.

Đức Ninh trung dũng, kiên cường

Thứ Sáu, 02/09/2016, 14:47 [GMT+7]

(QBĐT) - Nằm ở phía tây thành phố Đồng Hới, xã Đức Ninh cất giữ trong dòng chảy lịch sử của mình một bề dày trầm tích văn hóa, tạo nên nét “riêng có” về đất và người Đức Ninh. Quá trình phát triển hun đúc nên truyền thống đoàn kết, dũng cảm, cần cù, sáng tạo và tinh thần yêu nước nồng nàn.

>> Rộn ràng xứ Lệ

>> Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới

Bia di tích lịch sử trận địa pháo Trung đội lão dân quân Đức Ninh.
Bia di tích lịch sử trận địa pháo Trung đội lão dân quân Đức Ninh.

Đất anh hùng

Khi thành phố Đồng Hới trở thành đô thị loại II, xã Đức Ninh phát triển theo xu thế đô thị hóa, làng chuyển dần thành phố. Tuy nhiên, Đức Ninh vẫn lưu giữ cốt cách, bản sắc văn hóa cho riêng mình.

Trên cơ sở 3 làng xưa: Đức Phổ, Diêm Điền, Bình Phúc gắn liền với nhiều địa danh dung dị: xóm Ải, xóm Cựa, xóm Bông, xóm Trữa, Bến Đá, Nương Rừa, Nương Tra, Nương Lo, Cồn Thượng, Cồn Hạ, Diêm Thượng, Diêm Hạ Diêm Trung, Diêm Nam, Diêm Bắc... xã Đức Ninh ngày nay gồm 11 thôn: Đức Môn, Đức Hoa, Đức Thủy, Đức Giang, Đức Phong, Đức Thị, Đức Điền, Đức Sơn, Diêm Sơn, Giao Tế, Tân Sơn.

Chủ tịch UBND xã Đức Ninh Đặng Thị Hùng Vương nhận xét: “Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, Đảng bộ, nhân dân Đức Ninh luôn kế thừa và phát huy truyền thống anh hùng. Đi qua cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, toàn xã có 120 liệt sỹ, 10 Bà mẹ Việt Nam anh hùng và hàng trăm thương bệnh binh, gia đình có công với cách mạng.

Đảng và Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho quân dân Đức Ninh năm 1974; Bác Hồ tặng cờ “Quyết tâm đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược” năm 1967; Huân chương chiến công cho các cụ lão dân quân năm 1967 cùng rất nhiều Huân chương lao động các hạng cho tập thể, cá nhân xã Đức Ninh”.

“Sức mạnh quần chúng nhân dân giúp Đức Ninh kiên cường, dũng cảm trong chiến đấu cũng như xây dựng quê hương giàu đẹp hiện nay”- Chủ tịch xã Đặng Thị Hùng Vương khẳng định- “Hiếm có nơi nào như Đức Ninh, mọi tầng lớp nhân dân đều tích cực tham gia vào các phong trào cách mạng từ trẻ nhỏ đến người già, nam thanh nữ tú. Bài học lấy dân làm gốc được Đảng bộ Đức Ninh vận dụng sáng tạo xuyên suốt từ thời kỳ cách mạng tháng Tám; kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cho đến thời kỳ đổi mới hiện nay”.

Để minh chứng cho lời của Chủ tịch xã, chúng tôi đến thăm Di tích lịch sử trận địa pháo lão dân quân Đức Ninh.

Những năm chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, Đức Ninh gần như trở thành vùng trắng. Máy bay, tàu chiến Mỹ dội bom, bắn phá liên tục cả ngày lẫn đêm. Trước tình hình đó, Đức Ninh thành lập những đơn vị dân quân tự vệ sẵn sàng đánh trả lũ “con ma, thần sấm”. Những ngày chiến tranh ác liệt, Đức Ninh không những “Chiến đấu giỏi” mà còn “Sản xuất giỏi”. Nhân dân Đức Ninh ra sức thi đua lao động sản xuất trên đồng ruộng. Chính vì vậy, Đức Ninh là một trong những địa phương đầu tiên ở Quảng Bình năng suất lúa đạt 5 tấn/ha. 

Ngày 22-8-1966, tại Eo Đa, lực lượng dân quân xã bắn rơi một máy bay F105. Tiếp đến ngày 18-5-1967, dân quân Đức Ninh lại nổ súng, hòa cùng lưới lửa phòng không trên bầu trời Đồng Hới bắn rơi tại chỗ một máy bay F4H.

Có một lực lượng phòng không “đặc biệt” ở Đức Ninh đó là trung đội lão dân quân, thành lập ngày 2-2-1967, biên chế ban đầu gồm 11 cụ, tuổi đời từ 55 đến 70. Trang bị vũ khí gồm 3 súng phòng không 12 ly 7, súng trường CKC do cụ Đặng Văn Chống làm khẩu đội trưởng, cụ Bảy làm trung đội trưởng, cụ Đặng Văn Thỏn làm chính trị viên.

Với truyền thống “Giặc đến nhà, trẻ già đều là chiến sỹ” và lòng căm thù giặc Mỹ xâm lược, các cụ phụ lão Đức Ninh không quản tuổi cao, sức yếu, viết quyết tâm thư thi đua cùng con cháu, chiến đấu bảo vệ quê hương. Ngay sau khi thành lập, các cụ nhanh chóng bắt tay vào luyện tập, sẵn sàng chiến đấu. Vừa huấn luyện, các lão quân vừa xây dựng trận địa, hầm hào, chọn nơi đặt pháo, nơi chứa đạn, phân công bố trí các tổ trực chiến, liên lạc, cứu thương, hậu cần... 

Thế trận giăng sẵn chờ giặc tới, vào lúc 0 giờ 40 phút rạng ngày 17-12-1967, lợi dụng đêm khuya, trời rét, một tốp máy bay địch từ hướng đông bay vào trận địa. Khi máy bay địch vào gần đến cầu Bình Phúc, cách trận địa phía nam chừng 400 mét, các cụ lão dân quân phát hiện ra và nhanh chóng triển khai sẵn sàng chiến đấu. Cả trận địa đồng loạt nổ súng, một chiếc F4H trúng đạn, bốc cháy sáng rực cả trời đêm Đồng Hới rồi lộn nhào xuống biển.

Chỉ 15 ngày sau khi thành lập, trong trận đầu ra quân đối mặt với kẻ thù, Trung đội lão quân Đức Ninh lập công xuất sắc, bắn rơi máy bay Mỹ. Để động viên và cổ vũ chiến công trung đội lão quân Đức Ninh, ngày hôm sau 18-12, Ủy ban hành chính tỉnh Quảng Bình quyết định tặng bằng khen; Đảng và Nhà nước tặng Huân chương Chiến công. Nhận được tin, Bác Hồ rất phấn khởi, Bác gửi tặng mỗi cụ lão dân quân Đức Ninh một huy hiệu của Người và một chiếc áo trấn thủ.

Kiên trung trong sự nghiệp đổi mới

Vùng đất Đức Ninh ngày nay khá “đặc biệt” trong dòng chảy phát triển chung của thành phố Đồng Hới. Vì sao chúng tôi cảm nhận như vậy mỗi khi về thăm Đức Ninh? Ngay trong cơn lốc đô thị hóa, đất và người Đức Ninh vẫn lựa chọn cho mình một hướng đi riêng, phát triển gắn liền với bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa làng. Sự cố kết cộng đồng, gia đình, dòng họ, giữa các làng chính là yếu tố giúp Đức Ninh kiên trung, vững vàng trên con đường đổi mới, xóa đói giảm nghèo.

Đức Ninh ngày càng phát triển.
Đức Ninh ngày càng phát triển.

Đức Ninh đề ra kế hoạch hoàn thành mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trong 5 năm 2011-2015. Đến tháng 10-2014, xã cán đích nông thôn mới sớm hơn một năm. Tổng kinh phí huy động xây dựng nông thôn mới trên 50 tỷ đồng, tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở nông thôn, đường giao thông, hệ thống kênh mương nội đồng, trường học, trạm y tế, chợ, trung tâm văn hóa... theo hướng hiện đại, văn minh.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, từ 27,7% năm 2010 xuống còn 21% năm 2015; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp từ 44% năm 2010 tăng lên 47% năm 2015; dịch vụ thương mại tăng từ 28,3% năm 2010 lên 32% năm 2015; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm 13,6%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 21 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 4,3% xuống còn 2,29%.

Kinh tế phát triển ổn định, các thiết chế văn hóa, y tế, giáo dục được chú trọng đầu tư; quốc phòng, an ninh củng cố, tăng cường, giữ vững. Đức Ninh ngày càng “thay da, thắm thịt”, vững vàng trên con đường CNH, HĐH.

Chủ tịch UBND xã Đức Ninh Đặng Thị Hùng Vương khái quát lại chặng đường phát triển đã qua của xã: “Đảng bộ và nhân dân Đức Ninh luôn nỗ lực  phấn đấu, đồng tâm hiệp lực ra sức thi đua xây dựng quê hương mạnh về kinh tế, vững vàng về chính trị tư tưởng và tổ chức, dân chủ, văn minh trong nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, quán triệt mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng văn minh”. Người Đức Ninh đang viết tiếp những trang sử mới bằng chính sức lực, trí tuệ của nền kinh tế tri thức để mãi mãi là niềm tự hào của quê hương Đức Ninh giàu đẹp, anh hùng”.

Thanh Long