.

Chiến thắng Xuân Bồ vang mãi khúc khải hoàn

Thứ Hai, 16/05/2016, 08:12 [GMT+7]

(QBĐT) - Thôn Xuân Bồ (Xã Xuân Thủy, huyện Lệ Thủy) cách trung tâm thành phố Đồng Hới khoảng hơn 40 km về phía Tây Nam. Gần 70 năm trước, trên mảnh đất hẹp được bao bọc bởi con sông Kiến Giang này đã diễn ra một trận chiến oanh liệt giữa quân và dân ta với bọn xâm lược Pháp.

Cho dù phải đương đầu với đội quân hùng mạnh và khét tiếng là gian ác, xảo quyệt, nhưng với sự dũng cảm, mưu trí và trên hết là tinh thần vì độc lập dân tộc, vì sự bình yên của quê hương, các chiến sĩ Trung đoàn 18 cùng với nhân dân địa phương đã kiên cường chiến đấu và  chiến thắng quân thù, khiến cho “Năm trăm giặc Pháp không mồ chôn thây”. Hai phần ba thế kỷ đã qua, bến đò, dòng sông, ruộng lúa đã đổi thay nhiều nhưng thắng lợi của chiến thắng Xuân Bồ vẫn mãi là khúc khải hoàn bất diệt.

Để đối phó với âm mưu thủ đoạn của địch, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Bình Trị Thiên quyết định mở các chiến dịch Lê Lai và chiến dịch Thu Đông 1949. Mục đích của các chiến dịch này là mở rộng và củng cố các vùng căn cứ đồng bằng mà trọng điểm là hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy, quyết tâm bảo vệ mùa màng.

Để thực hiện chiến dịch, Bộ Tư lệnh cũng đã tăng cường cho hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy, Trung đoàn 18 và Trung đoàn 95, thuộc Sư đoàn 325. Trung đoàn 18 được bố trí đóng quân ở xã Xuân Thủy, Tiểu đoàn 436 thuộc Trung đoàn 18 đóng ở thôn Xuân Bồ, xã Xuân Thủy.

Sáng 19-5-1950, các đơn vị của Trung đoàn 18 cùng với nhân dân Xuân Bồ tổ chức mít tinh kỷ niệm ngày sinh nhật Bác Hồ đồng thời mừng thắng lợi chiến dịch Lê Lai. Nhận được tin này, tướng Lơ-Brít của Pháp từ Thừa Thiên- Huế bay ra Đồng Hới, quyết định bất ngờ mở cuộc tấn công, âm mưu tiêu diệt Trung đoàn 18. Tiểu đoàn 6 Spha-hy khét tiếng gian ác, được báo chí Pháp luôn khoe khoang là “rất thiện chiến” và “chưa gặp đối thủ” cũng được điều động từ đồng bằng Bắc bộ vào trước đó. Nắm được âm mưu và kế hoạch của địch, các đồng chí lãnh đạo của Trung đoàn 18 lập tức cho giải tán cuộc mít tinh để chuẩn bị chống càn.

Nhà tưởng niệm Anh hùng Lâm Úy hy sinh trong trận Xuân Bồ tại quê nhà. Ảnh: T.H
Nhà tưởng niệm Anh hùng Lâm Úy hy sinh trong trận Xuân Bồ tại quê nhà. Ảnh: T.H

8 giờ sáng ngày 20-5-1950, Tiểu đoàn 6 Spha-hy từ đồn Mỹ Trạch, Tiểu đoàn ứng chiến Quảng Bình từ đồn Thượng Phong đều vượt sông sang cùng phối hợp tấn công thôn Xuân Bồ. Cùng lúc đó, pháo binh từ đồn Hòa Luật Nam cũng dồn dập bắn tới.

Nhận định cuộc chiến không cân sức giữa ta và địch, đồng chí Trung đoàn trưởng Phùng Duy Phiên đã bố trí Tiểu đoàn 436 bám trụ tại chỗ phối hợp cùng quân dân đánh trả địch, đồng thời quyết định điều thêm Tiểu đoàn 724 (lúc này đang đóng ở thôn Uẩn Áo, đối diện thôn Xuân Bồ) vượt sông sang tiếp viện thêm.

Do có sự bố trí lực lượng hợp lý, khi địch vừa tấn công Xuân Bồ, lập tức chúng đã vấp phải sự chống trả quyết liệt của ta. Các cánh quân của ta, với lối đánh mưu trí, dũng cảm, lúc lừa địch lọt sâu vào trận địa rồi tổ chức phản công; lúc đánh bật chúng ra cánh đồng rồi dùng hỏa lực sát thương, ta đã liên tục bẻ gãy nhiều đợt tấn công của địch. Trận đánh diễn ra hết sức quyết liệt. Sau nửa ngày, ta từ thế phòng ngự chuyển sang tấn công. Bộ đội ta xông vào đánh giáp la cà với địch bằng lưỡi lê, báng súng. Cuộc chiến đấu kéo dài đến sẩm tối và chuyển dần từ làng Xuân Bồ ra ngoài cánh đồng.

Trước khí thế tấn công dũng mãnh của các lực lượng của ta, địch phải lùi dần. Trên đà thắng lợi, quân ta đuổi đánh địch đến cùng. Kết quả, sau 13 giờ đồng hồ, bằng sự mưu trí, dũng cảm và tinh thần quyết chiến quyết thắng, Trung đoàn 18 cùng với bộ đội địa phương đã bẻ gãy hoàn toàn cuộc tấn công với âm mưu thủ đoạn vô cùng thâm độc của thực dân Pháp, khiến cho kế hoạch của chúng bị thất bại thảm hại.

Từ trong cuộc đọ sức quyết liệt với địch đã xuất hiện nhiều tấm gương chiến đấu và hy sinh anh dũng. Đồng chí Lâm Úy, Tiểu đội trưởng của Đại đội 2 đã giằng co quyết liệt với địch, sau khi súng gãy, anh đã dùng lưỡi lê đâm chết hàng chục tên lính Pháp. Lê gãy, anh tiếp tục xông vào vật lộn với tên sĩ quan Pháp, quật hắn cùng ngã xuống sông. Anh đã hy sinh bên dòng Kiến Giang. Cha con bác lão quân Dương Né đã chèo thuyền như con thoi chở bộ đội vượt sông giữa làn mưa đạn của giặc. Các bà mẹ chiến sĩ và chị em phụ nữ không quản hiểm nguy, tiếp cơm nước cho bộ đội và chăm sóc thương binh. Tất cả đã làm nên chiến thắng oanh liệt: chiến thắng Xuân Bồ.

Sau trận chiến thắng Xuân Bồ, tập thể cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn 325 đã được Quốc hội, Chính phủ tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Trung đoàn 18 được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhì. Và, để ghi nhận công lao to lớn cũng như sự hy sinh anh dũng của đồng chí Lâm Úy, Nhà nước đã truy tặng anh danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Gần 70 năm qua, cùng với cả nước, Quảng Bình kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ thắng lợi, xây dựng quê hương ngày càng đổi thay, giàu đẹp. Giữa  tấp nập phố phường, những tên đường “Xuân Bồ”, “Lâm Úy” vẫn nhắc ta nhớ về Chiến thắng Xuân Bồ cũng như bài hát cùng tên mà nhạc sĩ Trần Hiếu đã sáng tác với giai điệu trong sáng, tự hào. Năm 1992, Bộ Văn hóa-Thông tin đã ký Quyết định xếp hạng di tích lịch sử Chiến thắng Xuân Bồ.

Tại địa điểm nơi diễn ra trận đánh, nơi anh hùng Lâm Úy hy sinh đều đã được xây dựng bia đài tưởng niệm, ghi dấu chiến công hào hùng mà lớp cha ông đã phải đổ máu, hy sinh để giành lại từng mảnh ruộng, bờ tre, để nhắc nhở bao thế hệ con em luôn biết cách gìn giữ, bảo vệ, xây dựng quê hương trong thời đại mới.

Hải Yến