ngày bám bản, bám rừng theo Bộ đội Biên phòng Đồn Cà Xèng đi tìm đồng bào Rục, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa trong các hang hóc sâu thăm thẳm, vận động bà con trở về định canh, định cư ở các bản Ón, Yên Hợp, Mò O Ồ Ồ.

Chính xác là vào năm 2001, khi đến tại một hang đá thuộc vùng Ma Ma Cà Tập hun hút giữa rừng già, đoàn công tác gặp vợ chồng ông bà Cao Chờn, hai người Rục cao tuổi sống hồn nhiên như cây cỏ. Họ cho chúng tôi thưởng thức một thứ nước đùng đục như sữa, mùi nồng nồng, vị chua chua. Thức uống kỳ lạ này nhanh chóng làm dịu cơn khát..., sau rốt là cảm giác lâng lâng, say say. Khi quay về bản Ón, Bộ đội Biên phòng “bật mí” cho tôi biết đó là rượu đoác.

Người Rục ở huyện Minh Hóa, người A Rem vùng phía tây huyện Bố Trạch vốn được xem là anh em. Bởi thế, xuyên suốt từ cội nguồn khởi lập cho đến bây giờ, hai tộc người này vẫn còn lưu giữ, bảo tồn những nét văn hóa tương đồng khó hòa lẫn với cộng đồng tộc người khác trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam, trong đó có việc sử dụng cây đoác hay còn gọi là cây báng, thuộc họ cau để làm thức ăn, đồ uống như là sự ban tặng của mẹ đại ngàn an lành. Trước khi xách ba lô khởi hành hơn 100 cây số lên xã Tân Trạch, tôi lại làm một phép thử và phát hiện thêm điều thú vị khác.

Gõ cụm từ “rượu đoác” hỏi Gogle, ông “giáo sư” này hiển thị đến 6.150 kết quả trong vòng 0,44 giây đồng hồ cho biết, “đặc sản” rượu đoác không chỉ của người Vân Kiều, Rục, A Rem Quảng Bình mà còn là nét văn hóa của rất nhiều tộc người khác sinh sống trên dãy Trường Sơn thuộc khu vực miền Trung - Tây nguyên: đồng bào Pa Cô, Tà Ôi ở huyện A Lưới, Thừa Thiên-Huế; người Cờ Tu, huyện Tây Giang; người Ca Dong, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam...

Trở lại với hành trình săn rượu đoác sâu giữa vùng lõi di sản Phong Nha- Kẻ Bàng, theo lời giới thiệu từ già làng Đinh Rầu, tôi đi theo Đinh Cu, Trưởng công an xã và Đinh Xứng - một thanh niên am hiểu rừng Phong Nha như vườn nhà mình.

Đợi cho cái nắng ấm áp tháng ba đuổi hết hơi lèn và sương trắng bám dọc những ngọn núi cao chót vót, khi nắng lan tỏa khắp núi rừng, chúng tôi bảo khởi hành. Từ Km 39 đường 20-Quyết Thắng, chúng tôi trở ngược ra, ánh mắt Đinh Xứng cứ nhìn lên lưng chừng cây, lưng chừng núi, khoảng 20 phút sau, anh rời đường 20, cắt rừng theo hướng đông nam. Dọc đường, Đinh Xứng chỉ cho chúng tôi những cây đoác nhỏ mọc ken khá dày dọc theo triền núi đá vôi.

“Những cây đoác ni chưa được phép lấy rượu vì chưa đủ tuổi”, Đinh Xứng giải thích, “Phải tìm cây nào to bằng một choàng tay người ôm, mới có thể làm rượu được. Cây đoác càng to, càng cho nhiều rượu”. Vừa đi, vừa kiếm tìm, người dẫn đường bỏ qua rất nhiều gốc đoác. Trên mặt đất thấp ẩm, thỉnh thoảng thấy lúc nhúc những chú vắt ngo ngoe tìm theo hơi người. Cuối cùng khi cả đoàn thấm mệt, Đinh Xứng dừng lại, bấm con dao quắm sắc vào một gốc đoác to nhoài ra nơi mỏm đá chênh vênh.

Do địa thế cây đoác mọc khá nguy hiểm, Đinh Xứng quyết định hạ ngang gốc đoác. Kế tiếp đến công đoạn xén lá, cắt ngọn Đinh Xứng làm khá tỉ mỉ. Đinh Xứng bảo: “Cách làm rượu đoác truyền thống của đồng bào là xén phía trên ngọn; cố gắng làm sao vết cắt thật ngọt, ngọn cây đoác không bị thối, vẫn cho nhiều rượu trong một thời gian dài. Nếu cây đoác lâu năm, không bị sâu, ngày đầu tiên hứng rượu có thể cho cả chục lít. Lần sau muốn lấy tiếp phải hớt ngắn đi một đoạn giúp cây cho rượu mới.

Mỗi cây đoác trưởng thành cho rượu khoảng 3 đến 4 tháng mới hết, sau đó đồng bào cho cây nghỉ sức, tiếp tục đi tìm gốc đoác mới. Để có được rượu đoác ngon, người lấy phải chuẩn bị can, trong can chứa sẵn rễ cây rừng như cái men rượu của người dưới xuôi. Nước trong thân cây đoác gặp rễ cây đó hòa lẫn với nhau tạo thành rượu ngọt lành”. Hỏi Đinh Xứng tên rễ cây làm men là gì. Đinh Xứng lắc đầu “Ơ! Không nói mô. Ở tít xa trong rừng sâu”.

Con dao quắm vạt ngang ngọn cây đoác, từ giữa lõi non, một thứ nước trắng đục tứa ra. Vì chưa chuẩn bị được ống nứa để hứng nên Đinh Xứng đành dùng vỏ chai nước khoáng chứa tạm. Hứng đầy chai, Đinh Xứng mời mọi người trong đoàn lần lượt thưởng thức thứ đặc sản tinh khôi từ đại ngàn. “Để rượu đoác đạt như ý muốn, cần phải ngâm với rễ cây rừng lên men qua một đêm. Giờ uống vậy cho biết, chứ không ngon”, Đinh Xứng giải thích.

Người phụ nữ A Rem đưa hũ rượu đoác được cất giữ cẩn thận đến mời khách quý.
Người phụ nữ A Rem đưa hũ rượu đoác được cất giữ cẩn thận đến mời khách quý.

Vậy là chúng tôi đã cùng với Đinh Cu, Đinh Xứng trải nghiệm một lần săn tìm và làm rượu đoác ngay giữa sâu thẳm rừng già Phong Nha, nơi cỏ cây, thiên nhiên, con người sống dung dị, chan hòa, nơi ẩn chứa, nuôi dưỡng giống cây đoác một thời là nguồn sống của người A Rem để họ vượt qua khó khăn, rời hang đá, lập bản mới khang trang như bây giờ.

Trở lại với bản Km 39, nơi đồng bào A Rem định cư, già làng Đinh Rầu chân tình với tôi: “Ngoài việc cung cấp thức uống ngon, cây đoác trước đây còn giúp cho đồng bào lá cây che mưa, che nắng, làm ra thứ “nhúc đoác” ấm lòng khi cái bụng đói dài ngày. Giờ thì ít khi người A Rem đi săn rượu đoác bởi có rượu cồn, bia lon thương lái dưới xuôi mang lên. Trai bản, gái bản quen với rượu bia miền xuôi mất rồi! Chỉ tháng ba về, đồng bào nhớ đến rượu đoác mới rủ nhau đi săm tìm, làm rượu đoác”.

Tạm biệt người A Rem, tôi xuôi về đồng bằng mang theo dư vị say say rượu đoác, mang cả bầu tâm sự tựa hơi thở dài của Đinh Rầu. Thầm ước, đến bao giờ đồng bào A Rem khôi phục lại đặc sản rượu đoác, như một nét “riêng có” cho mình?!

Ngô Thanh Long