.
Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập QĐNDVN (22-12-1944 - 22-12-2014) và 25 năm ngày hội Quốc phòng toàn dân (22-12-1989 - 22-12-2014):

Cự Nẫm những năm tháng không thể nào quên

Thứ Hai, 22/12/2014, 09:55 [GMT+7]

(QBĐT) - Cự Nẫm, một xã phía tây của huyện Bố Trạch. Ở đó, từng bờ ruộng, lũy tre, mỗi tấc đất luôn hiện hữu những câu chuyện hào hùng về những tháng năm đánh giặc giữ nước. Tìm về Cự Nẫm cũng là tìm về với địa chỉ đỏ cách mạng, tìm về mảnh đất bình yên để thấm hơn những câu chuyện “rào làng chiến đấu”, “5 tấn một héc ta” đã đi vào lịch sử.

Cự Nẫm-mồ chôn giặc Pháp

Tìm về Cự Nẫm, chúng tôi may mắn được trò chuyện với một người rất đặc biệt, ông là Mai Văn Giá, quê ở huyện Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế. Dù không sinh ra và lớn lên ở Cự Nẫm, nhưng ông đã có gần 70 năm sinh sống, chiến đấu trên chính mảnh đất này. Ông cũng là nhân chứng duy nhất còn lại đã chứng kiến bao biến cố, thăng trầm lịch sử và sự đổi thay của quê hương, đất nước kể từ sau Cách mạng tháng Tám 1945 đến nay.

Ông Mai Văn Giá sắp sửa chạm tuổi 100. Dù tuổi cao, sức yếu, nhưng ông vẫn còn minh mẫn. Gần 7 thập kỷ đã trôi qua nhưng câu chuyện rào làng chiến đấu vẫn được ông kể lại tường tận, chi tiết.

Cuối 1946, hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch, Chi bộ Đảng, Ủy ban kháng chiến Cự Nẫm vận động người dân tổ chức rào làng chiến đấu. Với quyết tâm “Quyết tử để bảo vệ quê hương, bảo vệ Tổ quốc”, Cự Nẫm đã huy động trên 7.000 lượt người, đào đắp hơn 10.000m3 đất đá, hơn 3 vạn cây tre la ngà, tre ri được ngã xuống để vót thành chông.

Hơn nửa tháng lao động khẩn trương, Cự Nẫm đã hoàn thành nhiệm vụ rào làng theo đúng tinh thần chỉ đạo của tỉnh, huyện đề ra. Làng được rào thành 3 tuyến: Tuyến 1, 2 và 3 trong đó tuyến 3 là kiên cố nhất. Rào cao 3 mét, bên trong rào là giao thông hào chạy xuyên suốt các tuyến và nối  các hầm trú ẩn, hầm bí mật.

Từ tháng 4-1947 đến tháng 3-1948, thực dân Pháp đã mở 26 trận càn nhằm cắt dứt đường liên lạc bí mật của tỉnh từ vùng địch tạm chiếm nam khu 4 ra vùng tự do Minh Hóa, Tuyên Hóa đến các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa. Với khẩu hiệu “Mỗi người dân là một dân quân du kích”, quân và dân Cự Nẫm vẫn “giục trống thắng Tây, rào làng chiến đấu”, kiên cường đánh giặc giữ đất, giữ làng, bảo vệ nhân dân và diệt hơn 150 tên địch.

Trong đó phải kể đến trận chống càn đầu tháng 3-1948. Để hiện thực hóa âm mưu đánh chiếm Cự Nẫm, hòng tiêu diệt bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích và phá cơ quan lãnh đạo kháng chiến của ta, trong các ngày từ 1 đến ngày 3-3-1948 địch huy động 350 tên cùng nhiều vũ khí hiện đại chia thành 2 hướng tiến vào Cự Nẫm. Chúng còn bắt thêm khoảng 200 thường dân đi đầu làm bia đỡ đạn. Sau 3 ngày đêm chiến đấu kiên cường, với những cách đánh táo bạo và sáng tạo, các lực lượng của ta đã tiêu diệt 50 tên Pháp, phá hủy và phá hỏng 4 xe quân sự, bắn cháy 1 ca-nô...

Cự Nẫm đã trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng với kẻ thù. Theo ông  Mai Văn Giá, người trực tiếp chỉ huy tiểu đội du kích tham gia tất cả 26 trận chống càn, điều khiến kẻ thù khiếp đảm khi đến Cự Nẫm không chỉ là sự linh hoạt trong vận dụng các cách đánh từ du kích, chớp nhoáng đến trường kỳ mai phục, đánh địch trên mọi hướng mà trên hết là lòng yêu nước, tinh thần “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” của mỗi một người dân. Khi mỗi người dân là một chiến sỹ thì bất cứ lúc nào và ở đâu, kẻ thù đều có thể bị tiêu diệt.

Ngoài ra, cách rào làng chiến đấu rất riêng của Cự Nẫm có thể giúp các lực lượng bộ  đội, dân quân du kích và người dân vừa chủ động đánh địch trên mọi hướng, vừa lao động sản xuất. “Và Cự Nẫm đã trở thành làng chiến đấu kiểu mẫu, là mồ chôn giặc Pháp chính vì những lẽ như thế”, ông Giá tự hào.

Viết tiếp truyền thống anh hùng

Sau thắng lợi vẻ vang của cuộc kháng chiến chống Pháp, cùng với quân và dân tuyến lửa Quảng Bình, Cự Nẫm lại bước vào cuộc trường chinh chống Mỹ với những năm tháng không thể nào quên.

Với vị trí chiến lược quan trọng, năm 1965, thôn Trung Nẫm, xã Cự Nẫm được chọn làm điểm tập kết hàng hóa quân sự, đưa đón bộ đội, thanh niên xung phong vào các chiến trường miền Nam. Đây cũng là nơi trở thành trạm trung chuyển, tiếp nhận, chăm sóc thương binh, bệnh binh chuyển tiếp từ các chiến trường ra miền Bắc.

Giai đoạn này, ông Mai Văn Giá làm Chủ nhiệm Hợp tác xã Cự Nẫm. Ông Giá cho biết, toàn xã dấy lên phong trào thi đua cả trong chiến  đấu và trong lao động sản xuất, tình nguyện đóng góp công sức, của cải, vật chất để tiếp sức cho miền Nam ruột thịt. Những ngôi nhà trở thành kho cất giấu hàng hóa, mỗi người dân cũng là điều dưỡng, nuôi quân. Với tinh thần “Tay cày, tay súng”, “bám hố bom mà sản xuất, bám đồng ruộng mà thâm canh”, Hợp tác xã Cự Nẫm là đơn vị đầu tiên của huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình đạt năng suất lúa trên 5 tấn/ha.

“Với những thành tích vượt bậc này, Cự Nẫm vinh dự được đón các đồng chí Phạm Văn Đồng, Nguyễn Chí Thanh, Võ Nguyên Giáp, Tố Hữu và nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước về thăm, động viên, khen thưởng. "Tháng 1-1967, Hợp tác xã Cự Nẫm được Nhà nước tuyên dương đơn vị Anh hùng Lao động và được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba”, ông Giá xúc động nhớ lại.

Đất nước hòa bình, thống nhất, cuộc sống người dân Cự Nẫm cũng gặp không ít khó khăn, thử thách trong thời buổi cơ chế thị trường. Dẫu vậy, bà con vẫn một lòng theo Đảng, chung sức đồng lòng xây dựng quê hương. Những địa danh được công nhận di tích lịch sử như: Rú Nguốn, Đôộng Dôn, Cồn Tro, Cồn Nàn, Đồi Vải Chết... giờ đã ngút ngàn rừng cây.

Trên những cánh đồng xanh mướt, chúng tôi bắt gặp những nông dân thật thà, chất phác. Trong từng ánh mắt, nụ cười ấy, chúng tôi cảm nhận được người dân nơi đây đang hướng về phía trước với niềm tin mãnh liệt. Trò chuyện với chúng tôi, Bí thư Đảng ủy xã Cự Nẫm Phan Công Kiệt không khỏi tự hào với những kết quả mà xã nhà đạt được trong giai đoạn mới. Đến nay, Cự Nẫm đã hoàn thành 11/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới; quốc phòng-an ninh được giữ vững. Đời sống của người dân vì thế cũng thêm phần thay đổi, diện mạo làng quê cũng thêm phần khởi sắc.

Đi qua hai cuộc trường chinh thần thánh của dân tộc, Cự Nẫm vẫn vẹn nguyên dáng vẻ của làng quê thuần nông. Một khung cảnh yên bình như chưa hề trải qua những năm tháng đạn bom khốc liệt. Để có một Cự Nẫm oai hùng trong kháng chiến chống Pháp, anh hùng trong kháng chiến chống Mỹ, 124 người con quê hương đã anh dũng hy sinh. Trên mảnh đất này cũng còn hàng trăm phần mộ bộ đội, thanh niên xung phong mọi miền cả nước.

“Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Cự Nẫm quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, quê hương trong tình hình mới. Đó cũng là trách nhiệm, sự tri ân sâu sắc của người dân Cự Nẫm hôm nay đối với thế hệ cha ông và hàng trăm anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống để làm nên Cự Nẫm anh hùng”, Bí thư Đảng ủy xã Phan Công Kiệt khẳng định.

Minh Tú