.

Báu vật của làng

.
19:03, Thứ Bảy, 16/02/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Cứ mỗi dịp xuân về, Tết đến, cụ Cao Xuân Các, 80 tuổi ở thôn Vân Lôi, xã Quảng Hải, huyện Quảng Trạch lại chọn một ngày nắng ráo để đem báu vật của gia đình, dòng tộc ra phơi. Báu vật chính là 18 đạo sắc phong của triều Nguyễn ban cho làng Vân Lôi xưa, xã Quảng Hải bây giờ. Khoảng sân nhỏ trước nhà cụ Các, màu vàng của những đạo sắc phong vàng rực hòa cùng màu nắng...

Báu vật của làng

“Ô Châu cận lục”, cuốn lịch sử- địa lý của tiến sỹ Dương Văn An (1514- không rõ) hiệu Tỉnh Phú, một người con ưu tú của làng Tuy Lộc, nay thuộc xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy có đề cập đến làng Vân Lôi xưa, xã Quảng Hải bây giờ. “Ô châu cận lục” được viết vào năm 1554, xét theo mốc thời gian, thì làng Vân Lôi có trước khi “Ô châu cận lục” ra đời, trên 450 năm.

“Nhất cận thị. Nhị cận giang”, theo quan niệm của người xưa mỗi lần di dân đi lập làng mới thì Vân Lôi hội đủ các yếu tố này. Làng nằm giữa hai nhánh sông Gianh vừa là vựa cá tôm trời cho vừa trở thành lối thông thương, buôn bán với những địa phương khác khi đường bộ chưa phát triển như bây giờ.

Các cụ cao niên kể rằng: làng Vân Lôi nhanh chóng trở nên trù phú, khách thương trên thuyền, dưới bến tấp nập. Làng có một ngôi đình to, làm nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của người dân. Đình cũng là nơi cất giữ những tài sản quý của cộng đồng.

Một trong 18 đạo sắc phong triều Nguyễn.
Một trong 18 đạo sắc phong triều Nguyễn.

Trong kháng chiến chống Pháp, đình Vân Lôi bị đốt cháy, theo thời gian, đình làng chỉ còn là sự hoài cổ. Những báu vật của làng không nơi cất giữ trôi nổi mỗi thứ một nơi. Theo các cụ cao niên, trước đây làng có 3 chiếc kiệu đầu rồng sơn son thiếp vàng làm bằng gỗ vàng tim do vua ban cho ba dòng họ lớn tại làng; 16 đạo sắc phong dưới triều Lê, 18 đạo sắc phong triều Nguyễn... Bây giờ, may mắn thay nơi gia đình cụ Cao Xuân Các vẫn còn giữ được 18 đạo sắc phong triều Nguyễn và chiếc kiệu gỗ vàng tim.

Ngày chúng tôi tìm về xã Quảng Hải nhằm lúc tiết trời nắng ráo. Biết ý định của chúng tôi, cụ Các vui vẻ chấp thuận. Mặc áo quần chỉnh tề xong, cụ Các trèo lên phía chái nhà bên trái nơi thấp thoáng hình hài chiếc kiệu xưa kia nay xám mốc lại theo thời gian. Chưa hết một tuần trà đã thấy cụ Các ôm xuống một chiếc tráp.

Cụ hỉ hả: “May mắn ngày ni nắng đẹp. Cho các cháu xem, luôn tiện đem phơi. Năm mô cũng vậy, cứ mỗi độ xuân về, Tết đến, cả nhà cũng đều mang ra phơi nắng, sợ bị hư hỏng”. Khoảng sân nhỏ trước nhà, chúng tôi cùng cụ Các bày những đạo sắc phong ra phơi, màu vàng của những đạo sắc phong vàng rực hòa cùng màu nắng, nét chữ Hán xưa đẹp như rồng bay phượng múa.

Những đạo sắc phong màu vàng, chữ Hán viết trên nền giấy dó, những bức có tuổi đời ít nhất được vua Khải Định (1916- 1925) ban cũng gần tròn trăm năm. Thời gian, biến cố thăng trầm của một vùng quê vốn nhiều thiên tai như Quảng Hải không làm phai đi thần thái từng đạo sắc phong các vua triều Nguyễn ban tặng. Cụ Cao Xuân Các bảo rằng: cụ cất giữ những đạo sắc phong này trên 30 năm, nội dung thì chữ được chữ mất. Những năm trước mùa màng thất bát, thiên tai liên miên, biết cụ có đồ gia bảo, nhiều người buôn đồ cổ tìm đến đòi mua nhưng cụ kiên quyết không bán. “Giữ lại cho làng, cho dòng tộc, cho gia đình là trách nhiệm lớn nên làm. Đời mô mà ông đem bán đi”- cụ Các cười phúc hậu.

Chiếc kiệu đầu rồng duy nhất còn lại tại gia đình cụ Các.
Chiếc kiệu đầu rồng duy nhất còn lại tại gia đình cụ Các.

Cần có cách tiếp cận thấu đáo

Ông Hoàng Gia Hy, một nhà Hán học có tiếng ở phường Đức Ninh Đông, thành phố Đồng Hới khẳng định như vậy khi được chúng tôi cho xem nội dung của 18 sắc phong triều Nguyễn. Trong 18 đạo sắc phong này theo trình tự thời gian qua các đời vua Nguyễn thì vua Tự Đức (1820- 1840) ban 5 đạo; vua Đồng Khánh (1885- 1889) ban 2 đạo; vua Thành Thái (1889- 1907) ban 2 đạo; vua Duy Tân (1907- 1916) ban 2 đạo và vua Khải Định (1916- 1925) có số sắc phong nhiều nhất, 7 đạo.

Ông Hoàng Gia Hy giảng giải thêm: “Nếu để hiểu tường tận hết 18 đạo sắc phong này thì cần phải có thời gian và các cứ liệu lịch sử liên quan. Còn trong ngày một ngày hai thì khó lắm”. Ông dịch cho chúng tôi một đạo sắc phong của vua Khải Định, nội dung như sau: “Khải Định năm thứ 7 sắc phong. Quảng Bình tỉnh, Quảng Trạch phủ, Vân Lôi xã. Tùng tiền phụng sự Kỷ Mùi khóa tiến sỹ, Thi Vận tướng quân.

Cụ Các đang trân trọng đem phơi 18 đạo sắc phong.
Cụ Các đang trân trọng đem phơi 18 đạo sắc phong.

Tùy giang vân trung tôn thần. Nguyên tặng hiệt văn chương tiết phương các vọng. Rực bảo trung hưng thượng đẳng thần. Hộ quốc trị dân, nậm tước linh ứng tiết mông. Ban cấp sắc phong chuẩn hứa phụng sự tử kim chính trực trẫm tứ tuần đại khánh. Tiết kinh bang bao chiêu đàm ân lễ long đăng trật tước gia tặng. Vi thượng đẳng thần đặc chuẩn phụng sự dụng chí quốc khánh tự điển khâm thử” (Sơ lược nội dung rằng: nhân dịp trẫm 40 tuổi nay xuống chiếu chuẩn y việc thờ phụng Thi Vận tướng quân là người có công hộ quốc, an dân. Phong ngài từ tước trung tôn thần lên thượng đẳng thần).

Trở lại với vùng đất Quảng Hải, làng Vân Lôi xưa nay đang thay da đổi thịt từng ngày. Cầu Quảng Hải như chiếc đòn gánh cong cong hai đầu nối Quảng Hải với thị trấn Ba Đồn, trung tâm kinh tế- chính trị của huyện Quảng Trạch; nối Quảng Hải với vùng nam trù phú, giàu tiềm năng. Người Quảng Hải hồn hậu, dung dị, sống “dĩ hòa vi quý” với thiên nhiên, biết trọng những gì thiên nhiên ban tặng để từ đó phát huy nội lực xây dựng cuộc sống no ấm trên con đường đổi mới.

Chiều về trên vùng quê Quảng Hải an bình khi chúng tôi cùng cụ Cao Xuân Các trân trọng xếp từng đạo sắc phong vào chiếc tráp nhỏ. Rồi đây sẽ có các ngành chức năng đến để nghiên cứu thấu đáo 18 đạo sắc phong gia đình cụ đang cất giữ, để những giá trị văn hóa, tâm linh mãi mãi trường tồn trong dòng chảy văn hóa chung của quê hương, đất nước.

                                                            Ngô Thanh Long





 

,