.

Những ấn tượng khó quên

Chủ Nhật, 20/10/2013, 06:48 [GMT+7]

(QBĐT) - Tôi có may mắn từ lúc thoát li đến lúc về nghỉ hưu đến nay rất nhiều lần được gặp Đại tướng. Trong đó lần đầu tiên tôi làm Thường trực Huyện đoàn Lệ Thủy năm 1959, cũng là lần thứ nhất tôi được gặp Đại tướng về thăm huyện nhà. Lần cuối tôi cùng các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh nhân chuyến tham quan Hà Nội viếng lăng Bác đã đến thăm Đại tướng tại nhà riêng 30 Hoàng Diệu vào ngày 30-3-2009.

Hầu hết những lần về thăm Quảng Bình, Đại tướng đều dành thời gian từ 1 đến 2 ngày thăm nhà tại An Xá, gặp gỡ thăm hỏi bà con thân thích và làng xóm lân cận. Tôi nhớ năm 1983, khi Đại tướng và gia đình về thăm nhà, Ban tổ chức đón tiếp của huyện nặng về phương án bảo vệ an ninh vòng ngoài mà không lường hết tình cảm bà con làng xóm, người đến thăm khá đông nên một số khách khi đến thăm không có chỗ ngồi phải đứng, trong đó có tôi.

Đang loay hoay tìm ghế thì Đại tướng bảo tôi ngồi vào ghế của Đại tướng, quá cảm động nên tôi từ chối, trân trọng mời Đại tướng ngồi. Lúc này Đại tướng thân mật nắm bàn tay tôi và nói khẽ rằng: "Ở trên huyện thì anh là chủ, còn ở đây tôi là chủ, còn anh là khách nên mời anh ngồi...". Lúc này tôi vâng lời Đại tướng và ngồi vào ghế nhưng cảm phục cách ứng xử kịp thời, linh hoạt của Đại tướng. Đại tướng chuyện trò hỏi thăm sức khỏe, sản xuất và đời sống của bà con, nhất là hỏi thăm khá cặn kẽ đối với các cụ cao tuổi, nhắc lại những kỷ niệm xa xưa thời thơ ấu. Buổi tiếp xúc tối hôm ấy diễn ra đầm ấm, tươi vui và thân tình cởi mở...

Một trong những kỷ niệm sâu sắc nhất không sao quên được nữa là cũng vào dịp Đại tướng về thăm quê trong những ngày xuân 1983. Sau buổi làm việc với Huyện ủy, tôi và đồng chí Trần Đức Triển lúc ấy là Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Lệ Ninh ngồi nán lại xin tiếp chuyện riêng với Đại tướng, mở lời hỏi thăm sức khỏe của Đại tướng và mạnh dạn hỏi rằng: "Vừa qua chung tôi nghe tin Trung ương phân công Anh giữ chức Phó Thủ tướng phụ trách khoa học... phải không Anh?".

Đại tướng ôn tồn nhỏ nhẹ nói rằng: "Mình là đảng viên, dù Đảng phân công công việc gì mà làm tốt thì đều vẻ vang cả". Chúng tôi ngồi lặng im và cảm thấy rất thấm thía trong tim can về tư tưởng, đạo đức cách mạng của Bác Hồ mà Đại tướng là người học trò xuất sắc của Người.

Trần Dzụ

Mãi mãi tạc dạ lời Đại tướng

"Đại tướng là một người vĩ đại. Tình cảm của ông luôn luôn dành cho đồng bào và chiến sĩ cả nước. Riêng đối với Cự Nẫm - làng chiến đấu xưa, ông đã dành tình cảm đặc biệt: Tháng 3-1948, trên đường từ miền Nam ra Bắc, qua đèo U Bò đi qua chiến khu Ba Lòng, Bồng Lai (Hưng Trạch), ông đã gặp bà con Cự Nẫm sau mấy trận đánh Pháp đã lui về tuyến sau chuẩn bị lực lượng tại khu rừng Bồng Lai. Tại đây ông và một số cán bộ chiến sĩ quân đội đã hỏi thăm nhân dân tình hình chiến đấu diệt giặc và đã tặng cho đồng bào hơn 50 kg gạo và 5 kg muối giữa núi rừng Trường Sơn bạt ngàn.

Sau này với cương vị Đại tướng, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó Thủ tướng Chính phủ), ông đã về thăm Cự Nẫm 5 lần trong thời kỳ chiến tranh và hòa bình. Nhờ sự động viên cổ vũ của ông, Đảng bộ và nhân dân Cự Nẫm đã không ngừng phấn đấu xây dựng "Làng chiến đấu kiểu mẫu" trong thời kháng chiến chống Pháp và xã anh hùng trong thời chống Mỹ, hợp tác xã anh hùng thời kỳ xây dựng CNXH.

Gần đây, vào tháng 01-2008, nhân dịp Đảng bộ xã có chủ trương viết lịch sử Đảng bộ giai đoạn 1945-2005, Đại tướng có thư như sau: "Cự Nẫm là một hình thức tổ chức chiến đấu của làng, xã xuất hiện đầu tiên ở tỉnh Quảng Bình và trong cả nước, một đỉnh cao phát huy sức mạnh toàn dân đánh giặc của chiến tranh nhân dân trong thời đại Hồ Chí Minh.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Cự Nẫm đã trở thành "Làng chiến đấu kiểu mẫu".
Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Cụ Nẫm đã được Bác Hồ khen tặng là đơn vị "Sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi", được Nhà nước tuyên dương "Hợp tác xã anh hùng nông nghiệp", đơn vị "Anh hùng lực lượng vũ trang". Trong thời kỳ đổi mới, Cự Nẫm tiếp tục xây dựng quê hương giàu mạnh... Tôi chúc Đảng bộ và đồng bào Cự Nẫm tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của mình, đoàn kết xây dựng Cự Nẫm trở thành "xã kiểu mẫu" của tỉnh Quảng Bình trong thời kỳ đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh".

Ngày và đêm 18-01-2008, người dân Cự Nẫm sung sướng vui mừng đón thư Đại tướng từ Hà Nội gửi về trong bầu không khí tự hào, phấn chấn như trực tiếp được đón Đại tướng. Đã biết quy luật cuộc đời rất khắc nghiệt: "Sinh-lão-bệnh-tử", Đại tướng tuổi đã cao, nhưng khi nhận được tin ông từ trần, dân làng quê tôi (từ trẻ em đến cụ già) ai nấy đều thương tiếc, nhiều người khóc òa khi nghe tin và lập bàn thờ Đại tướng tại gia đình mình.

Thời gian này quê tôi bị cơn bão số 10 gây nên bao tai họa, xóm làng xơ xác, điện lưới bị hỏng nặng, các phương tiện nghe nhìn không thể sử dụng. Rất may gia đình tôi đang còn chiếc radio cũ chạy bằng pin - Biết tôi có đài, quanh xóm hàng chục người tụ tập nghe thông tin về diễn biến lễ tang Đại tướng qua các chương trình của Đài tiếng nói Việt Nam.

Cả nước đau thương, Quảng Bình đau thương, riêng quê tôi có những kỷ niệm đặc biệt đối với Đại tướng lại càng đau thương gấp bội.

Nguyễn Hữu Phi
Cán bộ nghỉ hưu 73 tuổi,
Cự Nẫm, Bố Trạch