Võ Thắng Quan đang bị lãng quên?

Cập nhật lúc 08:42, Thứ Sáu, 19/09/2014 (GMT+7)

(QBĐT) - Nằm trong hệ thống của lũy Đào Duy Từ, Võ Thắng Quan, Quảng Bình Quan và Tấn Nhật Lệ là một trong 3 cửa quan của hệ thống Lũy Thầy. Ngoài Quảng Bình Quan đang được mọi người biết đến như biểu tượng của Quảng Bình thì Võ Thắng Quan đến nay cũng vẫn còn giữ lại dấu tích tương đối nguyên vẹn sau hàng trăm năm tồn tại. Tuy nhiên, khác với Quảng Bình Quan, Võ Thắng Quan giờ đây nằm ẩn mình trong không gian vắng lặng, heo hút và rất ít ai biết đến sự tồn tại của di tích mang nhiều ý nghĩa lịch sử này.

 

Nhiều chỗ của di tích đã xuống cấp do gạch bị xói mòn.
Nhiều chỗ của di tích đã xuống cấp do gạch bị xói mòn.

Cách Quảng Bình Quan, Đồng Hới chừng 10 km về phía tây nam, Võ Thắng Quan nằm trên địa phận thôn Lệ kỳ 1, xã Vĩnh Ninh. Cùng với lũy Đào Duy Từ, Võ Thắng Quan được Bộ Văn hóa- Thể Thao và du lịch công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1992. Võ Thắng Quan là cửa quan của lũy Đầu Mâu, trong hệ thống Lũy Thầy được xây dựng vào năm 1631.

Lúc đầu, Võ Thắng Quan với tên gọi Lý Chính Đại Quan Môn, có nghĩa là cửa chính trên đường Bắc Nam, người dân trong vùng thường gọi là cửa thượng, (cửa hạ là Quảng Bình Quan). Cửa được xây dựng bằng gỗ lim, có chiều dài 2 trượng 1 thước, chiều ngang 2 trượng 5 thước. Đến năm 1826 (năm Minh Mạng thứ VI) thì được triều đình ban tiền để xây dựng cổng bằng gạch đá và đổi tên thành Võ Thắng Quan như bây giờ.

Là công trình có giá trị phòng thủ nên trước đây, trong quá trình xây dựng, Võ Thắng Quan được làm rất kiên cố và vững chắc. Cổng dày, hai bên xây bằng gạch vồ. Để tạo độ kết dính cao, vôi, dây tơ hồng và mật mía được quết giã sau đó trộn với cát tạo thành hỗn hợp vữa để xây nên cổng này. Phần mái cổng có một khung đỡ bằng gạch được xếp theo kiểu xiên dạng vòm tròn. Đây là thiết kế mang tính sáng tạo bởi theo nguyên tắc, vòm tròn có khả năng chịu lực cao. Với thiết kế xây dựng đặc biệt và vị trí có tính chiến lược như vậy nên Võ Thắng Quan được xem như một cửa ải quan trọng trên tuyến đường thiên lý Bắc-Nam lúc bấy giờ.

Bên cạnh đó, nhiều phát hiện xung quanh di tích lịch sử này đã phần nào nói lên giá trị lịch sử cũng như văn hóa, xã hội của dân tộc ta trong thời điểm lúc bấy giờ. Ở dưới chân lũy Đầu Mâu, cách Võ Thắng Quan khoảng 3km về phía Tây Nam, người dân đã phát hiện ra những phiến đá có khắc chữ Hán, 3 trong số nhiều phiến đá đã được mang về trưng bày tại Bảo tàng tổng hợp Quảng Bình. Nhiều thanh kiếm, giáo ở gần khu vực lũy Đầu Mâu cũng được bà con phát hiện, cho thấy nơi đây có dấu tích của kho vũ khí ngày xưa.    

Không những vậy, Võ Thắng Quan cũng là nơi ghi dấu của cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của nhân dân ta. Di tích Võ Thắng Quan một lần nữa lại trở thành nơi phòng thủ để đánh giặc. Đây là nơi đã từng đặt những trận địa của quân và dân Vĩnh Ninh và diễn ra các trận đánh du kích. Nhiều tàn tích của hai cuộc chiến tranh vẫn còn ghi dấu lại đến tận ngày hôm nay bên cạnh di tích Võ Thắng Quan như: đường tàu, nhà ga, ngầm cầu Ba...

Dấu tích của Võ Thắng Quan còn lại ngày hôm nay.
Dấu tích của Võ Thắng Quan còn lại ngày hôm nay.

Có thể nói rằng, đi qua chiều dài của lịch sử với biết bao thăng trầm của đất nước, Võ Thắng Quan được xem như một chứng nhân quan trọng. Tuy nhiên, do sự bào mòn của thời gian, đến nay, hệ thống lũy Đào Duy Từ trong đó có lũy Đầu Mâu đã bị hư hỏng nghiêm trọng. Nhiều nơi bị người dân san lấp làm nhà, lấy đất để canh tác. Riêng Võ Thắng Quan vẫn còn giữ được phần nào dáng vẻ xưa, nhưng cũng đang dần bị xuống cấp. Phần vọng lâu bị mất, phía tây bắc của cổng bị nứt một đường dài, một số nơi gạch bị bong tróc.

Trước đây nhiều người dân vẫn chưa có ý thức trong việc bảo vệ, nên đã có nhiều hoạt động làm ảnh hưởng đến di tích. Theo ông Ngô Đình Hướng, Trưởng phòng Văn hóa- thông tin huyện Quảng Ninh cho biết, từ khi được công nhận di tích lịch sử quốc gia, địa phương đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo vệ và giữ nguyên trạng cho di tích, còn việc trùng tu và phục hồi lại di tích thì cần phải có sự chỉ đạo của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch.

Trở lại với lũy Đầu Mâu và Võ Thắng Quan thời gian này, có lẽ với ai khi đặt chân đến đây đều không khỏi chạnh lòng và ngậm ngùi khi chứng kiến di tích lịch sử cấp quốc gia lại nằm im lìm giữa những đám cây cỏ um tùm, rậm rạp và chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, nhất là đường dẫn vào di tích. Để bảo vệ và sử dụng tốt các di tích của lũy Đào Duy Từ, trong đó có Võ Thắng Quan cần phải  khẩn trương có những biện pháp chống xuống cấp và phục hồi lại.

Vẫn biết, việc phục hồi lại di tích lũy Đào Duy Từ là việc làm hết sức khó khăn, nhưng không phải vì vậy mà để mất đi những gì còn sót lại cần phải được giữ gìn, trân trọng nhất là đối với những di tích có ý nghĩa về mặt di sản văn hóa lịch sử như Võ Thắng Quan.

Đoàn Nguyệt




 

,
.
.
.