.

"Quảng Bình là nhà tôi..."

Thứ Ba, 24/02/2015, 08:07 [GMT+7]

(QBĐT) - Lần cuối cùng khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi tàu hỏa về thăm quê, lúc này tuổi của ông đã cao. Ngày chia tay trở ra lại Hà Nội, các đồng chí lãnh đạo tỉnh băn khoăn ý hỏi Đại tướng lúc nào ông có thể về Quảng Bình, Đại tướng cười dung dị: “Quảng Bình là nhà tôi… khi nào rảnh việc nước thì tôi về nhà”.

Cô bé Hạnh Trang chụp ảnh lưu niệm với Đại tướng năm 1999.
Cô bé Hạnh Trang chụp ảnh lưu niệm với Đại tướng năm 1999.

Đại tướng đã về với đất mẹ Quảng Bình, thảnh thơi tịnh giấc ngàn thu nơi Vũng Chùa - Đảo Yến, ngày ngày nghe tiếng thông reo quyện hòa với sóng biển dưới chân mình. Xa xa, biển đảo Tổ quốc thiêng liêng bình yên trải dài một màu xanh biếc.

Chúng tôi gặp bà Võ Hòa Bình, con gái Đại tướng Võ Nguyên Giáp nơi phần mộ Người khi bà về thắp hương cho đấng sinh thành nhân kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22-12-1944 - 22-12-2014), giữa hàng nghìn người lính - CCB cùng nhân dân cả nước đến Vũng Chùa - Đảo Yến viếng người Anh Cả, bà Võ Hòa Bình dành cho chúng tôi chút ít thời gian nhớ Đại tướng: “Gia đình chúng tôi có tất thảy năm chị em, chị Võ Hồng Anh sinh năm 1939, tôi thứ hai sinh năm 1951, kế tiếp là em gái Võ Hạnh Phúc sinh năm 1952, em trai Võ Điện Biên sinh năm 1954, em út Võ Hồng Nam sinh năm 1956. Sinh thời ông cụ chăm lo việc nước nhiều, những lúc rảnh rỗi cụ lại về với gia đình, sống dung dị giữa cháu con.

Chúng tôi lớn lên trong tình yêu thương vô bờ bến của ba mẹ. Quê hương Quảng Bình thường được ba kể cho các con nghe trong mỗi bữa cơm gia đình. Quảng Bình cứ lớn dần lên trong chúng tôi, là máu thịt của chúng tôi, sợi chỉ đỏ xuyên suốt từ ba mẹ đến tận con cháu. Chúng tôi yêu từng hàng cây dâm bụt nơi ngôi nhà nhỏ ở An Xá, Lệ Thủy, gốc đào, cây vú sữa, đặc biệt là cây khế già bên hông nhà trên trăm tuổi...”

Những câu chuyện về quê hương Đại tướng gửi gắm ở các con, theo lời bà Võ Hòa Bình, đọng lại bằng ba điều mong ước: Quảng Bình trong chiến tranh chịu nhiều mất mát, đau thương, thời bình Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền cố gắng làm sao để bù đắp cho nhân dân Quảng Bình ấm no, hạnh phúc. Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình phát huy truyền thống quê hương “Hai giỏi”, trên dưới đoàn kết một lòng xây dựng tỉnh nhà giàu mạnh. Điều cuối cùng Đại tướng luôn đau đáu, dõi theo từng đổi thay của Quảng Bình là phát triển kinh tế- xã hội cần phải có hướng đi riêng, bền vững, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Đại tướng thường hay đề cập đến câu chuyện về phá Hạc Hải, về Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha- Kẻ Bàng, về độ che phủ rừng tự nhiên ở Quảng Bình.

Thiếu tướng Phan Khắc Hải, nguyên Tổng Biên tập Báo Quân đội Nhân dân, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), một người con làng biển Lý Hòa (xã Hải Trạch, huyện Bố Trạch) từ ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp an nghỉ tại Vũng Chùa - Đảo Yến lần nào về thăm quê, ông cũng đến thắp hương cho người Anh Cả. Thiếu tướng Phan Khắc Hải tâm sự: “Những ngày đầu thành lập Đảng, thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân quân đội ta, Bác Hồ xác định quân đội ta là quân đội của dân, do dân, vì dân, từ nhân dân mà ra vì nhân dân mà chiến đấu. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người học trò kiệt xuất của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát huy cao độ chân lý đó ở tầm cao nhất của thời đại.

Trong chiến tranh, nhân dân chịu nhiều đau thương, một lòng che chở cho quân đội. Hòa bình rồi cần giúp nhân dân ấm no, hạnh phúc. Với riêng Quảng Bình, trong tim Đại tướng luôn dành một phần rất lớn cho quê hương. Những lần anh em đồng hương Quảng Bình chúng tôi đến thăm Đại tướng, chuyện về quê hương khó có thể nói hết được. Đại tướng biết hết mọi chuyện về Quảng Bình từ việc nhỏ đến việc lớn. Đại tướng luôn nhắc đi nhắc lại “Quảng Bình là nhà tôi...”. Đại tướng chọn nơi an nghỉ cho mình nơi Vũng Chùa- Đảo Yến cũng là trở về với nhân dân, sống mãi trong lòng nhân dân”.

Tôi cùng nhà báo Hồng Hiếu, công tác tại Đài PT - TH tỉnh tản bộ dọc sông Nhật Lệ. Hồng Hiếu tâm sự với tôi rằng trong cuộc đời làm báo, hạnh phúc nhất đời chị, thành công nhất về sự nghiệp của chị là được tháp tùng, gần gũi, khắc họa chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp, được Đại tướng và những thành viên trong gia đình (đặc biệt là cố giáo sư, tiến sỹ Võ Hồng Anh) xem như người thân.

“Hai lần tôi đến với ngôi nhà số 30 Hoàng Diệu tại Hà Nội. Hai lần với hai cung bậc cảm xúc khác nhau khi gần gũi, phỏng vấn, quay những thước phim quý về Đại tướng” - Nhà báo Hồng Hiếu vào chuyện - “Lần thứ nhất, tôi phỏng vấn Đại tướng khi làm phim nhân sự kiện 50 năm Ngày Quảng Bình quật khởi. Vào chuyện, chị hỏi ngay “Xin Đại tướng đánh giá lại những thành quả quan trọng về kinh tế- xã hội tỉnh nhà sau 50 năm diễn ra sự kiện Quảng Bình quật khởi?”.

Đại tướng nhìn chị, ánh mắt nghiêm nghị rồi bất chợt cười xòa: “Chà! Bác xa quê đã lâu, lẽ ra cháu phải cho Bác biết tình hình Quảng Bình bây giờ ra sao đã chứ?”. Vậy là chị từ người dự định hỏi phỏng vấn trở thành người được phỏng vấn. Đại tướng hỏi chị về Quảng Bình từ những việc lớn đến việc nhỏ... Qua câu chuyện, chị hiểu rằng cho dù sống xa quê hương Quảng Bình, nhưng những gì ở Quảng Bình Đại tướng đều thông tuệ, đều biết”.

Bà Võ Hòa Bình trước phần mộ Đại tướng nơi Vũng Chùa - Đảo Yến.
Bà Võ Hòa Bình trước phần mộ Đại tướng nơi Vũng Chùa - Đảo Yến.

Lần thứ hai, chị Hồng Hiếu cùng nhà báo Quách Sỹ Hùng ra Hà Nội làm bộ phim “Nơi ấy có ngôi nhà xưa” về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Lần này, ấn tượng Đại tướng trong tâm nhà báo Hồng Hiếu đọng lại ở những thước phim dân dã, đời thường. Hình ảnh Đại tướng dưới gốc cây vú sữa, ánh mắt nồng nàn, thương nhớ hướng vô Nam; khoảnh khắc Đại tướng nhàn nhã ngồi đọc sách; lúc Đại tướng vui đùa với đàn cháu nhỏ; giây phút Đại tướng chăm sóc từng chậu hoa, cây cảnh...

Đại tướng hỏi chị: “Hiếu ơi! Quay xong chưa?”. Anh Quách Sỹ Hùng trả lời: “Dạ thưa bác xong rồi!”. “Đóng máy nhé!” - Đại tướng nhẹ nhàng. Và chị nhớ mãi hôm đó, Đại tướng nắm tay chị với anh Quách Sỹ Hùng, ba bác cháu dạo quanh khuôn viên ngôi nhà 30 Hoàng Diệu. Những kỷ niệm về quê hương, lời dặn dò Đại tướng gửi về Quảng Bình cứ trào tuôn tưởng chừng không bao giờ vơi cạn”. “Trong tâm Đại tướng luôn nhớ Quảng Bình, cũng như trong lòng người Quảng Bình có Đại tướng”- Nhà báo Hồng Hiếu chia sẻ... và chính từ những khoảng khắc cùng Đại tướng, từ những tư liệu riêng có về Đại tướng để chị làm nên những tác phẩm để đời ngày Người về với đất mẹ Quảng Bình.

Hà Nội mùa đông lạnh sau hơn một năm ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp an nghỉ tại Vũng Chùa - Đảo Yến, có một cô gái tròn 20 tuổi, người Quảng Bình, sinh viên một trường đại học Hà Nội trở lại ngôi nhà 30 Hoàng Diệu. “Cổng 30 Hoàng Diệu, mây trắng vẫn bay về/Tìm bóng hình Người dệt lời thương nhớ/Sóng Vũng Chùa đêm ru mềm hơi thở/Mẹ Quảng Bình tình nghĩa vỗ trùng khơi...”.

Hoàng Thị Hạnh Trang - tên cô gái ngược về miền ký ức: “Gia đình Trang may mắn có mối liên hệ thân thiết với gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ  những năm 1985. Không chỉ là người cùng quê mà bố mẹ còn là người bạn, người em gắn bó với giáo sư, tiến sỹ Võ Hồng Anh cũng như những người con khác trong gia đình Đại tướng. Những năm cuối thập kỷ 90 khi mẹ (bà Hoàng Thị Ái Nhiên - PV) còn là Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam tỉnh Quảng Bình, mẹ thường hay gặp Đại tướng. Trang còn nhớ một đêm hè năm 1999, khi còn là một đứa trẻ 4 tuổi được mẹ dẫn đến gặp Đại tướng và bác Võ Hồng Anh. Ấn tượng toát lên từ hai người bây giờ Trang vẫn nhớ, giản dị, gần gũi đến lạ thường...”

Những lần gặp sau, năm 2000 và 2002 đều vào những dịp hè Đại tướng về thăm quê hương Quảng Bình, Hạnh Trang được ngồi bên Đại tướng, cùng Đại tướng chụp ảnh, ngắm nhìn nụ cười hiền hậu của Đại tướng, nụ cười chứa đựng biết bao tình cảm yêu thương, trìu mến Đại tướng dành cho thiếu niên nhi đồng, những búp măng non thế hệ tương lai của quê hương, đất nước.

“Nhưng thực sự đến lần gặp cuối cùng vào năm 2006, Trang mới cảm nhận hết được ông là ai? vĩ đại ra sao? Đó là dịp cả nhà Trang đến 30 Hoàng Diệu chúc thọ Đại tướng tròn 96 tuổi. Trang nhỏ nhất nhà, Đại tướng ưu ái cho phép ngồi kế bên, vinh dự được ông hỏi rất nhiều chuyện. Chị gái Trang ngày đó là sinh viên khoa Lịch sử, Đại tướng ký tặng riêng cuốn sách “Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng”. Có một chi tiết đặc biệt rất thú vị là khi phu nhân Đặng Bích Hà bảo chị  gái: “Cháu học sử thì phải cố gắng tìm hiểu sâu rộng về lịch sử thế giới”. Đại tướng ngay lập tức tiếp lời: “Sau khi hiểu biết về lịch sử Việt Nam”.

Lời dặn dò quả quyết, minh triết của Đại tướng “Người Việt Nam trước hết phải biết sử Việt Nam” chính là một lời nhắn nhủ có sức lay động, một ngọn đuốc sáng soi dành cho thế hệ trẻ, để lại ấn tượng mạnh mẽ, sâu sắc trong lòng mọi người và Trang. Cho đến tận bây giờ, khi Trang đang là một sinh viên chuyên sâu về văn hóa, ngôn ngữ, lịch sử Trung Quốc vẫn nhận thức rất rõ mình cần phải làm gì, thế hệ trẻ như Trang cần phải làm gì cho quê hương, đất nước như Đại tướng hằng mong”.

“Quảng Bình là nhà tôi. Lúc nào rảnh việc nước thì tôi về nhà”. Quê hương nghĩa nặng tình sâu. Đại tướng cả đời vì nước vì dân và lúc mất đi, chắc chắn tinh thần của Đại tướng sẽ hòa vào tinh thần của hàng chục triệu người dân nước Việt, biến thành sức mạnh, vì một nước Việt Nam hùng cường và thịnh vượng.

Thanh Long