.

Nhớ ngày ấy, Đại tướng ra đi

Thứ Năm, 01/10/2015, 07:44 [GMT+7]

(QBĐT) - Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi vào cõi vĩnh hằng đã tròn hai năm, song Người vẫn sống mãi trong triệu triệu trái tim người dân Việt Nam và bầu bạn thế giới. Đường lối, nghệ thuật, sách lược đấu tranh cách mạng mà Đại tướng vạch ra, mãi là ngọn đuốc soi đường cho Quân đội nhân dân Việt Nam thực hiện sứ mệnh lịch sử của dân tộc trong thời bình lặng im tiếng súng.

Nước mắt rơi theo lời tưởng niệm

Tròn hai năm ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp rời cõi dương gian, nhưng cảm xúc trong tôi vẫn vẹn nguyên khi nhớ lại ngày Đại tướng từ trần.

Làm sao quên được chiều ngày 5-10-2013 ấy, tôi và hai đồng đội ngồi nhâm nhi ly cà phê  để chia tay nhau trước khi tàu rời cảng đi Nhà giàn DK1/11. Bất chợt nghe thông báo từ ti vi: “Thông cáo đặc biệt: Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần”. Lòng tôi chùng xuống! Vậy là Bác Giáp đã ra đi. Từ thẳm sâu trong lòng người lính, tôi như mất mát một điều gì đó thiêng liêng, kính trọng nhất.

Người dân Quảng Bình đón Đại tướng về lòng đất mẹ. Ảnh: Tư liệu
Người dân Quảng Bình đón Đại tướng về lòng đất mẹ. Ảnh: Tư liệu

Sáng hôm sau tôi vào đơn vị.  Vẫn gương mặt đồng đội thân quen ngày hôm qua, nhưng hôm nay trên khuôn mặt ấy phảng phất buồn. Chẳng ai nói lời nào, nhưng trong tim mỗi người xót xa, tiếc thương Đại tướng. Thượng tá Nguyễn Trọng Ái lúc đó giữ chức Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 171 gọi tôi lên, giao nhiệm vụ: “Đồng chí viết một bài cảm tưởng đọc trong ngày viếng Đại tướng. Đây là nhiệm vụ chính trị đặc biệt linh thiêng”.

Vốn được coi là “tay viết cừ” chuyên chắp bút cho thủ trưởng những bài phát biểu, nhưng tay tôi run run khi cầm bút viết dòng cảm nghĩ về Đại tướng. Viết thế nào đây khi những nhà văn, nhà báo trong nước, thế giới có quá nhiều bài viết về người. “60 năm trước Đại tướng cũng là người lính trẻ như mình. Mình cũng xuất phát từ tình cảm chân thành ấy”.

Nghĩ vậy tôi cầm bút viết dòng chữ đầu tiên: “Hôm nay, gần 90 triệu đồng bào và chiến sĩ cả nước, từ miền núi đến miền xuôi, từ thành thị đến nông thôn, từ đất liền đến biên giới hải đảo, kính cẩn nghiêng mình đưa tiễn Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến nơi yên nghỉ cuối cùng”. Cảm xúc dâng trào, giọt nước mắt rơi nhòa trên giấy.

Nén lòng, tôi viết tiếp: “Trong niềm tiếc thương vô hạn ấy, cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên Quốc phòng Lữ đoàn 171 Vùng 2 Hải quân thắp hương tưởng niệm với tất cả niềm thành kính tri ân, gửi Đại tướng ngàn lời đưa tiễn”. Bài cảm tưởng chưa đầy 600 từ, mà tôi phải viết cả một buổi sáng. Bởi phải cân nhắc từng câu, từng từ sao cho xúc động, tránh dài dòng mà toát lên được niềm tri ân, nuối tiếc của các thế hệ người lính thời bình đối với người Anh Cả của lực lượng vũ trang nhân dân trong thế kỷ XX.

Sáng ngày 12-10-2013, đồng bào và chiến sĩ cả nước để Quốc tang và bắt đầu viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại các tỉnh, thành. Trong niềm tiếc thương vô hạn, cán bộ chiến sĩ hải quân toàn Quân chủng mặc đại lễ mùa đông màu xanh nước biển. Tại hội trường Lữ đoàn 171, ngoài đông đảo cán bộ, chiến sĩ các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn còn có nhân dân địa phương đến viếng.

Sau khi Đại tá Lâm Bá Khanh, Chính ủy Lữ đoàn 171 đọc tiểu sử và tóm tắt công lao to lớn của Đại tướng, tôi được vinh dự thay mặt cho thế hệ trẻ Hải quân Vùng 2 khu vực Vũng Tàu và nhân dân địa phương các phường 9,10,11,12 đọc lời cảm tưởng. Trong tiếng nhạc chiêu hồn, giữa hương khói trầm mặc, giọng tôi nghẹn trên micro: “Hôm nay, gần 90 triệu đồng bào và chiến sĩ cả nước, từ miền núi đến miền xuôi, từ thành thị đến nông thôn, từ đất liền đến biên giới hải đảo, kính cẩn nghiêng mình đưa tiễn Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến nơi yên nghỉ cuối cùng”.

Tôi nghẹn lời dừng lại. Dưới hàng quân, nhiều cán bộ, chiến sĩ mắt đỏ hoe nhìn tôi. Kìm nén xúc động, trấn tĩnh tôi đọc tiếp: “Dẫu vẫn hiểu việc sinh tử là qui luật tất yếu của mỗi đời người, song Đại tướng ra đi, tất cả chúng ta như mất một điều gì thiêng liêng nhất. Chúng tôi nguyện học và noi gương Người, khắc sâu tinh thần yêu nước, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc”.

Tất cả đều nghẹn ngào xúc động. Nhiều chiến sĩ trẻ mắt đỏ hoe tay cầm nén hương bái vọng Đại tướng trước anh linh Người. Bà Nguyễn Thủy Trường, 82 tuổi tay cầm tờ báo có ảnh Đại tướng và 3 bài thơ bà tự làm nghẹn ngào kêu tên “Đại tướng Võ Nguyên Giáp ơi” trước bàn thờ di ảnh.

Tàu kéo còi tiễn đưa, nhà giàn thả hoa tiễn biệt

Cũng giờ phút thiêng liêng ấy, các tàu chiến đấu của lữ đoàn tại Cảng vụ, các tàu vận tải của hai hải đội 811, 812 đã kéo còi tưởng niệm tiễn đưa Đại tướng về cõi vĩnh hằng.

Cựu binh Nguyễn Thủy Trường xúc động trước anh linh Đại tướng.
Cựu binh Nguyễn Thủy Trường xúc động trước anh linh Đại tướng.

Hai năm trôi qua, Thiếu tá Vũ Ngọc Tâm, Chính trị viên tàu HQ-15 (Lữ đoàn 171) vẫn nhớ như in khi anh kéo còi tàu tiễn đưa Đại tướng: “Lúc đó, tàu tôi được giao nhiệm vụ kéo còi tàu trước tiễn đưa Đại tướng. Từ hầm tàu chạy lên đài chỉ huy, tôi xúc động quá. Tay kéo dây còi tàu mà nước mắt tuôn rơi. Tiếng còi tàu vang lên, tất cả cán bộ chiến sĩ đứng trên bong tàu cúi đầu tưởng niệm. Cờ Tổ quốc treo rủ. Tối hôm đó, cả tàu ngồi xem ti vi, hình ảnh Đại tướng tràn ngập trong lòng”.

Hòa cùng dòng tri ân, các Nhà giàn DK1, tàu trực trên thềm lục địa tưởng niệm Đại tướng. Trung úy Bùi Hữu Xuân, Chỉ huy phó Quân sự nhà giàn DK1/15, nhớ lại: “Tôi người Thanh Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình. Nhà tôi chỉ cách xã của Đại tướng chưa đầy 2 cây số. Lúc nghe Đại tướng từ trần, tôi đã gọi điện về cho bố mẹ ở quê. Bố nói, bố mẹ vừa vào nhà Đại tướng thắp hương. Tất cả các nhà giàn DK1 lúc đó đều lập bàn thờ viếng Đại tướng. Chúng tôi mở ti vi suốt ngày theo dõi các hoạt động từ đất liền. Chúng tôi đã phối hợp với tàu trực, kết vòng hoa thả trên biển tiễn biệt Đại tướng. Đó là lần tri ân tiễn biệt cuối cùng”.

Đại tướng sống mãi

Khi Đại tướng từ trần, nếu báo Japan Times (Nhật) đã viết:“Tướng Giáp đã có đóng góp đặc biệt cho độc lập và phát triển nước nhà. Ông sẽ vẫn là một nhân vật đỉnh cao trong lịch sử Việt Nam hiện đại”, thì hãng tin Sky News (Anh) đã in dòng chữ đậm trên trang nhất “Tướng Võ Nguyên Giáp, kiến trúc sư làm nên các chiến thắng trước Pháp và Mỹ đã qua đời”. Còn đối với báo chí Việt Nam, Đại tướng luôn là một nhân vật trung tâm bậc nhất khi nói về nghệ thuật quân sự và chiến tranh cách mạng.

Trong dịp Quân chủng Hải quân kỷ niệm 40 năm ngày thành lập, Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm và ông căn dặn cán bộ, chiến sĩ: “Biển có ý nghĩa to lớn với tiền đồ phát triển của đất nước và đó cũng là mục tiêu tranh giành, lấn chiếm, cướp đoạt của nhiều thế lực khác nhau. Phát triển Quân chủng Hải quân cần đặt trong khuôn khổ của thế trận chiến tranh nhân dân trên biển”. Lời huấn thị ấy, đã, đang và sẽ được cán bộ, chiến sĩ các thế hệ hải quân thực hiện.

Kể từ ngày Đại tướng ra đi từ mùa thu năm 2013, gần 90 triệu người dân Việt Nam vẫn nhớ và kính trọng Người. Còn đối với chúng tôi, những người lính biển “áo vằn cánh sóng” luôn khắc sâu trong tim mình về bài học “Đánh chắc, tiến chắc” trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Bài viết này như một nén tâm nhang, một lần nữa kính cẩn nghiêng mình tri ân Đại tướng sau hai mùa thu kể từ ngày Đại tướng an giấc trong lòng đất mẹ Quảng Bình

Mai Thắng
(11086 đường 30/4 phường 11 Vũng Tàu)