.

Con ở miền Nam ra viếng mộ Đại tướng

Thứ Sáu, 10/02/2017, 22:16 [GMT+7]

(QBĐT) - Hơn năm ngàn lượt người đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong 5 ngày Tết Đinh Dậu là hơn năm ngàn cung bậc cảm xúc khác nhau. Nhưng tất cả có chung một tâm trạng thành kính tri ân vị tướng tài ba của dân tộc. Nhiều người không kìm được xúc động đã bật khóc trước mộ. Còn chúng tôi, những người con của miền Đông Nam bộ cũng không kìm được nước mắt khi đặt bó hoa huệ trắng bên lề mộ, thắp nén hương trầm khấn dâng Đại tướng phù hộ độ trì cho quốc thái dân an, thế giới hòa bình.

Chung một tấm lòng

Sau chặng đường gần 1.000 km từ thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi đến Vũng Chùa Đảo Yến chiều mùng 5 Tết Đinh Dậu. Mặc dù khi ngồi trên xe đã tự nhủ phải kìm nén xúc động, nhưng khi nhìn dòng người cầm hoa huệ trắng đặt trước mộ Đại tướng trong tiếng nhạc tử sĩ trầm buồn, lòng tôi chùng xuống, nước mắt rưng rưng. Trước người đồng đội, vị tướng đáng kính, tất cả trong tôi là niềm kiêu hãnh, cảm xúc thiêng liêng ùa đến dâng tràn.

Lần đầu tiên đến Vũng Chùa, cầm trên tay bông huệ trắng, đứng trước mộ Đại tướng, anh Hoàng Long (đến từ Vũng Tàu) không khỏi xúc động. Tay cầm nén hương, mắt anh Long rưng rưng, nói: “Chúng con từ phương Nam ra viếng mộ Bác. Mong Bác vĩnh hằng trong lòng đất mẹ”. Anh Long cho biết thêm, bố anh là sĩ quan hải quân đã từng công tác ở vùng biển Trường Sa năm 1988. Ngoài viếng Đại tướng, anh còn đến để thắp nén hương thay cho bố anh nữa.

“Trong hành trình xuyên Việt đến Hà Giang, viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp là điểm quan trọng nhất của chúng tôi. Đây cũng là dịp để chúng tôi tri ân, tưởng nhớ đến vị tướng tài danh của dân tộc”, anh Long chia sẻ

“Phượt” cả ngàn cây số từ thành phố mang tên Bác, vợ chồng anh Vũ Thế Anh, chị Trần Thị Liệu ở huyện Nhà Bè cũng không kìm được xúc động khi tận mắt nhìn lên mộ Đại tướng, tận tay cầm nắm cát Vũng Chùa, nơi Đại tướng yên nghỉ cuối cùng trong hành trình sự sống. Chị Liệu xúc động bày tỏ: “Đây là lần đầu em tới đây. Trước mộ Đại tướng, một cảm xúc vô cùng thiêng liêng. Lần này đi còn có hai đứa con em nữa. Đây cũng là dịp để giáo dục cho con em lòng yêu nước và truyền thống của dân tộc”.

Dòng người viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp chiều mùng 5 Tết.
Dòng người viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp chiều mùng 5 Tết.

Mặc dù đã đôi lần đến nơi Đại tướng an nghỉ vĩnh hằng, nhưng anh Vũ Thế Anh vẫn không kìm nén được xúc động: “Mỗi lần đến đây trong đầu tôi như có thêm sự mở mang, trí tuệ. Ngày xuân đến mộ Đại tướng để cảm phục tri ân, để răn dạy con cháu mình biết trận trọng lịch sử, nhớ về nguồn cội”, anh Thế Anh chia sẻ.

Tôi gặp chị Võ Thị Nhài, người ở Lệ Thủy (Quảng Bình). Chị Nhài bảo, năm nào chị cũng đến thăm viếng mộ Đại tướng. Chị Nhài xếp hàng trong dòng người lặng lẽ, bước từng bước chậm. Chị khoanh tay trước ngực cố kìm nén cảm xúc: “Tui là người dân địa phương. Đã nhiều lần đến viếng mộ Bác, răng mà lần mô cũng không cầm được nước mắt. Nhất là khi nghe tiếng nhạc hồn tử sĩ vọng ra. Khung cảnh ở Vũng Chùa có gì đó rất linh thiêng. Hầu như ai đến viếng Đại tướng cũng khóc. Người khóc lúc thắp hương, có người vừa đi trong hàng vừa khóc”, chị Nhài chia sẻ.

Những người giữ bình yên cho Đại tướng vĩnh hằng

Đến Vũng Chùa Đảo Yến viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp những ngày xuân Đinh Dậu, sau những giọt nước mắt xúc động cảm phục Đại tướng nhân dân, chúng tôi không khỏi bồi hồi khi nghe cán bộ chiến sĩ Biên Phòng, những người lính mang quân hàm xanh đang ngày đêm canh gác giữ an ninh trật tự cho Đại tướng mãi yên nghỉ trong lòng đất mẹ. 

Là người có mặt ngay từ những ngày đầu tiên khi linh cữu của Đại tướng được đưa bằng đường hàng không từ Hà Nội vào Vũng Chùa, đại úy Đồng Thanh Hải, Đội phó đội bảo vệ khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho biết, đơn vị của anh được giao nhiệm vụ tuần tra canh gác, bảo vệ an toàn tuyệt đối vòng ngoài, vòng trong khu mộ Đại tướng.

“Khi sinh thời, Đại tướng được bảo vệ cẩn mật như thế nào, thì khi Đại tướng ra đi cũng được bảo vệ nghiêm ngặt như vậy. Bất kể nắng mưa, ngày, đêm, lạnh giá hay nóng nực, mộ đại tướng được phải được túc trực canh gác an toàn. Chúng tôi coi đây là nhiệm vụ đặc biệt, đồng thời là nghĩa vụ, tình cảm thiêng liêng đối với Đại tướng”, đại úy Đồng Thanh Hải cho biết.

Đại úy Đồng Thanh Hải kể, những ngày đầu tiên khi Đại tướng được an táng tại đây, hàng đêm, dòng người từ khắp nơi đổ về khấn viếng. Có người mang ảnh Đại tướng bên mình, có cựu binh già chống gậy leo từng bậc thang, hàng ngàn thiếu niên, nhi đồng mặc đồng phục nối dài viếng mộ. Màn đêm càng sâu, dòng người càng nối dài. Tất cả đến đây không ai cầm được nước mắt.

Trước thực tiễn ấy, cán bộ chiến sĩ Bộ đội Biên Phòng tỉnh Quảng Bình đã quán triệt sâu sắc: “Thương Đại tướng, không mềm lòng”. – Nghĩa là gì thưa anh? Tôi hỏi. Đại úy Đồng Thanh chia sẻ: “Tức là dù thương Đại tướng nhưng cũng không được rơi nước mắt trước mặt nhân dân. Đây là thể hiện bản lĩnh của người lính Cụ Hồ, không yếu mềm trước những đau thương tổn thất mất mát to lớn”.

Những ngày xuân Đinh Dậu này, có hơn 5 ngàn lượt người khắp nơi hành hương đến Vũng Chùa viếng mộ Đại tướng. Hàng trăm lượt cán bộ chiến sĩ của Đồn Biên phòng Roòn thuộc Bộ đội Biên Phòng Quảng Bình thay phiên nhau túc trực, canh gác, tuần tra bảo đảm an toàn tuyệt đối cho khu mộ. Chứng kiến trăm niềm xúc động, ngàn giọt nước mắt, những tiếng nấc nghẹn ngào, những lời tha thiết nhớ thương Đại tướng, những người lính biên phòng không khỏi bùi ngùi.

Nhưng, bản lĩnh của người lính không được phép mềm yếu trước đau thương, không được rơi nước mắt trước người dân, dẫu trong trái tim đồng cảm chung niềm cảm phục. Đại úy Đồng Thanh Hải, bảo: “Những ngày đầu khi nhìn dòng người khóc, ôm súng gác, chúng tôi phải nuốt nước mắt vào trong, cố kìm nén cảm xúc. Bây giờ vẫn vậy, nhưng bản lĩnh người lính không được rơi nước mắt”.

Đất trời Quảng Bình những ngày xuân mới se lạnh. Hàng ngàn người khắp mọi miền Tổ quốc vẫn đang hành hương đến Vũng Chùa Đảo Yến để viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Dù doanh nhân hay dân thường, giáo viên hay bộ đội, người công giáo hay lương dân... tất cả đều chung một dòng cảm xúc biết ơn, tri ân Đại tướng. Còn chúng tôi, những người con từ đất phương Nam sẽ chẳng bao giờ quên một lần về nơi gió cát, Vũng Chùa Đảo Yến, nơi Đại tướng an nghỉ vĩnh hằng.

Mai Thắng