.

Đồng ruộng quan Hoàng

Thứ Sáu, 24/10/2014, 16:37 [GMT+7]

(QBĐT) - Làng Văn La là một trong “bát danh hương” của tỉnh Quảng Bình, vang bóng một thời Văn La “Long Đáo Địa” không chỉ là đất dụng võ, có mạch giếng bàu Rồng, giàu thuần phong mỹ tục mà còn là mảnh đất sản sinh ra vị tướng lừng danh Hoàng Kế Viêm, một vị quan cuối triều Nguyễn có nhiều đóng góp to lớn trong những ngày đầu đất nước ta kháng chiến chống thực dân Pháp, được lịch sử ngợi ca.

Hoàng Kế Viêm (1820-1909) quê quán làng Văn La, tổng Long Đại, phủ Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình nay là làng Văn La, xã Lương Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Cuộc đời Hoàng Kế Viêm gắn chặt với giai đoạn lịch sử đầy biến động, trong bối cảnh đất nước lâm nguy, bị thực dân Pháp xâm lược, nội bộ triều đình Huế lục đục rối ren, nạn cường hào cướp bóc, tham quan đục khoét, lòng dân không yên...  .

Có thể nói, trong thời kỳ thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, hiếm có nhân vật lịch sử nào trong triều Nguyễn đã đi suốt chiều dài lịch sử của đất nước như Hoàng Kế Viêm. Từ các vị vua như: Thiệu Trị, Tự Đức, Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phước, Hàm Nghi cho đến các vị tướng như: Phan Thanh Giản, Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Phạm Tuân, Phan Đình Phùng... đều nửa chừng, nửa cuộc, nửa đoạn.. chưa có ai nếm trải như Hoàng Kế Viêm từ tiếng súng mở màn cho đến lúc màn hạ...” (trích trong tác phẩm Hoàng Kế Viêm - Sở VHTT tỉnh Quảng Bình xuất bản năm 1994 của tác giả Nguyễn Tú). 

Ông vừa là phò mã, một thành viên thân cận của hoàng tộc, vừa là nhà nho hiếu đạo, trung quân, vừa là một quan văn kiêm võ tướng. Những cống hiến to lớn của ông trong công cuộc chống thực dân Pháp cùng những thăng trầm trong cuộc đời và sự nghiệp đã phần nào khắc họa nên chân dung một vị tướng được hậu thế nêu gương, góp phần làm rạng danh cho mảnh đất Quảng Bình.

Mộ Hoàng Kế Viêm ở xã Lương Ninh.
Mộ Hoàng Kế Viêm ở xã Lương Ninh.

Xuyên suốt cuộc đời Hoàng Kế Viêm luôn nêu cao tinh thần kháng Pháp nhưng trên hết là tấm lòng yêu nước thương dân, lấy dân làm gốc. Hoàng Kế Viêm luôn đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết với tấm lòng thiết tha vì nước vì dân. Luôn ý thức được trách nhiệm của một vị quan đối với dân chúng, gắn việc an dân với việc phát triển kinh tế.

Ông là người nhận ra vai trò và sức mạnh của quần chúng nhân dân và biết biến sức mạnh đó thành vũ khí để bảo vệ đất nước. Tinh thần đó của ông không chỉ là tôn chỉ hành động lúc ông còn làm quan trong triều đình mà ngay cả khi cáo lão về quê, “tạm gác binh đao”, Hoàng Kế Viêm vẫn tiếp tục phát huy tinh thần đó.

Khi Hoàng Kế Viêm về hưu, theo quy chế của triều đình ban theo tước vị được hưởng chế độ lộc điền vua ban, tự chọn bất kì ở đâu 4 mẫu ruộng thuộc loại nhất đẳng để làm tự điền hương hỏa. Ông không chọn những mẫu ruộng tốt mà chỉ chọn 4 mẫu đất cồn cỏ hoang ở làng Thế Lộc làm bãi cho trâu bò dân sở tại, nằm cách làng Văn La khoảng 10 km đường bộ, theo đường sông từ Quán Hàu ngược ngã 3 Trần Xá, ngược dòng Kiến Giang đến gần Mỹ Trung khoảng 15km.

Xa xưa đây là một bãi đất hoang hóa, hẻo lánh, lau lách, cói lác rậm rịt, không mấy ai chú ý đến ngoài thuyền bè qua lại giữa sông. Ông sợ chọn ruộng tốt thì triều đình sẽ thu lại ruộng của dân để cấp cho ông và dân sẽ bị mất ruộng, ông chỉ muốn khẩn hoang mà không động đến đất canh tác của dân

Để có thêm ruộng canh tác làm ăn, ông vận động con cháu khai phá một vùng đất hoang cũng ở địa phận làng Thế Lộc (gần chỗ cồn cỏ hoang “lộc điền” của ông). Sau 2 năm tập trung khai phá, kiểm nghiệm và thử thách, nhất là sau hai mùa bão lũ, một vùng đất hoang hóa khắc nghiệt đã trở thành đồng ruộng tưới tiêu thuận lợi với nguồn nước thiên nhiên rất hợp với lúa, với lớp phù sa màu mỡ kết đọng sau từng trận lũ tràn qua, biến vùng này thành một cánh đồng ruộng hai vụ, đủ hệ thống thủy lợi.

Chính ngài Hoàng Kế Viêm đã trực tiếp hướng dẫn cách thức khai hoang, canh tác. Hình ảnh một ông cụ chống gậy, thọc thọc từng luống cày, đường bừa, rồi bài học truyền lại “hai kép một trau”, “khấu cồn phải kỹ”... là những mẩu chuyện mà con, cháu, chắt, người hầu, người khoán thường nhắc mãi khi nói về ông. Sau 6 năm thành điền (1889-1895), ruộng được phân thành từng lô, đóng thuế và chia đều cho mọi người cùng hưởng, cái tên “Đồng ruộng quan Hoàng” nổi lên. Nông dân trong vùng có câu nói: Đồng quan Hoàng/Ngàn mùa không mất

Ngài Hoàng Kế Viêm trực tiếp viết văn bản quy định: “Toàn bộ khu đồng ruộng này, sau khi thành điền sẽ thuộc vào tự điền, chia ra ruộng phục vụ 2 nhà thờ tổ: Thế Đức và Minh Đức, ruộng nhà thờ họ ngoại ở Võ Xá, ruộng nhà thờ Ngài và lo việc khi ngài mất,... số còn lại phân cho con cháu mỗi người mỗi cội làm một ít và phải đóng “lúa nhà thờ” coi như góp quỹ công đức của họ.

Một số đất chưa khai phá hết phải tiếp tục khai phá cho xong thành điền vẫn là ruộng tự điền và ai làm vẫn phải nộp “lúa nhà thờ”. Như vậy, đồng ruộng này không chỉ của riêng ai, không ai có quyền cầm bán mà là ruộng tự điền với quy chế rõ ràng, nghiêm minh và cũng nhờ tính tự giác cao của bà con, con cháu, chính đồng ruộng đã giúp cho các gia đình thoát khỏi đói nghèo, một số khá lên. Hằng năm vào các dịp giỗ, kị có “lúa nhà thờ” góp phần tăng thêm sự đoàn kết, gắn bó tình cảm nội ngoại, xóm làng.

Con cháu họ Hoàng và người dân làng Văn La hiện nay vẫn còn lưu truyền câu chuyện huyền thoại về Hoàng Kế Viêm trên đồng ruộng này. Đó là tại đồng ruộng mà ông khai khẩn phân chia cho bà con nông dân canh tác làm ăn bỗng nhiên bị chuột phá. Bà con lo sợ cho rằng từ ngày có ruộng đồng đến nay chưa có lễ hậu đãi thần linh thổ thần trong vùng nên bị quở trách, liền lập miếu thờ cúng. Khi làm lễ, trời đất yên lặng, không có gió nhưng đèn hương thắp lên là bị tắt, lễ tế phải dừng lại. Bà con về mời ngài Hoàng Kế Viêm lên làm lễ, thương dân ông thân hành đến tận miếu thờ mà bà con vừa mới làm xong, lễ vật được dọn ra.

Ông thắp hương, đốt đèn, rót rượu rồi khấn với thần rằng: “Thổ thần hãy bảo hộ cho con cháu, canh giữ đồng ruộng cho nhân dân. Từ nay dân có lòng kính trọng tạ ơn thì thần cứ thượng hưởng. Nay xin mời...”. Nói xong ông bưng một chén  rượu uống và ra về, từ đó cho đến lúc hết lễ suốt một buổi sáng mà đèn hương vẫn bình thường. Người ta nói ông được thổ thần tôn trọng, thổ thần xin suy tôn ngài chủ điền là bậc “bề trên”, có được lệnh ngài mới dám thừa hưởng.

Những câu chuyện về ngài Hoàng Kế Viêm được lưu truyền trong nhân dân chính là sự ngưỡng mộ của nhân dân dành cho một vị quan hết lòng vì nước vì dân. Con cháu họ hàng Văn La ngày nay vẫn tiếp tục phát huy, nêu cao truyền thống: “Trung hiếu là đạo lý” với bài Hoàng thị Gia huấn và tự hào về  đồng ruộng tự điền “đồng ruộng quan Hoàng” được lịch sử ghi nhận. Ngày 18-2 âm lịch hằng năm là ngày giỗ của ngài, đây là dịp mà con cháu và nhân dân trong vùng bày tỏ lòng thành kính, biết ơn dành cho vị quan lúc nào cũng “lo toan tìm mối lợi cho dân cho nước”.

D.H
(Số 47 Trường Chinh, Bắc Lý, ĐH)