.

Ngôi chùa cổ bên dòng Kiến Giang

Thứ Ba, 17/02/2015, 15:01 [GMT+7]

(QBĐT) - Chùa Hoằng Phúc là một trong những đại danh lam vào loại cổ nhất trên đất Quảng Bình. Đây là một công trình kiến trúc tâm linh có chiều dài lịch sử trên 700 năm, đã từng được đón Phật hoàng Trần Nhân Tông và vua Minh Mạng viếng thăm, lễ Phật cầu an cho thần dân, thiên hạ. Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử và bom đạn chiến tranh, nhưng đến nay chùa Hoằng Phúc vẫn còn lưu giữ được nhiều cổ vật có giá trị cao về khảo cổ lịch sử, văn hóa và nơi đây hứa hẹn là điểm đến trong sinh hoạt văn hóa tâm linh của cư dân địa phương...

 

Chuông đồng và cửu long - những báu vật của chùa Hoằng Phúc
Chuông đồng và...

Từ Am Tri Kiến đến Hoằng Phúc Tự...

Chùa Hoằng Phúc khởi thủy có tên là Am Tri Kiến, sau có tên là chùa Kính Thiên, tục danh chùa Trạm, hay chùa Quan thuộc phường Thuận Trạch, nay là xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy. Chùa tọa lạc trên vùng đất cao ráo, rộng 10.000m2, ở phía hữu ngạn dòng sông Kiến Giang, cách trung tâm huyện lỵ Lệ Thủy khoảng 4km về phía nam.

Theo sách Ô châu cận lục, vào năm 1301, Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông sau khi xuất gia từ chùa Yên Tử (Quảng Ninh) trên đường viễn du Chiêm Thành đã ghé thăm Am Tri Kiến. Năm 1609, Đoan Quận Công Nguyễn Hoàng cho xây dựng lại chùa trên nền cũ và đặt tên là Kính Thiên Tự.

Năm 1716, chúa Nguyễn Phúc Chu - người có công trong việc mở mang bờ cõi Đại Việt đã cho xây dựng, trùng tu, đồng thời ban một biển đề tên “Kính Thiên Tự” và một biển đề đại tự “Vô song phúc địa” (đất phúc khôn sánh) và ngự chế 5 câu đối liễn treo ở chùa.

Tuy nhiên, trong cuộc chiến tranh giữa 2 tập đoàn phong kiến Trịnh - Nguyễn kéo dài 148 năm (1627-1775), chùa Kính Thiên rơi vào cảnh hoang tàn đổ nát và bị lãng quên. Năm Minh Mạng thứ 2 (1821), trong chuyến ngự giá Bắc tuần, vua có ghé thăm chùa Kính Thiên và cho đổi tên chùa thành “Hoằng Phúc Tự” (phúc lớn).

Tiếp đó, năm Minh Mạng thứ 4 (1823), vua lại ban xuất 100 lạng bạc kho để tu sửa lại chùa. Năm Minh Mạng thứ 7 (1826), vua lại ban cho 150 lạng bạc kho để sửa thêm. Năm Thiệu Trị thứ 2 (1842), vua ngự giá Bắc tuần và có ông Tùng Thiện quận vương tháp tùng đến thăm chùa Hoằng Phúc và cấp cho 300 lạng bạc để trùng tu lại chùa.

Chùa Hoằng Phúc không chỉ là nơi thờ Phật, nơi hoằng dương Phật pháp mà còn gắn liền với các sự kiện lịch sử tiêu biểu của quê hương; là nơi hội họp để triển khai các chỉ thị khởi nghĩa của cấp trên và chuẩn bị lực lượng, vũ khí tiến tới giành chính quyền vào ngày 23-8-1945. Chùa còn là nơi cất giấu, kết nạp, huấn luyện dân quân tự vệ; là hậu cứ của chiến trường B, nơi tập kết hàng hóa, quân lương, điểm dừng chân trước khi vào chiến trường miền Nam.

Trong cuộc chiến tranh phá hoại 1967, chùa Hoằng Phúc bị đánh sập trong các đợt không kích của Mỹ. Năm 1977, trên nền chùa cũ, chính quyền và nhân dân địa phương cùng nhau lập nên một ngôi chùa nhỏ để làm nơi hương khói, phụng thờ đức Phật.

Những báu vật còn lại của Hoằng Phúc Tự 

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử và bom đạn chiến tranh, chùa Hoằng Phúc hiện vẫn còn lưu giữ một số cổ vật và di tích cổ. Hiện tại trên nền chùa cũ vẫn còn 1 Tam quan với rễ cây cổ thụ ôm quanh linh thiêng. Được biết, Tam quan ở chùa Hoằng Phúc được bố trí thành 3 cổng tách rời nhau, với hệ thống tường không giống Tam quan của đa số chùa Việt.

M
...cửu long - những báu vật của chùa Hoằng Phúc.

Ngoài ra, phía mặt tiền khuôn viên chùa còn có một giếng nước cổ, tục gọi là giếng Phật, nước ở giếng mát ngọt. Giếng rộng hơn 3m, được xây bằng gạch và đá ong xếp liền nhau. Đặc biệt, hiện tại chùa còn lưu giữ một hiện vật rất quý giá là một quả chuông đồng nặng 80kg, cao 1,1m, đường kính 0,5m. Tương truyền rằng, ngày xưa mỗi lần khi tiếng chuông chùa Hoằng Phúc được thỉnh lên thì những người dân ở Hồ Xá (Quảng Trị) vẫn nghe vang vọng. “Tạnh trời chuông Trạm kêu xa/ Vang về Hạc Hải vô truông nhà Hồ”.

Ông Phạm Văn Bình, người trông coi giùm, dẫn chúng tôi đi xem một báu vật mà từ trước đến nay, người dân địa phương đã gìn giữ và xem nó như là một minh chứng về sự đa dạng văn hóa, linh thiêng của chùa Hoằng Phúc, đó là “cửu long”. Ông Bình cho biết: “Cửu long” có niên đại cùng với chùa Hoằng Phúc, được làm bằng gỗ, chạm khắc liên tiếp 9 con rồng, trong đó có 8 con rồng nhỏ và một con rồng lớn ở phía trên đỉnh, ở giữa có 1 tượng ngồi, từ đế “cửu long” lên đỉnh cao khoảng 2m... Hiện nay “cửu long” đang được cất giữ cẩn thận và chỉ một số ít người bản địa mới biết đến báu vật này.

Ông cũng bảo rằng, chùa Hoằng Phúc hiện còn có nhiều cổ vật được lưu giữ tại chùa như: 2 tượng Quan Công và Hộ Pháp bằng gỗ, một số tượng Phật, các hoành phi, câu đối... Tất cả các cổ vật của chùa đều có niên đại khoảng vài trăm năm, trước kia chúng đều được lưu giữ trong các hộ gia đình tại địa phương, tuy nhiên do nhiều biến cố lịch sử, thiên tai nên ít nhiều bị mất mát và mai một, nhưng những cổ vật còn lại của chùa Hoằng Phúc lại có giá trị cao về khảo cổ lịch sử và văn hóa...

Niềm vui mới

Với bề dày lịch sử và là một trong những danh lam vào loại cổ nhất trên đất Quảng Bình, ngày 1-6-2010, UBND tỉnh đã ban hành quyết định số 1201 về việc xếp hạng chùa Hoằng Phúc là di tích lịch sử cấp tỉnh.

Với ước nguyện để nơi đây trở thành điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh, giữ gìn truyền thống lịch sử của quê hương, đồng thời nêu cao lòng từ bi hướng thiện trong sinh hoạt cộng đồng của nhân dân nói chung và các Phật tử nói riêng, huyện Lệ Thủy đã có chủ trương xã hội hóa, huy động nguồn lực phục dựng, tôn tạo chùa Hoằng Phúc.

Tam quan của chùa Hoằng Phúc còn giữ khá nguyên trạng.
Tam quan của chùa Hoằng Phúc còn giữ khá nguyên trạng.

Ngày 30-11-2014, UBND huyện Lệ Thủy đã làm lễ khởi công phục dựng, tôn tạo di tích lịch sử chùa Hoằng Phúc dưới sự tài trợ chính của Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam. Công trình có tổng mức đầu tư hơn 40 tỷ đồng. Tổng thể khu di tích được quy hoạch bao gồm: Tam quan ngoại, Tam quan nội, tháp Phật, Tam bảo, nhà thờ Tổ, tả hữu hành lang, Am hóa vàng và các công trình phụ trợ khác như: khu tăng xá, trai đường và công trình bếp... Dự kiến công trình sẽ hoàn thành vào dịp 715 năm ngày Phật hoàng Trần Nhân Tông ngự lãm Hoằng Phúc Tự.

Theo ông Nguyễn Quang Năm, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy, việc phục dựng, tôn tạo di tích lịch sử chùa Hoằng Phúc có ý nghĩa rất lớn đối với huyện Lệ Thủy, sau khi chùa Hoằng Phúc khánh hạ sẽ là nơi tôn nghiêm để phụng thờ các đức Phật, hoằng dương Phật pháp, điểm đến của phật tử gần xa trong sinh hoạt văn hóa tâm linh, giữ gìn bản sắc truyền thống văn hóa của quê hương.

Bên cạnh đó, cùng với nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, khu lăng mộ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái nước khoáng Bang, miếu Thần Hoàng, chùa An Xá, chùa Hoằng Phúc sẽ là điểm đến hấp dẫn trong tua du lịch tâm linh, hứa hẹn sẽ đem đến cho Lệ Thủy những cơ hội mới để phát triển...

Phát hiện thêm nhiều di tích cổ, tượng quý

Mới đây, trong khi tiến hành phục dựng, tôn tạo chùa Hoằng Phúc, các cơ quan chức năng huyện Lệ Thủy đã tìm ra 1 giếng nước cổ; 3 tượng quý, cao từ 50 đến 70cm, nặng khoảng 40kg; 1 tượng đồng nhỏ, cao khoảng 30cm, nặng từ 2-3kg cùng một số mẫu vật khác.

Ngọc Hải-Đức Thuần