.

"Vườn cam ngọt"

Thứ Ba, 17/02/2015, 11:47 [GMT+7]

(QBĐT) - Cách đây 60 năm, có một cuộc trùng phùng đặc biệt đầy niềm vui và nước mắt của 5 anh em ruột trong lớp lớp đoàn quân như thác lũ đổ về giải phóng Thủ đô Hà Nội, sau nhiều năm bặt tin nhau. Họ là những người con sinh ra từ ngôi làng nhỏ Minh Lệ, nằm bên dòng Nan ở xã Quảng Minh, thị xã Ba Đồn.

Từ trái sang phải, anh em ông Hoàng Gia Cương, Hoàng Thúc Cảnh, Hoàng Thúc Cẩn, Hoàng Thúc Tấn, Hoàng Thúc Tuệ, Hoàng Quý Thân chụp ảnh cùng gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 1996.
Từ trái sang phải, anh em ông Hoàng Gia Cương, Hoàng Thúc Cảnh, Hoàng Thúc Cẩn, Hoàng Thúc Tấn, Hoàng Thúc Tuệ, Hoàng Quý Thân chụp ảnh cùng gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 1996.

Từ ý tưởng lớn của bậc sinh thành

Chiều cuối năm, chúng tôi tìm đến nhà ông Hoàng Thúc Cẩn - người con trai thứ 4 của gia đình, nằm nép mình khiêm nhường trong con ngõ nhỏ ở phố Hồ Đắc Di (TP. Hà Nội). Đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, đau ốm nên ông Cẩn không còn tự đi lại được nhưng giọng nói thì vẫn sang sảng và ánh mắt còn tinh anh lắm.

Mở đầu câu chuyện, ông kể về ý tưởng, mong muốn của bậc sinh thành đối với những đứa con của mình. “Các con phải là một vườn cam ngọt. Bố mẹ đặc biệt vun trồng bốn cây cam... Dù đất khô cằn nhưng qua bàn tay lao động, cây và đất sẽ không phụ công người, các con ạ! Vườn cam đã cho quả ngọt, có ích cho đời. Hình tượng này là ước mơ của bố mẹ, gửi gắm niềm tin và hy vọng vào các con...”

Cụ ông Hoàng Bá Chuân vốn là hậu duệ của Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi và Thái tổ Hoàng đế Mạc Đăng Dung. Cụ say mê xướng họa, thơ phú, là nhà nho nổi tiếng uyên thâm, học rộng trong vùng, lấy hiệu là Minh Sơn. Cụ bà Nguyễn Thị Như Đồng cũng thuộc dòng dõi Nho gia, có nền nếp, đức độ, được sống trong sự giáo dục của ông nội Nguyễn Quốc Cơ, vốn là một quan tri huyện thanh liêm có tiếng, được nhân dân suy tôn, lập đền thờ ở huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An).

Vợ chồng cụ sinh được 7 người con trai, đặt tên là: Hoàng Bá Trình, Hoàng Thúc Cảnh, Hoàng Thúc Tuệ, Hoàng Thúc Cẩn, Hoàng Thúc Tấn, Hoàng Quý Thân, Hoàng Gia Cương. Thuở còn tấm bé, 7 anh em trai luôn được cha mẹ dặn dò, nhắc nhở về đạo làm người, về chí làm trai.

Trước Cách mạng tháng Tám 1945, cũng như nhiều gia đình khác trong vùng, cái đói luôn đeo đẳng gia đình họ. Nhưng không vì thế mà để các con chịu cảnh thất học, hai cụ luôn lấy câu: “Dẫu có bạc vàng trăm vạn lạng. Không bằng kinh sử một vài pho” (Lê Quý Đôn) để răn dạy con cái phải học hành đến nơi đến chốn. Gia cảnh quá nghèo, hai cụ bèn nghĩ cách cho con đi làm gia sư để lấy tiền ăn học.

Người anh cả vì đau ốm không đi được, ông Hoàng Thúc Cảnh khăn gói vào kinh đô Huế nhờ bà con tìm chỗ dạy học tư, để tiếp tục sự nghiệp đèn sách. Cứ thế, lần lượt người đi trước tạo dựng, gây cơ sở cho người sau. Vừa “gõ đầu trẻ” nuôi thân, vừa đi học trường Thuận Hóa, các cậu con trai của hai cụ cũng dần hun đúc trong mình tinh thần cách mạng, khi sớm được tiếp xúc với nhiều trí giả yêu nước như Tôn Quang Phiệt, Đào Duy Anh, Tế Hanh,...

Ngoại trừ anh cả mất sớm và cậu em út còn nhỏ tuổi, còn 5 ông, kẻ trước người sau đều sớm tham gia hoạt động cách mạng. Ông Cảnh hoạt động bí mật từ trước Cách mạng tháng Tám. Ông tham gia Mặt trận Việt Minh, làm thư ký cho cụ Hồ Tùng Mậu - Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến Liên khu 4, sau đó được chuyển ra Bắc, công tác tại Văn phòng Phủ Chủ tịch.

Ông Tuệ và ông Cẩn tham gia cách mạng từ thời "tiền khởi nghĩa" cướp chính quyền ở địa phương. Năm 1946, ông Tuệ rồi đến ông Cẩn (năm 1947), ông Tấn (năm 1951) đều lần lượt nhập ngũ. Còn ông Thân năm 1954 đang là học sinh đã tự nguyện xin gia nhập một đoàn quân từ Khu 4 tiến ra tiếp quản Thủ đô.

5 lần, cụ Đồng âm thầm gạt nước mắt, soạn sửa hành trang cho con, lúc ấy chỉ là những củ hành tăm, củ tỏi, củ gừng của quê nhà phòng khi đau ốm và một bộ quần áo nâu. Nhưng tiễn con lên đường, bao giờ cũng là lời dặn dò: Các con phải làm trọn phận trai khi đất nước có giặc, dù khó khăn, nguy hiểm cũng không được chùn bước. Những lời dặn dò ấy đã là hành trang theo suốt cuộc đời, để anh em họ luôn vững tâm trong mọi hoàn cảnh.

"Làm trai đứng ở trong trời đất..." "*"

Cuộc trùng phùng ly kỳ của 5 anh em trong lớp lớp đoàn quân tiến về Thủ đô năm 1954 mãi là dấu ấn sâu đậm trong cuộc đời họ. Lúc đó, cơ quan Chính phủ từ ATK Việt Bắc tiến thẳng vào Phủ toàn quyền cũ, nay là Phủ Chủ tịch, ông Cảnh được lệnh đi công tác đột xuất. Ông Tuệ theo Đại đoàn 304 từ Xuân Mai về Ngã tư Sở, vào Bạch Mai và tiếp quản một số cơ sở trong nội thành. Đơn vị ông Cẩn đang đóng quân ở Đông Khê thì được lệnh chuẩn bị về tiếp quản sân bay Gia Lâm. Ông Tấn từ Hoà Bình vào, đóng quân ở đầu cầu Long Biên. Ông Thân theo một đơn vị bộ đội từ Liên khu 4 ra tiếp quản Thủ đô...

Đại gia đình họ Hoàng cống hiến nhiều nhân tài cho đất nước.
Đại gia đình họ Hoàng cống hiến nhiều nhân tài cho đất nước.

Không ai nghĩ lại có được giây phút trùng phùng diệu kỳ đến như vậy, sau nhiều năm kháng chiến bặt tin nhau, thậm chí tưởng có người đã hy sinh. Ông Cẩn hồi tưởng: “Ngày về Thủ đô, gặp đơn vị nào tôi cũng dặn nếu gặp anh em tôi thì nhắn giúp: cứ sáng chủ nhật đến tìm nhau ở đền Ngọc Sơn trên Hồ Gươm. Khi ấy chúng tôi không có họ hàng, người quen ở Hà Nội. Anh Tuệ lần đầu nhìn thấy tôi mà không tin nổi, trước đó anh nghe tin tôi đã hy sinh. Hai anh em ôm chầm lấy nhau mà khóc. Rồi bốn anh em chúng tôi gặp được nhau. Anh Cảnh vì bận đi công tác nên mãi chủ nhật sau chúng tôi mới gặp".

Ông Hoàng Thúc Tấn xúc động nhớ lại: Lúc đó, tôi đang đi trên cầu Long Biên, nghe tiếng gọi “Tấn ơi! Có phải em không?”, quay đầu lại nhận ra anh Cẩn liền khóc òa mừng mừng tủi tủi. Còn ông Hoàng Quý Thân thì hóm hỉnh chia sẻ: “Đó lần đầu tiên 5 anh em được chụp ảnh chung và được ăn phở. Bát phở ngon nhất trong đời”.

"Cuộc hội ngộ diệu kỳ đã làm cho 5 anh em chúng tôi vui tràn nước mắt. Chúng tôi cùng vào đền thắp hương bái tạ Đức Thánh Trần, Vua Lê, và khấn vong linh mẹ tôi - người mẹ đã 5 lần tiễn các con ra trận. Khi các con trở về thì mẹ đã đi xa...” - ông Cẩn rơm rớm nước mắt kể.

Nhưng rồi cuộc hội ngộ ấy cũng chỉ rất ngắn ngủi. Một lần nữa, 5 anh em lại chia tay nhau, mỗi người nhận một nhiệm vụ mới: người đi học, người theo con đường binh nghiệp và tiếp tục cống hiến cho cách mạng.

Quê hương nghĩa nặng tình sâu

Về sau, do điều kiện công tác nên họ đều định cư ở Hà Nội. Người em út và những đứa con của anh cả được đón ra Thủ đô ăn học. Năm 1966, cụ Chuân cũng ra Hà Nội sống cùng các con. Kể từ đó đến nay, đại gia đình họ Hoàng đã có hơn 80 thành viên, có 37 người có trình độ đại học, 8 thạc sĩ, 2 tiến sĩ. Trước lúc nghỉ hưu, ông Hoàng Thúc Cảnh là cố vấn của Văn phòng Chính phủ; ông Hoàng Thúc Tuệ và Hoàng Thúc Cẩn đều là đại tá quân đội; ông Hoàng Thúc Tấn là Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ; ông Hoàng Quý Thân là tiến sĩ khoa học ngành điện; ông Hoàng Gia Cương là CCB không quân, kỹ sư vô tuyến điện, hội viên Hội Nhà văn.

Sau nửa thế kỷ xa cách, năm 1996, lần đầu tiên, đại gia đình mới có cuộc hội ngộ đông đủ nhất ở quê nhà. Nói là lần đầu tiên bởi nhiều lần trước, do điều kiện công tác, đường sá đi lại khó khăn nên chưa thể tập trung được đông đủ như bấy giờ. Thắp nén hương thơm, họ kính cẩn báo công trước vong linh các bậc tiền nhân đã có công sinh thành, nuôi dưỡng: Suốt cả cuộc đời, 7 anh em chúng con làm theo ý tưởng của cha mẹ và đã trở thành những người hữu ích, là một “vườn cam ngọt” trong đại gia đình Việt Nam.

Giờ đây, Hà Nội đã trở thành quê hương thứ 2 của họ, nhưng Quảng Bình vẫn luôn là cội nguồn nhung nhớ trong tim. Nhớ về nguồn cội, nhớ về những ngày vượt gian khó để đeo đuổi nghiệp đèn sách, họ trở về san sẻ với những khó khăn của quê hương.

Ông Nguyễn Khắc Tâm - Chủ tịch Hội Khuyến học xã Quảng Minh cho chúng tôi biết: “Các con cháu cụ Hoàng Bá Chuân đặc biệt quan tâm đến công tác khuyến học, khuyến tài. Năm nào, đại gia đình cũng gửi tiền để hỗ trợ các cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Tôi rất cảm động khi biết vào năm 2011, cụ Hoàng Thúc Cảnh dành toàn bộ số tiền Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng của mình gửi về cho Quỹ khuyến học xã. Mới đây, ông Hoàng Gia Cương cùng các con đã về trao học bổng cho 2 cháu Đoàn Thị Mỹ Duyên và Hoàng Thị Thanh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, học giỏi; nhận tài trợ cho đến khi các cháu học hết đại học. Chúng tôi cũng thường lấy tấm gương của đại gia đình họ Hoàng để răn các cháu học sinh về tinh thần hiếu học...”

Trần Hương Lê

-------------------------------------

"*" Ý thơ Nguyễn Công Trứ