.

Sao bác không về nghe lại hò khoan?

Thứ Năm, 17/10/2013, 07:30 [GMT+7]

(QBĐT) - Đại tướng Võ Nguyên Giáp của chúng ta đã mãi mãi nằm lại với đất mẹ Quảng Bình. Trong vô vàn nỗi nhớ, niềm thương cùng những kỷ niệm rất đỗi đời thường, chị Đinh Thị Lan (Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh) có những nỗi niềm riêng, những kỷ niệm mà từ lâu chị xem đó là hành trang trong cả cuộc đời mình.

Rưng rưng dòng lệ nơi khóe mắt, chị kể: Sẽ chẳng bao giờ chị quên được cái ngày hôm ấy 3-11-2004, Quảng Bình vinh dự được đón bác về thăm. Được gặp bác, đón bác với chị là đã thỏa niềm mong ước bấy lâu. Thế nhưng chị còn hạnh phúc gấp bội lần vì được bác “khen” và chụp ảnh chung. Khi nghe có người “khoe” với bác là trong đoàn đón tiếp bác có cô Đinh Thị Lan đã hoàn thành luận văn thạc sĩ loại xuất sắc với đề tài nghiên cứu về hò khoan Lệ Thủy, bác liền nhắn rằng “nói cô Lan cho bác một cuốn”.

Đinh Thị Lan vui mừng tặng bác cuốn luận văn- món ăn tinh thần mà chị đã dày công nghiên cứu suốt cả thời gian dài. Sáng sớm hôm sau, chị đến khách sạn Phú Quý nơi Đại tướng và phu nhân cùng chị Võ Hồng Anh, con gái đầu của Đại tướng ở lại. Vừa tới nơi, chị hết sức ngạc nhiên khi thấy bữa sáng của bác đơn sơ với những “đặc sản quê nhà” như khoai luộc, bắp luộc, vài món bánh...

Bức ảnh chụp chung với Đại tướng-kỷ vật vô giá của chị Đinh Thị Lan.
Bức ảnh chụp chung với Đại tướng-kỷ vật vô giá của chị Đinh Thị Lan.

Thấy chị vừa ngạc nhiên vừa xúc động khi chứng kiến bữa ăn bình dị của một vị Đại tướng lừng danh, phu nhân Đại tướng-bà Đặng Bích Hà nói: Ngày thường, Đại tướng rất thích ăn những món này... Chị ngập ngừng hỏi: Bác ơi, bác có thích ăn bắp chuối rừng không?. Phu nhân Đại tướng cười nói: Có, bác luôn thích ăn những món ăn dân dã của đồng quê.

Chị nói ngay: Dạ, thế thì ngày mai, cháu sẽ mang bắp chuối rừng của nhà cháu ra biếu bác... và bác cười rất tươi. Chị liền gọi điện thoại bảo gia đình chuẩn bị bắp chuối rừng để ngày sau mang đến biếu bác. Gặp chị, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói ngay: Cháu cừ lắm. Bác đọc hết tối qua rồi. Chờ khi nào bác mặc quân phục, bác cháu mình chụp ảnh nhé. Chị vui mừng đến bật khóc, có cảm giác như vừa được một người cha khen ngợi khi con gái làm được một việc gì đó có ý nghĩa...

Chị muốn nói với bác rất nhiều chuyện nhưng vì quá xúc động nên chỉ kể ngắn gọn cho bác nghe vì sao chị chọn đề tài hò khoan Lệ Thủy để nghiên cứu. Mong ước được gặp bác từ lâu nhưng chị không dám nghĩ rằng sẽ được chụp ảnh với bác.

Và còn xúc động hơn là khi bác bước ra với quân phục chỉnh tề, tay cầm cuốn luận văn trao cho chị và nói: Cháu cầm lại cuốn luận văn rồi tặng bác để chụp ảnh kỷ niệm. Sau bức ảnh chụp chung giữa hai bác cháu, bác gọi đồng chí Đinh Hữu Cường, lúc đó là Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Đặng Phúc Duệ, Phó Văn phòng UBND tỉnh cùng chụp ảnh và nói: Cháu Lan viết luận văn cừ lắm, nên viết về Quảng Bình như thế. Lúc đó, trong lòng chị trào dâng bao cảm xúc.

Đọc nhiều báo, xem phim, nghiên cứu sách vở, tư liệu, chị vẫn biết Đại tướng của chúng ta là người giản dị bao dung nhưng khi được ở bên bác, chị mới cảm nhận được hết. Bên chị lúc ấy là một người cha thực sự, ánh mắt trìu mến, nụ cười đôn hậu và chị cố nén niềm xúc động rồi ôm lấy bác trong niềm hạnh phúc như đứa trẻ lâu ngày mới gặp lại cha mình.

Kể từ khi nhận được tin bác mất, chị Lan cũng như bao người khác luôn tất bật trong rất nhiều công việc để chuẩn bị cho tang lễ của bác được tổ chức chu đáo, trọn vẹn tại quê nhà. Và không lúc nào trong lòng chị vơi đi nỗi buồn. Hình ảnh bác cầm trong tay cuốn luận văn chị tặng hay khi bác đứng trên thuyền xuôi theo dòng Kiến Giang nghe hò khoan Lệ Thủy cứ vướng vấn trong tâm trí chị. Chị cứ tự hỏi: “Bác ơi, sao không về nghe lại hò khoan?” và chỉ có sự im lặng đến nao lòng.

Nhật Văn