.

Ông Nghị Các

Thứ Hai, 30/01/2017, 11:04 [GMT+7]

(QBĐT) - Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Đảng (1930-1980), 8 giờ sáng ngày 1 Tết Canh Thân, đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn đã tiếp đón riêng gia đình “ông Nghị Các” (ông Nguyễn Xuân Các, quê Ba Đồn, Quảng Bình) một cách thân tình tại nhà riêng ở số 6 Hoàng Diệu. Lúc này có đồng chí Phạm Hùng và nhiều vị khách cũng đến chúc tết Tổng Bí thư.

Với phong thái nhanh nhẹn, cởi mở, đồng chí Lê Duẩn tự mình đi vào báo cho vợ (bà Lê Thị Sương) biết “chị Nghị Các đã đến!” và ông không quên giới thiệu gia đình “ông Nghị Các” với mọi người có mặt.

Sau vài phút thăm hỏi sơ qua tình hình mọi mặt của gia đình, vừa tiếp khách chung, vừa tiếp riêng một cách chu đáo, đồng chí Tổng Bí thư nói: Hôm qua, Đảng đã gặp gỡ các cán bộ lão thành, các gia đình có công trước cách mạng tháng Tám tại Hội trường Ba Đình, hôm nay chỉ mời riêng gia đình ta về đây, đặc biệt là “chị Các” để có nhiều thời gian trò chuyện hơn.

Từ ngày “anh Nghị Các”, Thư ký thường trực Viện Dân biểu Trung Kỳ (1936-1939), đồng thời là một trong ba người chủ chốt phụ trách báo “Dân”, cơ quan của Xứ ủy Trung Kỳ, bị địch bắt đem đi đày ở Đắc Tô- Kon Tum, và sau khi tờ báo bị cấm đã hơn 40 năm, hôm nay mới lại được gặp chị, “người nuôi dưỡng, che giấu, liên lạc cho Xứ ủy một thời gian dài”.

Khi đang ở Trung ương Cục Miền nam, tôi cũng được biết tin anh Các vì danh dự của Đảng, giữ vững khí tiết đảng viên nên đã hy sinh đau đớn, đây là một tổn thất của Đảng nói chung và riêng là một người bạn, một đồng chí trung kiên, một người cộng sự đắc lực của tôi, của anh Phan Đăng Lưu, anh Nguyễn Chí Diểu trong giai đoạn sôi động nhất ở Huế.

Lúc này, như nhớ ra một điều gì, đồng chí Tổng Bí thư chỉ tay vào người con gái “ông Các” và hỏi:

- Nếu bác không nhầm, thì tên cháu là “Xuân Mai” phải không?

- Dạ, thưa bác, cháu tên là Xuân Mai. Vì sao bác nhớ tên cháu ạ ?

- Đồng chí Lê Duẩn mỉm cười, trả lời: “Như vậy là bác còn nhớ lâu”, rồi quay về mọi người có mặt, đồng chí giới thiệu:

- Vì Xuân Mai tên của cháu đã gắn với một kỷ niệm sâu sắc mà chỉ có bác, bác Phan Đăng Lưu, bác Nguyễn Chí Diểu mới biết được. Cả ba bác đã thống nhất đặt tên là Xuân Mai để tượng trưng cho tương lai tươi đẹp; là mùa xuân tươi sáng của đất nước. Khởi đầu bằng sự hy sinh thầm lặng của bố mẹ cháu, đi hoạt động đơn tuyến với cái vỏ bọc bên ngoài là một nhân sĩ trí thức, một ông nghị đầy quyền uy để cắm sâu, leo cao trong chính quyền Nam triều và chính quyền đô hộ, tạo thuận lợi cho Đảng, cho cách mạng sau này.

Ảnh 20 : Gia đình “ông Nghị Các” chụp ảnh lưu niệm với Tổng Bí thư Lê Duẩn trong buổi gặp mặt.
Gia đình “ông Nghị Các” chụp ảnh lưu niệm với Tổng Bí thư Lê Duẩn trong buổi gặp mặt.

Đồng chí Lê Duẩn nói và cười: “Hôm nay bác lộ bí mật rồi” và nói tiếp:

Lúc này mặt trận bình dân thắng ở Pháp, ta hưởng ứng Đông dương Đại hội. Đảng chủ trương vận động tranh cử để kết hợp đấu tranh ở nghị trường giành thắng lợi. Ở Bắc Kỳ bọn tay sai thắng nên Phạm Lê Bổng làm viện trưởng. Ở Trung Kỳ phe dân chủ thắng lớn, ở Quảng Bình, ông Nguyễn Xuân Các và Hoàng Chính Đông do Đảng vận động tranh cử, đã đánh bại tên chủ hiệu ảnh Nhật Tân ở Đồng Hới, mặc dầu tên này được bọn phản động cho tiền thuê người đi bầu, mỗi người một đồng bạc Đông Dương, vẫn bị thua đậm. Viện dân biểu Trung Kỳ do ông Nguyễn Đan Quế làm Viện trưởng, ông Nguyễn Xuân Các làm Thư ký thường trực Viện.

Nếu không có phong trào Mặt trận dân chủ ở Bình Trị Thiên, nếu không có thắng lợi của Mặt trận dân chủ trong cuộc bầu cử đại biểu vào Viện dân biểu Trung Kỳ thì “Báo Dân” không thể ra đời được.

Về danh nghĩa công khai, Báo Dân là cơ quan ngôn luận của nhóm “dân biểu xã hội”, nhưng thực chất là tờ báo của Đảng đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Xứ ủy Trung Kỳ lúc này đồng chí Lê Duẩn là Bí thư Xứ ủy, đồng chí Phan Đăng Lưu là Ủy viên Trung ương, ông Nguyễn Đan Quế làm chủ nhiệm, ông Nguyễn Xuân Các làm quản lý, ông Tôn Quang Phiệt làm chủ bút. Tham gia ban biên tập có các ông Hải Triều, Bùi San, Hà Thế Hanh tác giả.

Báo Dân đã phát huy mạnh mẽ tác dụng của báo chí cách mạng, dấy lên được phong trào đòi dân chủ, vận động quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng, giành thắng lợi trong cuộc họp đại hội toàn kỳ tại Viện dân biểu Trung Kỳ: có hơn 500 đại biểu đủ các thành phần, nhóm chính trị tham gia, Đảng đã kết hợp được cuộc đấu tranh ở trong nghị trường với cuộc đấu tranh của quần chúng ở ngoài đường. Trước đầu lê mũi súng của cảnh sát mật thám, vẫn không nao núng trên ghế chủ tịch đoàn có Hải Triều, các ông phụ trách Viện vẫn dũng cảm chèo chống, lèo lái và cuối cùng đã giành thắng lợi.

Giành quyền chủ động lãnh đạo Ủy ban trù bị của Đông Dương Đại hội, sau này vang dội nhất là đã bác bỏ được dự án tăng thuế của Chính phủ Pháp và Nam triều tại Viện Dân biểu Trung Kỳ. Thắng lợi này đã làm cho vua quan nhà Nguyễn và Khâm sứ Pháp lúng túng, lo ngại và chúng tìm mọi “cớ”cấm Báo Dân hoạt động, bắt những người phụ trách chủ chốt của tờ báo bằng cách lấy một cớ rất nhỏ là anh Các đưa tin nhầm một trong hai hòn đảo nhỏ, bị Nhật chiếm mà Pháp bất lực ở quần đảo Hoàng Sa. Chúng ra lệnh đóng cửa tờ báo và bắt ông Quế, ông Các... đem đi đày, trước phong trào đấu tranh của quần chúng phản đối việc cấm báo và bắt người của chính phủ Pháp và Nam triều.

Sau đó một thời gian không xa, bác Nguyễn Chí Diểu bị bệnh và mất ngày 12-9-1939, an táng trong vườn nhà cụ Phan Bội Châu, đám tang đã trở thành một cơ hội biểu dương lực lượng của quần chúng cách mạng, trước mũi súng của quân thù. Sau đó, bác Phan Đăng Lưu cũng đã hy sinh oanh liệt trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ 1941...

Lúc này, những giọt nước mắt nghẹn ngào, nhớ những người đã khuất của Tổng Bí thư Lê Duẩn đã lăn rơi trên má và đồng chí xúc động nó:

- Tội nghiệp cho anh Các, bị đế quốc bắt đi tù đày đã đành, lại còn bị tù của ta, và bị chết oan cũng vì hai chữ “ông nghị” này đây!

Sau một phút im lặng, hướng về phía bà Sương và bà Các đang thì thầm câu chuyện, đồng chí Lê Duẩn hỏi:

- Chị Các còn nhớ hiệu sách Hương Giang chứ? Bà Các trả lời, đây là hiệu sách của anh Hải Triều và vợ là chị Tuyến để hoạt động bí mật, có một thời gian hai anh chị và bà mẹ là Đạm Phương đã ra thăm bố mẹ tôi (vợ chồng ông Nguyễn Xuân Thiều) ở Ba Đồn. Với cái làn đi chợ, dưới đáy chứa đầy tài liệu mật, trên để kín thức ăn che mắt mật thám, chị đã đi như con thoi, vào liên lạc ở hiệu sách Hương Giang, chợ Bến Ngự, chợ Đông Ba, chợ An Cựu... để móc nối liên lạc cho Đảng.

Đồng chí Lê Duẩn nói: Có lúc anh chị Các đã đóng giả đi buôn gỗ ở Thanh Hóa, Ninh Bình, đi chụp hình ở Vinh, đi buôn Trâu ở Quảng Bình để móc nối liên lạc. Anh Các “Bạch diện thư sinh” như vậy nhưng mà rất dũng cảm, việc khó mấy cũng hoàn thành được. Xứ ủy tin yêu, mến phục. Tôi còn nhớ chị Các cho anh, em ăn rất ngon, nổi tiếng nhất là món cá bống kho rim với hạt tiêu, món củ sen, củ niễng xào cũng hấp dẫn.

Do khách đến chúc tết ngày càng đông, chúng tôi xin phép cáo lui nên đồng chí Lê Duẩn đã gọi nhà nhiếp ảnh Minh Đạo đến chụp hình với gia đình”ông nghị Các”  để kỷ niệm. Đồng chí Lê Duẩn còn nhắc các đồng chí ở Văn phòng Trung ương, nhớ làm đầy đủ chính sách ưu đãi của Đảng cho ông bà trước khi chia tay ra về, thật là trọn vẹn.

Ra về, lòng chúng tôi rất tự hào, thanh thản. Chỉ trong một thời gian ngắn, đồng chí Tổng Bí thư đã làm sống lại cả một thời kỳ lịch sử sôi động, một truyền thống vẻ vang của Đảng, đã tái hiện lại một nghệ thuật chỉ đạo cách mạng rất sáng tạo, độc đáo, tài tình: biến công cụ thống trị của địch thành công cụ phục vụ cho cách mạng...

Riêng với gia đình tôi, như được một “thông điệp” của Tổng Bí thư Lê Duẩn đã khẳng định, đánh giá vai trò công lao của người chồng, người cha, người ông chúng tôi, chắc chắn “ông Nghị Các” sẽ rất hài lòng, mỉm cười nơi chín suối !

Càng tin tưởng lạc quan, tôi càng thấm sâu câu thơ của Mãn Giác Thiền sư:

“Đừng bảo xuân tàn, hoa rụng hết
Đêm qua, sân trước một nhành mai”

                                     (Ngô Tất Tố dịch)

Huỳnh Thúc Cẩn