.

Chuyện nửa thế kỷ trước, giờ mới kể...

Thứ Hai, 27/04/2015, 23:25 [GMT+7]
Đường Trường Sơn trong những năm đánh Mỹ. Ảnh: Tư liệu
Đường Trường Sơn trong những năm đánh Mỹ. Ảnh: Tư liệu

(QBĐT) - Vâng, chuyện xảy ra từ tháng 8 năm 1965, đến nay chỉ thiếu mấy tháng nữa là tròn nửa thế kỷ. Hồi đó, tôi đang là cán bộ bảo đảm giao thông trên đường 12A, con đường chiến lược vượt Trường Sơn qua đèo Mụ Giạ nổi tiếng.

Tôi đã viết cả ngàn trang sách về cuộc chiến đấu ở đây, nhưng còn bao nhiêu sự tích, bao nhiêu chiến sĩ đã hy sinh một cách thầm lặng chưa được nhắc đến. Điều đó cũng dễ hiểu vì trước đây, do yêu cầu cổ vũ tinh thần chiến đấu, thường chỉ chú trọng đến những anh hùng, những tấm gương điển hình, nhưng hôm nay thì phải có cái nhìn trung thực và công bằng hơn. Đường 12A không chỉ có đại đội TNXP 759 anh hùng, anh hùng Nguyễn Thị Kim Huế và cuộc chiến bi tráng tại “Đồi 37” (ngày 3-7-1966).

Để “làm chứng”, tôi xin trích nguyên văn những dòng Nhật ký vắn tắt ghi vội trong khung cảnh chiến tranh từ nửa thế kỷ trước.

Trích Nhật ký ngày 1-9-1965:

10 ngày qua, ở công trường dồn dập những tin không vui, thương vong liên tiếp vì bom đạn Mỹ. Ngay vùng Công trường bộ La Trọng, đã trải qua một đêm khá kinh hoàng vì chúng đón đánh một đoàn xe đúng lúc đi qua đây. Máy bay địch xuất kích 3 đợt, loại T.28, rồi phản lực, rồi lại T.28. Trong đêm nhìn rõ máy bay với 3 đèn màu đỏ-xanh, rõ đạn chúng bắn ra, rõ những chùm lửa khi chúng phóng hỏa tiễn. Và pháo sáng thì hết quả này đến quả khác. Rất may là không ai chết, chỉ bị cháy một xe...

Liền đó là vụ hai công nhân Đội Cầu 1 gác đèn phòng không, bị trúng bom chết. Có thể hai anh không kịp tắt đèn khi phát hiện máy bay. Bom nổ ở mép ta-luy đối diện với chòi gác. Hai công nhân bị tung xuống khe, xác không còn nguyên vẹn.

Hai đồng chí chết lúc 3 giờ sáng, thì 8 giờ, phản lực Mỹ ném bom trúng lán C.757 (Lệ Thủy). Lán làm dưới cây khá kín đáo, nhưng ở gần đường, nên chưa hẳn địch đã cố ý tìm đánh lực lượng giữ đường. Trong lán có giao thông hào tốt, nhưng anh chị em không kịp xuống. Bom rơi khi các chiến sĩ còn ngủ, 8 người hy sinh (4 nam, 4 nữ ở cùng một xã). 7 người không tìm thấy xác. Nghe tin, cả Công trường bộ chạy xuống giúp tải thương, tìm xác. Lái xe Nguyễn Văn Tánh phóng xe giữa ban ngày để chở thương binh đi cấp cứu.

Liền mấy ngày sau trời mưa, TNXP C.757 hầu hết phải che ni lông ngủ giữa rừng. Ngay buổi chiều lán bị bom, mình cùng Ban chỉ huy C.757 đi tìm vị trí dựng lán mới. Rúc vào rừng rậm, lại gặp mưa đến khổ. Kỹ thuật viên Quỳ khá là vất vả. Đi tìm chỗ dựng lán, áo quần bê bết máu không kịp thay, lại nhịn đói từ sáng...

8 TNXP C.757 Lệ Thủy, hy sinh một lúc gần La Trọng, có khác chi “Tám Cô” hy sinh trong hang đá bên đường 20 sau này, nhưng “Tám Cô” thì được truyền tụng trên rất nhiều sách báo, còn 8 TNXP Lệ Thủy thì đúng là hy sinh trong thầm lặng! Cho đến hôm nay, 50 năm sau, nếu tôi không nhầm thì là lần đầu được nói đến trên trang báo này! Viết ra điều này, tôi thấy mình cũng là người có lỗi. Hồi đó, tôi đã... quên không ghi lại tên 8 chiến sĩ đã hy sinh; cũng do công việc cuốn đi, địch đánh ngày càng ác liệt, đơn vị nào cũng có người hy sinh, nhiều tấm gương anh hùng cần được tuyên truyền kịp thời...  Cho đến hôm nay...

Từ nguồn tin của một cựu TNXP C.757 hiện sống ở Huế, tôi đã liên lạc được với anh Trần Xuân Cảnh, Trưởng Ban liên lạc cựu TNXP xã Thái Thủy - quê hương của 8 chiến sĩ đã hy sinh trên đường 12A gần 50 năm về trước. Dù đã muộn màng, xin được trân trọng ghi lên đây tên 8 liệt sĩ TNXP cùng quê xã Thái Thủy, theo bản danh sách mà anh Cảnh vừa gửi cho tôi:

1. Lê Văn Phiệt, sinh năm 1938;
2. Lê Văn Vấn, sinh năm 1941;
3. Nguyễn Văn Vĩnh, sinh năm 1944;
4. Võ Thị Thòa, sinh năm 1943;
5. Phan Thị Huynh, sinh năm 1945;
6. Nguyễn Thị Thu, sinh năm 1944;
7. Lê Thị Kiệng, sinh năm 1944;
8. Thái Văn Hoàng, sinh năm 1936.

Cả 8 người, nay bố mẹ đều đã mất, việc thờ phụng liệt sĩ do anh hoặc em ruột lo; riêng liệt sĩ Thái Văn Hoàng, trước khi lên đường đã có vợ con, người con trai là Thái Văn Đôi, nay đã trên 50 tuổi...

Anh Cảnh còn cho biết, mộ của 8 liệt sĩ nay đặt ở Nghĩa trang xã Thái Thủy, nhưng di hài các liệt sĩ không còn ai nguyên vẹn, khi mang về quê, tất cả để chung trong một hòm gỗ, rồi chia ra 8 phần; chỉ riêng liệt sĩ Nguyễn Thị Thu là có nhúm tóc của riêng mình vì cô có mái tóc dài không lẫn với ai!

Nhân đây, tưởng cũng cần nói rõ: “Tám Cô” hy sinh trong hang đá bên đường 20, thực ra gồm 4 trai, 4 gái! Lại một sự trùng hợp ngẫu nhiên: 8 chiến sĩ TNXP C.757 hy sinh cũng 4 gái, 4 trai! Chỉ khác, bên con đường qua cầu Rông-Dài gần thung lũng La Trọng suốt 50 năm qua, không ai biết nơi đây, đã xảy ra một sự kiện vô cùng đau thương, để thắp một nén hương tưởng nhớ 8 bạn trẻ quê Lệ Thủy, theo tiếng gọi của Tổ quốc, đã phải vĩnh biệt cuộc đời ở tuổi đôi mươi! 

Trong cuộc chiến đấu của dân tộc hơn nửa thế kỷ qua, còn có biết bao nhiêu chiến sĩ TNXP, công nhân đã hy sinh một cách thầm lặng, biết bao nhiêu sự tích hầu như chưa được sách báo nào nhắc đến. Thì như anh Trần Xuân Cảnh, nếu tôi không tìm hỏi tên tuổi 8 liệt sĩ xã Thái Thủy, làm sao biết được, chính vào lúc xã nhận tin báo tử 8 TNXP C.757, anh Cảnh cùng 140 thanh niên 10 xã Tân Thủy, Dương Thủy, Mỹ Thủy, Thái Thủy, Sen Thủy, Mai Thủy, Phong Thủy, An Thủy, Hưng Thủy, Liên Thủy lên đường làm một nhiệm vụ thật là đặc biệt. 140 thanh niên ấy được tập trung ngày 13-9-1965 với phiên hiệu C.4, D.8, N.16, P.31, đến Mũi Viết của dòng sông Kiến Giang nhận 13 chiếc thuyền, chèo ngược dòng lên tập kết tại khe Chu Kiên - đầu mối đường 16 và gần suối nước nóng Bang.

Đường 12A, đoạn qua bản La Trọng hôm nay.
Đường 12A, đoạn qua bản La Trọng hôm nay.

Từ đây, 13 chiếc thuyền trên vai hơn trăm thanh niên Lệ Thủy, vượt đỉnh Trường Sơn với vô số những đoạn dốc cheo leo, rồi thả xuống sông Xê-băng-hiêng, để chở hàng về Tà Khống!... Xin trích nguyên văn một đoạn thư của anh Trần Xuân Cảnh, người tiểu đội trưởng trong đội quân làm nhiệm vụ đặc biệt có lẽ cũng gần như kỳ tích kéo pháo vào Điện Biên:

“...Chúng tôi có câu ca: “Em ơi ở nhà lấy chồng đi / Anh qua Tà Khống mong chi ngày về!”  Thế hệ thanh niên Lệ Thủy hồi đó đã làm một việc xưa nay hiếm. Năm xưa, Hai Bà Trưng cưỡi voi đi đánh giặc, bây giờ thanh niên Lệ Thủy gánh thuyền đánh Mỹ xâm lăng. Việc làm đó đã trôi qua 49 năm nay, không ai hiểu được, không ai nhắc đến. Chỉ âm thầm trong ký ức của mỗi người C.4 góp phần  làm nên lịch sử thời đại chống Mỹ cứu nước...”

Anh Cảnh kể: Một chiếc thuyền loại 4 chèo, đều mới đóng, gỗ tươi khá nặng, nên khi vượt các dốc cao phải 18 người khiêng - mỗi bên 8 người, 2 người đỡ đầu mũi và sau lái. Chỉ huy đội quân khiêng thuyền là tiểu đoàn trưởng Trần Anh Don, quê Thừa Thiên Huế, làm rể Vĩnh Linh, nay đã 92 tuổi. Đại tá Đỗ Văn Thắng, hiện ở Nha Trang, từng là một chiến sĩ trong đội quân đặc biệt này, vừa viết tặng các đồng đội C.4 một bài thơ.

Xin phép được trích vài câu: “... Nhớ ngày ấy, đoàn thuyền ta rời bến / Ngược dòng sông, ta đến Khe Bang / Thuyền trên vai, ta vượt Trường Sơn / Qua cầu khỉ, băng đèo Nghìn-lẻ-một /...Thuyền ta đi trong thác lũ mưa nguồn / Thuyền ta lách luồn theo vách đá / Năm thuyền đi, ba lật hai còn / Những chàng trai, cô gái vẫn kiên cường...”

Trong bài thơ của anh Đỗ Văn Thắng, có câu “Võ Thanh Nhàn đề nghị anh hùng”, nhưng có lẽ cũng như nhiều trường hợp khác - như các xã viên Hợp tác xã Bình Minh, như Lê Viết Lân... - vì lẽ này, lẽ khác, họ chỉ là những anh hùng được đồng đội phong tặng và mãi mãi sống thầm lặng như những người bình thường trên mọi nẻo đường Tổ quốc...

Có nhiều, rất nhiều những con người hầu như chưa ai biết tên, đã sống và chiến đấu như những anh hùng. Không phải tôi “cường điệu”, hàng trăm - không, hàng ngàn công nhân, chiến sĩ TNXP, công binh trên đường 12A cũng như hàng vạn chiến sĩ trên các trọng điểm khác đã trần mình hứng chịu khối lượng bom đạn khổng lồ của Mỹ, ngay cả khi đang ngủ trong lán và không chỉ trong một ngày, cũng không phải trong một tháng hay một năm mà liên tục mấy năm liền; những con người như thế, thực sự là những anh hùng, có kém chi những anh hùng chỉ lập được chiến công đặc biệt trong chốc lát. Có điều, họ không được phong tặng, có khi chỉ vì một lẽ đơn giản: trên con đường ấy chỉ được chọn 1 đơn vị và đơn vị ấy chỉ được chọn 1 người thôi và nên chọn... con gái!

Còn biết bao nhiêu câu chuyện, bao nhiêu sự tích 50 năm trước, 40 năm trước... tương tự như thế chưa mấy người biết. Một dân tộc có những người con như thế nên đã “đánh thắng hai đế quốc to” và nhất định không chịu khuất phục nếu như Tổ quốc lại phải đứng trước mưu đồ bá quyền của bọn “đế quốc mới”, bất kể chúng đến từ phương nào...

Trường An-Huế, 2-2015
Nguyễn Khắc Phê