.

Đánh giặc không ai nghĩ để được anh hùng

Thứ Hai, 27/04/2015, 18:25 [GMT+7]

(QBĐT) - Cái chết có lúc mặt đối mặt, có lúc như "án treo" lơ lửng trên đầu, song chưa lần nào ông run rẩy, sợ sệt. Ông bảo: ai mà chẳng sợ chết, nhưng phải biết chiến thắng chính mình trong hoàn cảnh ấy thì mới vượt qua được. Ông là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Văn Lái, người CCB từng tham gia trận chiến tại "cánh cửa thép" Xuân Lộc, Đồng Nai vào tháng 4 năm 1975.

 

Kẻ thù và bệnh tật không “quật ngã” được tinh thần của người anh hùng.
Kẻ thù và bệnh tật không “quật ngã” được tinh thần của người anh hùng.

Chiến thắng nỗi sợ hãi của chính mình

Nhìn người đàn ông với vóc dáng gầy nhỏ, da sạm đen trước mặt, tôi chưa hình dung được người chiến sĩ gan dạ năm xưa, đã từng anh dũng, mưu trí tiêu diệt 31 tên địch trong trận chiến ở "cánh cửa thép" Xuân Lộc năm nào. Nhưng chỉ qua một vài câu chuyện, đã có thể cảm nhận được nơi ông khí phách của một người lính Cụ Hồ.

Mở đầu câu chuyện, ông trải lòng: "Đánh giặc, chẳng ai nghĩ đến chuyện anh hùng, chỉ một lòng hướng đến đích giải phóng miền Nam, bảo vệ Tổ quốc. Còn sợ chết ư? Cái chết ai mà chẳng sợ nhưng phải biết chiến thắng nỗi sợ hãi của chính mình.

Đánh giặc phải mưu trí, bắn xong chạy ngay ra chỗ khác chứ đứng đó là nó bắn chết liền à. Chạy quãng 5m rồi quay lại chỗ nó vừa bắn. Nhưng pháo địch bắn cấp tập, nó dồn gớm lắm, giữa làn bom đạn nên sống chết chỉ trong gang tấc. Đồng đội, bạn bè vừa mới ngồi ăn với nhau, đứa này đùn đẩy đứa kia “mày ăn đi” thì chỉ một lúc sau đã hy sinh rồi”.

Ông Lái trầm giọng, ngậm ngùi nhớ lại: "Bao đồng đội, bạn bè tui chết hết, ở nhà biết bao người bị bom, chị gái cũng trúng bom mà chết. Tui còn sống phải làm sao đây?". Đó là lí do người chiến sĩ liên lạc năm ấy đã trực tiếp cầm súng chiến đấu với kẻ thù.

Tháng 6-1972, Phạm Văn Lái viết đơn xin tình nguyện nhập ngũ ở đơn vị C3, D7 công binh Quảng Bình. Đến tháng 10-1973, ông được điều chuyển qua đơn vị bộ binh C9, D9, E 266, Sư đoàn 341 thuộc Quân đoàn 4, làm chiến sĩ liên lạc. Từ đây, ông cùng đơn vị bí mật hành quân vào chiến khu D miền Nam để chuẩn bị cho trận đánh Xuân Lộc.

Xuân Lộc là nơi "tử thủ" của chính quyền Sài Gòn cho nên địch phòng thủ, chốt chặn với những phương tiện kỹ thuật, vũ khí hiện đại và lực lượng hùng mạnh nhất. Để phá tuyến phòng thủ này, lực lượng ta vừa nổi dậy, vừa tiến công, kết hợp với các binh đoàn chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích, tạo quả đấm mạnh mẽ mở toang "cánh cửa thép", mở đường cho quân ta tiến công vào giải phóng Sài Gòn.

Chính tại nơi này, lịch sử đã ghi tên ông- Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Văn Lái. Trong trận đánh Xuân Lộc, Phạm Văn Lái tham gia chiến đấu 2 trận. Dù 3 lần bị thương nhưng ông vẫn kiên quyết không rời trận địa, mưu trí, dũng cảm chiến đấu, dùng lựu đạn, súng tiểu liên AK và B40 để tiêu diệt địch. Ông nhớ lại: Khoảng 5h30' ngày 10-4-1975, pháo cấp tập, cả trung đoàn thành tuyến lửa, người bị chết, bị thương nhiều lắm. Tôi cùng đồng chí Đại đội phó và 3 chiến sĩ nữa hình thành một mũi đánh vào một đoạn chiến hào của địch bằng phương thức bí mật thọc sau lưng địch. Bị đánh bất ngờ, bọn địch bỏ chạy.

Tôi đuổi theo và thọc quá sâu vào chiến hào của địch, trong lúc đó đơn vị được lệnh chuyển hướng tiến công. Chỉ còn một mình với khẩu AK hết đạn, may thay, tôi lượm được một khẩu AR 15 băng đạn đầy và hai quả lựu đạn Mỹ. Phát hiện 3 tên địch đang tới, tôi im lặng chờ chúng đến thật gần mới tung lựu đạn và tiêu diệt gọn.

Khi trời tối dần, định tìm về đơn vị nhưng nghĩ đến nhiệm vụ bảo vệ mục tiêu, tôi không thể bỏ ra được. Đang củng cố vị trí chiến đấu thì có 3 bóng người xuất hiện, nhận ra đó là du kích, chúng tôi đã hợp lại thành một tổ chiến đấu.

Khoảng 5h sáng hôm sau (11-4-1975), một toán địch đi từ dưới hào lên, tôi nâng khẩu B40, lao quả đạn phá tan đội hình địch. Trên đường tiếp tục truy kích, tôi bị một mảnh đạn M.79 cắm phập vào tay trái. Trở về vị trí cũ để nhờ du kích băng bó vết thương thì cũng vừa lúc đó, có gần chục tên địch lại lò dò tới gần, tôi dùng quả lựu đạn còn lại phá tan đội hình địch.

Đợt phản kích của địch bị tổ của Phạm Văn Lái đánh bật ra. Hơn một ngày chiến đấu trong hoàn cảnh một mình một hướng tiến công, độc lập chiến đấu, bị thương vẫn không rời vị trí, Phạm Văn Lái đã diệt 31 tên địch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ mục tiêu, cùng đồng đội góp công vào chiến thắng Xuân Lộc. Sau nhiệm vụ phá toang "cánh cửa thép" Xuân Lộc, ông Lái trốn viện dã chiến, theo đơn vị tiếp tục hành quân về phía Sài Gòn, dù đang trong thời gian dưỡng thương.

Một năm sau, vào ngày 20-10-1976, Phạm Văn Lái được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đất nước thống nhất, Phạm Văn Lái tiếp tục sang Cam-Pu-Chia làm nhiệm vụ quốc tế. Sau khi bị thương nặng ở chân, ông được đưa về tuyến sau và phục viên trở lại quê nhà.

Bình thản trước "án treo" bệnh hiểm nghèo

Sự dí dỏm qua lối kể chuyện sẽ khó làm cho người đối diện biết được ông Phạm Văn Lái đã phải chống chọi với căn bệnh ung thư dạ dày trong gần 8 năm qua, bên cạnh sự hành hạ của vết thương chiến tranh với những mảnh đạn còn găm trong người.

Bà Lê Thị Thuyết, vợ ông chia sẻ: Năm 2007, sau những cơn đau liên tiếp, ông đi khám thì phát hiện bị ung thư dạ dày. Phải cắt bỏ 4/5 dạ dày, đã 7 lần chuyền hoá chất, rồi do biến chứng, ông lại phải cắt nốt túi mật. Vậy nhưng, ông chẳng than phiền, đau thì uống thuốc. Khi sức khoẻ khá hơn, ông vẫn làm việc bình thường, vẫn đi cày ruộng, lên rẫy đỡ đần công việc cho mẹ con tui. Ông nói người sợ chết cũng chết, thôi thì sợ làm chi.

Chỉ chiếc quan tài phía sau lưng, anh hùng Phạm Văn Lái cười ngạo nghễ: "Hòm (quan tài) đã chuẩn bị sẵn đó rồi. Mổ cứ mổ, đau thì tui chịu. Sống chết nó có số cả rồi".

Có lẽ, nhờ tinh thần lạc quan ấy chăng, mà Phạm Văn Lái - người anh hùng năm xưa một lần nữa được bà con làng xóm ở Quảng Châu (Quảng Trạch) quê ông "phong" anh hùng lần 2, khi chiến thắng căn bệnh hiểm nghèo đã gần 8 năm nay.

Nhìn trang trại rộng 3 ha bạch đàn và nhiều loại cây cối xanh tốt dưới bàn tay chăm sóc của một thương binh hạng 2/4, trong người hiện vẫn còn 6 mảnh đạn, lại thêm căn bệnh ung thư dạ dày, chúng tôi không khỏi cảm phục. Từ rừng bạch đàn, rồi chăm chút đàn bò, lứa gà..., cùng với nguồn tiền chế độ của Nhà nước, vợ chồng ông gom góp, tằn tiện để vừa chữa bệnh cho ông, vừa nuôi 5 đứa con ăn học trưởng thành. Chỉ còn cậu con trai út vừa tốt nghiệp đại học đang chờ xin việc, còn lại 4 người con lớn nay đã có việc làm ổn định.

Nói về Anh hùng Phạm Văn Lái, ông Trần Văn Bường, Chủ tịch Hội CCB tỉnh cho rằng: "Tuy mang đầy thương tích, lại mang căn bệnh hiểm nghèo nhưng đồng chí Phạm Văn Lái với tinh thần của Bộ đội Cụ Hồ "xưa thắng giặc, nay thắng nghèo" đã cùng gia đình vượt lên hoàn cảnh, phát triển kinh tế gia đình và thu được những kết quả đáng phấn khởi. Bà con nhân dân và anh em CCB ở xã Quảng Châu thường ngợi khen đồng chí Phạm Văn Lái không chỉ anh hùng trong chiến đấu mà cả anh hùng trong chống chọi, chiến thắng bệnh tật và nghèo nàn lạc hậu".

Chia tay ông, nhìn bước chân khập khiễng của người thương binh hạng 2/4 dần khuất giữa bạt ngàn rừng bạch đàn xanh mướt nhưng trong tôi vẫn còn vẳng lại tiếng cười hào sảng của người anh hùng, dẫu gặp bao nghiệt ngã sóng gió cuộc đời.

Trần Hương Lê